Một tình yêu đẹp

(ANTĐ) - Người ta nhắc nhiều về anh mỗi khi đến ngày TBLS 27-7, anh trở thành người thương binh “nổi tiếng”, nhưng đó là sự nổi tiếng không ai mong đợi, bởi nó mang đến nhiều khó khăn, nhọc nhằn hơn là hạnh phúc. Nhưng tôi vẫn muốn nói về anh không phải bằng những tấm huy chương anh có mà bằng tình yêu đẹp của vợ chồng anh chị.

Một tình yêu đẹp

(ANTĐ) - Người ta nhắc nhiều về anh mỗi khi đến ngày TBLS 27-7, anh trở thành người thương binh “nổi tiếng”, nhưng đó là sự nổi tiếng không ai mong đợi, bởi nó mang đến nhiều khó khăn, nhọc nhằn hơn là hạnh phúc. Nhưng tôi vẫn muốn nói về anh không phải bằng những tấm huy chương anh có mà bằng tình yêu đẹp của vợ chồng anh chị.

Người thương binh mà tôi nói tới ở đây có tên Trần Mạnh Tuấn và vợ anh, chị Hồ Thị Phương. Gái Hải Phòng đảm đang có tiếng, chị đúng là người phụ nữ như thế. Hoàn cảnh run rủi, chị đến với anh bằng lòng cảm thương. ấy là hồi anh nằm viện nhiều hơn ở nhà, di chuyển khắp các quân y viện và dừng chân nơi trại điều dưỡng thương binh nặng 27-7 Phong Châu, Phú Thọ. Chị Phương có người anh ruột cùng nằm ở đó, là bạn của anh Tuấn. Thế rồi qua lại, hỏi han nhau, gia đình hai bên đều có ý vun vào. Chị Phương bảo, ngày ấy đâu có nghĩ gì là dũng cảm hy sinh tuổi thanh xuân như bây giờ nhiều người vẫn bảo, chỉ thấy thương anh ấy cũng như anh mình, nên đồng ý thôi, và cũng xác định ngay là lấy anh Tuấn chỉ để chăm sóc anh chứ chả mong con cái gì. Bởi ai cũng biết, anh Tuấn đã vài lần được “tử thần” đến gõ cửa, khiêng xuống nhà xác vì chết lâm sàng thì làm sao cho chị được cái hạnh phúc làm mẹ.

Lấy anh rồi, chị chuyển về Hà Nội cùng anh, làm giáo viên ở trường THCS Hoàn Kiếm, bắt đầu cuộc sống của một đại gia đình sống trong phố cổ. Anh đau yếu luôn, chị chẳng có nhiều thời gian gắn mình với bảng đen phấn trắng mà phải xoay sang làm nhiều việc khác. Trời thương cho anh chị được 2 người con gái xinh xắn, nhưng cũng làm anh chị vất vả hơn. Lo cho chồng, cho con khiến chị triền miên nghỉ lớp, rồi đến lúc phải nghỉ hẳn. Nghĩ việc đi làm hay không cũng chẳng quan trọng, chị nghỉ liền một mạch, đến lúc muốn quay lại xin dạy học thì vị trí của chị đã có người khác thay, đành nghỉ chẳng theo chế độ nào, hồ sơ cá nhân thất lạc nên chị chẳng được hưởng bất cứ một khoản thu nhập nào ngoài tiền phụ cấp cho người chăm sóc thương binh nặng tại nhà.

