Rừng âm u, người lo lắng

(ANTĐ) - Chúng tôi đến Cúc Phương vào buổi trưa nắng, với hình dung nơi đây sẽ đông đúc, nhộn nhịp người tham quan. Song, trái ngược hoàn  toàn với những gì hình dung, nơi đây bao trùm bầu không khí âm u, hoang vắng đến... lạnh người.

Vườn Cúc Phương sau dịch H5N1:

Rừng âm u, người lo lắng

(ANTĐ) - Chúng tôi đến Cúc Phương vào buổi trưa nắng, với hình dung nơi đây sẽ đông đúc, nhộn nhịp người tham quan. Song, trái ngược hoàn  toàn với những gì hình dung, nơi đây bao trùm bầu không khí âm u, hoang vắng đến... lạnh người.

Hoang vắng vùng dịch

Chúng tôi đến Cúc Phương vào buổi trưa nắng, với hình dung nơi đây sẽ đông đúc, nhộn nhịp người tham quan. Song, trái ngược hoàn  toàn với những gì hình dung, nơi đây bao trùm bầu không khí âm u, hoang vắng đến... lạnh người. Lần tìm rồi cũng đến được nơi chăm sóc cầy vằn, từ cổng vào tấm biển chú ý khu vực có dịch, cấm qua lại....

Ngay cạnh cổng, đặt một chậu Virkon để khử trùng, người ra vào đều phải nhúng chân vào dung dịch này để tránh mang virus H5N1 vào và ngược lại. Một cán bộ trung tâm nhắc nhở thêm “Chị nhúng chân vào chậu nước này trước”.

Thấy khách tỏ vẻ không hiểu, người cán bộ trung tâm giải thích “Vì dung dịch Virkon khá đắt (gần 200 nghìn một gói 500gr - PV) nên nhúng vào chậu nước trước để rửa bớt đất cát, sau đó mới nhúng vào dung dịch Virkon cho tiết kiệm”.

Trung tâm bảo tồn thú ăn thịt nhỏ -  vườn Cúc Phương có khá nhiều loài quý hiếm: cầy (cầy vằn, cầy mực, cầy vòi mốc,...), tê tê... Đặc biệt, tại đây, mỗi con cầy vằn đều được đặt tên riêng, có con được đặt tên bởi các em học sinh quanh vùng, có con được đặt tên để nhớ một cán bộ nào đó gắn bó lâu năm với trung tâm...

Khắp nơi đều có biển cảnh báo vùng dịch
Khắp nơi đều có biển cảnh báo vùng dịch

Không khí trong trung tâm cũng không có gì khác, khắp nơi, mỗi cửa chuồng đều được dán một bảng chú ý dịch, một chậu Virkon đặt trước cửa chuồng... Mỗi người ra vào cho ăn, khám bệnh hay xem xét tình hình sức khỏe cho cầy đều phải mang khẩu trang, quần áo, ủng, mặt nạ...

“Khi mang hết những thứ đó vào, trông anh ấy sẽ giống như đang ở phòng nghiên cứu hạt nhân”- một cán bộ ở trung tâm đùa. Đặc biệt, từ sau khi nhận được kết quả xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán thú y  Trung ương thì tinh thần cảnh giác với dịch H5N1 được đẩy lên cao độ.

Anh Trần Quang Phương - Điều phối viên chương trình Bảo tồn thú ăn thịt nhỏ vườn Cúc Phương tâm sự: “Tôi về đây làm đã được 8 năm, từ khi có dịch cúm H5N1 xảy ra tại Việt Nam thì đối với những loài thú tại trung tâm được cảnh giác cao. Năm 2005, cũng đã có 2 con cầy vằn, 2 con voọc chà vá chân đỏ và 1 con culy bị chết.

"Chúng tôi cũng đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, nhưng thật may mắn, kết quả cho âm tính. Lần này, cầy vằn bị chết đúng vào dịp rét đậm, nên ban đầu nghĩ chúng bị lạnh, viêm phổi, cũng đã mổ ra xét nghiệm nhưng không phát hiện gì, tuyệt nhiên không ai nghĩ đến H5N1 xuất hiện”.

