Ô nhiễm từ những lò mổ

(ANTĐ) - Những kênh mương thoát nước trong làng lúc nào cũng đen kịt, bởi chất thải của trâu, bò cùng với rác xả ra từ các lò giết mổ.  Đó là những cảnh tượng đang diễn ra hàng ngày ở làng Bái Đô, xã Tri Thủy, Phú Xuyên, Hà Nội. Cùng với sự phát triển của làng nghề, hàng ngày người dân nơi đây vẫn phải hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường từ những lò giết mổ trâu bò.

Ô nhiễm từ những lò mổ

Bài 1: Sống cùng ô nhiễm

(ANTĐ) - Những kênh mương thoát nước trong làng lúc nào cũng đen kịt, bởi chất thải của trâu, bò cùng với rác xả ra từ các lò giết mổ.  Đó là những cảnh tượng đang diễn ra hàng ngày ở làng Bái Đô, xã Tri Thủy, Phú Xuyên, Hà Nội. Cùng với sự phát triển của làng nghề, hàng ngày người dân nơi đây vẫn phải hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường từ những lò giết mổ trâu bò.

Làng nghề... phát triển

Chúng tôi đến làng Bái Đô, xã Tri Thủy, khi các lò giết mổ trâu bò đang chuẩn bị công việc vào lúc 24h đêm để kịp cho buổi chợ ngày hôm sau. 24h đêm ánh điện đã tỏa sáng ở các gia đình trong làng, tiếng xô, chậu loảng xoảng, cùng với tiếng máy bơm nước ầm ầm như những công trường.

Hàng chục con trâu bò buộc quanh sân để chờ giờ “lên thớt”, những thợ mổ thoăn thoắt đôi bàn tay trong việc đác thịt, lọc xương. Mới 1h sáng nhưng đường làng đã rầm rầm tiếng xe máy của hàng trăm thương lái từ khắp các nơi đổ về để lấy thịt cho buổi chợ ngày hôm sau.

Rất nhiều người dân bức xúc phản ánh với PV khi phải sống cùng sự ô nhiễm
Rất nhiều người dân bức xúc phản ánh
với PV khi phải sống cùng sự ô nhiễm

Làng Bái Đô với 450 hộ dân và hơn 1.600 nhân khẩu, trước đây là một thôn nghèo nhất của xã Tri Thủy, nhưng từ khi làng phát triển nghề giết mổ trâu bò, cuộc sống của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Vào làng Bái Đô việc đếm các ngôi nhà cấp 4 còn khó hơn đếm các ngôi nhà cao tầng.

Nhiều ngôi nhà cao tầng được xây dựng với kiến trúc mang dáng dấp của những đô thị lớn. Đây là những dấu hiệu cho thấy kinh tế của một vùng quê đang được đổi thay rõ rệt. Ông Nguyễn Phú Kỳ - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Thủy cho biết: “Từ khi phát triển nghề giết mổ trâu, bò, Bái Đô đã vươn lên là một thôn giàu nhất xã. Cả làng có hơn 50 lò giết mổ lớn, nhỏ với hàng trăm con trâu, bò được giết mỗi ngày. Những lò mổ lớn mỗi đêm họ làm khoảng 10 con, còn lò nhỏ thì 5-7 con”.

Từ khi làng Bái Đô có nghề giết mổ trâu, bò thanh niên trong làng cũng không phải đi làm ăn xa, nhà nào có vốn thì mở lò mổ, còn gia đình nào không có vốn thì đi mổ thuê. Thu nhập bình quân cho mỗi lao động từ 1,5-2 triệu/tháng, vào những tháng giáp Tết hoặc vào các dịp lễ lớn thì thu nhập còn cao hơn nhiều.

...Môi trường ô nhiễm

Hầu hết các lò mổ trâu, bò ở Bái Đô đều là những lò mổ thủ công. Chính vì vậy việc đảm bảo vệ sinh môi trường về chất thải và nước thải chưa được đảm bảo. Vào giờ hoạt động cao điểm của các lò mổ, khối lượng nước thải xả ra là rất lớn. Anh Mai Văn Huấn, một chủ lò mổ cho biết: “Mỗi ngày lò mổ của anh tiêu tốn khoảng 7m3 nước/ngày”.

