Kỳ lạ người đàn ông "nghiện" thuốc trừ sâu

ANTĐ -  Một người khỏe mạnh bình thường chỉ cần mang bình thuốc trừ sâu đi phun khoảng 5 ngày liên tục, nếu nhẹ cũng sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, nặng thì bị ốm. Vậy mà có một người đàn ông đặc biệt suốt gần 40 năm nay mang bình bơm thuốc trừ sâu đi phun thuốc ở khắp các cánh đồng mà bệnh tật vẫn tránh xa, cơ thể vẫn khỏe mạnh, thậm chí giờ đây nếu không được ngửi mùi thuốc sâu thì ông còn phát thèm vì đã “nghiền” rồi.

Người đàn ông đặc biệt đó là Tăng Đình Ca (61 tuổi), xóm 6, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.

Đã bước sang tuổi 61, nhưng công việc của ông Ca

vẫn là hàng ngày mang bình bơm thuốc sâu đi khắp các cánh đồng

40 năm vẫn “chạy” tốt

Xứ Nghệ ngày tháng 5 nắng cháy da cháy thịt, về xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ), dừng xe dưới bóng cây ven đường hỏi nhà ông Ca, cô bán thịt lợn nhanh nhảu, “ông Ca thuốc sâu phải không? Các chú ở đâu mà về tận đây thuê ông Ca đi phun thuốc sâu thế? Ông Ca vừa mang bình bơm đi phun thuốc sâu qua đó, các chú đến nhanh một tý thì gặp…”. Biết ông không có nhà, tôi bắt đầu đi tìm số điện thoại di động của ông để hẹn gặp, bấm vào số máy 01683320… một giọng nói chậm rãi, “anh ở đâu đến thuê tôi đi phun thuốc đó? Tôi đang làm cho một trang trại cách nhà gần 10 cây số. Dạo này nhiều người gọi quá, bận lắm chưa biết có đi giúp anh được không…”.

Rồi sau hàng chục cuộc điện thoại, chúng tôi cũng hẹn gặp được ông. Căn nhà nhỏ cấp 4 của vợ chồng ông Ca nằm khuất phía sau dãy núi Hòn Rô (xóm 6, xã Nghĩa Bình). Dáng người cao to, hàm răng đã “khuyết” đôi cái, giọng nói ồm ồm. Khi tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về khả năng đặc biệt “nghiền” thuốc trừ sâu của mình, ông Ca khiêm tốn : “Có gì đâu mà đặc biệt, cái nghề khổ cực độc hại chết người đó mà. Vì hoàn cảnh gia đình nên phải đi làm nghề độc hại, ngờ đâu bây giờ tôi “nghiền” nghề này mất rồi, không được làm là không chịu nổi…”.

Tăng Đình Ca, sinh năm 1951, trong một gia đình nông dân quê gốc ở xã Diễn Nguyên - Diễn Châu (Nghệ An), năm 1963 đi nông trang lên vùng đất Nghĩa Bình , Tân Kỳ để lập nghiệp. “Năm 1970 tôi xung phong đi bộ đội nhưng vì là con độc nên Nhà nước không cho đi, đành vào dân công hỏa tuyến hai năm vào 1970 và 1971”, ông Ca kể. Năm 1973, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Đang cùng quê, cuộc sống lam lũ ở vùng nông trang Nguyên Bình Sơn (xóm 6 - Nghĩa Bình) đầu tắt mặt tối nhưng 2 vợ chồng ông vẫn không đủ ngô khoai để nuôi 5 người con. 

Nhớ lại việc bén duyên với cái nghề mang bình bơm phun thuốc trừ sâu của mình, ông Ca nói: “Khi đó vào những năm 1970, nông trang Nguyên Bình Sơn đang thực hiện việc “làm công lấy điểm”(tức là ai làm việc nặng thì sẽ được chấm điểm cao, ai sức yếu làm việc nhẹ thì chấm điểm thấp, rồi sau đó chia sản phẩm - PV). Lúc bấy giờ công việc ở hợp tác xã nông trang rất đa dạng, từ việc lớn đến việc bé. Tuy nhiên, trong đó có một công việc độc hại mà không ai muốn làm dù được chấm công cao là mang bình bơm đi phun thuốc trừ sâu cho hoa màu. Nghĩ hoàn cảnh gia đình mình 1 vợ 5 con, đói ăn hàng ngày nên tôi xung phong nhận làm thử công việc đó ít hôm xem có trụ nổi không, chỉ với mong muốn kiếm thêm được ngày công điểm cao để mang ngô khoai về cho vợ con”.

Ông kể tiếp: “Khi đó một ngày công, hai ngày công… trôi qua, nhưng vẫn thấy sức khỏe của mình bình thường mà không hề có triệu chứng gì đau ốm như những người khác từng làm. Thấy vậy nên tôi tiếp tục công việc này hàng ngày suốt cả năm và cho đến tận bây giờ, nếu tính thời gian tôi đã cõng cái bình bơm sau lưng gần 40 năm, bơm hàng chục nghìn bình thuốc sâu với đủ các loại độc hại nổi tiếng như: Bassa 50 EC; Baside; Butyl 10WP; VIMIPC 25BNT; BAM 75WP..”.

