Nghề bới biển

(ANTĐ) - Huyện miền biển Tiền Hải, Thái Bình bao năm qua chỉ thấy những tấm thân phụ nữ khom mình xuống cát. Sự có mặt của tôi cũng không làm cho một ai trong số hàng nghìn phụ nữ đang dàn hàng ngang, lùi dần về phía biển ngẩng mặt liếc nhìn.

Nghề bới biển

(ANTĐ) - Huyện miền biển Tiền Hải, Thái Bình bao năm qua chỉ thấy những tấm thân phụ nữ khom mình xuống cát. Sự có mặt của tôi cũng không làm cho một ai trong số hàng nghìn phụ nữ đang dàn hàng ngang, lùi dần về phía biển ngẩng mặt liếc nhìn.

Như cánh vạc đêm

Họ gọi những người phụ nữ lầm lũi ấy là những phận hồng trần trên cát. Biển chỉ nhộn nhịp về đêm. Lúc đó chỉ thấy toàn bóng dáng phụ nữ. Có đến hàng nghìn người dàn hàng ngang khom lưng áp mặt xuống biển nhón bắt ngón tay thoăn thoắt.

ánh sáng le lói từ những bóng đèn yếu ớt làm cho con người trở nên huyền ảo trên mặt cát đẫm nước. Tiếng sóng, gió biển dội lại, tiếng bước chân bì bõm như ai đó chơi pháo đất dọc bờ biển. Trên chiếc tàu mắc cạn có ai đó đang lia đôi bàn tay loang loáng, tiến lại gần, tôi gặp người phụ nữ bịt kín mặt, chị nhìn tôi lạ lẫm, lúc này đã gần 2h sáng.

“Sao giờ này chú không ngủ mà ra đây làm gì cho khổ?” - Người đàn bà tên Nguyễn Thu Lan lấy làm lạ khi tôi xuất hiện trên biển đêm. Chị Lan, ở Đồng Châu, làm nghề bới biển thuê cho chủ vuông ngao. Gia đình chị có 5 người, con lớn nhất đang học trường y ở thành phố Thái Bình, mấy đứa còn lại còn học phổ thông. Mỗi buổi đi cào ngao như vậy, chị được trả từ 80-100 nghìn đồng tùy theo thời gian ngày hay đêm. Ngư cụ của nghề bới biển không cầu kỳ, chỉ cần chiếc rổ có quai và chiếc cào 5 răng tự tạo. Người cào ngao thường đi giật lùi ra biển. Chính vì phụ thuộc vào con nước mà chị em đã phải lấy đêm làm ngày ngâm mình trong sương tối, trong muối biển để mưu sinh.

Như hàng nghìn người phụ nữ trên biển Đồng Châu, chị Lan luôn phải chờ biển triều xuống nước mới bắt đầu công việc của mình. Biển giờ đây không còn hào phóng, thậm chí còn khắc nghiệt đối với những người bám nó để mưu sinh. Quà trên biển Đồng Châu không còn là quà tặng từ thiên nhiên, mà do nhân tạo nuôi trồng. Nhưng cũng  không phải vì thế mà dễ dàng mang nó về, phải miệt mài bới cát đãi sàng để thu lượm rất vất vả.

Vào mùa ngao, khi thủy triều xuống thì phận hồng trần trải dài trên bờ biển, bới cát tìm ngao cần mẫn như cánh vạc đêm. Họ chủ yếu dựa vào tiền công cào thuê ngao để nuôi con cái ăn học, chứ trên vùng biển hẹp này lấy đâu ra ruộng đồng mà cày cấy. Hầu hết chị em lao động chân tay trần khiến cho da dẻ bủng beo, nhăn tái vì suốt ngày ngâm muối mặn.

Chị Lan cho biết: “Nghề này có ở đây khoảng gần chục năm nhưng chúng tôi mới biết dùng ủng và găng tay, trước đây toàn để tay chân trần lắm lúc xót điếng người”.  Bới biển, không có nghĩa là hàng nghìn người phụ nữ trên biển Đồng Châu kia được tự do bới một cách thoải mái. Họ phải “qua tay cai” đứng ra nhận việc, phải mất phí cho mỗi lần được gọi vào tổ cào ngao là 2 nghìn đồng cho người “cai quản”.

