Chàng trai trẻ mê nhà rường cổ (1):

Khởi nguồn từ niềm đam mê cây cảnh, đồ cổ...

ANTĐ - Chỉ mới ngoài 30 tuổi nhưng trong tay ông chủ trẻ Nguyễn Văn Thiên Quế đã có số vốn lên đến hàng tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập ổn định, đồng thời phục dựng, “hồi sinh” nhiều ngôi nhà rường cổ quý giá.

Anh Nguyễn Văn Thiên Quế


Từ buôn bán cây cảnh, đồ cổ...

Ai có dịp đi trên con đường thiên lý Bắc- Nam ngang qua thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng sẽ ngỡ ngàng trước một cơ sở sản xuất, phục dựng nhà rường với những ngôi nhà rường truyền thống rất đẹp đã được dựng lên. Ít ai biết được chủ nhân của cơ sở ấy lại là một chàng trai trẻ mới ngoài 30 tuổi, Nguyễn Văn Thiên Quế (sinh năm 1977).

Chúng tôi ghé thăm cơ sở phục dựng nhà rường của anh Quế khi những người thợ đang miệt mài chạm trổ những hoạ tiết, hoa văn trên những chiếc kèo, cột, đòn tay.... Ngoài mảnh sân rộng một tốp thợ khác cũng đang dựng thêm một ngôi nhà rường. Sau khi đứng ra làm lễ cúng xin phép dựng nhà rường như thường lệ, anh Quế lại tất bật hướng dẫn thợ dựng nhà.

Quế chào khách vừa vui vẻ cho hay: “Đây là ngôi nhà Rường mà cơ sở mình đang làm cho một khách hàng ở Hà Nội. Ròng rã 3 tháng giờ mới sắp hoàn thành đó. Từ đầu năm đến nay cơ sở của mình đã bán được 6 ngôi nhà rường như vậy rồi. Giá mỗi ngôi nhà rường hoàn chỉnh từ khoảng 600 đến 900 triệu đồng, cũng có khách hàng đang ngỏ ý đặt một ngôi nhà rường có giá trên 1 tỷ đồng. Giá cao hay thấp là tuỳ thuộc vào từng loại gỗ, hoa văn chạm trổ và kích thước nhà”. Theo Quế, hiện nay khách hàng rất ưa chuộng nhà rường được làm bằng gõ, gỗ lim, gỗ chua, gỗ mít...

