Ký sự Tây Trường Sơn: "Bữa sáng" bom đạn ở Campuchia và Lào

ANTĐ - Loạt ký sự 40 năm chiến tranh tranh Đông Dương ở phía tây Trường Sơn, của 2 nhà báo Gia Hiền & Đức Hoàng, phát trên kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam, mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Đức Hoàng kể lại cho phóng viên báo An ninh Thủ đô.

Một ấn tượng rất ý nghĩa là ở Campuchia, người già chỉ vào đôi dép cao su tôi đang đi và nói hai chữ Hà Nội. Hà Nội chứ không phải Việt Nam. Trong khi ở Lào, người ta chỉ vào đôi dép cao su tôi đi và nói luôn: “đôi dép Bác Hồ”. 

Tại cả Lào và Campuchia, người ta vẫn nhớ, người ta vẫn giữ bi đông, cà-mèn mà bộ đội Việt Nam cho họ. Vẫn giữ để bảo cho con cháu biết ngày xưa tao khổ như thế nào. Khi họ bị thương thì người cứu họ là quân y của bộ đội Việt Nam. Bây giờ, các khu vực tây Trường Sơn thuộc Lào và Campuchia đều vẫn nghèo nàn.

Ký sự Tây Trường Sơn: "Bữa sáng" bom đạn ở Campuchia và Lào ảnh 1Người đàn ông Campuchia xúc động khi nhớ lại việc gia đình bị bom, làm ông mồ côi mẹ và mất chị gái. 

Bên Lào có những ngôi làng hoàn toàn dựng bằng vỏ bom. Cột nhà, tường nhà đều là bỏ bom, là vỏ máy bay. Máng nước cũng là vỏ bom cưa đôi, bồn hoa cũng vỏ bom.

Những kỷ vật, dấu ấn của bộ đội Việt Nam thì tại Campuchia không còn nhiều, nhưng  ở Lào thì còn và họ rất trân trọng. Ở Lào có cái hang mà dân bản ý thức cùng nhau giữ gìn. Đó là cái hang từng chứa kho xăng dầu của bộ đội Việt Nam. Khi chúng tôi đến, phải chờ đợi rất lâu, trưởng bản về mới đồng ý cho phép vào. Họ bảo, chỉ người Lào và người Việt Nam được vào thôi.

Ký sự Tây Trường Sơn: "Bữa sáng" bom đạn ở Campuchia và Lào ảnh 2Hang núi ở Lào từng là trạm tiếp vận của bộ đội Việt Nam, có những bể chứa xăng khổng lồ.

Hang có giếng nước ngầm trong đấy thôi, nhưng họ giữ vì đấy là kỷ vật của cuộc chiến tranh. Họ không muốn có người nước khác vào đấy, có thể họ sợ phá hoại hay làm tổn thương di tích. Họ coi đấy là di tích không được xếp hạng, cả làng cùng giữ. Có những hang vẫn còn nguyên đôi dép, quả đạn B40... nhưng người Lào không động chạm đến những thứ đấy, có người Việt Nam đến hỏi thì họ dắt vào. Họ biết từng ngõ ngách nhưng họ không động chạm đến thứ gì. Đấy là ở Khăm Muội, Lào.

Ở Campuchia, thì lượng bom để lại trên đất đai quá lớn, cản trở họ phát triển nông nghiệp. 

Có một nghịch lý của Campuchia là cứ nơi nào càng phát triển thì nơi đấy càng chết nhiều vì bom chờ nổ. Thành phố phát triển nhất ở phía đông Campuchia, là thành phố có nhiều người chết nhất bởi lý do này. Cứ mở rộng quỹ đất ra thì người chết càng nhiều, vì bom dày đặc, Tôi vẫn giữ bản đồ về bom, đỏ kín đến tận Phnom Penh. Bản đồ những nơi Mỹ đã thả bom.

Mỹ thả bom là muốn ngăn chặn hệ thống tiếp vận của Hà Nội. Người Mỹ quyết định thả bom Campuchia một cách rất chóng vánh, và tên chiến dịch là “bữa sáng”. Đơn giản là nó được quyết định trong một bữa sáng ở Lầu Năm Góc, các tướng lĩnh gặp nhau và quyết định trình lên tổng thống Mỹ Nixon, tới 2 giờ chiều được ký, và đặt tên luôn là "Bữa sáng". 

Ký sự Tây Trường Sơn: "Bữa sáng" bom đạn ở Campuchia và Lào ảnh 3Ngôi chùa này ở Lào đã được dựng lại, nhưng dân làng vẫn giữ lại mảng tường bị bom

Một lý do nữa là thời gian đấy đang trên bàn đàm phán Paris, họ có 2 mục đích. Thứ nhất là đẩy được quân Bắc Việt ngược lên phía bắc và để chiếm được lợi thế trên bàn đàm phán Paris. Thứ hai là để thúc đẩy chiến tranh. Nixon biết sớm muộn gì nước Mỹ cũng phải dừng tham gia chiến tranh trực tiếp, nên dường như tung cú đấm cuối cùng, cú đấm mạnh nhất có thể, mới ném bom tần suất khủng khiếp như thế. Bằng chứng là Hà Nội 1972, Campuchia 1969 – 1973. 

Các tỉnh phía đông Campuchia, giáp vùng phía tây dãy Trường Sơn, đến giờ họ rất nghèo, nhưng có một công ty của Việt Nam là Viettel cùng ở đấy. Viettel xuất hiện ở cả những nơi mà các quả bom B52 đầu tiên ném xuống. 

Bây giờ có 100 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) thì có đến 70 trạm Viettel phải chạy máy phát điện 24/24. Nó thể hiện một nỗ lực của bạn và ta. Cùng phát triển và cùng cải tạo lại những vùng đất cằn cỗi vì bom đạn…