Những quái chiêu “vượt ngục” của tử tù

ANTĐ - 10 bánh xe bật lửa được Thân buộc ghép vào nhau, tạo thành một cái dũa để cưa song sắt.

Bên cạnh những phạm nhân thực sự hối cải và muốn cải tạo thật tốt để sớm mong có ngày được trở lại tái hòa nhập với cộng đồng thì đâu đó vẫn còn những phần tử chống đối. "Nghề" của họ là ăn rồi ủ mưu để đào tẩu. Một phạm nhân có "thành tích" trốn trại đáng nể nhất Việt Nam đã từng tuyên bố. "Nghề của cán bộ là coi ngục, nghề của em là phá ngục và trốn".

Mặc dù vậy nhưng "lưới trời thưa mà khó lọt". Hầu hết những "người hùng" đó dù có gian manh, xảo quyệt và hung hãn đến đâu cũng đã bị bắt lại và phải chịu những hình phạt nặng hơn do không chịu cải tà quy chính"

Ở trại giam số 5 (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) có một phạm nhân nam đang thụ án, bỗng một ngày "hóa thân" thành nữ Phó Giám thị Nguyễn Thi Can để hòng trốn khỏi trại giam. Phạm nhân có "biệt tài" biến hóa ấy là Nguyễn Văn Duệ (SN 1962, quê ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Cán bộ quản giáo dẫn tôi vào gặp Duệ khi anh ta đang chơi thể thao. Dáng người thấp đậm lại có vẻ cục mịch nên trông Duệ chả có nét gì để giả trang thành nữ giới. Vậy mà anh ta đã từng suýt trốn thoát thành công khi vào vai bà phó giám thị nổi tiếng ở Trại giam số 5.

 

Hôm đó, Duệ rất ngạc nhiên không hiểu vì sao bỗng dưng lại có nhiều chiến sỹ Công an đến tìm mình thế. Bởi lâu rồi anh ta không vi phạm kỷ luật trại giam cũng không có ý đinh trốn trại nữa. Lần đầu tiên gặp một nhà báo, dù là một kẻ giết người cướp của nhưng Duệ vẫn không giấu nổi sự ngại ngùng: "Thôi em không nói gì đâu cán bộ ạ. Em ngại lắm, con gái em ở quê hương Hà Tây (cũ) đã lấy chồng rồi, lên ông ngoại rồi mà bố cứ đi ở tù rồi lại trốn trại, xấu hổ chết".

Một thoáng rụt rè, e ngại ban đầu qua đi, chỉ một lát sau Duệ sẵn sàng khoe "hàng độc". Anh ta phanh ngực, ở đó xăm một con đại bàng kín mít cả hai khuôn ngực, xuống cả bụng lẫn rốn, tràn hình xăm xanh đen quái đản ra tận hai bả vai. Dưới tán rợp của sải cánh và móng vuốt đại bàng, là một người đàn ông (ra dáng võ sỹ) đang đứng ở cạp quần Duệ để múa may võ thuật. Rồi Duệ đúng lên, hào húng diễn tả hành động mình đóng giả nữ Cảnh sát trai giam.

Tội nặng, án cao, mang tiếng với quê nhà là kẻ giết người cướp tài sản, điều đó làm Duệ xấu hổ. Nghĩ nếu cứ ở đây thụ án thì cũng hết đời nên rất nhiều lần Duệ ủ mưu bỏ trốn nhưng bất thành. Chả hiểu sao nhiều phạm nhân trong trại đều nói Duệ có nét giống đàn bà. Họ còn đùa bảo "loại này mà đóng giả gái thì cứ gọi là... hơi bị giống". Có hôm, vô tình đi qua gương, bất chợt Duệ cũng thấy mình có nét giống đàn bà thật. Tự nhiên trong phút giây xuất thần ấy, Duệ nghĩ Duệ sẽ trốn thoát bằng cách "biến" thành nữ quản giáo. Nghĩ là làm, Duệ móc nối với "huynh đệ" ngoài đời, gửi tóc giả, ngực giả, cóc-xê vào để đóng vai phụ nữ, lại gửi thêm cả quần áo của nữ Cảnh sát để đi tìm chân trời tự do.