Đặc biệt ở chỗ là trong mỗi lần mang bình bơm đi phun thuốc trừ sâu, ông Ca không hề mặc bộ đồ bảo hộ lao động, đeo khẩu trang hay kính mắt. Tất cả chỉ gói gọn trong một bộ đồ áo sơ mi cũ kỹ và một cái mũ nhựa để kiêm việc thay cái xô múc nước vào bình bơm.

Giật mình hơn, mỗi lúc đi bơm thuốc không may gặp phải vòi bơm bị tắc là ông lại ngậm luôn chiếc vòi bơm có thuốc trừ sâu đó để hút và thổi. “Nhưng dường như cái mùi thuốc trừ sâu  đã ngấm và quen với cơ thể nên tôi lại cảm thấy bình thường…”, ông Ca nói.

Tôi hỏi ông có biết sự độc hại của thuốc trừ sâu khi dùng miệng để ngậm vòi bơm, không đeo khẩu trang và mang kính? Ông Ca cười đáp: “Cũng có nghe khuyến cáo là độc hại, nhưng tôi đã mấy chục năm tiếp xúc bây giờ thấy quen mùi rồi. Với nhẽ cũng vì công việc làm suốt cả ngày nên không thể lúc nào cũng khư khư cái khẩu trang được, nhiều lúc trời nắng nóng 40 độ mà mang khẩu trang cả ngày vào ruộng mía đi phun thuốc thì khó thở lắm…”.

Nói về chồng mình, bà Đang cho biết: “Từ mấy chục năm nay ông ấy chưa mất một viên thuốc cảm nào mô, chưa khi nào ông kêu đau đầu hay mệt mỏi gì cả. Nhiều hôm trời nắng nóng 40 độ, tôi sợ ông có tuổi rồi lại làm việc độc hại này cả ngày nên khuyên ông nghỉ ở nhà đôi buổi nhưng ông không chịu mà nói “một ngày mà tôi không ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu là lại thấy thèm”, cứ như người nghiền thuốc lá rồi ấy”.

Vì là công việc đặc biệt nên hàng ngày hầu như công việc của ông Ca không khi nào hết, hết mùa lúa bị sâu bệnh lại đến mùa mía, lạc bị sâu rầy, thế là hàng trăm hộ dân trong làng cứ tìm đến để thuê ông đi phun thuốc trừ sâu. Anh Lê Văn Hà, một người hàng xóm cho biết, giờ vào mùa vụ muốn tìm để thuê được ông Ca cũng khó lắm. Vì việc phun thuốc trừ sâu độc hại nên ai cũng muốn bỏ tiền ra đi thuê ông phun chứ không muốn làm. 

Ông Ca cho biết: Như hiện nay với giá phun một bình(1 bình = 18 lít nước đã pha thuốc - PV) thuốc trừ sâu là 25.000 đồng đến 30.000 đồng/bình, ngày nào đỉnh điểm nhất có thể phun được 20 bình thuốc. Còn trung bình thì 5 - 10 bình một ngày tùy vào mùa vụ”. Như vậy nhẩm tính mỗi một ngày trung bình ông đã mang sau lưng hơn 200 lít nước để phun thuốc, một con số không nhỏ nếu người nào muốn làm thử.

“Cây” văn nghệ “ăn cơm nhà…”

Ngoài khả năng được biệt của mình đó là sống chung với thuốc trừ sâu, ông Tăng Đình Ca còn được bà con trong vùng biết đến như một cây văn nghệ đa tài, từ hát hò đám cưới, đánh nhạc sống cho đến một người đánh trống đám tang.

Ngồi bên ấm nước chè xanh tại nhà, chỉ với một cái bát ăn cơm, một cái vung xoong, một cái tô nhựa và một đôi đũa, ông Ca đã biến thành một bộ nhạc sống đa năng để gõ thành bản nhạc của hàng chục bài hát từ: “Chiếc gậy Trường Sơn”; “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” đến các bài hát về Bác Hồ như: “Người là niềm tin tất thắng”; “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, hay như cả một số bài nhạc trẻ hiện nay.

Vẻ mặt hơi buồn ông nhớ lại: “Những năm 90 của thế kỷ trước, một lần có đoàn văn công ở một tỉnh phía Bắc về biểu diễn ở xã Nghĩa Bình. Khi đội văn công đang làm hậu trường, tình cờ tôi xin gõ thử bộ nhạc sống của họ một bài hát. Lúc đó ông trưởng đoàn văn công thấy tôi có năng khiếu quá nên đề nghị tôi gia nhập vào đội văn công của đoàn luôn nhưng vì lúc đó nghĩ cạn sợ xa vợ con sẽ khổ nên tôi không dám. Bây giờ nghĩ lại thấy tiếc thì tuổi đã già rồi”.

Đã mấy chục năm nay, người dân ở xã Nghĩa Bình đã gần như quen thuộc với hình ảnh ông Ca đánh trống trong các đám tang của xã. Có một điều đặc biệt là nhịp trống của ông Ca đến bây giờ vẫn chưa ai đánh theo nổi. Vì vậy bất cứ nơi đâu trong xã có đám tang là ông lại tình nguyện đến phụ trách mảng đánh trống giúp gia chủ mà không hề đòi hỏi thù lao gì. Với ông, cái vui nhất chính là được bà con hàng xóm quý mến. Nhiều người dân ở xã Nghĩa Bình còn nửa vui nửa thật với nhau, chả biết nếu sau này ông Ca quá cố thì lấy ai đi đánh trống tang!