Người phụ nữ trở về sau 26 năm mất tích

ANTĐ - Một người em lưu lạc xứ người suốt 26 năm đằng đẵng. Một người chị cũng ngần ấy năm đợi chờ trong nước mắt, mong một ngày em sẽ trở về. Họ là Mai Thị Hòa và Mai Thị Nai, hai chị em ruột ở Đồng Thái (An Dương, Hải Phòng).

Người phụ nữ trở về sau 26 năm mất tích ảnh 1Bà Hòa (bên phải) hứa sẽ chăm sóc thật tốt cho em gái

Hai giọt mưa

Nói về nỗi bất hạnh, thì riêng người chị Mai Thị Hòa đã có thể viết kín cả cuốn nhật ký. Nhà nghèo, bà Hòa được gả cho một chàng trai cũng con nhà nghèo. Ông Phạm Văn Tân, chồng bà là bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1981 phục viên nhưng suốt những năm tháng sau này ông sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Bà Hòa tâm sự: “Dì Nai là em gái tôi. Bố mẹ tôi mất sớm, hai chị em như hai giọt mưa. Tôi sa vào một gia đình nghèo, số phận bất hạnh. Đi lấy chồng, tôi đưa em gái theo. Khi chồng mất, tôi quay về đất nhà cha mẹ đẻ để tiện chăm Nai. Nó sinh ra không được khôn ngoan như người ta, chẳng giúp đỡ được việc gì. Mọi chuyện của em gái tôi đều lo cả…”. 

Năm 1987, bà Nai bỏ nhà đi. Lúc đó, chồng nằm viện, tiền không có nhưng bà Hòa vẫn quyết vay nợ để đi tìm em. Tìm mãi không được, bà về thắp hương cầu khấn cha mẹ, chỉ đường dẫn lối cho em gái về. Tròn một năm, bà Nai trở về với thân hình gầy gò, đen đúa. Nhưng chỉ được một thời gian bà Nai lại bị lừa đưa sang Trung Quốc. Thêm một lần bà Hòa quặn thắt trong cảnh phập phồng lo lắng vì em. “Lúc đó, gia cảnh tôi gần như khánh kiệt, chẳng còn gì nữa nên chẳng có tiền mà đi tìm em. Nếu nói dối, tôi phải tội, nhưng thật sự trong lòng tôi thương em lắm. Tôi còn chịu tiếng oan là mắng chửi em, để em gái bỏ đi. Tôi khổ tâm lắm, đêm nào tôi cũng ngồi khóc”, bà Hòa nức nở.

Song, gánh nặng của bà Hòa đâu chỉ có thế. Nhọc nhằn chồng chất cũng như những gian nan của cuộc sống thường nhật liên tiếp trút lên vai bà, khi một người con của bà mắc nghiện. Đã khó khăn, lại phải lo lắng, chạy chữa thuốc thang cai nghiện cho con, rồi dựng vợ gả chồng cho từng đứa. Trong thâm tâm bà nỗi đau đớn về sự mất tích của em gái cũng như nỗi tủi thân của người chịu mang tiếng ác chưa bao giờ nguôi.

Ngày trở về xúc động

Một ngày đầu năm 2014, bà Hòa đang đi làm thì có người nhắn tin: “Có người hỏi thông tin về Nai đấy”. Bà Hòa tức tốc chạy về nhà. Nhìn ảnh bà Hòa khẳng định: “Đúng là em gái tôi rồi. Gần 30 năm mất tích, giờ em tôi tiều tụy quá, nhưng đôi mắt này thì tôi nhận ra ngay, rất giống bố đẻ tôi”.

Ngày 18-2, sau khi các cơ quan chức năng xác minh, hoàn tất thủ tục đã đưa bà Nai về Việt Nam. Song, do hoàn cảnh khó khăn, bà Hòa không chạy đâu ra hai triệu đồng để đi đón em. Bà đành chạy lên xã, trình bày hoàn cảnh và nhờ cậy. Lãnh đạo xã Đồng Thái cảm thông đã chi tiền thuê xe và cử người cùng đi đón bà Nai. Hai chị em gặp nhau, vừa mừng vừa tủi. Bà Hòa cứ ôm em khóc, còn người em gái ngơ ngác quan sát xung quanh rồi vỗ vỗ vào vai chị: “Đừng khóc, đừng khóc”.

