Nỗi đau của một gia đình… ma túy

ANTĐ - Tệ nạn ma túy, người ta thường nhắc nhiều đến những người nghiện, những người vì một chút ham vui, thiếu bản lĩnh của mình mà mang lại gánh nặng không nhỏ cho gia đình, xã hội. Nhưng tôi thì muốn nhắc đến nhiều hơn những người thân của họ, đó là những người mẹ, người vợ, người con của họ, những người phải chịu nỗi đau gián tiếp nhưng dai dẳng không kém từ “cái chết trắng”
Nỗi đau của một gia đình… ma túy ảnh 1

Bi kịch làn khói trắng

Khi chúng tôi đến, bà Nguyễn Thị Hợi (thôn 4, xã Tự Nhiên, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) không có nhà, bà mới được người con gái gần đó đón sang chơi cho khuây khỏa. Trong nhà chỉ có người con dâu là chị Nguyễn Thị Lan và mấy đứa trẻ. Đến giờ học, bọn trẻ lần lượt chào mẹ, chào khách để đến trường, một mình chị Lan cặm cụi với công việc quen thuộc là làm hương thuê, mỗi ngày đem lại cho mẹ con chị chừng 20.000-30.000 đồng. Thật khó để chị mở lòng, chị bảo, niềm vui hay kể cả nỗi buồn thì chia sẻ dễ lắm, nhưng sự xấu hổ thì chị chẳng biết chia sẻ thế nào. Sự xấu hổ ấy đã khiến mẹ con, bà cháu chị sống khép mình suốt mấy năm trời không dám ngẩng mặt nhìn đời, chỉ thui thủi vật lộn, xoay xở đến kiệt sức để nuôi 4 đứa trẻ mồ côi.

Chị Lan vóc dáng nhỏ bé, yếu ớt, giọng nói nhẹ như không nhưng đôi mắt thì lúc nào cũng mọng nước, chỉ cần có người nhắc đến hai từ ma túy là chị có thể bật khóc. Và quả thật, trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, không lúc nào nước mắt chị ngừng rơi. Chị bảo lâu lắm rồi mới có người nhắc đến bi kịch của gia đình chị, hàng xóm láng giềng ai cũng né tránh không muốn khơi lại nỗi đau ấy, thế nên chị không thể cầm lòng được. Chuyện cũng đã lâu, chị luôn tự nhủ mình phải quên đi để gắng gượng nuôi mẹ già và các con, nhưng mỗi khi đêm xuống, các con đã ngủ, đối diện với bóng tối, những nỗi buồn đau, tủi thân kéo đến thì sáng hôm sau, mắt chị lại đỏ hoe, sưng mọng. 

Chị kể rằng mẹ chồng chị khổ lắm, có 6 người con, trong đó 3 người con trai thì mất cả ba. Anh con cả mất khi đang tuổi đôi mươi, sắp đến ngày cưới, lúc ấy chị mới về làm dâu gia đình chưa đầy năm. Tiếp sau thì hai người con trai và một người con dâu lần lượt mắc nghiện. “Đầu tiên là chú út mắc nghiện, chú ấy nghiện lâu lắm rồi, đến lúc không làm ăn được gì thì bán hết đồ đạc gia đình, đánh vợ chửi con. Chú ấy sinh được 2 đứa con, nhưng khi đứa út mới 2 tuổi thì vợ chú ý cũng nghiện mà bỏ nhà đi, bỏ lại các con cho nhà chồng. Nói là có bố, nhưng chú ấy lúc nào cũng chìm vào nghiện ngập, hút chích, các con đều ỷ cho mẹ và chị dâu. Lúc ấy một tay chị với mẹ chồng chăm 4 đứa trẻ, con bé nhà chị mới 2 tháng tuổi, rồi còn gánh nặng 2 người nghiện nữa” - chị Lan tâm sự.

