Khắc khoải khi đồng đội chưa về

ANTĐ - 40 năm thống nhất đất nước, tưởng thời gian sẽ làm lành  những viết sẹo chiến tranh, nhưng với những cựu chiến binh mà chúng tôi gặp và kể dưới bài viết này, thì vết sẹo đó vẫn chưa lành. Họ vẫn ngày đêm khắc khoải nhớ về đồng đội của mình. Với họ, mỗi ngày, mỗi tháng trôi đi, cơ hội để đưa đồng đội về nơi chôn nhau cắt rốn càng trở nên hiếm hoi…
Khắc khoải khi đồng đội chưa về ảnh 1

Bạn tôi còn nằm đấy!

Đại tá công an nhân dân Lê Anh Khái, nguyên Phó trưởng phòng Hậu cần CATP Hà Nội, hiện là Trưởng ban liên lạc Nghĩa tình đồng đội (thuộc Ban liên lạc cựu chiến binh quân khu Trị Thiên) đã lặng đi khi nhắc đến câu chuyện đi tìm đồng đội. Ông bảo, những người bạn chiến đấu cùng với mình ngày xưa, họ nằm đấy, có người bây giờ không biết xương cốt nơi nào, còn mình thì được về, lấy vợ, sinh con. Cái day dứt, khắc khoải thôi thúc ông lên đường đến những vùng chiến sự cách Hà Nội mấy nghìn cây số để những mong đưa được đồng đội về đến quê hương, về với người thân. 

Ban Liên lạc Nghĩa tình đồng đội ra đời cũng vì như thế. Ở đây tập hợp những người lính chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên năm xưa, có cùng trăn trở như ông, nhằm tư vấn, giúp đỡ, phối hợp và hỗ trợ các gia đình thân nhân liệt sỹ trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ về quê hương. Đến nay, ngoài việc cung cấp hàng nghìn thông tin về phần mộ liệt sĩ đến Hội cựu chiến binh các tỉnh, thành trong cả nước, giúp rất nhiều gia đình biết tin về phần mộ người thân mình, thì từ năm 2010, Hội cũng đã trực tiếp hỗ trợ cùng gia đình đưa 60 hài cốt liệt sĩ trở về. 

Chiến tranh vốn đã khốc liệt, nhưng với những người được may mắn đi qua cuộc chiến đến thời bình, mới càng nhìn rõ hơn cái khốc liệt của nó. “Cuộc chiến nó khốc liệt đến mức chúng tôi đi vào những nghĩa trang như A Lưới (Thừa Thiên Huế),  ở đây có hơn 4.000 ngôi mộ nhưng phần lớn trong đó là những ngôi mộ ghi dòng chữ Liệt sĩ chưa biết tên, thậm chí có những ngôi mộ có tên nhưng không có người thăm nom vì gia đình không biết tìm ở đâu. Giờ mình được sống trong hòa bình, mới thấy đồng đội mình quá thiệt thòi, đau lắm. Thế nên nhiều khi gia đình liệt sĩ nhờ chúng tôi tìm và đưa hài cốt liệt sĩ về, họ có cảm ơn, có mời ăn cơm, nhưng chúng tôi bảo: Chúng tôi ngày xưa có miếng lương khô mà vẫn chiến đấu được, thì chả lý gì giờ lại nhận cái gì của gia đình khi mà liệt sĩ còn nằm đấy cả”.

Thế nên với những cựu binh trong Ban liên lạc Nghĩa tình đồng đội, những chuyến đi hàng nghìn cây số, những chuyến lội rừng, lội suối để tìm đồng đội, chẳng thấm vào đâu. Có những chuyến đi như chuyến tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Tạc hy sinh tại cao điểm 511 (A Lưới, Thừa Thiên Huế), các thành viên Ban liên lạc Nghĩa tình đồng đội đã phải trèo bộ cả ngày trời để lên đến cao điểm, lối đi gần như dựng đứng 65 độ, vừa đi vừa tự phát cây làm đường (vì không có lối lên), đêm phải ngủ lại trong rừng đầy vắt, phải trèo lên cây để ngủ… Nhưng cuối cùng, như thấu được nghĩa tình của những người đồng đội, những người lính như được “đưa lối dẫn đường” để tìm được nơi chôn cất và sau khi xét nghiệm AND thì đây chính là hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Tạc. 

Thời gian, đó có lẽ là điều mà những người làm công việc tìm hài cốt liệt sĩ lo sợ nhất, bởi lúc nào họ cũng sợ rằng nếu không làm nhanh thì sẽ không còn kịp nữa. Những hài cốt liệt sĩ nằm nơi rừng xanh núi đỏ cũng đã gần nửa thế kỷ, hy vọng tìm được ngày càng mong manh, đã có những người mẹ, người vợ không thể chờ được con, chồng trở về để hương khói. Cũng vì lý do đó mà những năm gần đây, ở số 8 Nguyễn Tri Phương, các cán bộ của Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam luôn phải rút sức mình với nhiều cách khác nhau để giúp gia đình liệt sĩ sớm tìm được mộ người thân.

