Nơi cứu vãn những người… còn biết sợ

ANTĐ - “Thực lòng tôi không muốn kể tiếp vì những chuyện này kể ra xấu hổ lắm. Đó là quá khứ tồi tệ mà tôi không muốn nhớ tới trong quãng thời gian còn lại của mình...”, anh Triệu Văn Ba không muốn xới lại những lầm lỗi đã qua, dù đã trả giá đủ cho nó bằng nửa cuộc đời mình.

Nơi Triệu Văn Ba đang làm lại cuộc đời và giúp người vấp ngã đứng dậy

Vuông thổ cẩm gửi “thầy” bắt ma

Chẳng hiểu “tổng quản” Triệu Văn Ba có bí quyết gì mà khiến Sùng A Lấu ưng cái bụng lắm. Đã về bản nhiều ngày rồi nhưng vẫn còn nhớ đến anh Ba, gửi cả thịt treo gác bếp xuống cho anh Ba. Chị Tráng Thị Đua vợ của Lấu thì vui như xuống chợ tình, sau nhiều ngày ở cơ sở chữa bệnh cùng chồng, Đua còn bảo: “Tay Ba này quả là “thầy” giỏi chữa bệnh thật, chồng Đua bị con ma túy nó bắt hồn, làm mất trí lúc lên cơn nó còn đánh cả Đua tím mặt, đòi bán con đi để lấy tiền mua ma túy mới ác chứ. Thế mà giờ nó làm cho Lấu trở nên thương vợ con lắm!”. Trong những ngày chữa bệnh ở cơ sở cai nghiện tự nguyện thành phố Hòa Bình, đôi vợ chồng người Mông, Sùng A Lấu và Tráng Thi Đua dệt vuông thổ cẩm. Không biết, có phải vợ chồng Lấu làm như thế là muốn lấy những sợi chỉ màu để quên đi tất cả hay để làm khăn ấm cho cậu con trai quấn cổ mùa đông. Đoán vậy. Nhưng không phải, Đua thêu để làm quà gửi “thầy” Ba trước khi đưa chồng về bản, vì có công chữa bệnh cho chồng.

“... Anh S. ở Cao Bằng rất sợ vợ. Mắc nghiện, giấu vợ nên đi cai cũng phải... vờ đi công tác. Thằng H. ở thành phố Yên Bái vật vã kinh nhất, nó to khỏe mà tôi nhỏ con, những ngày đầu cắt bữa cho nó như đánh vật. Còn tay Lấu người dân tộc Mông ở Loóng Luông thì luôn miệng đòi về bản khi cắt cơn. Nó bảo cho về để gùi ngô không ở nhà con nó chết đói mất. Lúc đấy mình cứ ừ cho xong chuyện, vừa mềm vừa cứng để cho nó qua cơn vật vã rồi tính sau. Nhưng nói chung là phải kiên quyết, bởi kiên quyết đối với người nghiện là điểm mấu chốt. Nếu mình dễ dãi tức là giết nó, mình kiên quyết, sau khi qua cơn nó cảm ơn mình”, anh Ba bắt đầu bằng chuyện giúp cắt cơn cho từng người chứ không nói nhiều về bản thân khi tôi hỏi. Từng nghiện nặng, anh Ba quá hiểu tầm quan trọng của công việc mình đang làm và cũng biết, phải kiên trì đến thế nào để đạt được mục đích cuối cùng. Nếu không có tâm, nếu không chân tình thì anh đã buông tất cả. Anh muốn có nhiều người như anh - đứng được lên sau khi vấp ngã, làm lại cuộc đời. 

Thoát kiếp làm “nô lệ”

Triệu Văn Ba nói, mỗi con người dù có làm gì sai, nhưng nếu suy nghĩ biết tự trọng, biết xấu hổ thì giá trị hay nhân cách vẫn có thể cứu vãn nếu như sớm bừng tỉnh và nhận ra con đường sai, đúng. Có người vẫn chưa thực sự tin anh, song những gì Ba đang âm thầm theo đuổi, thì tôi tin rằng đó là chí khí của một con người vấp ngã biết gượng dậy bằng bản lĩnh của sự quyết tâm. “Cai nghiện không đơn giản là cắt cơn, mà cai nghiện phải cai hết cả cuộc đời. Tại sao người ta cứ đi cai về lại bập vào, lại nghiện rồi đi cai về lại tiếp tục như thế? Trách bản thân người nghiện không có lập trường, bản lĩnh cũng đúng, nhưng môi trường khi trở về là một vấn đề rất lớn đối với người nghiện và đặc biệt việc hành xử trước khi người nghiện đi cai.

