Nguồn sáng trong đời

(ANTĐ) - Trong những ngày hoạt động tình nguyện ở Quảng Bình, xúc động trước hoàn cảnh đáng thương của 3 đứa trẻ khiếm thị... sau 2 ngày trăn trở suy nghĩ, Hoàng Oanh  quyết định đưa các em ra Hà Nội nuôi. Đây là một quyết định khá táo bạo với một cô gái 23 tuổi, nhưng có thể nói, Oanh đã mang lại nguồn ánh sáng, sự hồi sinh cho các em bằng lòng nhân ái của mình.

Nguồn sáng trong đời

(ANTĐ) - Trong những ngày hoạt động tình nguyện ở Quảng Bình, xúc động trước hoàn cảnh đáng thương của 3 đứa trẻ khiếm thị... sau 2 ngày trăn trở suy nghĩ, Hoàng Oanh  quyết định đưa các em ra Hà Nội nuôi. Đây là một quyết định khá táo bạo với một cô gái 23 tuổi, nhưng có thể nói, Oanh đã mang lại nguồn ánh sáng, sự hồi sinh cho các em bằng lòng nhân ái của mình.

Hoàng Oanh cùng 3 chị em khiếm thị. Từ trái sang: Hiếu Oanh, Thường, Thắng
Hoàng Oanh cùng 3 chị em khiếm thị. Từ trái sang: Hiếu Oanh, Thường, Thắng

“Bà bụt sinh viên”

Được mọi người gọi là “bà bụt sinh viên”, Hoàng Oanh, SN 1985, vừa tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện đang theo học văn bằng 2 Đại học Mở Hà Nội. Hoạt động tình nguyện từ những năm cấp 3, cho đến nay, có thể nói Hoàng Oanh  là một “kỳ cựu” trong làng tình nguyện.

Tháng 2-2008, Hoàng Oanh theo đoàn tình nguyện của Hội từ thiện sự nghiệp Minh Đức tới khám và phát thuốc miễn phí cho trẻ em nghèo ở Quảng Trạch, Quảng Bình. Trong thời gian làm từ thiện tại đây, Oanh gặp cảnh một người mẹ đang dắt 3 đứa con khiếm thị, áo quần mỏng manh trong cái rét đầu xuân, gương mặt nặng trĩu nỗi buồn...

Oanh đã tiếp cận và hỏi han về gia cảnh và ước mơ của các em. “Em chỉ ước được đi học thôi. Mọi khi em ngồi ở góc nhà, thấy các bạn đi học trò chuyện nô đùa vui vẻ qua ngõ, em chỉ ước có ngày nào đó mình sẽ được hòa mình cùng đám đông ấy, nhưng chẳng bao giờ em được như vậy” - chị cả Phạm Thị Thường, 20 tuổi tâm sự.

Gia đình Thường rất nghèo, ba mẹ đều làm nông nghiệp, quanh năm chỉ trông vào mấy sào lúa. Nhà có 7 anh chị em thì có tới 4 người bị mù bẩm sinh. Dưới Thường, hai em Phạm Văn Thắng (SN 1993) và Phạm Thị Hiếu (SN 1996) cũng cùng chung số phận như chị. Bé trai út Phạm Xuân Thành vừa mới sinh mắt cũng đã mờ đục…

Hoàn cảnh khó khăn của gia đình Thường cùng những gương mặt trẻ thơ ngơ ngác đến tội nghiệp đã ghi sâu trong tâm trí Oanh. Sau thời gian trăn trở, Oanh đã quyết định sẽ nhận 3 đứa trẻ khiếm thị là Thường, Thắng và Hiếu ra Hà Nội nuôi. Ban đầu ba mẹ của Oanh rất ngạc nhiên trước đề nghị đột ngột này của con gái, nhưng sau khi nghe Oanh trình bày về hoàn cảnh của các em cũng như những dự tính của mình, ba mẹ Oanh đã hoàn toàn bị thuyết phục trước tấm lòng nhân ái của con.

