Người đàn bà trở về sau 20 năm bị bán sang xứ người

ANTĐ - Người thiếu phụ trong câu chuyện chúng tôi sắp kể dưới đây không phải là nạn nhân duy nhất của những cuộc bạo hành gia đình. Nhưng chúng ta có thể thấy chị là điển hình cho những người vợ bị những gã chồng vũ phu đánh đập, ruồng bỏ, rồi bị lừa bán sang Trung Quốc với sự ám ảnh, sợ hãi, tủi nhục đến tột độ, đến ngày trở về vẫn phải sống với những cay đắng, uất hận…

Những tháng ngày làm dâu cực khổ

Mỗi khi có ai đó hỏi đến chuyện bị lừa bán sang Trung Quốc nước mắt chị Lê Thị Thuần (SN 1968), ở tại xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang lại trào ra, đôi mắt rớm lệ nhìn 3 đứa con một cách đau xót. Sau gần 20 năm trời biền biệt bị bán sang nước ngoài, bỗng dưng một ngày chị Thuần trở về với một thân hình tàn tạ cùng 3 đứa con nhỏ làm cho cả gia đình và xóm làng sửng sốt. Những chuỗi ngày đau thương, nghiệt ngã với biết bao tủi nhục bên xứ người đó được chị Thuần kể lại trong nước mắt. Chị Thuần bảo nhiều lúc chị định quyên sinh cho bớt khổ, nhưng vì thương 3 đứa con nheo nhóc sẽ không biết bấu víu vào đâu cho nên chị tiếp tục sống và cầu nguyện mong sao mình tai qua, bệnh khỏi để chị lo lắng, chăm sóc cho những “giọt máu” nhỏ của mình.

Vốn được sinh ra trong một gia đình nhà làm nghề nông, vì cuộc sống nghèo túng, khổ cực cho nên chị không được ăn học đàng hoàng, tử tế. 17 tuổi, chưa hiểu được cuộc sống gia đình như thế nào thì chị đã phải kết hôn theo sự sắp xếp của gia đình. Theo chồng về làm vợ, cũng mong muốn được hạnh phúc bên mái ấm gia đình. Nhưng chưa chung sống được bao lâu thì chị đã bị chồng đánh chỉ vì “dám” nhắc nhở chồng đừng chơi bạc nữa. Oan ức vì bị đánh nên chị bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Chồng chị biết mình có lỗi nên xuống nhà năn nỉ xin bỏ qua, anh còn hứa sẽ từ bỏ cờ bạc và không bao giờ đánh chị nữa. Nghĩ chồng thật lòng nên chị gói ghém hành lý theo anh về nhà.

Giữa năm 1991, chị sinh một bé gái, hạnh phúc tưởng chừng sẽ tồn tại trong căn nhà tranh nhỏ bé. Không ngờ, 2 năm sau chồng chị lại đánh bạc trở lại, chị biết chuyện khi chiếc xe đạp - tài sản có giá trị nhất trong nhà bị chồng đem đi gán bạc. Can ngăn chồng, chị đã bị chồng chửi mắng thậm tệ rồi anh ta  bỏ đi uống rượu. Quá nửa đêm chưa thấy chồng về, nên chị bực mình đóng chặt cửa. Khoảng 2 giờ sáng chồng chị mới lướt khướt mò về đến nhà, mở cửa không được nên anh ta đã phá cửa xông vào, chị Thuần chỉ kịp giật mình bật dậy thì đã bị đánh tới tấp, thâm tím cả mặt mày. 

Bị đánh đến liệt nửa người

Không chịu được tủi nhục, chị viết đơn ly hôn, đề nghị chồng ký nhưng anh ta không ký. Một ngày không giống như bao ngày khác, sau khi bị chồng đánh chị đã xuống nhà chồng để kể tường tận sự việc nhưng bố mẹ chồng không khuyên răn con mình và hỏi han cho ra nhẽ lại còn mắng cô con dâu là hư thân mất nết không biết đường vun vén cho hạnh phúc gia đình. Quá uất ức nên chị đã từ biệt bố mẹ chồng ra về. Sau biết bao nhiêu đêm trăn trở suy nghĩ, cuối cùng chị quyết định bế con ra đi. Chị theo tàu lên Lạng Sơn với ý định sẽ ở lại đây làm thuê kiếm sống. Đang chơi vơi không biết làm gì thì được một người “mách nước” kiếm đôi thùng đi gánh nước thuê. Dốc hết cả tiền nong mang theo nhưng không đủ, đêm đến chị thuê phòng qua đêm nhưng người ta bắt đặt cọc tiền trước. Không đủ tiền chị đành ngủ nhờ ngoài hiên nhà cạnh ga tàu của một đôi vợ chồng đứng tuổi. 

