Khi nam giới mắc bệnh... khó nói

(ANTĐ) - Một ngày chứng kiến cảnh những nam bệnh nhân trông bên ngoài hoàn toàn khỏe mạnh ra vào Trung tâm Nam học ở Bệnh viện (BV) Việt Đức, ánh mắt thi thoảng lại liếc ngang dọc như đề phòng ai đó bắt gặp, chúng tôi hiểu thế nào là nỗi khổ của những bệnh nhân nam khi mắc các căn bệnh “khó nói”.

Khi nam giới mắc bệnh... khó nói

(ANTĐ) - Một ngày chứng kiến cảnh những nam bệnh nhân trông bên ngoài hoàn toàn khỏe mạnh ra vào Trung tâm Nam học ở Bệnh viện (BV) Việt Đức, ánh mắt thi thoảng lại liếc ngang dọc như đề phòng ai đó bắt gặp, chúng tôi hiểu thế nào là nỗi khổ của những bệnh nhân nam khi mắc các căn bệnh “khó nói”.

Một buổi sáng ở Trung tâm Nam học

Không chen chúc, không đa dạng đối tượng, cũng không ồn ào xô lấn như các khoa khám bệnh khác, bệnh nhân ngồi chờ vào khám nam học ở Trung tâm Nam học, BV Việt Đức phần lớn là những người đàn ông từ 20 tuổi trở lên, có các bệnh nhạy cảm, khó nói về đường sinh dục.

Họ thường đi một mình, thi thoảng mới có người đi cùng. Một bầu không khí im lặng trước cửa phòng khám, không có những câu chuyện xì xào bàn tán giữa những bệnh nhân đang ngồi chờ tới lượt khám, chỉ có những gương mặt âu lo, nặng nề.

“Một tuần Trung tâm Nam học mở cửa khám 3 buổi, vào thứ hai, tư, sáu và hội chẩn vào thứ năm. Trung bình mỗi ngày khám cho 50 bệnh nhân. Bệnh nhân đến khám nam học phần đông là dân thành phố hoặc giới trí thức”.

Chị y tá ngồi bàn thu hồ sơ khám bệnh cho biết như vậy, theo chị “không phải bệnh này xảy ra ở thành thị nhiều hơn mà quan trọng là chữa bệnh tốn kém nên người dân quê làm gì có điều kiện, hơn nữa người dân quê còn nặng tư tưởng phong kiến lắm, họ ngại không nói ra hoặc không chịu thừa nhận khi mắc căn bệnh này”.

Khi nam giới mắc bệnh... khó nói ảnh 1
Những bệnh nhân nam này ngồi im lặng, chờ tới lượt khám

Rất khó khăn chúng tôi mới bắt chuyện được với một bệnh nhân, anh Ph., người thành phố Hải Phòng đang đứng ngồi không yên: “Tôi bị bệnh đau đường tiết niệu từ lâu, khám chữa ở BV Hải Phòng nhiều lần rồi không khỏi, truy cập internet mới biết trung tâm này, một mình bắt xe từ Hải Phòng lên đây khám xem sự thể thế nào.

"Cứ ngỡ là chỉ bị sơ sơ thôi, khám trong ngày rồi chiều về luôn nên không báo ai trong gia đình, cũng không mang theo giấy tờ tùy thân. Ai ngờ mình lại bị bệnh... thế này, các bác sĩ phán đoán do để bệnh đường tiết niệu kéo dài âm ỉ nên gây biến chứng đến đường sinh dục. Phải thuê nhà trọ nghỉ 2 đêm rồi, giờ đang chờ kết quả hội chẩn để xem thế nào”.

Nhìn qua danh sách trong sổ khám bệnh nhân, chủ yếu đối tượng đi khám nam học mắc các bệnh liên quan đến đường sinh dục như rối loạn cương dương, vô sinh nam giới, nội tiết tố liên quan đến vấn đề sinh sản, và cả một số trường hợp tình dục đồng giới...

Đặc biệt, có một cụ già 83 tuổi vẫn đi khám nam học, lý do theo chúng tôi được biết là cụ “trót lấy vợ trẻ hơn mình tới 30 tuổi, không muốn nhưng vẫn phải đi khám vì... chẳng nhẽ lại để vợ đi ngoại tình”, đó là những câu chuyện trong một buổi sáng ở Trung tâm Nam học, BV Việt Đức.

Mỗi cây mỗi hoa...

Ngồi nghe những bác sĩ trong Trung tâm Nam học, BV Việt Đức kể về những hoàn cảnh đến khám nam học ở đây, quả thật là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chỉ tính riêng hơn 5.000 bệnh nhân đã đến khám chữa về bệnh vô sinh nam giới kể từ khi Trung tâm Nam học đầu tiên của Việt Nam được thành lập, cũng là hơn 5.000 tấn bi kịch gia đình, những bi kịch không dễ nói ra.

Đó là trường hợp của một gia đình mà hai vợ chồng đều là giảng viên của một trường đại học lớn. Lấy nhau 15 năm trời, đến khi họ đưa nhau đi khám thụ tinh trong ống nghiệm, mọi người mới biết người vợ suốt 15 năm đó vẫn còn trinh trắng, nguyên vẹn.

Lý do là ông chồng mắc bệnh “bất lực”, hai vợ chồng ầm thầm đi chữa trị nhiều nơi không khỏi, người vợ vì thương chồng và có lẽ cả vì lòng tự trọng của người phụ nữ mà âm thầm chịu đựng. Những đêm gió lớn, mưa to, không chịu được chị đành vùng dậy kiếm việc gì đó để làm chờ trời sáng. Còn người chồng, vì tự ái cũng đã nhiều lần muốn ly hôn để giải thoát cho vợ. Cuối cùng, người chồng đã đến điều trị tại Trung tâm Nam học, BV Việt Đức.

Một cặp vợ chồng khác ở Hà Nội, cũng làm cán bộ Nhà nước, gặp hoàn cảnh tương tự. Người chồng (anh Q.) mắc bệnh “chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền” nên không bao giờ thỏa mãn được nhu cầu của vợ. Biết mình “yếu thế” nên nhiều khi bị vợ dè bỉu “thà nằm với khúc gỗ còn hơn” mà anh Q. phải cắn răng chịu đựng.

Theo lời kể lại đầy đau xót của anh Q.: Nhiều khi người vợ gọi thẳng “của quý” của chồng trước mặt bạn bè là “phế phẩm”. Đó không chỉ là nỗi đau của người đàn ông mà là một bi kịch gia đình, là nguyên nhân khiến đôi vợ chồng này nên nỗi “ly hôn”. Anh Q. cũng đã tìm đến Trung tâm Nam học để điều trị căn bệnh “trên bảo dưới không nghe” của mình.

Còn biết bao bi kịch khác liên quan đến bệnh Nam học, hay mọi người vẫn gọi tránh đi là bệnh khó nói ở nam giới mà chúng tôi không thể kể hết. Một căn bệnh tưởng chừng như là đơn giản, không được mấy ai để ý đến, tuy nhiên lại là một căn bệnh tâm lý, xã hội vô cùng nguy hại trong cộng đồng.

Các chuyên gia Nam học hàng đầu Việt Nam đã tổng kết, tất cả các bệnh nhân, gia đình bệnh nhân mắc bệnh Nam học đều đã và đang rơi vào 4 bi kịch: Vợ chồng ly hôn, ly thân, chuẩn bị ra tòa ly hôn, cố chịu đựng để sống với nhau nhưng không khí gia đình luôn ở trong trạng thái nặng nề.

Tiến Hưng

Kỳ II: Đừng đau khổ vì thiếu hiểu biết