Liên kết trồng cao su ở Công ty Nam Nung (Đắc Nông):

Rừng cao su "chảy máu"

ANTĐ - Từ giữa năm 2011 đến nay, tại địa bàn các xã Nâm N’đir và Nam Nung, huyện Krông Nô (Đắc Nông) xảy ra tình trạng một số hộ dân tổ chức bao chiếm vườn cây, ngang nhiên khai thác mủ cao su và chặt phá rừng nguyên liệu của Công ty TNHH-MTV Nam Nung (gọi tắt là Công ty Nam Nung), gây thiệt hại về tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng.

Công ty Nam Nung có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 9 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. Từ năm 1995 đến 2005, ngoài nhiệm vụ bảo vệ rừng, Công ty Nam Nung tiến hành trồng cao su và trồng rừng nguyên liệu trên diện tích lâm nghiệp. Tính đến tháng 2-2012 này, Công ty Nam Nung đã đầu tư trồng được 1.400 ha cao su và 600 ha rừng nguyên liệu, chủ yếu là cây xoan; hiện đã có 600 ha cao su vào thời kỳ kinh doanh, đang cho khai thác mủ.

Thực hiện Quyết định số 1865/QĐ-UBND, ngày 24-11-2010 của UBND tỉnh Đắc Nông về “Phê duyệt phương án giao khoán vườn cây cao su của Công ty Nam Nung”. Quyết định này cho phép Công ty Nam Nung ký kết hợp đồng giao khoán vườn cao su với các hộ dân trên địa bàn. Về phương thức hưởng lợi, quyết định ghi rõ: “Hằng năm, bên nhận khoán giao nộp cho bên giao khoán sản phẩm mủ cao su đông cục theo sản lượng giao khoán, phía công ty hưởng lợi 70%, bên nhận khoán hưởng 30%. Đối với sản phẩm vượt khoán, bên nhận khoán hưởng 100%”.

 Diện tích rừng nguyên liệu bị chặt phá
 Diện tích rừng nguyên liệu bị chặt phá

 Diện tích rừng nguyên liệu bị chặt phá

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Kiều Văn Tài, Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng Công ty Nam Nung cho biết: Thực hiện phương án giao khoán vườn cây cao su đã được UBND tỉnh Đắc Nông phê duyệt, Công ty Nam Nung đã thoả thuận và ký kết hợp đồng kinh tế, giao khoán gần 70 ha cao su cho 42 hộ dân buôn Đắk Prí, xã Nâm N’Đir. Và thời kỳ vườn cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, Công ty Nam Nung đã hỗ trợ 42 hộ hộ nhận khoán số tiền 240 triệu đồng để bà con ổn định đời sống, yên tâm chăm sóc vườn cây.

Nhưng từ giữa năm 2011 đến nay, do một số đối tượng xấu xúi giục, các hộ nhận khoán đã đơn phương phá vỡ hợp đồng đã ký kết, tổ chức lực lượng (gồm cả các hộ dân trên địa bàn, và một số hộ từ nơi khác đến) bao chiếm vườn cây, khai thác mủ cao su một cách vô tội vạ, sản phẩm thu được không giao nộp cho công ty mà bán cho các đầu nậu ngoài thị trường tự do, gây thiệt hại cho công ty Nam Nung hàng tỷ đồng. Theo tổng hợp, và tính toán sơ bộ, đến đầu tháng 2-2012, diện tích vườn cao su của Công ty Nam Nung bị bao chiếm, khai thác mủ trái phép lên đến 229,68 ha, gây thiệt hại về kinh tế khoảng 6 tỷ đồng.

 Những hộ bao chiếm vườn cao su thuê nhân công khai thác mủ với thù lao 300 nghìn đồng/người/ngày đêm

 Những hộ bao chiếm vườn cao su thuê nhân công khai thác mủ với thù lao 300 nghìn đồng/người/ngày đêm

Ngày 15-2-2012, chúng tôi cùng một số cán bộ của Công ty Nam Nung đi thực địa tại tiểu khu 1289, tận mắt thấy vườn cao su của công ty bị các hộ dân bao chiếm và khai thác theo kiểu “tàn phá”. Hơn 229 ha ca su người dân bao chiếm đã và đang bị khai thác vô tội vạ không theo chu kỳ, không đúng kỹ thuật. Với mục đích khai thác được nhiều mủ, các hộ dân đã mở nhiều miệng, khắp xung quanh thân cây cao su; tiến hành khai thác suốt ngày đêm, khai thác cả những cây cao su trong mùa rụng lá gây tác động tiêu cực đến chu kỳ sinh trưởng của vườn cây.