Trang phục "nữ quản giáo" được đàn em chôn giấu sẵn ngoài khu vực sản xuất. Việc của Duệ trong trại chỉ cần giả vờ hiền lành, ai nói gì cũng im, ai bắt nạt cũng nhìn để lợi dụng niềm tin của cán bộ. Khi đã có được niềm tin, Duệ ra "điểm hen" đào bới đồ nghề. Đội tóc giả, đeo ngục giả, khoác thêm bộ trang phục của nữ Cảnh sát trại giam, đeo thêm đôi dép xăng-đan nữa thế là Duê tự tin bước ra khỏi khu lao động của tù nhân. Nấp ở bụi cây, chờ lúc vắng vẻ, Duệ hiện ra thành một cán bộ nữ của trại giam, thong dong bước qua các cửa kiểm soát, qua các barie.

Người tính không bằng... trời tính. Ai ngờ, khi đã ra đến tận cổng ngoài cùng của trại giam, khi đã chắc mẩm thoát rồi, thì bị lộ. Chẳng là, vì đi bộ nhiều, vì cả đời mới được mặc bộ quần áo "nghiêm ngắn" của Cảnh sát, gã giang hồ Nguyễn Văn Duệ quên mất "vai diễn để đời" của mình. Cảm giác nóng nực xâm chiếm, theo thói quen "phóng khoáng" của nhiều đàn ông, Duệ hồn nhiên cỏi bớt một cái cúc áo ngực cho gió thoáng. Sau khi cái cúc áo nữ Cảnh sát được cởi nút, hình xăm đại bàng đã lộ ra trước mắt một đồng chí cán bộ Trại giam số 5.

Trực ban Bùi Đình Yên nhìn thấy một vết xăm be bé ở khoang ngực hở của... "đồng nghiệp nữ”, bèn gọi lại ra chiều hỏi thăm sức khỏe. Biết bị lộ, Duệ đã lao vào cắn tay, cắn cổ đồng chí Yên khiến máu me loang lổ. Rồi cùng quẫn, hắn đã khóa chặt phòng trực ban, lục tìm không thấy súng, vớ được con dao Thái và một cái búa sắt (dùng để gõ kẻng của trại), Duệ "khống chế con tin" nhằm chống lại lực lượng vây bắt. Trước hàng chúc tay súng, với tiếng loa thuyết phục liên hồi, sau 4 tiếng đồng hồ "cố thủ" trong phòng trực ban, Duệ đã phải giơ tay đầu hàng các chiến sỹ Cảnh sát lão luyện đi bắt tù nhân trốn trại của Trại giam số 5.

Năm 2008, phạm nhân Nguyễn Trọng Hà, án chung thân vì tội danh giết người cướp tài sản, tàng trữ vũ khí trái phép. Ngay khi bị bắt tên này đã âm mưu cho việc trốn trại nên đã chuẩn bị sẵn một lưỡi cưa, rạch đế dép kép ra rồi nhét vào, sau đó dùng keo con voi dán lại. Khi ở trại tạm giam tên này định cưa song cửa để trốn nhưng chưa thực hiện được. Sau khi vụ án đã được xét xử, đưa lên Trại giam Tân Lập thì tên này càng nung nấu ý định bỏ trốn. Vì tên này án cao nên phạm nhân Nguyễn Trọng Hà chỉ được làm những công việc phía bên trong trại, điều kiện này rất khó cho việc bỏ trốn. Không nghĩ ra cách nào khả thi tên này đành chọn giải pháp giả vờ đánh nhau để được vào nhà kỷ luật.

Mục đích là để nghiên cứu kỹ nhà kỷ luật đó như thế nào để sau khi được ra khỏi nhà kỷ luật tên này sẽ lên kế hoạch trốn trại. Sau khi nắm kỹ địa thế và quy luật đi lại của cán bộ thì cũng là lúc hắn hết thời gian kỷ luật và được tha ra. Được ra khỏi nhà kỷ luật tên này đã cố gắng bồi dưỡng sức khỏe thật tốt và lên phương án thực hiện kế hoạch. Hắn đã viết một bức thư nội dung nói xấu cán bộ (bịa đặt sự thật) mục đích để tiếp tục vào nhà kỷ luật.

Tuy nhiên do đã nắm bắt được một số nguồn tin từ phía các phạm nhân khác nên các cán bộ trinh sát đã biết được ý định trốn trại của tên này nên đã có những cảnh giác. Chấp nhận đưa vào buồng kỷ luật nhưng lại không để cơ hội cho tên này được ở một mình một buồng mà đưa thêm một phạm nhân nữa vào kèm ở đó luôn. Vậy là hiển nhiên trong thời gian bị kỷ luật tên này đã không thể thực hiện được ý đồ trốn trại của mình. Đến hết thời gian kỷ luật thì lại bị thả ra.