Anh Phương tiếp: “Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm cho dương tính với virus H5N1, chúng tôi rất lo lắng. Hàng ngày, các cán bộ của trung tâm thường xuyên tiếp xúc với thú, nếu có khả năng lây được sang người thì khả năng bị nhiễm rất cao. Từ ngày đó, các cán bộ ra vào đều phải khẩu trang, khử trùng bằng Virkon lên quần áo..., rồi khắp trung tâm, hàng tuần đều được phun Virkon một lượt với nồng độ nhẹ”.

Cầy vằn tại vườn Cúc Phương (ảnh Jill Rischbiet)
Cầy vằn tại vườn Cúc Phương (ảnh Jill Rischbiet)

Hoang mang và lo lắng

Đó là tâm trạng của hầu hết các cán bộ đang làm việc tại trung tâm, nơi có dịch H5N1 xảy ra. Phó Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn ĐVHD quý hiếm, Bùi Đăng Phong lo lắng: “Đến giờ, các kết quả nghiên cứu vẫn chưa tìm ra đâu là nguyên nhân khiến cầy vằn bị nhiễm virus H5N1 và khả năng, cơ chế truyền lan như thế nào?

Và, trước khi có đầy đủ thông tin về vấn đề này, chúng tôi vẫn phải cẩn trọng tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học cho cả người và thú”. Vì thế, khi có kết quả xét nghiệm trả lời dương tính, trung tâm cứu hộ đã lấy mẫu của tất cả các con cầy còn lại, đồng thời lấy mẫu của 4 con chim chào mào chết xung quanh khu vực nuôi cầy, 1 con chuột gần chết mang gửi đi xét nghiệm, nhưng tất cả các kết quả trả về đều báo âm tính.

Anh Phương cho biết, cầy vằn là giống thú khá nhạy cảm, chúng ăn khá nhiều và thức ăn cũng không rẻ chút nào. Cầy vằn chủ yếu ăn thịt và hoa quả: thịt bò, giun, châu chấu... Giun (giun đất) phải thuê người đào ở những vùng không sử dụng thuốc sâu. Vốn là người gắn bó với cầy vằn, thời gian hơn 2 năm đã giúp cho anh Phương hiểu tính cách của từng con.

Không cần giở sổ, anh Phương ngồi kể lại từng con bị chết vào ngày nào, với triệu chứng ra sao: “Con đầu tiên, phát bệnh vào đúng 30 Tết, hôm đó trung tâm tổ chức tất niên cho các chuyên gia người nước ngoài. Mỗi con có những biểu hiện bệnh lý khác nhau, con sưng mặt, con sưng cổ..., khởi bệnh và chết chỉ trong vòng 1-2 ngày.

Nhìn chung, cả vườn quốc gia chỉ còn lại 8 con cầy vằn, nên mọi thứ liên quan đến chúng đều được tất cả cán bộ làm việc tại trung tâm cẩn trọng. Thịt bò cho cầy vằn ăn cũng phải luộc chín”. Như để chứng minh cho lời mình nói, anh Phương chỉ lên tấm bảng theo dõi.

Trên đó, ghi chép lại cẩn thận về tất cả những gì liên quan đến biểu hiện của con thú: ăn uống ra sao, thời gian ngủ như thế nào, biểu hiện hàng ngày... “Con cầy mực này bây giờ là quý nhất trong số cầy ở đây, cả vườn Cúc Phương có mỗi con. Thực ra, con này tịch thu được tại một nhà hàng đặc sản ở Bình Định cách đây hơn 1 năm”- anh Phương nói.

Anh Bùi  Đăng Phong cho biết thêm: “Sau khi theo dõi thêm một thời gian nữa để giúp cho việc tìm hiểu, nghiên cứu nguyên nhân dẫn đến việc 4 con cầy vằn lần trước bị nhiễm virus H5N1. Chúng tôi có dự án sẽ thả chúng ra ngoài tự nhiên”. “Nhưng việc này cũng không hề đơn giản, vì lần trước, chúng tôi cũng đã thả hai con cầy vằn ra ngoài tự nhiên nhưng đều không tồn tại được”- anh Phong băn khoăn.

Vườn quốc gia Cúc Phương đã hơn một tháng kể từ khi nhận được thông tin “sét” đánh ấy, khắp nơi luôn trong tình trạng phòng dịch cao. Ai cũng vẫn dè dặt, lo lắng, thận trọng kể cả trong từng lời nói, vì đến giờ câu hỏi nguồn gốc lây bệnh từ đâu vẫn còn nằm trong...  phòng xét nghiệm.

Ngân Tuyền