Tôi nói như vậy bởi từ kinh nghiệm của tôi, và tôi hiểu người nghiện hơn ai hết, nếu một người bị bắt buộc đi cai nghiện trong lúc “đói” thuốc thì nguy cơ tái nghiện là rất cao. Tâm lý “con nghiện”, khi bị ép buộc nó sẽ nảy sinh mầm mống tiêu cực, và đợi ngày trở về nó sẽ “trả thù bản thân”. Chính vì thế, có những người đi cai nghiện rất ngon lành, nhưng sau khi trở về thì vừa bước chân ra khỏi cổng đã tìm đến “món ăn” chết người ấy. Chính vì thế, hiểu tâm lý người nghiện để động viên đi cai là rất cần thiết, trừ những người còn biết sợ và biết xấu hổ, tự trọng, thế nên khi thức tỉnh họ sẽ biết mình phải làm gì cho cuộc sống tiếp theo...”- anh Triệu Văn Ba trải lòng.

20 năm nghiện là quãng đời quá dài với tuổi đời 40 mà anh Ba làm nô lệ của ma túy mới cơ cực làm sao. Bạn bè rủ nhau đến chỗ đông vui thì mình tìm mọi cách né tránh. Đi đâu hơi xa, khác địa bàn là hoảng vì đến bữa không biết mua ma túy ở đâu. Vợ con rủ đi về quê hay tắm biển cũng tìm mọi cách thoái thác. Ngày giỗ, tết anh em, con cháu quây quần, ấm cúng bên mâm cơm thì mình nhoáng nhoàng 5-7 phút rồi đứng dậy tìm chỗ giải quyết cơn nghiện. Đỉnh điểm sử dụng ma túy của anh Ba lên đến hơn một triệu đồng/ngày. “Và chẳng có nỗi nhục nào hơn khi một đứa con đứng chống gậy bên quan tài mẹ không yên bởi chốc chốc lại phải bỏ đi vì vật ma túy...”, anh Ba dằn vặt. 

Trở lại Mai Châu sau ngày chịu tang mẹ, trên chuyến xe chiều Hà Nam - Mai Châu, trong cơn đau cơ thể báo hiệu “bữa sắp đến” bữa, thói quen thò tay vào túi quần tìm điếu thuốc lá, chiếc khăn tang mẹ theo ra khiến anh Ba rùng mình, căm ghét bản thân khi nghĩ mẹ già nằm xuống mà người con trai duy nhất chưa một ngày hiếu nghĩa. Trong tiếng nói cười, trong vòng chao đảo xe đổ đèo, anh nghe rõ tiếng sóng đài radio phát ra, nói về mô hình cơ sở cai và cắt cơn nghiện rất hiệu quả do một vị nguyên là Phó Giám thị trại giam Công an tỉnh Hòa Bình phụ trách. Một ngày sau, Triệu Văn Ba cùng vợ bắt xe khách xuống thành phố Hòa Bình, hỏi đường vào cơ sở cai nghiện. Một ngày ở trung tâm, tìm hiểu về những người cùng cảnh ngộ đang chữa trị tại đây, Triệu Văn Ba đưa ra quyết định, rồi nói với người phụ trách cơ sở, “đúng 3 ngày nữa tôi sẽ có mặt”.

Và ngày 11-9-2011, Ba bắt đầu cai nghiện tại đây. “Lần đầu tiên sau hơn 20 năm nghiện ma túy, tôi phải đối mặt với một quyết định vô cùng khó khăn là từ bỏ ma túy. Ban đầu, tôi được tư vấn kỹ về những hiện tượng xuất hiện trong đầu óc, cơ thể khi cai mà chuyên môn gọi là hội chứng cai cắt cơn. Khi cơn vật đã xuất hiện thì cả tôi và người giúp tôi cai nghiện chỉ tập trung vào giữ để tôi vượt qua khó khăn”, anh Ba nhớ lại. Giữa cuộc chuyện trò, tôi mời anh điếu thuốc, nhưng anh từ chối. Anh bảo đã bỏ hết cả từ lâu rượu, bia, thuốc lá. “Uống rượu vào nó đòi hỏi ma túy kinh khủng lắm, vì thế tôi mới đoạn tuyệt hết những thứ này”, anh Ba quả quyết. Cai nghiện thành công, giờ anh Ba trở thành “tổng quản” giúp người tìm đến cơ sở cắt cơn nghiện bằng liệu pháp của người nghiện mà nhiều người nói rằng đó là cách “dùng độc để trị độc”.