TheoTrung tá Phan Sỹ Thao (Trưởng Ban Tuyên truyền của Hội) thì trong chiến tranh hầu hết các liệt sĩ khi hy sinh, đơn vị đều gửi giấy báo tử về nhà. Nhưng do việc bảo đảm tuyệt mật thông tin nên giấy báo tử thường chỉ ghi tên, còn tên đơn vị cũng như địa điểm trận đánh hoặc nơi chôn cất các anh đều được ghi bằng ký hiệu. Đó chính là khó khăn lớn của gia đình và xã hội trong quá trình tìm hiếm hài cốt liệt sĩ. Nhiều trường hợp nhận được giấy báo tử ghi bằng những ký hiệu, phiên hiệu nên dù cầm tờ giấy báo tử ấy đi hàng chục năm, qua nhiều nơi vẫn vô vọng… 

Khắc khoải khi đồng đội chưa về ảnh 2

Những bước chân không mỏi

Nỗi khắc khoải nhớ về đồng đội đã thôi thúc những người lính được trở về vẫn trăn trở đi tìm mộ liệt sĩ. Có những người hàng ngày vẫn đạp xe đạp đi tìm mộ, có những người đã rót những đồng tiền cuối cùng của mình để cùng gia đình liệt sĩ đi tìm đồng đội của mình. Và có một điểm chung là họ càng đi, càng tìm thì họ càng thấy cần phải làm nhiều hơn nữa. 

Chính vì thế mới có người cựu chiến binh như ông Nguyễn Văn Lệnh, nguyên Chỉ huy phó B5 trinh sát vũ trang nội đô, thuộc Ban An ninh T4 khu Sài Gòn - Gia Định đến nay ở cái tuổi 84 vẫn đạp xe đi khắp các nghĩa trang tìm hài cốt liệt sĩ. Ông Lệnh bảo đồng đội của ông, nhiều người hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, có khi chỉ 17, 18, thế nên việc ông được sống để đi tìm đồng đội không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà còn là đạo lý, tình đồng chí, đồng đội.

Có những thời điểm, gia đình ông rất nghèo, ông phải ở nhà trồng rau để vợ gánh ra chợ bán nuôi ba người con, đồng lương hưu khi đó thì ít ỏi nhưng ông vẫn không nề hà rong ruổi đạp xe hàng tháng trời đến các nghĩa trang tìm mộ cho người thân của họ…

Cứ thế với chiếc xe đạp cà tàng, vài bộ quần áo cũ, mấy gói mỳ tôm và cuốn sổ, cây bút, ông rong ruổi hàng trăm, hàng nghìn cây số. Ở đâu có Nghĩa trang Liệt sĩ là ông ghé vào. Trong cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ những chuyến đi, ông cho biết mình đã qua gần hai chục tỉnh, thành trong Nam, ngoài Bắc xuống hàng trăm xã, phường, và không biết bao nhiêu nghĩa trang. Đến nghĩa trang nào ông cũng ghi lại thông tin về những ngôi mộ Liệt sĩ chưa có người thân nhận, rồi về lại đạp xe đến tận gia đình họ thông báo. Ông cũng đã tìm thấy hàng trăm bộ hài cốt Liệt sĩ được xác định danh tính quy tập về các nghĩa trang. Lần tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ nhất là lần ông tìm được 69 hài cốt liệt sĩ Tiểu đoàn 434 hy sinh ở trận Bãi Thảo (Lục Ngạn, Bắc Giang), trong đó 50 hài cốt đã được xác định danh tính. Nhiều thân nhân liệt sĩ trong ngày trọng đại đón nhận di cốt người thân đã ôm lấy ông mà khóc.

Rồi như cựu chiến binh Nguyễn Duy Quyết (Định Hóa, Thái Nguyên), ông cũng đã tìm được hàng trăm hài cốt liệt sĩ có đầy đủ danh tính và được quy tập về các Nghĩa trang Quốc gia cũng như nghĩa trang quê hương. Ông Quyết kể rằng, anh ruột ông, liệt sỹ Nguyễn Văn Cao đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1972, đến nay dù đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Thấu hiểu nỗi đau ấy, và cả chứng kiến nỗi khắc khoải mong con của những người mẹ và cũng từng là một người lính, ông đã quyết định đi tìm đồng đội. Ông tâm sự: “Là cán bộ làm công tác Quân lực, tôi thường xuyên phải ghi số cán bộ, chiến sĩ hy sinh, mỗi lần quân số đơn vị thấp xuống, tim tôi lại nhói đau. Tôi đã chiến đấu cùng họ, đã chính tay mình chôn cất nhiều đồng đội, vì vậy tôi cảm thấy có lỗi với đồng đội nếu không cùng gia đình đi tìm họ về…”.

Ngoài việc tìm lại tài liệu mà mình còn giữ được, ông Quyết còn trực tiếp đến các phòng chính sách các Quân khu 5,7,9 và các đơn vị để lấy tư liệu. Điều quan trọng là phải tìm và đối chiếu từng danh sách liệt sĩ với bản sơ đồ mộ chí của từng trận đánh, của từng đơn vị tiếp đó đi khảo sát tại các địa điểm theo sơ đồ mai táng ở các vùng chiến sự năm xưa. 

Mỗi câu chuyện trên là một mảnh ghép, và điều ý nghĩa là cuộc sống này còn rất nhiều mảnh ghép như thế. Những người chiến sĩ năm xưa họ đang làm tất cả để những nỗi đau chiến tranh vơi bớt. Họ làm việc chỉ đơn giản là trả nghĩa cho những người đã phải ngã xuống vì Tổ quốc.