Nghị lực phi thường của “anh em tí hon”

ANTĐ - Bất kể nắng mưa, hàng ngày người cha sau khi tắm rửa vệ sinh, cho con ăn uống xong lại đưa hai đứa con “tí hon” đến trường.

Hai anh em tí hon Đỗ Trần Long Thành và Đỗ Trần Long Vũ

Trong khi đó, để kiếm tiền nuôi con, người mẹ hai đứa trẻ ấy lại đạp xe rong ruổi khắp các nẻo đường buôn bán ve chai. Họ đang cố gắng tiếp sức cho những đứa con bất hạnh của mình thực hiện ước mơ được đến trường học chữ để có một tương tai tươi sáng hơn...

Những đứa trẻ mãi... không lớn!

Đã nhiều năm nay người dân thôn Mộc Đức, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị đã quen thuộc với hình ảnh một người cha lái chiếc xe máy cũ kỹ đón đưa hai đứa con trai “tí hon” đến trường đều đặn mỗi ngày. Anh là Đỗ Trần Nhật Linh, 40 tuổi, cha của hai đứa con bất hạnh. Trong căn nhà trống vắng nằm ở cánh đồng cuối thôn Mộc Đức, anh Linh tiếp chúng tôi với khuôn mặt buồn buồn.

Hai anh em tí hon được cô giáo hướng dẫn học bài

Năm 1989 anh Linh đi bộ đội và được phân về đơn vị quân chủng phòng không không quân, Sư đoàn 375 đóng tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Một thời gian sau anh bị sốt nặng và được đưa đi điều trị tại bệnh viện 17. Tại đây các bác sĩ đã tiêm thuốc cắt sốt cho anh, tuy nhiên do sức khỏe yếu lại tiêm thuốc nặng nên sức khỏe anh càng yếu hơn. “Lúc đó tui chỉ còn 39 kg, nằm bẹp dí một chỗ, lúc di chuyển phải đi nạng và nhờ người dìu đi. Tui xuất ngũ về làng với sức khỏe rất yếu, không làm được gì cả”, anh Linh nhớ lại.

Không cam chịu cảnh đau ốm bệnh tật và tương lai mù mịt, anh quyết tâm rèn luyện thể lực kết hợp với việc điều trị tích cực nên một thời gian sau sức khỏe anh đã dần hồi phục. Năm 2000, anh Linh yêu và cưới chị Võ Thị Tuyết làm vợ. Cũng trong năm đó, chị Tuyết sinh đứa con trai đầu lòng và đặt tên là Đỗ Trần Long Vũ trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình. Cháu sinh ra nặng 3,9 kg và sức khỏe rất tốt.

“Thấy con khỏe mạnh vợ chồng tui mừng lắm. Thế nhưng khoảng hơn 1 tuổi thì cháu bắt đầu có biểu hiện chậm lớn, tay chân bắt đầu teo tóp, các khớp xương rất nhỏ và yếu. Vợ chồng tui thương con nên đã đưa cháu đi điều trị khắp nơi nhưng các bác sĩ chẩn đoán cháu chỉ bị suy dinh dưỡng mới vậy. Rứa là vợ chồng tui ra sức bồi bổ cho cháu nhưng cháu vẫn càng ngày càng yếu và đặc biệt không thấy... lớn như những đứa trẻ bình thường khác”, chị Tuyết buồn bã cho biết.

Những dòng chữ khó nhọc được nắn nót viết nên từ bàn tay nhỏ xíu của Vũ

Nghĩ do vợ chồng ăn uống kham khổ nên con sinh ra mới còi cọc như vậy nên hai vợ chồng đành chấp nhận, hy vọng cháu sẽ được cải thiện dần. Năm 2002, vợ chồng anh sinh thêm cháu thứ hai và đặt tên là Đỗ Trần Long Thành. Cháu thứ hai sinh ra cũng khỏe mạnh nhưng rồi cũng như anh trai, Long Thành cũng còi cọc và rất yếu. Lúc này vợ chồng anh Linh mới thực sự suy sụp.

“Lúc sinh cháu Long Thành ra như vậy tui mới nhớ ra là hồi đi bộ đội đơn vị tui đóng ở khu vực có nhiều hóa chất độc hại, và cũng có thể tui đã bị ảnh hưởng chất độc hóa học đó. Và sau này tui biết được thêm nhiều đồng đội của tui cũng đã có con bị di chứng tương tự, có nhiều đứa con của đồng đội tôi đã chết không lâu sau khi ra đời”, anh Linh cho biết thêm.

