Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông

ANTĐ - Đám ma khô của người Mông tại xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, là lễ cúng mang ý nghĩa để thả hồn người chết về với tổ tiên, cội nguồn, mong linh hồn người chết được siêu thoát, tìm được đường về yên nghỉ với tổ tiên và phù hộ cho gia đình...
Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 1Quang cảnh trước nhà một gia đình có đám ma khô ở Sảng Tủng ngày 14-10-2014

Ngày 14-10, khi rong ruổi trên những cung đường đầy hoa, xen giữa đá núi tuyệt đẹp, bất ngờ được chứng kiến một lễ cúng ma khô - Một phong tục độc đáo của người Mông ở xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Theo phong tục, lễ Ma khô là tục lệ tiễn linh hồn người chết về với tổ tiên. Từ “ma” nghĩa là “đangz”, từ “khô” nghĩa là “kruôr”, diễn xuôi theo tiếng Kinh là “ma khô”.

Khác với đám ma tươi tổ chức khi người chết vẫn còn ở trong nhà, đám ma khô là lễ cúng cuối cùng ngụ ý để thả hồn người chết về với tổ tiên, cội nguồn, mong sao linh hồn người chết được siêu thoát, tìm được đường về yên nghỉ với tổ tiên và phù hộ cho gia đình...

Khi có một người trong làng chết đi, thầy cúng sẽ làm lễ hứa với con ma đó sau 12 ngày sẽ làm lễ ma khô, để mong linh hồn người đã khuất được siêu thoát và gia đình có tang sẽ không bị ma theo quấy rối. 

Sau khi chôn cất 12 ngày, gia chủ nếu không đủ điều kiện tổ chức lễ ma khô thì có thể nhờ thầy cúng làm lễ gia hạn (còn gọi là lễ hứa lại), sau 1 tháng hay vài năm cũng được, nếu không làm sẽ bị ma quấy rối không cho làm ăn.

Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 2
Những người phụ nữ quây xung quanh hình nộm để khóc người đã chết

Theo VNE, sáng sớm hôm diễn ra lễ ma khô, gia đình có người chết đến mộ lấy hai mảnh tre đặt cạnh mộ (hai mảnh tre buộc chéo nhau, tượng trưng cho linh hồn người chết) mang về nhà.

Về đến nhà, thầy cúng đặt hai mảng tre xuống nền nhà và bắt đầu làm lễ khấn gọi hồn người chết về. Nếu mảnh tre đổ úp, nghĩa là linh hồn đã về đựơc đến nhà, nếu mảnh tre đổ ngửa là linh hồn ngưòi chết còn ở bên ngoài, thầy cúng sẽ phải khấn cho đến khi mảnh tre đặt xuống đổ úp mới thôi.

Sau khi “gọi hồn” thành công, người nhà dựng thành hình con bù nhìn có đủ áo quần và khăn vấn đầu từ hai mảnh tre đó, đặt đứng trong một cái mẹt để giữa nhà, xung quanh đặt cơm, rượu, thịt rồi bắt đầu làm lễ cúng.

Lễ bắt đầu với bài khèn cúng “ma khô”. Thầy cúng đi vòng quanh nhà rồi mới vào nhà. Thầy cúng, thầy khèn, thầy kèn cùng xoay người múa may, làm lễ, họ mời người chết về ăn để rồi ra đi thanh thản, không lưu luyến trần gian… Hết một lời cúng lại một lần rót rượu mời người chết uống, xúc một thìa cơm, thịt, mời linh hồn người chết ăn.

Trong khi đó, những người thân trong gia đình sẽ khóc than bằng thứ ngôn ngữ riêng để thể hiện lòng tiếc thương. Lễ cúng diễn ra ngay tại khu bếp của gia đình, giữa tiếng khóc ai oán, tiếng kèn sầu thảm trong không gian tối om lập loè ngọn đèn dầu.

Suốt thời gian đó, người làng sẽ qua lại thăm nom, trò chuyện. Mỗi ngươi khi đến dự lễ cúng ma khô, đều mang theo gùi đựng gạo hoặc rượu, lợn, gà, vàng hương, giấy mã và cả tiền phúng viếng.

Đàn ông, những người già trong nhà, ngoài sân thỉnh thoảng lại nâng chén rượu ngô cay, lặng lẽ với những hoài niệm về người đã mất. Đàn bà, trẻ con đi ra đi vào, đứng quanh nhà, dưới mái hiên. Một số người khác mổ bò, mổ lợn, chuẩn bị nấu nướng để sau khi hoàn tất lễ cúng ma cả làng sẽ cùng ăn cỗ cúng.

Sau khoảng 1 tiếng, thầy cúng hỏi ý kiến “con ma” xem đã có thể dời ra ngoài đồng hay chưa, bằng cách tung hai nửa một gióng tre, nếu hai mặt đối lập nhau tức “con ma” đồng ý.  Sau đó, thầy cúng lấy con bù nhìn trong mẹt ra, từ từ lăn cái mẹt ra khỏi nhà.

Người Mông quan niệm rằng, khi đưa tiễn linh hồn người chết ra khỏi cửa nhà, nếu cái mẹt đổ ngửa là linh hồn người chết vẫn chưa được siêu thoát, thầy cúng sẽ phải khấn lại và phải lăn cái mẹt thêm vòng nữa, cho đến khi cái mẹt đổ úp xuống đất mới thôi. Cuối cùng, khi ra đến mộ, để kết thúc nghi lễ, họ sẽ đốt cái mẹt và con bù nhìn để tiễn linh hồn người chết về thế giới bên kia.

Những người khách đến tham dự sẽ được chủ nhà mời ở lại ăn cỗ và uống rượu ngô cay. Mọi người quây quần bên nhau, chia buồn cùng gia chủ trong không khí đầm ấm, thấm đượm tình người.

Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 3Những phụ nữ đến dự lễ cúng ma khô ăn mặc sặc sỡ
Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 4Nam giới tụ tập thành khu riêng để làm giúp công việc trong lễ cúng ma khô
Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 5
Thức ăn đặc trưng của người Mông, được bày ngay trước sân nhà, cạnh mép đường...
Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 6
Bất kỳ ai muốn ăn ra tự xúc ăn trực tiếp như kiểu tiệc... buffet!
Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 7Một thanh niên được cử ngồi ghi chép tiền phúng viếng
Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 8Rượu là thứ không thể thiếu hàng ngày. Trong lễ cúng, rượu vừa để uống vừa để mời linh hồn người đã chết...
Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 9
Kèn là nhạc cụ không thể thiếu trong lễ cúng ma
Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 10Chiếc trống đám ma được treo nhiều thịt phía trên
Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 11Tiếng trống, khèn hoà cùng tiếng khóc ai oán của thân nhân người đã chết
Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 12
Lễ cúng được thực hiện ngay tại khu bếp của gia đình
Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 13Những người phụ nữ dùng khăn che kín mặt khi khóc người đã chết
Mục kích lễ cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên của người Mông ảnh 14Ai khóc xong thì bỏ khăn, lau mặt, ra ngoài ăn uống, nói cười thoải mái.