Rồi chuyện gì đến cũng đến, ma túy lần lượt mang đi 2 người con trai còn lại của bà Hợi. Đầu tiên là cậu con trai út, sau thời gian nghiện ngập, vợ bỏ đi càng làm anh ta ngập trong làn khói trắng, người ngợm quắt queo, lở loét, cai lên cai xuống cũng chẳng có tác dụng gì.

Con trai út nghiện ngập làm tan nát gia đình bà Hợi đã không dám ngẩng mặt với làng xóm, ấy thế mà ít lâu sau bà lại biết tin anh con trai thứ dính vào nghiện. Anh Sứ (chồng chị Lan) vốn là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn, hai vợ chồng chí thú mở được xưởng gỗ đang ăn nên làm ra thì anh dính vào nghiện. Chị Lan bảo rằng không biết chồng mình nghiện từ khi nào, vì anh vẫn chăm chỉ làm ăn, không bán đồ đạc gia đình, cũng không đánh chửi vợ con.

Sau này gặng hỏi anh mới nói là sau lần tai nạn lao động năm 2002, anh bị vỡ xương hông, nghe bạn bè rỉ tai là hút cái thứ ma túy vào thì sẽ không bị đau nữa, thế là anh thử. Quả thật ma túy giúp anh thoát khỏi những cơn đau khi thời tiết trở trời, nhưng cũng khiến anh ngày càng lệ thuộc vào nó. Rồi chuyện gì đến cũng đến, năm lần bảy lượt cai không thành, anh bị bắt trong một lần mua ma túy và bị phạt tù vì tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, lần đó anh chết trong trại giam vì bệnh tật. Dù chồng mất đã 5 năm, nhưng nhắc đến người chồng quá cố chị vẫn dành một tình cảm vô cùng đặc biệt, không oán hận mà đầy thương cảm. Chị bảo: “Anh Sứ thương vợ con lắm, cả lúc chưa nghiện lẫn lúc nghiện, không lúc nào đánh mắng hay nặng lời với vợ con. Người nghiện tôi chứng kiến nhiều cảnh lắm rồi, chẳng đâu xa, như chú út nhà tôi cứ thiếu thuốc là đánh vợ đánh con, nhưng anh nhà tôi thì không bao giờ. Nhưng cũng vì cái tệ nạn mà anh ra đi, tôi cũng chả biết trách ai, chỉ biết trách chồng mình không biết giữ gìn bản thân thôi”.

Sau khi anh Sứ mất, gia đình họp bàn, quyết định đưa người con trai út sang Trung Quốc - nhà của một người chị gái để cai nghiện. Nhưng sang đó chưa được bao lâu thì anh này cũng mắc bệnh nặng mà mất. Ba người con trai đều chết trẻ, con dâu thì cũng nghiện ngập bỏ nhà đi, kinh tế khốn khổ đã đành nhưng nỗi khổ tâm trong lòng của bà Hợp vô cùng lớn. Bà xấu hổ với hàng xóm, người tốt thì thương, người độc miệng thì bảo gia đình bà không có phúc, làm điều gì phạm đến thần thánh…

Nỗi đau của một gia đình… ma túy ảnh 2

Dù hoàn cảnh nào cũng phải vươn lên

Trong cuộc nói chuyện, điều làm chúng tôi xúc động là dù những bi kịch liên tục ập xuống đôi vai chị, nhưng khi nhắc đến mẹ chồng, chồng, chị luôn dành sự yêu thương, kính trọng. Chị bảo mẹ chị khổ lắm, chị khổ 1 thì mẹ chị khổ 10, thế nên chị thương mẹ chồng như mẹ đẻ của mình vậy. Mẹ chị cũng tốt và thương chị như con gái. “Mẹ tôi già thế, nhưng gần như hôm nào cũng thức đến 9, 10 giờ đêm ngồi làm hương. Bà làm đến cạn kiệt sức lực những mong mỗi ngày có thêm vài chục nghìn đồng phụ vào nuôi các cháu. Dù khổ thật đấy, nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ bỏ chồng, bỏ con. Có những lúc hàng xóm láng giềng lời ra tiếng vào, mẹ tôi nghe được thì về nhà cũng nói nọ nói kia, hai mẹ con không hiểu nhau, nhưng tôi bảo với mẹ tôi là con đã về làm dâu mẹ thì dù có chết con cũng chết ở nhà mẹ. Có chuyện gì con sai, mẹ cứ nói với con, chứ mẹ đừng nghe những lời xui xiểm ở ngoài. Lúc ấy mẹ lại càng thương tôi hơn, mẹ bảo: “Thôi, cái gì mẹ cố được thì con cũng phải cố. Mẹ con, bà cháu tôi có những lúc cùng cực lắm, cơm không đủ mà ăn nhưng lúc nào cũng nghĩ phải nương tựa vào nhau mà sống, nuôi các cháu nên người”.

