Nguy cơ từ nghề đốt than hoa

ANTĐ - Không nghề nghiệp, không ruộng đất, hàng trăm hộ dân chỉ có một nghề đốt than hoa. Nhưng khói, ô nhiễm môi trường, sức khỏe người dân bị ảnh hưởng… và cuối cùng những người đốt than hoa bị cấm và cưỡng chế phá bỏ các lò.

Cảnh đốt than hoa ở phố Mỵ

Sống chung với khói

Mười năm nay ở phố Mỵ, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi - Hòa Bình) chìm ngập trong khói. Khói bốc lên từ các khu vườn khác lạ, ở các khu vườn ấy lá đã úa vàng. Có khu vườn cây đã trụi sạch lá, chỉ còn trơ những thân cây nham nhở ám màu vàng của khói.

Bà Bùi Thị Thu, bức xúc: “Mười năm rồi, không lúc nào được yên. Ngủ với khói, ăn cơm với khói. Bao nhiêu lần kiến nghị với chính quyền nhưng không ăn thua. Cứ tình hình này, chúng tôi chết vì khói thôi…”. Bà Thu cho biết, những ngày trời nắng nóng phố Mỵ như một lò lửa. Khói quẩn quanh trên các mái nhà, người dân không biết chạy đi đâu cho hết khói. Nhất là những gia đình chẳng may có đám thì khổ đủ đường. Đang ăn cỗ mà khói từ các lò đốt than hoa bay vào làm cả hội trường phải chạy tán loạn vì không thở được.

Đấy là ngày nắng, ngày mưa còn khổ hơn. Khói không tỏa được nên cứ lửng lơ khắp nơi. Người phố Mỵ quanh năm suốt tháng phải sống chung với khói. Và bà Thu tổng kết: “Phố Mỵ bé tẹo nhưng có gần 30 lò đốt than hoa hoạt động suốt đêm ngày…”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ tính riêng phố Mỵ đã có hàng trăm người tham gia đốt than hoa. Con số ấy không giảm đi mà còn tăng lên theo năm tháng. Tất nhiên, cái gì cũng có giá riêng, người dân có tiền thì cũng phải chịu sự độc hại mà khói bụi mang lại do chính họ tạo ra.

Có một nghịch lý rằng, số ít những người không làm than hoa cũng phải chịu “hít khói” oan uổng. Không biết là may mắn hay do không có tiền khám bệnh mà ngành y tế Hòa Bình chưa phát hiện ra người bị ung thư hay các bệnh liên quan đến hô hấp ở phố Mỵ này. Bà Thu khẳng định: “Nếu ngành y tế có về khám bệnh thì chắc hơn nửa số người phố Mỵ bị bệnh về phổi …”.

Một người dân cho biết: “Ở phố Mỵ có đến 70% người dân đốt than. Cứ 2 - 3 gia đình chung nhau xây hàng chục lò than. Mỗi lò có công suất 1 tấn than/mẻ đốt. Vì vậy, lượng khói sinh ra rất nhiều và nguy cơ phố Mỵ thành làng ung thư là không xa…”.

“Diệt” lò ô nhiễm

Trước tình trạng các lò đốt than hoa gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Kim Bôi phối hợp với UBND xã Mỵ Hòa tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền về tác hại của than hoa. Tuy nhiên, chẳng ai nghe điều phải vì sự thật ấy đã lấy đi bát cơm của họ.

Ông Hà Xuân Nạn - Trưởng Công an xã Mỵ Hòa cho hay: “Tình trạng đốt than hoa gây ô nhiễm ở phố Mỵ là có thật và đã tồn tại nhiều năm nay. Người dân cũng bức xúc lắm nhưng dẹp đâu phải chuyện dễ”.

Có lẽ thế mà Kiểm lâm huyện Kim Bôi cũng vào cuộc. Lý giải cho vấn đề này, một cán bộ trẻ của xã Mỵ Hòa giải thích: “Người đốt than hoa có hai nguồn nguyên liệu. Một là từ các ngọn cây keo sau khi thu hoạch, hai là củi từ rừng. Củi từ rừng là trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm, họ vào cuộc là hợp lý, vừa để tuyên truyền, vừa để bảo vệ rừng trước nguy cơ rừng biến thành than”.

Chúng tôi có mặt tại xã Mỵ Hòa và được Trưởng Công an xã Hà Xuân Nạn thông báo vừa mới cưỡng chế thành công mấy lò đốt than hoa. Buổi chiều sẽ làm tiếp nhưng chắc không ổn vì một số lý do nào đó ở phố Mỵ, tất nhiên từ phía các chủ lò.

