Tìm mộ liệt sĩ qua lời kể của người trong cuộc

Kì 1: Những hồi ức mong manh

ANTĐ - Hơn 60 năm kể từ ngày ông nội Y hi sinh, gia đình cô mới tìm được đến nơi mà người dân đã chôn cất ở ven sông. Tất cả chỉ còn là đất với cát. Nhưng ở đó, gia đình Y đã tìm thấy sự bình yên trong sâu thẳm mỗi người.

Y tâm sự “cuối cùng thì gia đình mình cũng còn giữ được một chút gì đó của ông, cho dù đó chỉ là những nắm đất” và Y đã chia sẻ lại câu chuyện tìm mộ của gia đình cô với độc giả báo ANTĐ.

Ông tôi hi sinh khi mới ngoài 20 tuổi, lúc đó, ba tôi cũng vừa tròn 2 tháng tuổi. Bà nội tôi hồi còn sống cũng chưa một lần kể chuyện về ông. Không một trang hồi ức nào về ông được kể trọn vẹn. Cũng chẳng có nổi một bức ảnh để lưu lại cho con cháu. Tất cả những điều mà anh chị em tôi được biết chỉ qua lời kể của em dâu của ông, người mà tôi gọi là bà trẻ và một số ít những người cùng thế hệ với ông. Nhưng cũng chỉ là những câu chuyện được chắp ghép lại từ các bà, các cụ trong làng và câu chuyện mà chúng tôi được nghe nhiều nhất là về cái ngày ông bị giặc Pháp bắn ở chính dòng sông quê.

 

Bằng Tổ quốc ghi công là kỉ vật duy nhất về ông còn được lưu giữ lại

 Đó là cái ngày mà tên cai Tổng làng bên thoát chết sau trận đánh của đội du kích do ông chỉ huy. Hắn nhớ mặt ông, nhớ đến cả giọng nói của ông để rồi cái hôm định mệnh đó hắn đã tìm thấy ông đang nằm bên cánh võng say sưa hát. Các cụ trong làng kể “mấy người chúng tôi đã thấy chúng bắt ông ấy dẫn đi, lúc đó, chúng tôi đang làm đồng, khi đi ngang qua chúng tôi, ông ấy còn nói “bà con ở lại giữ sức khỏe nhé!”. Chúng không tra tấn mà đưa ông ấy ra thẳng bờ sông rồi mấy thằng giương súng lên bắn, ông ấy đã kịp nhảy sông và chúng tiếp tục bắn xuống dưới sông cho tới khi hết đạn mới thôi…”

Cũng từ ngày ông hi sinh, bà nội tôi quyết định đưa ba tôi rời xa quê hương, bởi theo lời bà trẻ tôi kể lại là do các cụ bên nội không đồng ý cho ông tôi lấy bà vì “đã hơn tuổi lại đanh đá trong khi ông mày lại lành hiền, vui vẻ.”

Chính bởi thế mà gần 40 tuổi ba tôi mới đặt lại bước chân lên mảnh đất quê hương và lúc đó, tôi mới biết mình có quê hương, một vùng quê hiền hòa của vùng đất Hà Tây (nay là Hà Nội). Nhưng nếu không có cái ngày mà ông trẻ (em ruột ông tôi) đạp xe qua quãng đường dài, lặn lội đi tìm ba tôi, chắc chẳng bao giờ anh chị em tôi biết rằng mình cũng có quê hương. Cái lần đầu tiên ông tìm đến nhà tôi trong cái khu tập thể cũ, tôi chẳng còn nhớ, chỉ nghe mẹ kể rằng ông đã ôm chặt ba tôi vào lòng và cả hai chú cháu cùng khóc. Nhưng đến lúc ông ra về, đó là những phút giây tôi không bao giờ quên.

Ngày đó, nơi gia đình tôi sống còn có bến tàu, lúc tiễn ông lên tàu, tôi đã khóc đòi theo ông – một người “xa lạ” lần đầu tiên tôi gặp nhưng lại không muốn rời xa.

Cũng từ đó, gia đình tôi mới biết chính xác ngày ông mất, bởi trước đó, bằng kí ức mong manh của bà, gia đình tôi đã làm giỗ vào một ngày khác. Để rồi khi lớn lên, tôi biết được rằng, cũng từ ngày đó, ba tôi, dù không bao giờ tin vào thế giới tâm linh, những điều mà ba tôi cho rằng nhảm nhí (vào ngày mùng 1 hay hôm rằm, hoặc giỗ chạp, chưa bao giờ ba tôi thắp một nén hương lên ban thờ, những lúc thấy mẹ tôi thắp hương cúng khấn, ba tôi lẳng lặng quay đi vì nếu ở đó ba tôi sẽ “không nhịn được cười”… ) và ngay cả lúc này, ba tôi vẫn không tin vào nó (bản thân tôi cũng luôn nghi ngờ về những điều mà người ta gán cho nó cái tên thế giới tâm linh), khát khao “tìm đón cha” về với tổ tiên.