Hồi ức của người chỉ huy Trung đoàn 66 tiến vào Dinh Độc Lập

ANTĐ - "Mặc dù thức trắng nhiều đêm, từ khi đánh địch đến nay hầu như không đêm nào tôi được ngủ trọn giấc, nhưng tôi vẫn nằm trằn trọc mãi không sao ngủ được, suy nghĩ miên man, nhớ thương nhiều đồng đội đã hy sinh trước giờ toàn thắng…, rồi nghĩ đất nước đã được hòa bình thống nhất, tôi sẽ được về thăm quê hương, cha mẹ, anh em và người vợ trẻ - chúng tôi cưới nhau mới được vài ngày tôi đã trở lại chiến trường chiến đấu từ năm 1973 đến nay chưa một lần gặp mặt. Mãi đến 3h sáng tôi mới thiếp đi. Tang tảng sáng ngày 1-5-1975, đồng chí công vụ gọi tôi mới choàng dậy. Bước ra ngoài sân, nhìn ra ngoài đường thấy nhân dân đi lại thanh bình, êm ả, lòng tôi càng nhớ quê hương, gia đình”...  

Đồng chí Phạm Xuân Thệ - Trung đoàn phó Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304 của Quân đoàn 2 - đơn vị đã tiến vào chiếm Dinh Độc Lập trong ngày 30-4-1975 bây giờ đã là một vị Tướng, một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đã 40 năm qua đi nhưng những hồi ức về trận đánh và cảm xúc của thời khắc thiêng liêng trong niềm vui thống nhất như vẫn còn nguyên vẹn trong ông.

Hồi ức của người chỉ huy Trung đoàn 66 tiến vào Dinh Độc Lập ảnh 1Ảnh tư liệu (Internet)

Thời khắc lịch sử trong Dinh Độc lập

…“Đó, Dinh Độc Lập đó!”, người đàn ông dẫn đường cho chúng tôi đã chỉ tay và nói to. Chiếc xe Jeép của tôi nhanh chóng lách vượt qua những chiếc xe tăng và xe chở bộ binh lao lên, cách hàng rào khoảng 50m, tôi thấy chiếc xe tăng thứ nhất khựng lại, chiếc xe tăng thứ hai lao vào khoảng trống bên phải chiếc xe tăng thứ nhất đang dừng. Hàng rào bật ra, chiếc xe Jeép của tôi lao theo sau chiếc xe tăng thứ hai. Lúc này các chiến sỹ Đại đội 2 Tiểu đoàn 7 cùng các xe tăng của Lữ đoàn 203 đang tràn vào sân Dinh Độc Lập. Chúng tôi nhanh chóng xuống xe. Đồng chí Đào Ngọc Vân (lái xe) với tay lấy lá cờ của người đàn ông chỉ đường. Người đàn ông ấy vội kéo lại và nói: “Đây là cờ của tôi chứ”.

Thấy vậy tôi liền hô: “Cờ của ai cũng cứ mang lên mà cắm”. Thế là tôi cùng đồng chí Nhu, Thất, Hoàng, Vân tay cầm súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu tiến vào tòa nhà lớn và chạy lên tầng trệt của Dinh Độc Lập. Khi đi lên bậc thang trên cùng nối vào hành lang, đến sảnh của lầu 1, tôi thấy một người to cao, mặc áo cộc tay màu xám chạy đến trước mặt và giới thiệu: “Báo cáo cấp chỉ huy, tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các của chính quyền ông Minh đang trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc”. Trước tình huống này chúng tôi không lên sân thượng để cắm cờ nữa.

Sau khi tự giới thiệu xong, ông Hạnh dẫn chúng tôi đi khoảng chục bước, qua hành lang để vào một phòng rộng và chỉ tay vào người to cao, mang kính và giới thiệu: “Đây là Tổng thống Dương Văn Minh”; sau đó ông chỉ tiếp vào người thấp mặc comple sang trọng nói: “Đây là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu”. Tổng thống Dương Văn Minh nói: “Chúng tôi đã biết quân giải phóng tiến quân vào nội đô và đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao”.