Sàn đất đường đi, là nơi giết mổ của các chủ lò
Sàn đất đường đi, là nơi giết mổ của các chủ lò

Vào giờ giết mổ, người dân trong làng phải tỉnh giấc vì tiếng ồn do va chạm của xô, chậu, búa tạ và tiếng kêu của trâu, bò cùng với tiếng động cơ của những chiếc xe máy tới lấy thịt đã làm náo động cả làng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

1h sáng khi chúng tôi đến các lò mổ, trâu bò “bị ngả” la liệt trên sân, các vũng máu đỏ tươi và chất cặn bã còn sót lại đều được xả thẳng xuống con mương chung của làng. Ngày hôm sau khi quay lại để tìm hiểu thêm, mới đến đầu làng đã thấy mùi gây của thịt bò và mùi khó chịu bốc lên từ kênh mương. Làng Bái Đô chỉ có duy nhất con mương Cừ là nơi chứa đựng nguồn nước thải từ các lò mổ.

Theo anh Vương Văn Giá - Phó Bí thư Chi bộ thôn Bái Đô: “Nếu xả nguồn nước này ra sông thì tình trạng ô nhiễm còn nghiêm trọng hơn nhiều, nên nước cứ đọng ở đây quanh năm”. Trên con đường làng chất thải của trâu, bò rơi vãi khắp nơi. Mỗi con bò hoặc trâu mổ ra có từ 40 đến 50kg xương.

Việc tiêu thụ số xương tươi không hết, số xương dư thừa và chưa tiêu thụ được thì  họ cho vào các bao tải rồi để ven đường, có nhà còn ngâm ở mương, ao cho thối rữa hết thịt rồi bán cho các nhà máy thức ăn gia súc. Nhiều chủ lò mổ, do số lượng trâu bò chưa mổ hết liền buộc luôn ở đường làng gây cản trở giao thông, làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường của thôn, xóm.

Mặc dù, nghề giết mổ trâu, bò đã giúp làng Bái Đô thoát khỏi nghèo đói để trở thành thôn giàu nhất xã, nhưng cùng với sự phát triển của làng nghề, việc ô nhiễm môi trường nơi đây thì ai cũng phải thừa nhận.

Ông Đỗ Hữu Long - Chủ tịch UBND xã thừa nhận: “Xương bò không bán hết họ dùng để nuôi cá và một số loại gia súc như lợn, chó… Vì vậy các loại vật nuôi rất nhanh lớn, cá có thể lên tới 3-4kg nhưng ăn rất gây và có mùi thịt bò. Thậm chí thịt lợn mổ ra vẫn có mùi gây của… thịt bò. Chính vì vậy người dân ở đây nhiều khi không dám ăn thịt gia cầm trong làng là vì lẽ đó”.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, UBND xã Tri Thủy và thôn Bái Đô đã đầu tư kinh phí để bê tông hóa hệ thống kênh mương thoát nước trong làng. Ngoài ra, thôn đã thành lập tổ thu gom rác thải gồm 5 người để cải thiện môi trường.

Nhưng với số lượng lò mổ lớn và cùng thải ra một lúc nên các kênh mương cũng không thể tiêu hết, cộng với rác thải sau khi mổ trâu, bò đổ ra, làm các cống thoát nước thường xuyên bị ứ đọng.

Ngoài ra, UBND xã và thôn Bái Đô luôn nhắc nhở các chủ lò mổ thu gom rác thải rồi chôn xuống đất nhưng cũng chỉ hạn chế được một phần nhỏ. Việc ô nhiễm môi trường từ các lò giết mổ trâu bò ở Bái Đô đã diễn ra nhiều năm nay nhưng các cấp chính quyền và các ngành liên quan vẫn loay hoay trong cái vòng quy hoạch khu giết mổ mới.

Minh Quân - Lê Quân

Bài 2 : Cần quy hoạch khu giết mổ tập trung