 

Phương án cưa song sắt của buồng kỷ luật không thực hiện được, tên này chuyển qua phương án hai: đào tường. Chiều hôm đó, tên này giả vờ tha thẩn ra khu đầu nhà giam nhặt rau, thực chất là để quan sát hàng rào cấm xem có chui được qua hàng rào cấm đó hay không. Và tên này đã vạch sẵn một lỗ ở hàng rào gây thép gai để chui qua đó, đợi cơ hội là bỏ trốn. Nhưng lại một lần nữa, những hành vi của tên này vẫn không lọt qua mắt được cán bộ trinh sát. Để chủ động ngăn chặn kịp thời hành vi bỏ trốn của tên này, các cán bộ trinh sát đã chủ động gọi tên này ra, giáo dục và khai thác. Cuối cùng tên Nguyễn Trọng Hà đã phải thú nhận toàn bộ ý định trốn trại của mình.

Năm 2001, tại Trại giam Hỏa Lò cũng xảy ra một vụ trốn trại ngoạn mục. Chủ nhân của quái chiêu này là hai tử tù Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Hải Nam. Nam là một lưu manh chuyên nghiệp còn Nguyễn Văn Thân giang hồ từ Nam chí Bắc, tham gia vào 3 vụ giết người, tháng 2-2000, hắn bị TAND Hà Nội tuyên phạt tử hình. Cả hai đều trong tâm thế chẳng còn gì để mất nên đã hợp sức cùng nhau nghĩ cách trốn trại.

Thân bí mật tích cóp dụng cụ, gồm: l0 bánh xe bắt lửa buộc ghép lại với nhau thành một chiếc giũa với "răng cưa" sắc bén nhất. Ngoài ra, Thân còn cạy gạch men lấy mảnh vỡ làm dụng cụ để phá cùm. Một tháng trời miệt mài, cùm sắt đã lõm xuống, lỗ cùm to ra đủ để Thân rút chân ra bất cứ lúc nào. Nhưng chui chân ra khỏi cùm mà vẫn ở trong xà lim thì cũng chả ích gì. Thế nên Thân tiếp tục cưa đủ các loại song sắt. Phòng bên này Thân cưa thì phòng bên cạnh Nam hò hét đúng theo kiểu của một người điên loạn, quẫn trí.

Mục đích là để Thân dễ bề hoạt động. Giả vờ bị đau chân, buồn chán không gặp người nhà để không ai đến gần cái cùm đã bị khoét. Ngày Thân giả vờ ngủ, tối lại vùng dậy duy trì công việc. Suốt 2 tháng ròng, dùng dao lam cưa đứt 4 khúc sắt trên cửa thông gió đủ để chui cho vừa thân xác hắn. Xong, lại leo ra, cưa nhiều ngày, đứt nốt hai thanh sắt lớn, là chấn song của buồng giam. Lúc bấy giờ, Nam chỉ việc mượn vũ khí của Thân, cưa cùm cho mình và "theo đóm ăn tàn" thôi.

Suốt 4 tháng, Thân và Nam đã chuẩn bị xong những công đoạn cần thiết để vượt khỏi "xà lim" kiên cố bậc nhất. Trong quá trình gia đình chuyển quà vào, thường đựng trong bao tải dứa, Nam và Thân đã tết bao tải thành một cái dây thừng rất vững. Cưa cửa sắt thông gió, chúng cũng giữ lại một thanh sắt hình chữ thập làm vũ khí, mang thêm một vỏ chăn chiên nhằm mục đích trải lên các dây điện trần (nếu có) ngăn cách giữa trại với bên ngoài mà "lướt ván". Chúng đã kỳ công tìm các khúc gỗ, buộc lại, làm cái cầu bắc giữa các sợi dây điện đã phủ chăn và một cây keo ven đường, bơi qua hào nước bảo vệ, trốn ra ngoài.

Sau đó, cả Trung đoàn cảnh sát cơ động, đã được huy động để truy tìm hai tử tù Nam và Thân. Cuối cùng sau 17 ngày đêm ròng rã, hai tử tù Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Văn Thân đã bị bắt lại.