Nước mắt hồi sinh của những người có bệnh là chờ chết

ANTĐ - Hình ảnh những người dân nghèo háo hức vì lần đầu được đi khám bệnh, nhưng lại ngơ ngác khi bác sĩ gọi tên, và bần thần khi phát hiện ra mình đang mang trọng bệnh khiến không ít những người chứng kiến phải rơi nước mắt.

Có bệnh là chờ chết

Cầm túi thuốc vừa được phát và tờ kết quả chẩn đoán là có lớp dịch màng ngoài tim thất, sỏi thận... trong tay, cụ Trần Thị Sấn (76 tuổi), thôn Đông - xã An Vĩnh cứ bần thần: “Từ trước tới nay, nào tôi có biết mình mắc bệnh gì đâu, chỉ thấy sức khỏe càng ngày càng yếu đi, nhiều đêm không ngủ được vì khó thở, tôi lại lọ mọ ngồi dậy bám vào tường rồi lần từng bước mà đi ...” .

Cụ Trần Thị Sấn đang được bác sĩ siêu âm chẩn đoán hình ảnh.
Cụ Trần Thị Sấn đang được bác sĩ siêu âm chẩn đoán hình ảnh.
Cụ Sấn kể: “Tôi có 3 người con, nhưng một đứa đã mất, cô con gái từ khi lớn lên đã bỏ đi làm ăn xa biền biệt, hai mươi mấy năm nay không trở về. Anh con trai thì ở gần nhưng cuộc sống cũng khó khăn, lo bữa cơm cho gia đình còn không xong, làm sao lo được cho mẹ già. Thế nên, bao lâu nay, tôi vẫn sống một mình trong ngôi nhà tình nghĩa”.
Để có tiền lo cho từng bữa ăn, cụ phải đi nhặt hành, nhặt tỏi thuê cho người ta. Nhưng sức già làm chẳng được bao nhiêu, người khỏe nhặt được 10 thúng thì cụ chỉ nhặt được 3. Mỗi ngày làm như vậy, những người thuê cụ cũng trả cho cụ 15 nghìn, đủ để cụ sống qua ngày.

Thẫn thờ khi phát hiện ra mình mắc trọng bệnh.
  Thẫn thờ khi phát hiện ra mình mắc trọng bệnh.
Nhưng dù sao, đấy cũng là chuyện của mấy năm về trước, còn bây giờ, để có thể đi lại được, nhiều lúc cụ Sấn phải nhờ đến sự giúp đỡ của cây gậy. Đêm đến hoặc khi trái gió trở trời, những căn bệnh chưa được gọi tên trong người cứ liên tục hành hạ cụ, không chống đỡ được thì cụ lại nằm vật ra. Hàng xóm đưa cụ lên trạm y tế, nhưng hễ tỉnh dậy là cụ lại tự tìm về nhà chứ kiên quyết không đi bệnh viện. Cụ bảo: “Làm gì có tiền mà đi viện. Hôm nay, các bác sĩ tận Hà Nội về đây khám bệnh, lại phát cho thuốc miễn phí, tôi mới dám đi. Không ngờ, cái thân già nghèo khổ như tôi lại mắc nhiều bệnh đến thế”! - Cụ thở dài.