Theo phản ứng tự nhiên, tôi nghiêm mặt, nói: “Các anh đã thất bại, các anh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả! Ai có vũ khí bỏ xuống giao cho quân giải phóng!”. Sau đó,  tôi đã kiên quyết bắt Dương Văn Minh phải ra Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Cùng thời gian trên, đồng chí Đào Ngọc Vân vác lá cờ Giải phóng chạy lên ban công sảnh tầng 2 Dinh Độc Lập cùng một số chiến sỹ khác liên tục phất cờ báo hiệu quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập. 

Diễn biến ở Đài phát thanh Sài Gòn 

Sau đó Tổng thống Dương Văn Minh miễn cưỡng đồng ý ra Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Tôi nói: “Quân giải phóng đã làm chủ thành phố Sài Gòn và chúng tôi sẽ đảm bảo an toàn cho các ông”. Chúng tôi đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đi ra khỏi phòng họp. Khi xuống đến sảnh, ông Minh giơ tay về phía bên bên trái của Dinh Độc Lập chỉ vào một chiếc xe sang trọng và nói: Mời cấp chỉ huy lên xe của chúng tôi để đến đài phát thanh. Tôi chỉ vào chiếc xe Jeép bám đầy bụi đất và cắm lá ngụy trang nói với ông ta: “Chúng tôi đã có xe để đưa ông đi”. Trên đường đi, thấy xe tăng, pháo binh của ta hai bên đường rất đông thì tôi hỏi ông Minh: “Ông thấy sức mạnh quân giải phóng như thế nào?”.

Ông Minh nói: “Trước sức mạnh của quân quân giải phóng chúng tôi biết là chúng tôi sẽ thất bại”. Tôi nói tiếp: “Biết sẽ thất bại tại sao ông không đầu hàng từ trước, để đến khi chúng tôi đánh vào tận sào huyệt của các ông, các ông mới phải tuyên bố đầu hàng?”. Ông Minh nói: “Khi quân giải phóng chưa tiến quân vào nội đô, mà chúng tôi đã tuyên bố đầu hàng, bên dưới tôi nhiều người không đồng tình, họ khử chúng tôi mất”. 

Vào phòng bá âm, chúng tôi mời Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ngồi xuống ghế, anh em chúng tôi bàn nhau soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng. Mỗi người mỗi câu, mỗi ý, tôi là người chắp bút. Nội dung bản thảo như sau: “Tôi - Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh quân giải phóng miền Nam Việt Nam, tôi kêu gọi chính quyền từ Trung ương đến địa phương bỏ vũ khí, trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.

Ngay lúc đó, một người to cao, đội mũ cứng đến trước mặt tôi hỏi: Anh là ai? Tôi trả lời: Tôi là Phạm Xuân Thệ, Đoàn phó Đoàn Đông Sơn. Người đó tự giới thiệu: Tôi là Bùi Tùng, Trung tá, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203. Rồi chúng tôi cùng soạn thảo để cho Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng. Sau khi viết xong, tôi đưa Dương Văn Minh xem, vì viết vội và chữ tôi khó đọc, nên Dương Văn Minh để nghị tôi đọc lại cho ông ta chép.

Tôi đồng ý, nhưng khi tôi đọc đến chữ “Tổng thống”, ông ta dừng lại và nói: Báo cáo chỉ huy, vì ông Hương bỏ chạy nên tôi mới lên đảm trách mấy ngày nay, tôi chỉ là Đại tướng thôi. Tôi liền nói: Dù chỉ nắm quyền một giờ hay một ngày, ông cũng là Tổng thống của chính quyền Sài Gòn.... Sau khi lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh được công bố trên Đài Phát thanh Sài Gòn, chúng tôi lại đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu lên chiếc xe Jeép về Dinh Độc Lập. 

