Nâng bước trên con đường đến lớp gập ghềnh

ANTĐ - Nghe dự báo thời tiết vài ngày nữa nhiệt độ ở Sơn La sẽ xuống 4 độ C, đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô phối hợp với nhóm tình nguyện Hoa Cúc xanh đẩy sớm chuyến đi đến Nam Phong, xã nằm cách biệt trong lòng hồ sông Đà ở huyện Phù Yên, để mang chăn ấm đến cho các em nhỏ bản Mông.

Nâng bước trên con đường đến lớp gập ghềnh ảnh 1Niềm vui của các em nhỏ trường liên cấp xã Nam Phong khi được nhận quà

Những đôi chân trần

Trước chuyến đi, chúng tôi liên hệ với thầy Nguyễn Văn Tĩnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS xã Nam Phong. Thầy bảo, học sinh ở xã 100% là con em đồng bào dân tộc Mông, Dao, Mường, nên đời sống khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ lắm: “Nhất là các em học sinh THCS ở bán trú tại trường, mới chỉ có nhà làm tạm, ghép ván thành giường, có gì đắp nấy, nếu các cô chú dưới Hà Nội mang cho chăn, áo ấm thì tốt quá”.

Nghe nói vậy, nhưng nếu không lên đến tận nơi thì khó mà hình dung được sự thiếu thốn của học sinh ở Nam Phong. Để vào được đến trường, sau hơn 5 giờ đường bộ, đoàn công tác xuống thuyền đi tiếp 45 phút trên hồ Sông Đà, sau đó nhờ các cán bộ xã với thầy cô đưa lên núi bằng xe máy thêm chừng 9km nữa. “May mà đang mùa khô, chứ nếu mùa mưa thì xe máy cũng không đi nổi, chỉ còn cách cuốc bộ”, thầy Nguyễn Văn Tĩnh bảo. 9km đường dốc quanh co, lại là đường đất bị xe công nông cày thành rãnh sâu, bụi mù mịt, nếu không quen đường thì khó mà đi được. 

Xuống tận bến đò đón đoàn, ông Mùi Văn Tha, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phong xúc động: “Đây là lần đầu tiên có đoàn ở Thủ đô về tặng quà cho các cháu học sinh ở xã. Đường sá xa xôi, lại không thuận tiện, đoàn đến được tận đây thật vô cùng đáng quý”. Ông Mùi Văn Tha cho biết, vì điều kiện giao thông như vậy, nên Nam Phong là xã thuộc diện khó khăn nhất ở Phù Yên. Thêm vào đó, phần lớn cư dân trong xã là người Mông, với phong tục canh tác lạc hậu nên bao nhiêu năm rồi mà vẫn không thoát được nghèo. Trường liên cấp Nam Phong gồm cả tiểu học và THCS, tổng cộng chưa đến 300 học sinh. 223 học sinh tiểu học được chia ra 4 điểm, ngoài trường ở trung tâm xã còn có 3 điểm trường cách xa nhau cả chục cây số, còn học sinh lên đến cấp II thì tập trung hết về trường chính, ở bán trú. Thế nên khi đoàn ngỏ ý muốn được đến tất cả các điểm trường, thì thầy Tĩnh đành “can” vì: có điểm trường chỉ đi được bằng… ngựa thôi.

Nâng bước trên con đường đến lớp gập ghềnh ảnh 2

Điểm trường Suối Vẽ nằm giữa bản người Mông là điểm trường duy nhất mà đoàn đến được. Khi chúng tôi lên tới nơi thì lũ trẻ đã đợi từ bao giờ trong gian phòng học đơn sơ bằng gỗ. Vì xe công nông chở hàng chưa lên kịp nên cả đoàn có một khoảng thời gian vui chơi cùng lũ trẻ. Trẻ con bản Mông nơi đây bạo dạn hơn hẳn những nơi chúng tôi từng đến, khi được gọi, chúng ùa đến quây ngay lấy các thành viên trong đoàn, đồng thanh hát khi có người bắt nhịp. Đúng là trẻ con, dù mặt mũi lấm lem, dù áo quần vá víu, chân có dép chân không, nhưng vẫn cười rất hồn nhiên, hát hồn nhiên.

 Nhận chiếc chăn bông với túi quà gồm áo, mũ len, ủng, mì tôm và thực phẩm, bọn trẻ líu ríu ra về, vừa đi vừa lấy kẹo ra ăn. Chúng tôi đứng nhìn theo những đôi chân trần nhỏ xíu bước đi xiêu vẹo, lại hình dung ra lời bài hát: “Ôi ngày tháng, đôi vai gầy run run tựa vào hàng cây… Đôi chân cồng kềnh cha đi giữa rừng hoang vu”. Những đứa trẻ chân trần ở bản Suối Vẽ rồi sẽ lớn lên, thành những người cha, người mẹ vẫn với những đôi chân trần gò lưng trên rẫy trỉa ngô, nếu không có cái chữ để thay đổi cuộc đời… Có lẽ những đôi chân trần nứt toác bùn khô ấy là hình ảnh khó quên nhất, day dứt nhất đối với các thành viên đoàn công tác chuyến này. 

