Huyền ảo bài võ sáo đất “Hùm thiêng”

ANTĐ - Bài võ sáo độc đáo, uyển chuyển nhưng đầy uy lực có tên “Bóng trăng Phồn Xương” - một sản phẩm đặc trưng của vùng đất Yên Thế lần đầu tiên được đăng đàn tại lễ kỷ niệm 128 năm khởi nghĩa Yên Thế đã 
làm mê hồn không ít người xem.

Dưới chân tượng đài vị thủ lĩnh áo nâu Hoàng Hoa Thám, võ sư Trịnh Như Quân - người được xem là luyện thuần thục nhất bài võ “Bóng trăng Phồn Xương” đã thể hiện tuyệt phẩm “Đàn chim Việt” với sự biểu diễn của 100 em học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cầu Gồ.

Võ sáo đang được học sinh ở Yên Thế thích thú tập luyện

“Bảo vật” trên đất anh hùng  

Khởi nghĩa nông dân Yên Thế kéo dài gần 30 năm (1884 - 1913), là cuộc đấu tranh bền bỉ và kiên cường nhất trong lịch sử chống thực dân Pháp thời kỳ trước khi Đảng Cộng sản ra đời. Ngoài việc sử dụng thông thạo các loại vũ khí như súng trường, súng kíp, thuốc nổ và các loại binh khí như kiếm, đao, cung nỏ… nghĩa quân Đề Thám còn có những thứ vũ khí tưởng chừng như vô hại nhưng trên thực tế lại rất lợi hại, nguy hiểm như: thiết phiến (quạt sắt), nhiễu tiêu (roi mềm đi ngựa), thoa (trâm cài đầu)…, đặc biệt là bài võ sáo độc đáo có một không hai này. Tương truyền đây là bài võ mà cụ Đề Thám rất say mê và thích thú mỗi khi xem nghĩa quân luyện tập. Năm 1991, Sở Thể dục - Thể thao Hà Bắc (cũ) hay tin ở bản Rừng Phe, xã Tam Tiến vùng Yên Thế có một người tên là Triệu Quốc Úy - truyền nhân cuối cùng của “Bóng trăng Phồn Xương” còn lưu giữ bí kíp về võ sáo nên đã cử người lên bái sư để sưu tầm, lưu giữ một giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.

Võ sư Quân cho biết: “Xưa kia, làng bản nào ở Yên Thế  cũng có truyền thống võ thuật, dù mỗi nơi có một phong cách khác nhau song tất cả các thế võ đều có tiếng nói chung là, dùng sức mạnh và độ khéo léo của đôi tay chủ động tấn công đối phương. Nghĩa quân Yên Thế xưa đã dùng những cây sáo bằng sắt để tập hợp quân sĩ hay làm tín lệnh để báo hiệu có kẻ thù đến. Bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương” trước kia có tên “Thiết địch thần phong” gồm 6 thế tấn (tả cảnh), 13 thuật đặc dị kiếm pháp và 51 chiêu thức cụ thể, chiêu thức cuối cùng là Hợp địch quy nguyên”. Với các thế tả đột hữu xông, nhanh nhẹn, uyển chuyển và bất ngờ, đôi mắt mơ màng, đăm đắm nhìn xa xăm vào một khoảng không gian, đôi tay lả lướt trên cây kỳ sáo, đôi chân linh hoạt khua nhẹ những thế tấn… chỉ chưa đầy 10 phút 50 thế võ huyền ảo, thực mà như mơ đã được biểu diễn xong. 

Cũng theo ông Quân, sáo sắt thời nghĩa quân xưa dài tương đương một cây mã tấu (dài 65 - 70 cm, nặng 400g); với thế đánh, đỡ, đâm từ sát thương đến hạ thủ địch; đầu sáo bao giờ cũng buộc tua vải màu, trang trí như ở phần đuôi đao. Khi hội hè, lúc thư giãn, người sử dụng có thể tấu lên những bản nhạc tâm tình, tự sự; ca ngợi thiên nhiên, tình yêu cuộc sống. Nhưng khi xung trận, cây sáo lại trở thành thứ binh khí vô cùng uyển chuyển, cương, nhu nhịp nhàng, khi thu sáo vào thì như một bông hoa; khi đâm sáo ra thì chắc như đinh đóng cột chế ngự đối phương rất hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay số người thể hiện được võ sáo không nhiều, việc bảo tồn, truyền dạy môn võ này là rất cần thiết. Vì vậy việc khôi phục võ sáo và biểu diễn tại lễ hội lần này sẽ góp phần gìn giữ và tôn vinh sản phẩm văn hóa tinh thần độc nhất vô nhị này. 