Đến nay, dù đã gần 11 tuổi nhưng Long Vũ cũng chỉ cao khoảng 70cm, nặng 12kg. Lớn hơn anh trai một chút, nhưng cháu Long Thành cũng chỉ cao khoảng 75cm và nặng 12,5kg. Do thể trạng còi cọc, hệ tiêu hóa kém nên chuyện vệ sinh cá nhân của hai cháu hầu như chỉ nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ hoặc cô giáo, bạn bè ở lớp.

“Con muốn đi học”

Nghị lực phi thường của “anh em tí hon” ảnh 4

Từ lúc các con bị bệnh như vậy vợ chồng chị Tuyết càng thương các con hơn nhưng sự lo lắng cũng càng thêm nặng trĩu. “Tuy các con sinh ra không may mắn nhưng chưa bao giờ vợ chồng tui quá buồn lòng mà luôn cố gắng nuôi dạy các con thật tốt. Con có bệnh tật thế nào thì cũng là con mình chín tháng mười ngày rứt ruột đẻ đau. Bây giờ vợ tui chỉ muồn dồn sức nuôi dạy các con thật chu đáo để bù đắp những thiệt thòi mà các con đã phải gánh chịu”, nói về những đứa con không may mắn của mình, anh chị càng quyết tâm hơn.

Chị Tuyết cho biết, lúc 6 tuổi, nhìn bạn bè cùng xóm được cha mẹ đưa đến trường nhập học thì cháu Long Vũ cũng nằng nặc đòi bố mẹ cho cháu đến lớp. “Con cũng muốn đi học như các bạn và con sẽ cố gắng học giỏi”. Nghe đứa con nhỏ xíu của mình nói vậy chị cảm thấy lòng mình như xát muối và chị lại lo lắng nếu đi học thì liệu cháu có theo học nỗi không. “Vợ chồng tui suy nghĩ nhiều lắm rồi lại thấy thương con vô cùng. Cuối cùng vợ chồng tui quyết định mua sách vở xin cho cháu được học tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ngay đầu làng. Khi được bố mẹ đưa đến trường hắn mừng rỡ chạy tung tăng cả ngày như được nhận quà vậy”. Do cháu quá nhỏ so với các bạn trong lớp nên trường ưu tiên cho ngồi bàn đầu với bộ bàn ghế được đóng thấp hơn để dễ dàng tập viết. Với các cháu bình thường đã khó thì với cháu Long Vũ việc học càng khó khăn hơn rất nhiều.

Thành vui đùa với bạn bè cùng lớp tại trường học

“So với các bạn bình thường thì học lực của cháu Vũ vẫn còn yếu nhưng biết hoàn cảnh của cháu như vậy nên thầy cô, bạn bè ai cũng thương và giúp đỡ từ việc học cho đến vệ sinh cá nhân. Năm trước cháu còn học trên tầng 2 nên việc đi lại rất khó khăn, phải nhờ các bạn cùng lớp cõng mỗi khi vào lớp. Năm nay trường bố trí cho lớp cháu học ở tầng một để cháu dễ dàng đi lại”, cô Nguyễn Thị Tuyết, chủ nhiệm lớp cháu Long Vũ tâm sự.

Cô Tuyết cũng cho biết, mỗi khi có chương trình hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì bao giờ trường cũng dành ưu tiên giúp đỡ cho cháu trước. Nhìn những dòng chữ khó nhọc được nắn nót viết nên từ bàn tay nhỏ xíu của Vũ chúng tôi vô cùng cảm động. Cũng như Long Vũ, cháu Long Thành được bố mẹ cho đến trường, hiện cháu đã học đến lớp 3.

Tại trường, Long Thành được các bạn cùng lớp giúp đỡ rất nhiều

Tại lớp học của cháu Long Thành cặm cụi nắn từng chữ viết. “Cả cháu Vũ và cháu Thành đều khá thông minh và tiếp thu bài khá tốt nhưng do các cháu quá nhỏ, đặc biệt là đôi tay quá yếu nên việc viết chữ, làm toán đều rất khó nhọc và chậm hơn các bạn khác. Thương các cháu, chúng tôi cũng đã cố gắng rất nhiều để giúp đỡ các cháu theo học kịp với các em khác. Cũng nhờ kiên trì tập viết nên chữ của cháu Vũ cũng khá đẹp, còn cháu Thành làm Toán cũng khá nhanh”, cô Mượn, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho biết thêm.  

Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng anh Linh, chị Tuyết ngậm ngùi cho biết: “Chưa biết tương lai sau này của các cháu sẽ ra sao nhưng vợ chồng tui cũng sẽ cố gắng cho các cháu học đến nơi đến chốn. Giờ vợ chồng tui cũng chỉ có hai đứa nó, nếu làm được điều gì cho con thì bọn tui cũng sẽ nguyện hết sức để làm. Chỉ sợ các con yếu quá sẽ không thể theo học được thôi”.