Nâng bước trên con đường đến lớp gập ghềnh ảnh 3

Nỗi niềm người gieo chữ

Cô Hiệu phó trường liên cấp xã Nam Phong Đinh Thị Hiền đã có 27 năm bám bản, từ những ngày người Mông, người Mường ở đây còn chưa biết nói tiếng Kinh, khi con đường đất dẫn lên bản hôm nay còn chưa có. Cô kể, để có được các lớp học như bây giờ, cô cùng những giáo viên đầu tiên đến Nam Phong đã phải đi xuyên rừng, đến từng nhà vận động đồng bào dân tộc cho con em đi học. Nhiều thầy cô đã không trụ được, thậm chí phải bỏ nghề. Cũng suốt 27 năm đó, cô Hiền chưa từng nhận được một lời chúc mừng của học sinh hay phụ huynh nhân ngày Hiến chương Nhà giáo, hoa hay quà thì lại càng không có. “Người dân lo ăn còn chật vật, còn mình chỉ mong học sinh đến lớp được là đã mừng lắm rồi, nghĩ gì đến những thứ đó”, cô Hiền nói. Hỏi, vậy lý do gì khiến chị gắn bó với nơi gian khó này suốt ngần ấy năm? Cô Hiền cười không đáp. Nếu bảo rằng vì thế hệ tương lai thì nghe to tát quá, lại sáo rỗng nữa. Còn bảo vì đấy là cái nghiệp thì lại thật quá, sống sượng quá. Nhưng dù thế nào thì 27 năm qua, những gì mà cô giáo ấy đã làm cũng vẫn khiến nhiều người phải khâm phục. 

Với thâm niên công tác đó, đến giờ mức lương tháng của cô Hiền cũng tạm coi là tương xứng với công sức bỏ ra. Nhưng còn những thầy cô giáo trẻ, mới ra trường, còn trong diện viên chức dự bị hay hợp đồng thì thực sự eo hẹp. Thầy cô cũng bán trú tại trường, nhưng đất trên núi cằn cỗi, ngoài ngô với bí thì chẳng trồng được gì, không tăng gia được. Thiếu thốn vật chất, cả đời sống tinh thần cũng thua thiệt đủ bề. “Đến giờ có lẽ Nam Phong là xã duy nhất trong huyện chưa có internet. Muốn dùng mạng, phải chờ đến cuối tuần về thị trấn. Toàn giáo viên trẻ mà bí thông tin, quả thực muốn kết bạn cũng không dễ chút nào”, thầy Vi Văn Quang, giáo viên lớp 5 điểm trường Suối Vẽ cho biết.  

Cứ đến dịp cuối năm như thế này, công việc của thầy cô giáo ở Nam Phong lại bận rộn hơn. Ngoài dạy học, lại phải kiêm thêm việc đi vận động học sinh đến trường vì cứ đến cuối năm, người Mông bước vào mùa bắt vợ. Tục tảo hôn đến giờ vẫn chưa xóa bỏ được hoàn toàn trong các bản người Mông, nên học sinh THCS bán trú cuối tuần về nhà, thứ hai không quay lại lớp là chuyện thường ngày. Thầy cô giáo đến tận nhà mới biết bố mẹ bắt ở nhà lấy vợ, lấy chồng. “Phải tìm mọi cách vận động để học sinh quay lại lớp, nhất là đối với học sinh nữ. Vì học sinh nam có khi còn theo học tiếp được, chứ học sinh nữ mà bị ép lấy chồng rồi thì cơ hội học hành coi như chấm hết, phải ở nhà thực hiện nghĩa vụ với gia đình chồng”, thầy Tĩnh kể. Đến nhà vận động thì cũng phải tìm đủ cách để chở được học sinh đến trường luôn, chứ nếu nghe lời phụ huynh bảo “vài ngày nữa cho con xuống trường”, thì thế nào cũng mất hút, thầy cô lại phải lặn lội đến nhà lần nữa.

Trước lúc chia tay, chúng tôi có hỏi chuyện mấy em học sinh bán trú. Mùa Thị Hòa, học sinh lớp 6, nhà ở bản Suối Lúa cho biết em mơ ước lớn lên được làm giáo viên. Còn Mùa Thị Nga bảo em muốn trở thành bác sỹ chữa bệnh cho dân bản. Những ước mơ đó thật đẹp, nhưng để trở thành hiện thực thì còn cần nhiều lắm những bàn tay chung sức giúp đỡ các em. Như lời thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Tĩnh: “Những món quà đầy tình cảm của đoàn là nguồn động viên lớn lao không chỉ về vật chất mà cả tinh thần. Hy vọng thông qua Báo ANTĐ và nhóm tình nguyện Hoa Cúc xanh, sẽ có thêm nhiều người biết đến những khó khăn của thầy trò chúng tôi và cùng chia sẻ để các em có thể đến trường trong điều kiện tốt hơn”.