Những người thợ chạm trổ hoa văn tại cơ sở nhà rường của anh Quế

Tiếp chúng tôi trên bộ bàn ghế trường kỷ rất đẹp đã lên nước đen bóng, dưới mái nhà Rường tuyệt đẹp, Quế kể về cái duyên đến với nghề dựng nhà rường của mình. Học xong lớp 12, do hoàn cảnh khó khăn nên Quế nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ. Trong những tháng ngày lên thành phố Huế chơi, Quế nhận thấy nhu cầu về cây cảnh rất lớn, lại dễ có lợi nhuận cao nên anh bắt đầu mày mò buôn cây cảnh. Ban đầu Quế vay mượn tiền để tìm mua những loại cây cảnh ở các làng quê, những cây cảnh có giá khá rẻ. Số cây cảnh này được Quế trồng chăm sóc, uốn nắn tạo dáng thế rồi bán cho người có nhu cầu. Sau đó có chút vốn liếng, anh tìm mua những cây cảnh đã được định hình, có dáng thế rõ ràng nhưng có giá cao hơn, để đỡ tốn công tạo cây.
Khởi nguồn từ niềm đam mê cây cảnh, đồ cổ... ảnh 3
Chăm chú vào từng họa tiết hoa văn
“Buôn bán cây cảnh nếu gặp thời là giàu to, bởi giá cả cây cảnh không có ước định rõ ràng nào cả. Người ta bảo nghề này là làm chơi ăn thật cũng vì lẽ ấy. Trong nghề của mình, mình đã nhiều lần mua bán hụt cây cảnh, nếu thành công mình đã lời cả vài trăm triệu đồng. Như một lần mình định mua cây cảnh có giá 48 triệu đồng nhưng sau khi đặt cọc thì vợ mình lại ngăn cản vì sợ lỗ. Nhưng anh biết không, cái cây cảnh mình định mua ấy, chỉ ít hôm sau đã có người mua với giá trên 300 triệu đồng và nghe đâu bán lại hơn gấp đôi. Ngoài lần ấy bản thân mình còn hụt nhiều thương vụ mua bán cây cảnh khác nữa khác nữa. Kể tiếc thì cũng tiếc thật nhưng thôi, mình tự an ủi có lẽ không có duyên với nghề buôn bán cây cảnh”, Quế kể lại.
Khởi nguồn từ niềm đam mê cây cảnh, đồ cổ... ảnh 4
Những họa tiết tinh xảo của một bộ phận nhà rường
Trong thời gian buôn bán cây cảnh, với vốn am hiểu của mình Quế cũng tham gia vào việc sưu tập và buôn bán đồ cổ. Quế cho biết, anh rất đam mê thú chơi đồ cổ và thời điểm ấy trong nhà anh luôn có hàng chục cổ vật là đồ cổ và đồ xưa. Mỗi lần nhìn ngắm đồ cổ là anh mê mẩn cả người, quên luôn việc ăn uống. Quế kể, trong một lần lùng tìm mua cây cảnh, anh tình cờ biết được tại một ngôi nhà thờ họ ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế còn giữ một chiếc bình gốm rất đẹp. Bình gốm này có những hoạ tiết rất tinh xảo và đặc biệt được vẽ bằng thủ công. “Mình cũng đã tích luỹ cho bản thân nhiều hiểu biết, kinh nghiệm trong việc đoán định đồ cổ. Đối với bình gốm này, mình biết nó được vẽ bằng tay bởi các nét vẽ không đều nhau và theo mình hiểu những món đồ như thế này là độc bản và hiển nhiên là rất quý”. Sau khi tìm hiểu Quế đã dò hỏi và để tìm cách mua với giá 7,5 triệu đồng, thời điểm ấy cách đây chừng 10 năm. “Để có tiền mua chiếc bình gốm đó mình đã phải bán một con trâu mẹ và một trâu nghé mới đủ”, Quế cho biết.
Khởi nguồn từ niềm đam mê cây cảnh, đồ cổ... ảnh 5
Nhà rường truyền thống bên cạnh một ngôi nhà hiện đại
Nhưng khi Quế mang bình gốm đó về nhà được một thời gian thì bố anh bỗng đột ngột bị bệnh tai biến, liệt toàn thân. Quế nghĩ có khi nào chiếc bình gốm đó lại là nguyên nhân gây ra căn bệnh cho bố mình, bởi nó là bảo vật được lưu giữ trong nhà thờ của dòng họ kia từ rất lâu đời. Thế là Quế có ý định bán đi. “Suy nghĩ rất nhiều cuối cùng mình cũng đành bán cho một người bạn quen chuyên buôn bán đồ cổ ở TP Huế với giá 12 triệu đồng, mặc dù rất tiếc. Người bạn quen này đã bán sang tay cho một người khác với giá 125 triệu đồng. Và anh biết không, chỉ một thời gian sau, khi hình ảnh chiếc bình được lan truyền trên các phương tiện thông tin thì nó đã được bán đi cho một chuyên gia buôn đồ cổ người Nhật Bản với giá trên... 1 tỷ đồng! Mình điếng người khi người bạn báo tin ấy, cũng không hẳn vì tiền nữa mà tiếc là mình đã không giữ được món đồ cổ vô cùng quý giá ấy trong tay”. Sau những đận ấy Quế tự suy ngẫm một thời gian và nghỉ hẳn nghề buôn bán cây cảnh và đồ cổ. Thời gian này anh suy tính nên kiếm một việc khác để làm. Ngồi nhà suy nghĩ mãi anh mới nhớ đến những căn nhà rường cổ xưa mà anh vẫn hay bắt gặp trong những lần lang thang lùng mua cây cảnh. “Khi thấy nhiều ngôi nhà rường bằng gỗ rất đẹp, do trải qua thời gian dài và dầm dãi nắng mưa nên đã bị hư hỏng nặng. Lại có những gia đình vì không đủ tiền để tu sửa nên họ dỡ cả ngôi nhà rường hàng trăm năm tuổi ra phơi nắng phơi sương. Mình nhìn thấy mà lòng xót xa. Trong đầu mình lúc ấy loé lên ý nghĩ: tại sao mình không làm một công việc gì đó liên quan đến những ngôi nhà rường như thế”, Quế nói về cơ duyên khiến anh quyết định đến với nhà rường.(Còn nữa)