Chị Lan nói rằng giờ dù còn khổ nhiều nhưng gia đình chị đã thoát khỏi những giai đoạn khó khăn nhất, nhớ lại khi đó một mình chị phải nuôi 4 đứa trẻ, chị kể: “Lúc ấy vợ chú út nghiện hút rồi bỏ đi, con chú ấy mới vài tuổi còn đứa bé nhà tôi mới 3 tháng. Cứ một đứa ẵm ngửa, một đứa địu sau lưng, một mình nheo nhóc 4 đứa bé. Có lúc khổ quá, tôi bảo hay mình chết đi là hết tất cả mọi thứ, nhưng tôi chết rồi 4 đứa bé không biết sống ra sao, thế là lại phải cố sống. Tôi thì sức khỏe yếu, không làm được việc nặng nên cứ vay mượn nuôi con lợn, con gà, con vịt bán đi cho các cháu ăn học. Nhưng dù thế nào, tôi cũng luôn nghĩ không hắt hủi các cháu, chúng nó đã khổ, thiếu tình cảm của cha mẹ nên lúc nào cũng muốn bù đắp cho chúng nó. Có mua sắm cái gì cũng phải mua sắm cho cả 4 đứa, không để đứa nào thiệt hơn”.

Mất người thân, khổ về vật chất đã đành nhưng sự xấu hổ với làng xóm láng giềng khiến hai mẹ con chị khổ tâm không kém. Chị bảo từ ngày chồng mất đến nay đã 5 năm, nhưng mới vài tháng nay, chị em phụ nữ, cô Trưởng thôn động viên mãi chị mới dám đến nhà văn hóa, giao lưu với mọi người cho khuây khỏa. Chứ trước đây cứ ngả lưng là lại nằm nghĩ, có khi khóc suốt cả đêm, người ta khổ còn có người chia sẻ, mình khổ thì không dám tâm sự cùng ai. “Lâu lắm rồi các cô, các chị cũng không hỏi đến chuyện của mình, có lẽ chẳng ai muốn khơi lại nỗi đau của gia đình tôi. Nhờ sự giúp đỡ của cô Trưởng thôn, của các chị trong chi hội phụ nữ thôn, tôi cũng nuôi được con gà, con vịt, cứ xoay vòng thế, các con, các cháu đều được ăn học đàng hoàng, mình thiếu một tí, khổ một tí nhưng cố làm sao chúng nó không bị thiệt thòi quá với bạn bè” - chị Lan tâm sự.

Nói về các con, các cháu của mình, chị tự hào: “Đó là niềm an ủi, động lực sống lớn nhất của tôi. Các cháu giờ đều đã lớn, đều chăm chỉ, ngoan ngoãn và có hiếu. Hai đứa con cậu út đều gọi tôi bằng mẹ, cháu lớn mới đi làm được ít bữa, cứ dư ra tiền lại đưa mẹ phụ tiền nuôi các em, tiền làm mộ cho bố. Cháu nhỏ thì cách đây ít hôm được mẹ đẻ về đón lên Mộc Châu, nghe đâu thím ấy đã cai nghiện và đang được điều trị bằng thuốc kháng virus. Thôi thì có con có mẹ, tôi cũng chỉ mong thím ấy bù đắp phần nào cho nó”. 

(Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi)