Người con rể hơn 30 năm chăm sóc 3 người điên của nhà vợ

ANTĐ - Có lẽ hình ảnh người đàn ông tóc muối tiêu ngày ngày cặm cụi chăm sóc ba người thân trong cơn tâm thần của nhà vợ hẳn đã gây xúc động nhiều hơn cho những người dân ở khu vực 2, phường Thủy Xuân (TP Huế). Kết hôn tròn 5 năm, người vợ bất ngờ ra đi. Từ đó, anh chăm sóc nuôi dưỡng bố vợ bị tâm thần, hai chị em vợ cũng bị tâm thần suốt suốt 32 năm nay. Từ lúc tóc còn xanh, cho đến giờ, đầu đã hai thứ tóc nhưng anh vẫn nhẫn nại làm công việc ấy, bởi tình yêu và lời hứa với người vợ trước lúc lâm chung.

Người con rể hơn 30 năm chăm sóc 3 người điên của nhà vợ ảnh 1Anh Hùng chăm sóc cho người chị vợ hiện nằm liệt giường

Lời trăn trối cuối cùng

Mỗi buổi sáng sớm, người đàn ông 54 tuổi Lê Quang Hùng (ở tổ 8, khu vực 2, phường Thủy Xuân, TP Huế) thường dậy sớm nhất nhà, nấu xong bữa sáng, mang nước ra rửa mặt cho cha vợ và chị vợ, sau đó chải đầu cho chị. Rồi đút cơm cho người em vợ 52 tuổi ăn. Sau khi xong hết việc nhà, anh mới rời ngôi nhà nhỏ nghèo khó của mình tới cửa hàng sửa xe đạp cách đó không xa để làm việc, kiếm tiền nuôi sống mọi người. Cả nhà ốm yếu không ai đỡ đần gì được ông cả, người cha vợ chỉ biết ngồi dựa vào khung cửa, ánh mắt trìu mến và buồn buồn nhìn theo cái dáng tập tễnh của con rể đi khuất, cho đến khi không nhìn thấy bóng anh Hùng nữa.

Căn nhà rách nát nằm trên một ngọn đồi, xung quanh có nhiều lăng mộ, nhà nhỏ không có cửa, đồ đặc cũ kỹ, áo quần và rất nhiều loại rác lanh tanh bành, ngổn ngang. Một người đàn ông vẻ mặt khắc khổ, đôi mắt hiền dịu đang lúi húi thay áo quần cho một phụ nữ gầy yếu nằm liệt trên giường.

Đó là anh Lê Quang Hùng người con rể và là người tỉnh táo duy nhất trong nhà này. Hơn 30 năm về trước anh Hùng gặp vợ mình, anh đem lòng yêu thương cô gái có dáng người nhỏ nhắn, yếu ớt, hàng ngày gánh hàng rau đi qua cửa hàng làm lốp xe của mình.

Anh Hùng kể lại: “Sau một thời gian quen nhau tôi thấy cô ấy là người chịu thương chịu khó nên đã quyết định ngỏ lời xin lấy cô làm vợ nhưng vợ tôi ngày đó không đồng ý vì một lý do rằng nếu cô ấy lấy chồng, ai nuôi ba tâm thần, mẹ già và 1 người chị, 1 đứa em trai bị điên ở nhà. Nghe câu trả lời đó tôi nghẹn lời không biết nói gì hơn, gia đình tôi biết hoàn cảnh bên đó nên cũng không muốn tôi làm rể nhà như vậy. Nhưng không biết duyên số thế nào tôi quyết lấy cho bằng được. Tôi trả lời vợ mình rằng bây giờ và cả sau này khi không còn em nữa anh sẽ thay em lo lắng chăm sóc cho người nhà của em!”. 

Có lẽ niềm tin về một tình yêu nơi anh Hùng quá lớn nên anh đã bỏ hết để đến với vợ mình. Nhưng rồi ông trời nỡ cướp đi người vợ ngoan hiền của anh quá sớm. Lấy chị về mới được 5 năm, chị sinh cho anh 2 mặt con kháu khỉnh rồi vĩnh viễn rời bỏ anh. Dù đã thuốc thang nhiều nhưng rồi không giữ được người, anh Hùng goá vợ khi mới 22 tuổi. Trước lúc chị rời xa anh, chị đã nắm tay chồng rất lâu không chịu buông ra. “Em không nỡ lòng nào xa anh và các con, em cũng không nỡ nào bỏ bố mẹ và người chị cùng đứa em thiểu năng! Nhà chỉ có mấy chị em nhưng lại có số phận hẩm hiu như thế, em sống thì em chăm sóc, em bây giờ chết đi, cả nhà em sẽ sống thế nào đây? Trước đây nhà em chọn anh làm con rể, vì muốn tính thật thà của anh, lòng anh tốt. Xin cậy anh vì kiếp vợ chồng mình, mà giúp em trông bố mẹ, trông thằng em tội nghiệp đi. Em không dậy được nên không thể dập đầu xin anh được, xuống suối vàng em sẽ dập đầu lạy anh!”. Những lời nói của người sắp chết là tất cả mọi người xung quanh hôm đó đều đau xót, người chồng trẻ càng chan chứa nước mắt, khóc không thành tiếng. 

Anh Hùng đã đau đớn ôm đứa con mới sinh vào lòng mà khóc rất lâu bên xác vợ. Vợ anh rời bỏ anh trong lúc hoàn cảnh éo le nhất. Một mình anh với hai đứa con dại, còn bên nhà vợ 4 miệng ăn đang đói từng ngày. Nhiều lúc anh đã muốn buông xuôi, nhưng có lẽ hai từ “duyên số” buộc anh gắng gượng để đối diện với số phận của mình. Sau khi chôn cất vợ, anh đã quỳ xuống trước mặt bố mẹ vợ khẩn thiết: “Vợ con còn thì con là con rể của bố mẹ, giờ vợ con mất rồi thì con thành con trai của bố mẹ. Bố mẹ ốm con sẽ chăm sóc, bố mẹ mất con sẽ an táng có thuỷ có chung!”. Bố vợ của anh Hùng lúc đó chưa bị tâm thần, vẫn còn đang tỉnh táo và đau khổ vì mất con, một mực nói, không thể nào làm khổ lây cả con rể nữa. Nhưng anh Hùng khăng khăng bảo: “Con đã hứa với vợ thì con nhất định phải làm bằng được!” Thế là sau ngày vợ mất, một mình anh gánh cả gia đình.

Nhà lại có thêm một người điên

Những gì được hỏi về quá khứ, về nỗi buồn vui và cả sự nghiệt ngã của cuộc đời, anh Hùng thường chậm rãi bảo: “Tôi không kể được, tôi chả còn nhớ nữa!”. Không có những lời to tát, không cao giọng bao giờ, anh Hùng cứ thế chậm chạp làm trọn bổn phận của một người con rể. Cả cuộc đời, bằng sự chân thực lương thiện và hiếu nghĩa làm cảm động tất cả những người từng biết ông. Từ ngày vợ mất, anh Hùng dứt khoát ở vậy chăm sóc bố mẹ vợ và chị em của vợ tử tế. Anh nhờ người đến làm giấy chứng nhận đàng hoàng nhận nuôi dưỡng hai cụ. Hàng ngày, cái cửa hàng sửa xe đạp nhỏ của anh lúc nào cũng có khách ra vào. Làm cho khách xong, anh lại chạy bộ về nhà nấu cơm, giặt giũ quần áo, bón cơm, quét dọn.

 Vợ mất quá sớm, con gái không có sữa để bú, nhìn đứa con oe oe ngọ nguậy trong bọc tã lót đòi bú, anh Hùng xót xa. Anh cắn răng đi vay tiền mua đường pha nước cho con bú. Nhưng những năm đó, đường trắng còn là thứ xa xỉ phẩm, mua làm sao được. Anh lại chạy khắp nhà phía đông nhà phía tây, xa gần khắp toàn thôn đi vay đường. “Đường trắng nó ăn phải đầy cái bao tải! Những cái khổ hồi đó thôi đừng nhắc nữa” -  anh Hùng nói.

Những đứa con ngày một lớn, nỗi đau mất vợ nguôi ngoai dần, bố mẹ vợ thấy con rể chăm chỉ đã gắng vực dần cả cái gia đình rách nát dậy, cảm thấy có cái để hy vọng, thấy bao dung, thấy ngày tháng đã có tương lai. Địa phương này ai cũng nói, chàng rể nhà này không phải ruột thịt mà còn thân hơn cả ruột thịt. Nhưng rồi một lần cách đây hơn 20 năm, bố vợ của anh Hùng bị trúng gió nặng. Nghe tin ấy, anh cõng con gái, tay dắt chị vợ kéo theo cậu em vợ khùng khùng bạt đường lên bệnh viện. Nhìn bố vợ đang mê man, thấy chị vợ cười cười ngây dại, lại nhìn sang cậu em vợ đang dở điên, anh xót xa quá. “Tôi cảm thấy lúc đó tôi sắp sụp xuống rồi! Khi cái cột trụ gia đình là bố vợ tôi bị đổ rồi, gia đình tôi như quả trứng đặt trên cái giỏ lệch, có lẽ thật sự là gia đình tôi đã lụn bại rồi!”, anh Hùng tâm sự. Suốt cả ngày cả đêm, anh Hùng túc trực bên giường bệnh, vừa gọi vừa cầu xin cho phép lạ xảy ra. Sau bảy ngày đêm, ông bố vợ anh đã được cứu lại từ tay tử thần. Nhưng chẳng hiểu sao từ ngày hôm ấy ông lại lên cơn tâm thần như hai đứa con của ông. Vậy là nhà người điên lại có thêm một người điên nữa.

Không có đến cả đồng bạc lẻ để mua áo quan

Cắn răng, cuộc sống vẫn cứ ngày qua lần hồi giật gấu vá vai. Anh Hùng vừa chăm sóc người thân của vợ, vừa nhằm lúc rảnh mới ra cửa hàng sửa xe để kiếm tiền. Làm những việc khổ sở vất vả đến mấy, anh cũng không nề, chỉ nhằm kiếm thêm chút đồng tiền đỡ đần gia đình. Mùa hè, anh đi cắt rau dại; mùa đông, anh đi ra chợ rau sớm nhặt những thứ gì khả dĩ bán được để kiếm thêm tiền thuốc thang và cái ăn cho mọi người. Anh Hùng mua một cái vại sành, muối dưa ăn hàng ngày, chớp mắt cơm dưa đã qua hai mấy năm. Đôi dép nhựa 8.000 đồng anh cố gắng đi 4-5 năm ròng. Trong nhà giường là được người ta tặng, ngay cả bóng đèn tiết kiệm điện 10 wat cũng là do tổ dân phố mua cho, chứ anh chẳng có tiền mà sắm sửa những thứ ấy.

Bố mẹ anh Hùng không cầm lòng khi thấy con trai mới ngoài đôi mươi của mình góa vợ và khổ sở như thế. Ông bà đi gọi con về, bảo sẽ cưới cho vợ mới! Nhưng anh bảo với cha mẹ hãy nhìn thấy hoàn cảnh nhà vợ rồi quyết định, anh mà đi nữa thì ai chăm sóc những người trong nhà. Con người cũng phải có lương tâm, anh cũng không thể không có lương tâm. Lời của anh làm mọi người không biết trả lời thế nào.

Năm 2011, bố mẹ vợ lần lượt qua đời. Hai người rủ nhau đi cùng một năm trong lúc nhà không còn một đồng bạc lẻ mua áo quan, anh Hùng một mình chạy vạy, vay mượn chôn cất cha mẹ vợ. Khó khăn cứ tiếp nối khó khăn. Ngày còn ông bà thì còn người lo lắng nay ông bà đi để lại 2 người con điên dại không ai thân thích ngoài người con rể đã hơn 30 năm gồng gánh. “Nhìn tình cảnh gia đình vợ, tôi càng thêm thương, trước khi còn vợ, ngày nào tôi cũng nhắc vợ về chăm sóc ba và chị, em bị điên, có gì ngon tôi cũng thúc vợ đưa về, bên nhà có chuyện to chuyện nhỏ đều có mặt vợ chồng tôi. Vợ mất thì chỉ còn mình tôi. Vậy mà cũng đã mấy chục năm trời rồi!” anh Hùng tâm sự.

Thấy anh Hùng hàng ngày qua chăm lo cho 2 người điên mà nhiều người trong xóm nói với nhau rằng câu chuyện như thế cũng chẳng có trong cổ tích, vậy mà lại có giữa đời thường. Hơn 30 năm không phải là ngắn đối với người đàn ông ngày ngày hầu bữa, bưng dọn cho người thân của vợ trong ngôi của những người điên này. Thế nhưng, chưa một người ta thấy anh Hùng than thở, hay buồn bực điều gì. Việc làm của ảnh khiến nhiều người phải nhìn lại mình mà suy nghĩ!