Rộn ràng Hội đua ngựa Gò Thì Thùng

ANTĐ - Sáng 27-2 (mùng 9 tháng Giêng), tại di tích lịch sử cấp quốc gia địa đạo Gò Thì Thùng (xã vùng cao An Xuân, huyện Tuy An, Phú Yên) tưng bừng diễn ra hội đua ngựa truyền thống, thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến xem.

Mờ sáng, sương mai còn giăng trên khắp nẻo đường, người dân trong vùng đã í ới gọi nhau đến Hội đua ngựa Gò Thì Thùng. Trên những con đường về xã vùng cao An Xuân, từng dòng người, xe cộ náo nức đổ về trường đua đông như trẩy hội. 

Đúng 8h30, đoàn kỵ sĩ và bầy ngựa đua hồi hộp tiến vào, ra mắt một vòng quanh đường đua trong tiếng vỗ tay, reo hò của hàng nghìn khán giả. Tiếng trống khai hội vang lên, những chú ngựa đua băt đầu cất vó, bụi tung mù mịt. Những kỵ sĩ nông dân quanh năm chân lấm tay bùn nằm rạp mình trên lưng thúc ngựa phi nước đại theo tiếng trống hội giục giã.

Rộn ràng Hội đua ngựa Gò Thì Thùng ảnh 1

Hội đua ngựa Gò Thì Thùng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Phú Yên

Là một trong hai lễ hội đua ngựa truyền thống còn tồn tại ở Việt Nam, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng có từ thời Pháp, trở thành hoạt động văn hóa, thể thao được yêu thích tại khu vực miền Trung Tây Nguyên cho đến ngày nay.

Ngựa đua trong lễ hội không vạm vỡ, to cao như trong trường đua, mà là những chú ngựa thồ hàng hóa, nông sản của người dân. Người điều khiển (kỵ sĩ) là những chàng trai nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, chứ không phải là tay đua chuyên nghiệp. 

Rộn ràng Hội đua ngựa Gò Thì Thùng ảnh 2

Cuộc đua gay cấn diễn ra trong tiếng vỗ tay, reo hò của hàng nghìn khán giả

Nằm ở độ cao 440m so với mặt nước biển, Gò Thì Thùng là vùng đồi rộng hàng trăm hecta, tương đối bằng phẳng, khí hậu mát mẻ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là căn cứ cách mạng vững chắc của quân dân Phú Yên. Ngoài hệ thống đường hầm chính và các đường nhánh dài 2km, sâu 5m, địa đạo Gò Thì Thùng còn có hệ thống giao thông hào chằng chịt dài 10km, tạo nên một trận địa liên hoàn, kiên cố. Từ công trình quân sự này, đã làm nên những trận đánh lớn với chiến thắng vang dội trong chiến dịch mùa khô năm 1966.

Rộn ràng Hội đua ngựa Gò Thì Thùng ảnh 3

Người điều khiển (kỵ sĩ) là những chàng trai nông dân quanh năm chân lấm tay bùn

Trong những năm kháng chiến, vùng đất An Xuân trở thành căn cứ cách mạng nên hội đua ngựa không thể duy trì vì hầu hết ngựa của nhân dân đều tham gia tải gạo, muối lên vùng căn cứ nuôi bộ đội. Sau ngày giải phóng đất nước, ngựa lại tiếp tục gắn bó với người dân các xã miền núi thồ nông sản từ nương rẫy về nhà, đến chợ và ngày hội đua ngựa Gò Thì Thùng lại được khôi phục từ đó.