Mỏi mòn chờ bác sĩ

Ngồi sâu trong một góc vườn, bên dưới tán cây nhỏ của trung tâm y tế xã để tránh cái nắng gay gắt của mùa hè, cụ Dương Thị Nhương (72 tuổi) thôn Đông, xã An Vĩnh thì tâm sự: “Tôi chờ ở đây từ 5h sáng. Vì chỉ mong có những dịp như thế này tôi mới dám đến khám, chứ không thì, có ốm thế chứ ốm nữa tôi cũng chịu chết, vì tiền đâu mà mua thuốc thang. Có tiền để mua gạo ăn mỗi bữa đã là cố gắng lắm rồi”.
Biết tin có đoàn bác sĩ Hà Nội đến khám miễn phí, cụ Dương Thị Nhương đã lọ mọ đến trung tâm y tế xã từ 5h sáng.
Biết tin có đoàn bác sĩ Hà Nội đến khám miễn phí, cụ Dương Thị Nhương đã lọ mọ đến trung tâm y tế xã từ 5h sáng.
“Tôi cũng có tới 7 người con, 5 anh con trai và 2 cô con gái, chúng đã lập gia đình và ở gần đây cả, nhưng tôi vẫn sống một mình. Nghĩ cũng tủi, vì nhiều lúc trong nhà không còn gạo để ăn, hoặc khi ốm đau bệnh tật, không có ai biết đến, tôi cứ phải nằm yên một chỗ mà chờ cho cơn đói, rồi bệnh tật đi qua, hoặc có ai thương tình đong cho bát gạo hay viên thuốc... Nhưng tôi cũng không trách các con. Vì bao lâu nay, cái số nghèo đã đeo bám lấy chúng rồi". - cụ Nhương thở dài. 
Mới 7h sáng, ánh nắng trên đảo đã trở nên gay gắt, khiến việc tập trung của các cụ có phần khá vất vả
Mới 7h sáng, ánh nắng trên đảo đã trở nên gay gắt, khiến việc tập trung của các cụ có phần khá vất vả
Nước mắt hồi sinh của những người có bệnh là chờ chết ảnh 5
Thỉnh thoảng mới có cụ được con đưa đến tận phòng khám để khám bệnh
Còn nhiều cụ dù ốm yếu vẫn phải tự mình đi
Còn nhiều cụ dù ốm yếu vẫn phải tự mình đi
Có cụ mệt quá phải nằm tạm ra ghế để nghỉ trong lúc chờ phát thuốc
Có cụ mệt quá phải nằm tạm ra ghế để nghỉ trong lúc chờ phát thuốc
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Bùi Viên Sơn, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: “Năm 2010 đoàn bác sĩ trẻ đến từ các bệnh viện tại Hà Nội đã có chuyến đi khám bệnh từ thiện cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn tại đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, vì thời gian và kinh phí không cho phép, nên sau 3 ngày làm việc cật lực để khám bệnh cho bà con, khi ra về, lương tâm của những người thầy thuốc vẫn còn day dứt lắm. Vì thấy ở đây còn có quá nhiều những hoàn cảnh éo le, trong người mang rất nhiều bệnh tật nhưng lại không được điều trị thuốc thang vì không có tiền. Rất nhiều trong số những người dân đó còn nói rằng, trong cuộc đời của họ, họ chưa từng được đi khám bệnh ...”
“Thế nên, ngay khi bước chân lên chuyến xe để trở về Hà Nội ngày đó, chúng tôi đã tự hứa với lòng mình rằng, chúng tôi sẽ trở lại.” - Bác sĩ Sơn nói. 

Các y, bác sĩ tiến hành khám chữa bệnh, và phát thuốc cho người dân.
Các y, bác sĩ tiến hành khám chữa bệnh, và phát thuốc cho người dân.
Cuối cùng, sau 2 năm ấp ủ nguyện vọng, tấm lòng của các bác sĩ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà tài trợ và quyết tâm đóng góp cả công sức và tiền bạc của các y bác sĩ. Chuyến đi đã được thực hiện.

Trong 3 ngày từ 27 - 29/6 hơn 30 bác sĩ đến từ các bệnh viện tại Hà Nội đã tiến hành thăm khám, thử đường huyết, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho hơn 1.000 người dân là các cụ già và những người có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời tiến hành mổ mắt miễn phí cho 50 bệnh nhân của 2 xã An Hải và An Vĩnh thuộc huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi.
Được biết, trước đó vào tháng 8/2010, Đoàn bác sĩ trẻ Hà Nội cũng đã có mặt tại huyện đảo Lý Sơn để tiến hành thăm khám và phát thuốc miễn phí cho 1.200 người dân nghèo trên đảo và mổ mắt miễn phí cho 50 bệnh nhân. Chuyến đi đã để lại ấn tượng rất sâu đậm trong lòng các bác sĩ trẻ Hà Nội cũng như những người dân nơi đây.