Bố Oanh thận trọng căn dặn: “3 em nhỏ đó đều bị khiếm thị, sẽ có nhiều khó khăn trong sinh hoạt, phải suy nghĩ thật kỹ và phải rất thận trọng khi nhận nuôi các em. Không thể đưa các em ra Hà Nội một thời gian rồi lại đưa về quê, như thế sẽ làm khổ tụi nhỏ”.  Lo lắng là thế, nhưng khi Oanh đưa các em ra Hà Nội, ba mẹ Oanh lại trở thành “trợ thủ đắc lực” trong việc chăm sóc các em cùng Oanh, họ coi những đứa trẻ kia như chính con của mình.

Tổ ấm của lòng nhân ái

Những ngày đầu ra Hà Nội, nhiều người hàng xóm rất ngạc nhiên trước sự xuất hiện của bọn trẻ trong gia đình Oanh. Thời gian sau, họ đã hiểu và bất ngờ trước lòng nhân ái của cô bé. Giờ đây mọi người trong xóm đều quý mến các em. Hầu như tối nào bọn trẻ trong xóm cũng sang chơi đùa với Thắng và Hiếu.

Để tiện chăm sóc và dạy dỗ các em, Oanh xin ba mẹ ra ở riêng cùng các em. Căn phòng tuy nhỏ chưa đầy 16m2, ở ngay gần nhà (ngõ 433, Kim Ngưu, Hà Nội), nhưng lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Đóng vai trò một người “đỡ đầu”, Oanh kiên trì tập cho các em làm quen với gia đình mới, với sự thay đổi trong cách sinh hoạt nơi Hà thành. Không chỉ chăm sóc các em, lo cho các em từng bữa ăn giấc ngủ, Oanh còn xin cho các em vào học trong trường dành cho người khiếm thị để ước mơ “được đi học” của các em trở thành hiện thực.

Từ khi ở chung với bọn trẻ, thời gian biểu của cô bé 23 tuổi này hầu như lúc nào cũng gắn với chúng. Sáng sáng đưa các em đi học, chiều đón các em về, tối dạy các em học đọc, học viết và học vi tính. Đến nay, các em đã khá thạo Word và gõ được bằng 10 ngón.

Bọn trẻ trìu mến gọi Oanh là chị gái. Chúng luôn quấn quýt bên Oanh. Thắng và Hiếu rối rít kể chuyện chị Oanh dẫn đi chơi siêu thị, đi biển, khoe chiếc áo chị Oanh vừa mua, khoe những bông hoa điểm 10 các em được nhận ở trường Nguyễn Đình Chiểu, rồi thi nhau kể chuyện lớp học, cô giáo và các bạn, một lúc lại líu lo những câu tiếng Anh các em mới được học.

Khi được hỏi một cô gái 23 tuổi, vẫn đang học tiếp văn bằng 2 như Oanh lại có thể chăm lo cho các em đầy đủ thế, Oanh tâm sự: Khi còn đang học đại học, em mơ ước được đi du học, vì vậy em đã tích góp được chút tiền từ việc đi làm thêm (từng làm việc cho công ty kinh doanh vật liệu xây dựng, công ty liên doanh Hàn Quốc và cũng từng mở cửa hàng riêng), cộng thêm vào đó là sự giúp đỡ của ba mẹ, của những người bạn cùng chung chí hướng “hoạt động tình nguyện” như em.

Đã 7 tháng trôi qua kể từ ngày Oanh đưa 3 em về Hà Nội nuôi, căn phòng của mấy chị em vẫn luôn đầy ắp tiếng cười. Việc làm của Oanh khiến không ít người phải suy nghĩ và khâm phục. Còn riêng với Oanh, cô chỉ cười hồn nhiên và chia sẻ: “Em coi mấy em như những thành viên ruột thịt trong gia đình. Mang lại niềm vui cho người khác cũng là mang lại niềm vui cho chính mình mà!”.

Thu Hà