Cũng theo phản ánh của lãnh đạo Công ty Nam Nung, mặc dù vườn cao su bị bao chiếm, nhưng công ty vẫn phải bố trí nhân công để chăm sóc như phát quang chống cháy, bón phân, tỉa cành để giữ vườn cây. Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, sau khi bao chiếm vườn cao su, các hộ dân đã tự ý bán vườn cây theo tháng, với giá 30-40 triệu đồng/ha trong thời gian 1 tháng.

Theo tính toán 1 ha cao su mỗi ngày cho khai thác 60-100kg mủ, sẽ thu được 1,5-2 triệu đồng; như vậy một tháng mỗi ha cao su cho thu 45-60 triệu đồng. Anh Đức Vũ, người dân xã Đắc Rồ, được một hộ dân bao chiếm vườn cây thuê khai thác mủ cho biết: “Em được trả công mỗi ngày đêm 300 nghìn đồng để khai thác mủ trong vườn cao su có diệnt ích 2 ha”.

 Vườn cao su bị bao chiếm và cạo mủ không đúng kỹ thuật tại tiểu khu 1289
 Vườn cao su bị bao chiếm và cạo mủ không đúng kỹ thuật tại tiểu khu 1289

Vườn cao su bị bao chiếm và cạo mủ không đúng kỹ thuật tại tiểu khu 1289 

Thực tế này cho thấy, việc tổ chức bao chiếm, khai thác trái phép vườn cao su ở Công ty Nam Nung đã diễn ra khá công khai trong thời gian dài. Thậm chí, khi cán bộ, nhân viên của Công ty Nam Nung tới hiện trường giải thích để bà con hiểu, việc bao chiếm vườn cây là vi hạm hợp đồng kinh thế, vi phạm pháp luật, thì đã bị các đối tượng quá khích hành hung làm 7 người của công ty bị thương.

Không chỉ vườn cao su bị bao chiếm, khai thác mủ vô tội vạ, mà từ tháng 12-2011 đến nay, diện tích rừng nguyên liệu của Công ty Nam Nung tại các tiểu khu 1277, 1289 và 1290 còn bị hàng trăm đối tượng vào chặt phá nhằm lấy đất sản xuất hoặc sang nhượng.

Báo cáo số 03/BC-Cty ngày 2-2-2012 của Công ty Nam Nung về “Tình trạng chặt phá rừng và lấn chiếm rừng nguyên liệu tại công ty” khẳng định: Thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Đắc Nông và Thường trực Huyện ủy Krông Nô, Công ty Nam Nung đã tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát lâm phần, nhất là vùng Dự án trồng rừng nguyên liệu; phối hợp với chính quyền các xã Nâm N’Đir và Nam Nung tổ chức họp dân, tuyên truyền bà con tham gia bảo vệ rừng.

Thế nhưng, tình trạng chặt phá rừng vẫn diễn biến phức tạp nhất là thời điểm đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Tính đến đầu tháng 2-2012, lâm phần công ty quản lý xảy ra 240 vụ vi phạm lâm luật, với 2.409 lượt người tham gia, diện tích rừng nguyên liệu bị phá 186,79 ha, mức độ thiệt hại 100%, thiệt hại về tài sản lên đến hơn 3 tỷ đồng. Tại tiểu khu 1289, chúng tôi thấy những cây xoan có đường kính gốc 15-20cm bị đốn hạ ngổn ngang.

Trước tình trạng trên, từ những kiến nghị của Công ty Nam Nung, ngày 8-12-2011, UBND tỉnh Đắc Nông có Công văn số: 4634/UBND-NN, “Về việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Đắc Nông về giải quyết tranh chấp vườn cây cao su tại Công ty Nam Nung”; ngày 14-12-2011, UBND huyện Krông Nô có Công văn số: 696/UBND-VP, “Về việc chỉ đạo giải quyết tình trạng chặt phá rừng nguyên liệu và lấn chiếm đất dự án của Công ty Nam Nung”. Hiện tại huyện Krông Nô đã thành lập đoàn liên ngành, tiến hành kiểm tra, đề xuất phương án xử lý tình hình phá rừng trồng và bao chiếm vườn cao su tại Công ty Nam Nung.

Qua điều tra vụ việc, chúng tôi cho rằng, hành vi bao chiếm vườn cây, ngang nhiên khai thác mủ cao su và việc lấm chiếm, chặt phá rừng nguyên liệu gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho Công ty Nam Nung của một số hộ dân ở xã Nâm N’Đir và Nam Nung là việc làm vi phạm pháp luật, cần được làm rõ và xử lý nghiêm minh.