Thầy giáo Hà Nội trên đất thép Củ Chi

ANTĐ - Phạm Văn Thư, bạn học ĐH Sư phạm Hà Nội với tôi, dạy được hơn 3 năm thì được chọn đi B. Ngày 5-1-1966, trong ba lô, ngoài quần áo tư trang, bông băng, thuốc cá nhân, sách, sổ tay, giấy viết, còn có 1kg thịt rang khô, 1kg mắm ruốc, 0,5kg mì chính, muối, đèn, 3 đôi pin, bật lửa, ba tờ 500 tiền Sài Gòn. Bên sườn còn phải đeo bi đông, dao găm. Nhóm 3 người 1 khẩu CKC hoặc K44. Sau 4 tháng rưỡi vượt Trường Sơn đến R (căn cứ Trung ương Cục ở Tây Ninh), anh được điều về Tiểu ban Giáo dục đặc khu Sài Gòn-Gia Định mật danh là FK1 (phân khu 1). 

Thầy giáo Hà Nội trên đất thép Củ Chi ảnh 1Lớp học thời chiến ở Củ Chi (Ảnh tư liệu)

Nói là Tiểu ban giáo dục, nhưng thầy giáo dạy văn - từ nay có biệt danh là Tư Sơn (viết báo lấy bút danh khi là Bắc Sơn, khi là Nam Sơn) làm bất kỳ việc gì tổ chức giao, kể cả tuyên truyền vận động bà con thực hiện các chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Muốn vận động có kết quả thì phải cùng làm với bà con, mà công việc vô cùng khó nhọc, vất vả là đào hầm giao thông.

Thời chống Mỹ, pháo đài bay B52 rải bom như vãi trấu nên phải có hầm sâu thông với nhau thành đường đi trong lòng đất, không phải chỉ để tránh bom đạn mà còn là nơi hội họp, không phải chỉ một tầng mà đến hai tầng hầm. Tôi đã chui xuống địa đạo Vịnh Mốc ở Vĩnh Linh, đã chui xuống địa đạo Củ Chi, nghe Thư kể việc anh cùng bà con đào mới phục. 

Trước tiên phải vẽ sơ đồ trên giấy rồi mới vẽ trên thực địa. Mỗi người phụ trách mở một miệng địa đạo. Ở điểm ấy, anh phải đào lấy hết lớp đất màu phía trên đi gom lại thành đống, rồi mới đào sâu xuống 4 m. Từ đáy hố 4m ấy mới đào ngang sang để nối các đáy miệng đã mở với nhau thành địa đạo. Đất cứng phía dưới sẽ được rải đều trên mặt đất, sau đó mới rải đất màu lên để ngụy trang. Khi các đáy miệng địa đạo đã nối với nhau, phải dùng những đoạn tre cứng để làm trần hầm, để lại đổ đất cứng đã đào lên, lèn cho chặt đến mức không bị lún sụt khi mưa to và phải chịu được xe M113, xe tăng lăn bánh xích qua, trả lại nguyên trạng như trước khi đào, phủ đất màu lên, xóa sạch dấu vết.

Thầy giáo Hà Nội trên đất thép Củ Chi ảnh 2

Thế sao không dùng nó làm luôn đường xuống, đường lên? Thư giải thích, cả cửa vào hầm, cửa ra, lỗ thông hơi đều phải làm ở vị trí khác, hoàn toàn bí mật. Dĩ nhiên sơ đồ trên giấy đã phải bí mật rồi, cửa vào, cửa ra, lỗ thông hơi càng phải bí mật. Trong 10 năm, anh đã chịu 2 chiến dịch lớn là Maháttan và Siđaphôn của địch càn quét xunh quanh vùng ven Sài Gòn, mà Củ Chi là một cửa ngõ quan trọng quân ta thâm nhập vào thành phố nên bị chà xát hàng tháng. Máy bay trên đầu chỉ điểm cho biệt kích lùng sục trong rừng, ven sông Sài Gòn. Lính thủy đánh bộ nhăm nhăm tuần tra, kiểm soát, hoặc phục kích ở đâu đó, rình bắt cán bộ ta vượt sông, nhất là từ Bến Dược sang bến Súc và ngược lại. Thế nên bây giờ mới có đền Bến Dược thờ các anh hùng liệt sĩ.

Thư đã mấy lần phải vượt sông bằng phao tự tạo làm bằng hai ống quần buộc chặt thổi đầy hơi. Bom đạn địch rải đến nỗi, giờ vốc nắm đất trên tay, không nắm nào, không lần nào là không có mảnh bom đạn. Không có thần kinh thép không trụ được trên Đất thép Củ Chi. Thư được đồng chí, đồng bào khen là chịu chơi, là lì lắm. Thư cũng bỏm bẻm nhai trầu, quần áo bà ba như một nông dân thực thụ, đề phòng đi công tác một mình mà thằng cá rô (trực thăng OH6) phát hiện ra, xà xuống thấp nhìn rõ mặt mình, thậm chí đỗ hẳn xuống, bắt mình lật áo lên xem, có vận súng, lựu đạn không. Đã có lần anh bị phát hiện, chạy thoát vào rừng, nó phóng rốc két theo, hai mảnh găm vào người máu chảy đầm đìa. Giờ vẫn còn một mảnh trong bắp tay, tức là trong người anh thương binh thép này vẫn còn thép thật. Các má thương Tư Sơn hơn cả con ruột, đến nỗi mấy anh con đẻ phải ghen tị. Các má bảo: “Ba má anh em nó ở cả ngoải, nó chỉ một mình vào đây, phải được tao thương hơn bay chớ”. Không chỉ một má, mà mấy má và cả đồng chí trong cơ quan gợi ý anh làm con rể ở đây thôi.

Thư cũng nghĩ nhiều về chuyện ấy. Không chỉ một lần, không chỉ một người anh từng muốn gắn bó. Nhưng… bom đạn giặc rình rập, công việc thời chiến, mình còn chưa chịu thấu, nói chi đến vợ con. Nếu lấy vợ là đồng nghiệp, sinh con ở rừng, nuôi con sẽ rất vất vả, không thể rảnh tay cho công tác. Sau giải phóng, về Hà Nội, Thư mới lập gia đình khi đã 37 tuổi, là người lấy vợ muộn nhất khóa tôi. 5 năm công tác tuyên giáo, rồi cuối cùng lại trở về trên cương vị Hiệu trưởng trường THPT Yên Viên cho đến lúc nghỉ hưu! Gặp lại, nói dăm ba câu chuyện, anh lấy trong ví ra tấm ảnh chụp năm 1968 trong một chuyến công tác ra vùng ven cho tôi xem.

Trong đời, đấy là quãng đời đẹp nhất của anh mà tôi phục lăn.