Gìn giữ cho thế hệ sau 

“Cả đời theo nghiệp võ, tôi đã đi biểu diễn khắp nơi nhưng vẫn không thể tả được cảm xúc vui mừng khi trực tiếp nghe ông Lê Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế đặt vấn đề khôi phục lại bài võ sáo ngay trong ngày lễ hội năm nay”, võ sư Quân nói. Tại lễ hội Yên Thế, bài võ sáo có ba nội dung. Phần một là chương trình biểu diễn của 100 võ sinh trường tiểu học Phồn Xương với trang phục và cây sáo tái hiện thời nghĩa quân xưa trên nền nhạc bàt hát “Đàn chim Việt” phát ra từ cây sáo  khổng lồ “Rồng run”. Phần hai là võ sư Nguyễn Quý Toàn biểu diễn toàn bộ bài “Bóng trăng Phồn Xương” và kết thúc là màn biểu diễn đối kháng võ sáo của các võ sinh. Ông Quân đã tài trợ toàn bộ 100 cây sáo sắt tiêu chuẩn cho các em biểu diễn, tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu tiên trong một quá trình dài bảo tồn môn võ sáo. “Các em học sinh được truyền dạy một số căn bản về võ sáo để hình thành ý niệm nhưng để thành công thì không hề đơn giản và về lâu dài vẫn cần phải làm nhiều việc, nhưng “tôi sẵn sàng truyền dạy cho lớp hậu sinh”, ông Quân cho biết.

Với cây sáo bằng sắt dài tới cả mét và nặng tới vài kilôgam mà người võ sĩ, nghệ sĩ vẫn có thể vừa thổi hồn cho những khúc ca vừa dùng những chiêu thức Chưởng, Quyền, Cước song hành để chiến đấu trong vận sinh tử thì chắc chắn trên thế giới cũng chẳng có nhiều. Những người đã dùng sáo làm vũ khí thì thường thổi sáo cũng rất giỏi và có hồn, có khí phách của đạo võ.

Bởi vậy, giờ đây ông Quân sở hữu nhiều cây sáo đặc dị mà không đâu có được. Cây sáo thứ nhất có tên tên Giọt mưa thu, dài 1m, nặng 2,8 kg; cây thứ hai có tên Thiên Thai, dài 1,3m, nặng 3,8 kg; cây thứ ba có tên Hòn vọng phu, dài 1,6m, nặng 4kg; cây thứ tư có tên Thích tiêu tương, dài 1,6m, nặng 4kg; cây thứ năm có tên Thăng Long đệ nhất sáo, dài 2,1m, nặng 5,1kg mà mới đây là cây sáo “Rồng run” nặng 5kg. Với người bình thường thì chỉ riêng việc cầm cây sáo này đưa lên môi là đã thấy khó khăn chứ đừng nói là thổi được trọn vẹn bản nhạc có hồn vậy nhưng võ sư Quân có thể thổi trọn vẹn vài bài từ cây sáo đó. “Qua tiếng sáo có thể đánh giá được nội công, khí lực của người chơi”, để chơi thành thạo “Bóng trăng Phồn Xương” một võ sư thực thụ phải có trình độ am hiểu võ thuật, kiếm pháp, biến hóa nhanh nhẹn và sáng tạo trong từng chiêu thức, thế tấn. Đòi hỏi người chơi cần nhập tâm cao độ đồng thời cũng phải mơ màng xa xăm, thả hồn trong hư ảo, cứ hư hư, thực thực, hòa quyện trong không gian cảnh sắc, võ sĩ ví mình như một nghệ sĩ dạo bước dưới ánh trăng khuya bên hồ nước hay giữa núi rừng mà vẫn có thể đả thương, truy kích, hạ gục kẻ địch một cách nhanh chóng và có sức mạnh ghê gớm.

Lần đầu tiên võ sáo được đưa vào biểu diễn trong lễ hội và cũng lần đầu tiên người dân Bắc Giang hy vọng và chờ đợi võ sáo sẽ ngày càng phát triển hơn.