Trong lúc bơ vơ không biết làm gì thì có 2 người nói rằng đi theo họ sang bên Trung Quốc họ sẽ xin việc cho. Chị nghe theo và bị lừa bán cho người Trung Quốc. Chỉ khi bị đánh đập và ép làm vợ một người bản xứ chị mới ngã ngửa ra thì mọi chuyện đã rồi. Dù đã bỏ trốn nhiều lần nhưng không thành, bọn “đầu trâu mặt ngựa” đã nhốt và hành hạ chị suốt 6 tháng trời ròng rã trong căn phòng tối tăm. Căn phòng ấy có lỗ thông gió nhỏ bằng đúng bàn tay, chị kiễng chân, ghé mắt qua thì thấy có hai người canh bên ngoài. Những trận đòn roi cứ trút xuống thân xác chị sau mỗi lần bỏ trốn không thành. Cuối cùng chị đành làm vợ của một người Trung Quốc để không bị nếm trái đắng của cái địa ngục nơi trần gian ấy nữa. “Ở nơi xứ người bất đồng ngôn ngữ tôi phải làm việc quần quật suốt ngày đêm để kiếm sống. Năm 1993, tôi sinh đứa con trai nhưng chỉ được hơn 2 tuổi thì chết vì cháu bị ong đốt. Năm 1995, tôi sinh đứa thứ hai. Hạnh phúc tưởng chừng đã đơm hoa, kết trái với tôi nhưng không ngờ người chồng ấy cứ thấy điều gì không vừa ý là lại đánh tôi thậm tệ. Không biết bao nhiêu lần như vậy. Nước mắt rơi xuống hàng đêm, lúc ấy tôi nghĩ phận mình không bằng con trâu, con chó. Tôi muốn trốn về nhà nhưng không biết đường nào mà về. Vài tháng sau, tôi bị đánh đến tai biến mạch máu não, liệt nửa người, nằm bất động một chỗ. Dù sức khỏe yếu, bệnh tật nhưng người chồng kia vẫn bắt tôi sinh thêm 1 đứa con nữa”, chị Thuần nhớ lại.

Thoát khỏi “ngục tù” 

Đến năm 2007, gã chồng bản xứ bị chết do cao huyết áp, cuộc sống nơi đất khách quê người quá khổ cực, chị gom góp tiền rồi tìm cách đưa 3 đứa con nhỏ trốn về Việt Nam. Vất vả lắm chị mới hỏi được đường về quê của mình. Ngày chị về, gia đình chị vui đến chảy nước mắt, bà con hàng xóm đến hỏi thăm rất đông, nhưng ai cũng thương cho thân phận của chị. Thân mang bệnh tật, không thể lao động được nên cuộc sống của mấy mẹ con càng khốn khó. Một tay, một chân bị liệt hoàn toàn, không tự đứng dậy, đi lại được nhưng chị vẫn tự mình vệ sinh cá nhân. Mỗi khi muốn ngồi dậy phải nhờ 2 đứa con vực dậy, nếu không phải “bật tôm” mà dậy. Tất cả việc nhà trông vào mấy đứa con. Nhìn đàn con nheo nhóc vùi đầu vào mâm cơm chỉ có rau, nước mắm và cơm trắng nước mắt chị lại trào ra nghẹn ngào: “Sao ông trời lại bất công với tôi như vậy?” Rồi chị lại than thở, tự trách mình: “Nếu ngày ấy cứ cố gắng cam chịu rồi thuyết phục người chồng của mình thay đổi cách sống thì có lẽ đời tôi đã không bị lừa bán sang Trung Quốc và tôi không bị tàn tật như bây giờ”. 

Những khó khăn và cực nhọc vẫn ngày ngày đè nặng lên gia đình nhỏ bé của người thiếu phụ cùng 3 đứa con nhỏ, chị bất lực, không biết phải làm như thế nào để có thể nuôi 3 đứa con ăn học nên người. Cả 3 đứa con chị Thuần lại không biết tiếng mẹ đẻ cho nên giao tiếp với người ngoài rất khó khăn. Thông cảm với hoàn cảnh gia đình chị, nhà trường vẫn cho 2 đứa con của chị đến học nhờ. Đứa con trai lớn 16 tuổi không muốn đi học nên đã phải bươn trải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình. Chị Thuần đau xót khi thấy con phải đi làm thuê làm mướn cho gia đình khác nhưng thân chị “lực bất tòng tâm”. Nhiều đêm chị mơ có một điều kỳ diệu đến với chị làm cho chị khỏi được căn bệnh liệt để chị có thể lao động mưu sinh, kiếm tiền nuôi các con ăn học đàng hoàng để chúng không bị thất học, không phải khổ như chị. Hiện tại 4 mẹ con trông chờ vào số tiền công ít ỏi mà đứa con trai lớn đi làm thuê kiếm được. Nhìn người phụ nữ tật nguyền cùng 3 đứa con nheo nhóc dìu nhau chèo chống lại với đời mà chúng tôi không khỏi xót xa. Biết bao người phụ nữ bị những kẻ buôn người bán sang bên kia biên giới phải chịu những cảnh sống nhục nhã ê chề, số phận họ có khá hơn không nếu có cơ may thoát khỏi những “địa ngục” vẫn là một dấu hỏi lớn khắc khoải cho chính những nạn nhân trong những năm tháng cuộc đời phía sau.