Chúng tôi biết sống bằng gì?

Đúng như nhận định, khi chúng tôi đến một gia đình đốt than hoa ở phố Mỵ để tìm hiểu sự việc, chưa kịp chào ai thì đã bị một người đàn ông cởi trần, mặt đỏ gay luôn miệng chửi rủa và “thách đứa nào vào cưỡng chế”. Anh này còn dọa chúng tôi: “Đứa nào vào, ông đập chết chứ không tha…”.

Nghe chồng to tiếng, chị vợ sợ có chuyện nên chạy ra can ngăn. Chị bảo: “Khổ thế đấy, suốt ngày người ta dọa cưỡng chế. Cưỡng chế thì gia đình tôi chết, biết lấy gì mà sống. Anh xem, tôi hai đứa con rưỡi rồi (có hai con và một cháu bé sắp chào đời - PV), cả nhà không nghề nghiệp, ruộng nương cũng không có, không đốt than chúng tôi biết sống bằng gì?”.

Thấy con dâu nói vậy, ông Nguyễn Văn Bạch đã 75 tuổi cũng dò dẫm ra bắt chuyện: “Chúng tôi là dân di cư từ Mỹ Đức (Hà Tây cũ) sang, không có một mảnh ruộng nào, suốt bao nhiêu năm nay rồi. Chúng tôi phải sống, phải có tiền đong gạo chứ. Đây, anh xem, tôi chỉ có một tí vườn tạp làm lò đốt than hoa. Thu nhập có bao nhiêu đâu mà người ta cứ cấm. Nhưng họ cấm cũng đúng, vì ô nhiễm môi trường, nhưng nếu cấm thì cũng cho chúng tôi cái nghề chứ…”.

Ông Bạch cho biết thêm: “Khu phố Mỵ này người dân số nhiều sống nhờ vào than. Nếu có nghề ổn định thì chúng tôi chẳng đốt than làm gì, tiền không được bao nhiêu lại nhem nhuốc, vất vả”.

“Dập xong lại đốt”

Anh cán bộ trẻ ở Văn phòng UBND xã Mỵ Hòa nói nhỏ với chúng tôi: “Không ăn thua đâu anh ạ, dập xong lại đốt ngay ấy mà…”. Chúng tôi đem câu chuyện hỏi ông Nạn, ông Nạn cũng công nhận điều ấy vì nhiều lý do. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chính quyền bỏ cuộc. Vì sức khỏe người dân, vì môi trường, vì rừng nên phải cưỡng chế các lò đốt.

Ông Nạn cho hay, một số tay buôn từ Bình Đà, Vân Đình về đây cho tiền người dân để họ xây lò than. Các chủ lò than đốt xong lại bán cho các lái buôn này về nướng thịt vịt và xuất đi các tỉnh, thành khác.

Theo quan sát, mỗi lò than được xây dựng rộng khoảng 6m2 gần các khu dân cư. Mỗi lò như vậy chứa được 1 tấn củi, họ sẽ đốt mỗi mẻ khoảng 5 - 7 ngày rồi lấy ra đóng bao chuyển cho các lái buôn.

Theo thông tin chính xác chúng tôi thu thập được, giá than hoa mà người dân bán cho các lái buôn không cao như lời đồn mà chỉ từ 1- 2 nghìn/kg. Như vậy, mỗi lò than xuất ra được từ 1 - 2 triệu đồng, trừ chi phí và tiền nguyên liệu mua củi thì cũng đủ để nuôi sống gia đình dưới mức tằn tiện.

Chính vì thế mà sau mỗi đợt cưỡng chế của UBND xã Mỵ Hòa, người dân lại tiếp tục xây dựng lại các lò và đốt than như khi chưa có chuyện gì xảy ra. “Đây thực sự là một việc khó đối với chính quyền địa phương nhưng quả thực, chúng tôi không có cách nào khác…” - ông Nạn phàn nàn.

Thiết nghĩ, việc cấm đốt than hoa tại khu vực dân cư là việc làm đúng đắn để bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân. Tuy nhiên, vì số nhiều các chủ hộ đốt than hoa không ruộng nương, không nghề nghiệp nên họ phải sống nhờ vào than. Trước khi cưỡng chế các lò than hoa, chính quyền xã Mỵ Hòa nên có phương án tối ưu, tạo điều kiện cho người dân có việc làm ổn định để nuôi sống gia đình, chí ít là cấp ruộng để họ được làm nông dân.