Tội phạm mua bán người: Muốn chống, phải đẩy mạnh phòng

ANTĐ - Hơn 6 năm thực hiện Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm mua bán người (MBN) (từ năm 2005 đến nay), lực lượng công an phối hợp với Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã điều tra, khám phá 2.214 vụ mua bán người, bắt 3.578 đối tượng.

Công an Việt Nam phổ biến thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người

đến những người dân vùng biên giới

Chủ động tấn công

Phân tích của Tổng cục Cảnh sát PCTP - Bộ Công an cho thấy, đối tượng phạm tội MBN chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự. Bên cạnh đó, một số đối tượng người nước ngoài đã lợi dụng chính sách mở cửa, nhập cảnh vào Việt Nam để cấu kết với các đối tượng trong nước hình thành những đường dây MBN xuyên quốc gia. Mặt khác, một số phụ nữ, trẻ em từng là nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài làm gái mại dâm, hoặc lấy “chồng ngoại”, khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán phụ nữ, trẻ em, kể cả người thân trong gia đình. Ngoài ra, cũng có một số đối tượng chưa tiền án, tiền sự, song lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới, hoặc kinh doanh các dịch vụ cắt tóc, massage, gội đầu, nhà hàng, quán trọ ở dọc biên giới, do thông thuộc địa hình nên đã lừa phụ nữ, trẻ em Việt Nam bán ra nước ngoài.

Trước tình hình phức tạp về hoạt động của tội phạm MBN, Tổng cục Cảnh sát PCTP đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tập trung tấn công mạnh loại tội phạm này. Bằng việc liên tiếp mở nhiều đợt cao điểm tấn công tội phạm MBN, công an nhiều địa phương trong cả nước đã phát hiện, bóc dỡ nhiều ổ nhóm tội phạm “buôn người” xuyên quốc gia. Đại tá Nguyễn Đức Chung - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết: “Chỉ tính riêng năm 2011, CATP Hà Nội đã phát hiện, điều tra khám phá 11 vụ MBN, bắt 30 đối tượng. Các đối tượng phạm tội đã dùng mọi thủ đoạn tinh vi và thông qua mạng internet để dụ dỗ, lừa gạt bán 19 phụ nữ, 5 trẻ em sang Trung Quốc”. Trong chuyên án Vũ Văn Ca, SN 1989, trú tại tỉnh Hải Dương, cùng đồng bọn dụ dỗ, lừa gạt bán nhiều nữ sinh sang Trung Quốc, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã làm rõ Ca cấu kết với một số đối tượng ở Hà Nội, thông qua mạng internet làm quen với các nữ sinh THCS và THPT nhẹ dạ, ham chơi, thiếu sự quản lý giáo dục của gia đình để rủ đi chơi, rồi lừa, ép lên Lào Cai bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm.

Cùng với CATP Hà Nội, mới đây CATP Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lý gần 100 vụ với hơn 300 đối tượng tổ chức môi giới hôn nhân trái pháp luật cho một số người Đài Bắc - Trung Quốc và Hàn Quốc. Trước đó, Cục CSHS - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh và CATP Hồ Chí Minh, lực lượng An ninh sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện, triệt phá đường dây tội phạm MBN xuyên quốc gia do Nguyễn Thị Yến, trú tại quận 5, TP Hồ Chí Minh cầm đầu. Nhóm tội phạm này đã lừa gạt và đưa trót lọt trên 700 phụ nữ ở các tỉnh, thành phố phía Nam bán ra nước ngoài làm vợ. Cũng tại thời điểm này, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với lực lượng An ninh Hàng không và CATP Hồ Chí Minh khám phá chuyên án MBN, bắt 17 đối tượng trong đó có 7 người Trung Quốc đã lừa gạt, đưa 39 phụ nữ Việt Nam bán sang Trung Quốc ép làm vợ người nước ngoài.

Trao đổi kế hoạch phối hợp đấu tranh, phòng ngừa hoạt động

của tội phạm mua bán người ở khu vực biên giới

Tích cực phòng ngừa

Song song với công tác phát hiện, điều tra trấn áp mạnh hoạt động của tội phạm MBN, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng được Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện Chương trình 130/CP của Chính phủ phối hợp thực hiện rất nghiêm túc. Bước đột phá trong công tác phòng ngừa loại tội phạm này chính là việc Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Phòng, chống buôn bán người.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 130/CP đã chỉ đạo lực lượng công an làm nòng cốt, phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các ngành có liên quan tổ chức tổng điều tra, rà soát tội phạm, xác định 51 tuyến, 182 địa bàn trọng điểm thường diễn ra hoạt động MBN xuyên quốc gia; lập danh sách đưa vào diện chú ý theo dõi 5.000 đối tượng có dấu hiệu hoạt động MBN và 9.000 nạn nhân bị bán ra nước ngoài; phụ nữ, trẻ em vắng mặt khỏi nơi cư trú lâu ngày, nghi liên quan đến các vụ MBN, cùng với hàng nghìn trẻ em, phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài và cho làm con nuôi người nước ngoài.

Mặt khác, Tổng cục Cảnh sát PCTP - Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư lệnh, Bộ đội Biên phòng đã thường xuyên thu thập tài liệu, bổ sung hồ sơ các tuyến biên giới, địa bàn ngoại biên, điều tra cơ bản địa bàn nội địa, qua đó xác định 115 xã nội biên có nạn MBN, trên 6.000 phụ nữ đi khỏi nơi cư trú nghi là nạn nhân trong các vụ MBN và dựng được 250 đường dây tội phạm dạng này để theo dõi, kịp thời có đối sách xử lý. Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia, tại các tỉnh biên giới giáp Việt Nam kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” ở khu vực biên giới để phát hiện các đối tượng phạm tội.

Phòng, chống MBN là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống các loại tội phạm của lực lượng Công an Việt Nam. Giải pháp quan trọng nhất là phải đặt mục tiêu công tác phòng ngừa chung đối với các nước, đặc biệt là các quốc gia có vùng biên giới dài, hiểm trở. Bên cạnh đó, thường xuyên học tập, trao đổi kinh nghiệm phòng chống tội phạm MBN giữa các quốc gia với nhau để cùng rút kinh nghiệm, từ đó đưa ra lộ trình giải quyết tốt nhất.