Còn anh, người thương binh nặng trở về từ chiến trường Quảng Trị với thương tật 91%. Hồ sơ bệnh án ghi: Liệt nửa người do gẫy 2 đốt cột sống D10 và D11, chấn thương sọ não, phải cắt gan và một phần ruột... Khó khăn là thế, nhưng ở người thương binh ấy ý chí và nghị lực thì không phải người bình thường nào cũng có được. Anh say mê tập luyện thể thao, ca hát với những người thương binh là bạn đồng hành của anh. Bắn súng, bơi lội, xe lăn, môn nào anh cũng tập tành tí chút, đầu tiên là để rèn luyện sức khỏe. Nhưng không ngờ, môn nào anh cũng phát huy được khả năng của mình. Khi tiếp xúc với bộ môn bơi, Tuấn đã giành thành tích vang dội tại giải tiền Para Games và Para Games 2 với 2 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc và 4 huy chương đồng. Anh cũng có thành tích rất xuất sắc trong bộ môn đua xe và bắn súng. Năm 1994, anh được tham dự giải Marathon quốc tế Hà Nội môn xe lăn. Cùng năm đó, anh được cử tham dự Đại hội thể thao châu á Thái Bình Dương dành cho người khuyết tật tổ chức tại Bắc Kinh. Cả hai giải anh đều đạt thành tích xuất sắc. Năm 1997, anh đạt HCV môn bắn súng tại Đại hội Thể thao người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Năm 2001, anh cũng giành HCV môn bắn súng với thành tích 555 điểm nội dung súng trường nam 60 viên tại ASEAN Para Games tổ chức ở Malaysia. Lần đầu tiếp cận với bộ môn ném lao trên xe lăn nhưng ngay trong giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2005 anh “đoạt” luôn huy chương Bạc. Hiện nay, anh là chủ nhân của hơn 10 HCV và trên 20 HCB, HCĐ tại Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật trong nước và quốc tế.

Năm 2004, UBND TP Hà Nội có quyết định phân nhà cho một số gia đình chính sách tại khu tái định cư Đền Lừ. Nhưng vì tầng 1 của tòa nhà làm dịch vụ nên khu nhà ở bắt đầu từ tầng 2, mà thương binh như anh Tuấn thì việc di chuyển thật khó khăn. Không có cầu thang máy, anh chị phải xây dựng một căn phòng ở tạm, chờ đến khi được chuyển xuống tầng 1. Căn nhà chưa ổn định, nên chỉ có mình anh sống trong đó, các con vẫn ở trên phố Lãn Ông, còn chị Phương, vì lo cho cả hai bố con nên cứ phải đi về hàng ngày. Nhiều kiến nghị đã được gửi đi, các cấp thành phố cũng rất quan tâm đến cuộc sống của anh chị, nhưng thời gian cứ trôi đi mà việc tạo cho gia đình anh một cuộc sống bình ổn nhất vẫn dậm chân tại chỗ, chưa có biến chuyển. Cuộc đời lại thêm một lần trớ trêu khi chị Phương trong một lần đi kiểm tra cuối năm ngoái đã phát hiện ra mình bị ung thư vú di căn. Trong một ngày chị lên bàn mổ hai lần để xác định chính xác căn bệnh, và vài lần truyền hóa chất, xạ trị, sức khỏe chị đã có phần ổn hơn nhưng căn bệnh vẫn như án tử hình treo lơ lửng trên đầu chị. Sau 19 năm chung sống, chị chăm lo cho anh từ bữa ăn đến giấc ngủ, còn hôm nay, người thương binh ấy lại phải chăm sóc ngược lại cho người vợ của mình. Cũng may, trong gia đình ấy còn có một cửa hàng thuốc, nó là nguồn sống lớn của cả gia đình người thương binh hiếm có ấy.

Niềm vui và hạnh phúc với anh Tuấn, chị Phương có lẽ là hai cô con gái xinh đẹp và giống bố. Cô chị lớn đang là sinh viên chuyên ngành Công tác xã hội trường Đại học KHXH&NV, cô gái nhỏ thứ hai đang học lớp 12 trường THPT Việt Đức. Hai cháu đều ngoan, cố gắng chăm sóc bố mẹ trong khả năng có thể. Nếu như anh Tuấn đạt nhiều thành tích trong thể thao thì chị Phương lại có thâm niên hơn 10 năm làm tổ trưởng dân phố và tham gia hoạt động xã hội tại phường. Trong cả hai ngôi nhà bé nhỏ ấy, điều dễ nhận thấy nhất là tình yêu thương bao la của các thành viên dành cho nhau cho dù họ có quá nhiều mất mát trong cuộc sống. Và họ rất cần sự chia sẻ của cả cộng đồng, chung tay để cuộc sống bớt đi phần nào khốn khó.

Yên Hưng