Hồi ức của người chỉ huy Trung đoàn 66 tiến vào Dinh Độc Lập ảnh 2Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội
đưa Tổng thống Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập ra Đài Phát thanh
để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện

Trước tình thế cấp bách, xử trí không sai sót 

Về đến Dinh Độc Lập, tôi đã thấy Bộ Tư lệnh Sư đoàn có đồng chí Nguyễn Ân, Sư đoàn trưởng, đồng chí Trần Bình, Chỉnh ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 cùng nhiều cán bộ cao cấp khác đang đứng ở sân Dinh Độc lập. Trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn tôi chỉ mới biết đồng chí Nguyễn Hữu An là Tư lệnh Quân đoàn. Khi đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu xuống khỏi xe Jeép, tôi báo cáo với đồng chí Tư lệnh Quân đoàn Nguyễn Hữu An và đồng chí Sư đoàn trưởng Nguyễn Ân cùng một số đồng chí cán bộ của Quân đoàn đang ở đó là tôi đã đưa Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu ra Đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng và đã đưa về đến đây.

Có một cán bộ trong Bộ Tư lệnh Quân đoàn có mặt lúc đó đã phê bình tôi là đưa Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu đi mà không báo cáo cấp trên. Tôi không biết nói sao, bởi thực lòng trong tình thế đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm sao sớm để họ  tuyên bố đầu hàng, chiến sự sẽ sớm chấm dứt, bớt đi những sự hy sinh không đáng có. Liền sau đó, đồng chí Sư đoàn trưởng Nguyễn Ân nói: “Đây là Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 Sư đoàn 304, sai đâu sẽ kiểm điểm sau, để cho đồng chí ấy về chỉ huy đơn vị". 

Sau lúc ấy, tôi lên xe về đơn vị. Tôi đi kiểm tra Tiểu đoàn 9 lúc này đã chiếm giữ Bộ tư lệnh hải quân và cảng Ba Son, nhưng một số người dân xô vào cảng Ba Son cướp tài sản. Tôi ra lệnh cho Tiểu đoàn 9 phải bảo vệ không để cho dân vào cướp phá, đóng kín các cánh cổng và tổ chức canh gác chu đáo. Sau đó tôi về Ban chỉ huy Tiểu đoàn 9 đóng. Lúc đó khoảng 5h chiều, tôi đi tắm giặt và lấy trong ba-lô bộ quần áo mới toanh ra mặc, còn bộ quần áo cũ do đã mặc nhiều ngày nên tôi bỏ luôn. Sau này, tôi cứ tiếc mãi vì không giữ lại bộ quần áo còn vương bụi đường mà tôi đã mặc trong giờ phút lịch sử đáng nhớ của dân tộc. 

Khoảng 17h30’ ngày 30-4, tôi về Sở chỉ huy Trung đoàn đang ở tòa nhà Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn cũ, ở trước của Dinh Độc Lập, về phía tay trái cách khoảng 500m. Về đến đây tôi gặp đồng chí Nguyễn Ân, Sư đoàn trưởng đang ở Sở chỉ huy Trung đoàn. Vừa thấy tôi, đồng chí Ân nói: Việc đưa Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh, các cậu xử trí như thế là đúng đấy, không có gì sai sót đâu. Lúc bấy giờ tôi mới thở phào nhẹ nhõm… Tối 30-4, bộ phận hậu cần của Trung đoàn tổ chức bữa ăn rất thịnh soạn, chúng tôi vừa ăn uống vừa chuyện trò rôm rả. Khoảng 21h tối chúng tôi hội ý, Ban chỉ huy Trung đoàn nắm tình hình các đơn vị xong thì về chỗ ở và lăn ngay ra sàn nhà định ngủ giấc thật sâu vì đã quá nhiều đêm chúng tôi không ngủ. Nhưng thật lạ, chúng tôi cứ thao thức mà không ai ngủ được.