Mưu sinh trên mặt biển
Mưu sinh trên mặt biển

Những người gác cát     

“Riêng xã Đông Minh có đến 300ha diện tích nuôi ngao với hàng nghìn lều gác trên biển. Công việc cào ngao ở đây chỉ có phụ nữ làm. Mỗi vuông ngao 1ha đầu tư mất 500 triệu đồng, nếu trúng thì được tiền tỷ. “ở đây có nhiều người mua xe hơi nhờ ngao nhưng nhiều người cũng chết dở vì ngao, nợ nần chồng chất ” - ông Tô Vinh Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh cho biết.

Được mất bao nhiêu chủ ngao chịu hưởng, còn đối với chị em chỉ biết miễn sao có việc làm, có ngao cào thì dù đêm lạnh mấy cũng không ngại. Người chưa biết lấy làm lạ về cách nói gác cát mà không phải gác biển. Hàng nghìn lêu tre ngật ngưỡng trên biển chỉ có người khi biển triều rút nước, khi nước cao vài ba mét sẽ không có ai trên đó.

Chập tối, cậu con trai ông Nguyễn Văn Nam, ở Đồng Châu leo lên lều, cầm đèn pin cực sáng để làm nhiệm vụ gác cát. Sáng ra, nước biển lên ngập ngang thân cọc lều lại chèo thuyền vào bờ. “Trộm chỉ hoạt động khi còn là bãi cát thôi chú ạ. Nước lên thì khó lấy trộm hơn. Tôi trông thuê, mỗi đêm được 80 nghìn đồng” - ông Nam nói. Công việc tưởng dễ kiếm tiền, vậy mà biết bao nỗi lo, và nguy hiểm rình rập, đêm ngủ say không biết có bão lớn thì gay.

Ông Nam cho biết: “Cách đây mấy năm gió giật tung hết cả lều trên biển. Có anh trông ngao không kịp phản ứng đã bị chết mấy ngày sau mới tìm thấy xác”. Hàng nghìn lều ngao cắm chân dưới biển mặn trông thật lạ mắt. Có lẽ lối kiến trúc chuồng chim cao ngất nghểu chỉ có ở vùng biển nuôi ngao. Mỗi lều có mái khum cắm 4 chân xuống biển nhìn xa tựa hồ những phụ nữ úp mặt bới ngao. Bất kể mưa gió, ngày đêm nếu như nước biển xuống trơ cát là có bóng dáng chị em cào ngao.

Biển đồng quê mình sinh sống, nhưng không phải ngư dân nào cũng có nơi để nuôi trồng thủy sản bởi việc đấu thầu chỉ rơi vào tay số ít người. Chính vì vậy mà đã có hàng nghìn phụ nữ phải còng lưng làm thuê, áp mặt bới cát để có đồng ra đồng vào sinh hoạt. Trước đây họ chỉ cần tự do thả câu buông lưới kiếm cá tôm dễ dàng thì nay phải làm thuê để mưu sinh, bởi biển không còn hào phóng nữa vì nó đã được phân chia có chủ.

Theo ông Tô Vinh Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Châu, việc đấu thầu 1ha bãi cát có giá gần 20 triệu đồng nhưng khi ngư dân mua lại của người trúng thầu thì phải mất từ ba, bốn trăm triệu đồng cho diện tích ấy. Từ hai năm trở lại đây, thu nhập từ nghề nuôi ngao khấm khá thì đã xuất hiện những vụ “hải tặc” rất tinh vi. Vì vậy, những người gác ngao bận bịu hơn ngay khi nước biển ngập đồng ngao.

Những tay trộm dùng bình dưỡng khí và ngư cụ hiện đại để “làm ăn” dưới nước khiến lực lượng công an khá vất vả trong việc điều tra khám phá. Lại có những phi vụ mua bán mặt nước mà không cần biết đến sản lượng ở dưới thu được bao nhiêu, song được mất cay cú mà sinh ra những vụ gây rối an ninh trật tự, hay những vụ trả thù khiến hàng nghìn tấn ngao chết oan khiến lực lượng công an phải rất vất vả để giải quyết.

Nhã Linh - Minh Quân