“Hôm hai chị em gặp nhau, Nai gầy sọp, người cứ run cầm cập vì sợ. Tôi tưởng thời gian sẽ làm em tôi quên mất mọi thứ. Vâng, đúng là nó đã quên nhiều thứ, kể cả những ngày tháng sống khổ nơi xứ người nó cũng cố quên đi, nhưng sợi dây tình ruột thịt thì vẫn nguyên vẹn. Em gái vẫn quấn quýt bên tôi, tuy lúc đầu có phần hơi e ngại, nhưng dần dần thì cứ một điều chị, hai điều em. Bấy nhiêu năm tôi vẫn cầu nguyện cho em, giờ em được trở về, kỳ diệu như một phép màu ấy!”, bà Hòa vui sướng cho biết. Nhớ lại những ngày tháng phải chịu đựng sự dèm pha của dư luận, bà Hòa rưng rưng nước mắt kể lại, khi người em gái bị thiểu năng bỏ đi biệt tích, bà đã khóc rất nhiều. Bà khóc vì đã không hoàn thành trách nhiệm thay cha mẹ chăm lo cho các em và khóc vì không thể chịu đựng được những lời dị nghị của xóm làng. Bà Hòa tâm sự: “Ngày ấy, mỗi khi bước chân ra khỏi nhà đều nặng như chì, nhấc lên không nổi. Dù đi đâu hay làm bất cứ việc gì, tôi cũng không dám ngẩng mặt lên nhìn bà con chòm xóm. Mình không làm gì có lỗi nhưng những ánh mắt soi mói cùng những lời xì xầm, bàn tán vẫn khiến tôi quặn thắt cõi lòng”. Để mọi người hiểu rằng, sự mất tích của em gái hoàn toàn không phải do mình, bà Hòa đã quyết định, ngày nào chưa tìm thấy em gái thì ngày đó cánh cửa nhà sẽ không bao giờ khóa. “Là hàng xóm lâu năm của bà Hòa nhưng mãi mấy năm gần đây, tôi mới hiểu vì sao cửa nhà bà ấy chẳng khi nào thấy đóng, bất kể ban ngày hay ban đêm, trời mưa hay trời nắng... Thấy lạ tôi có hỏi thì bà ấy cho biết: Tôi sợ nếu khóa cửa mà em gái trở về không vào được nhà, nó lại bỏ đi thì tội”, bà Lý (hàng xóm của bà Hòa) cho biết.

Trở về sống bên chị gái, nhưng bà Nai vẫn còn sợ hãi đến nỗi không dám ra khỏi ngõ. Khách đến thăm, đùa rủ đi chơi, bà Nai đều lắc đầu nguầy nguậy. Khi bình tĩnh lại, bà kể với chị gái rằng ngày đó bà bị một người rủ đi chơi xa. Người ấy hỏi có thích đi Trung Quốc chơi không? Bà Nai gật đầu. Bà Nai được dẫn đến gặp hai người phụ nữ, rồi họ bán bà cho một “anh xã hội” và bị cưỡng bức. Hơn một năm sau, bà Nai trốn đi rồi lại bị bắt, bị bán cho ba “anh xã hội” khác. Cứ như thế, bà bị rất nhiều người cưỡng bức và đến khi già nua thì bị đẩy ra đường. Cuối cùng, bà trôi dạt về một trại tâm thần ở Phúc Kiến (Trung Quốc). Ở đó, bà gặp hai người phụ nữ Việt khác, khi được các cơ quan chức năng giúp đỡ, bà Nai chỉ mang máng nhớ được mình quê ở Đồng Thái (Hải Phòng).

Tương lai ở đâu?

Hiện tại, ruộng nương không còn, do địa phương xác định bà đã mất, bà Nai được giúp đỡ để làm lại hộ khẩu. Còn bà Hòa, cuộc sống vẫn chưa ngơi khó khăn. Bà vẫn phải làm ruộng, làm thuê, là chỗ dựa tinh thần cho các con đồng thời cưu mang em gái. Ông Nguyễn Văn Mong, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thái cho biết, sự việc của gia đình chị Hòa, chị Nai là chuyện hãn hữu xảy ra ở địa phương. Việc chị Nai sau nhiều năm lưu lạc trở về, chính quyền địa phương sẽ có trách nhiệm cùng gia đình lo xác minh, hoàn tất mọi thủ tục cần thiết để chị Nai được nhập khẩu, cấp CMND, khám sức khỏe.

Qua câu chuyện, bà Hòa bảo rằng em gái trở về, vẫn quấn quýt bên chị đã rửa được nỗi oan hắt hủi em bấy lâu. Niềm mong mỏi lớn nhất lúc này của bà là được hỗ trợ để chăm sóc em gái. Bà Hòa bảo: xưa đói khổ thế còn sống được, nay đỡ hơn rồi thì vẫn phải sống thôi. Chỉ cần tôi còn sống ngày nào thì nhất định không để cho Nai bị đói. Tôi vẫn tin một phép màu nữa tìm đến với chị em chúng tôi.