Học làm giàu từ trong... trại giam

ANTĐ - Do cả tin theo đám bạn xấu nhiều lần gây ra tội ác, gã thanh niên người Rắk Lây - Pi Năng Hà ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã phải trả giá bằng nhiều năm tù. Hối lỗi, khi trở về địa phương, gã quyết tâm hoàn lương thành một người đi đầu trong công tác làm giàu từ đất khó.
Học làm giàu từ trong... trại giam ảnh 1

Sa ngã vì cả tin

Cả vùng Ma Nới đất cằn cỗi và nghèo nàn, quanh năm hun hút nắng gió, người dân tộc Rắk Lây ở đây chỉ biết bám vào ruộng rẫy khô cằn để kiếm kế cái sinh nhai. Cách đây chừng 20 năm, những toán lâm tặc cùng những tên đầu nậu vàng đã chọn Ma Nới làm địa điểm ẩn náu trong những lần trốn chạy. Nhiều thanh niên trong làng đã bị kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo, trong đó có Pi Năng Hà. Gã kể: “Ở đây khổ, cứ thấy người ta kêu đi cho tiền và bảo làm việc gì thì làm theo việc đó thôi. Tôi cũng có may mắn học được đến lớp 7 nhưng không được đi ra ngoài các thành phố hay thị xã nhiều nên không có biết cuộc sống có nhiều cạm bẫy đâu”. Chính thế nên Pi Năng Hà đã bị dụ vào một đường dây vận chuyển hàng cấm là thuốc phiện. Dần rà từ một gã nhà quê, nông dân Pi Năng Hà “lột xác” thành một đại ca. “Phải mạnh mẽ và liều thì mới làm được việc và bảo vệ hàng trước kẻ khác. Tôi bị người ta dụ như thế và cứ cắm đầu làm theo”. 

Sau một thời gian được các “đại ca” đưa về TP. Hồ Chí Minh, Pi Năng Hà được cho làm đầu nhóm chuyển hàng. Cũng từ đó, do hay phải đụng độ với các nhóm khác và cũng để tồn tại giữa những tên côn đồ sừng sỏ, nhóm của Hà thường xuyên dính vào các vụ ẩu đả. Gã không nhớ hết mình đã có bao nhiêu lần đâm chém nhau ở chốn giang hồ. “Hình như nhiều người ở quê cũng biết tôi đi làm giang hồ ở Sài Gòn nên họ xì xào bàn tán  lắm. Cũng thế nên tôi không có dám về nhà nữa. Mà cứ ở lại thì có bao nhiêu tiền từ việc làm ăn tôi đều tổ chức ăn chơi hết. Đang là trai trẻ, có sức khỏe lại gan lì không sợ đối thủ nên dù mới về Sài Gòn nhưng nhiều kẻ đã phải nể sợ tôi lắm rồi đấy. Ngỡ đấy là oai, sau này vào trại giam mới biết mình sai”- Pi Năng Hà kể.

Với sự hung hăng của “gã nhà quê” ấy, năm 2001, Pi Năng Hà dẫn một toán đàn em đi giao ma túy lẻ ở Đồng Nai và bị “động ổ”. Nghi ngờ các băng nhóm khác chơi xấu nên Pi Năng Hà cùng nhiều đồng bọn của mình đã tổ chức tấn công trả thù lại. Một cuộc gây rối và thanh toán lẫn nhau kinh hoàng đã diễn ra ở Đồng Nai. Nhiều đối tượng bị bắt. Theo mách nước của một tên đồng đảng, Pi Năng Hà chạy về Bình Dương ẩn náu. Ẩn náu ở đây một thời gian ngắn, Pi Năng Hà lại tiếp tục gây ra vụ trộm cắp tài sản và hành hung người. Hắn bị bắt và phải nhận mức án 9 năm tù giam. 

Học làm kinh tế từ trại giam

Ngày vào trại giam An Phước (huyện Phú Giáo, Bình Dương), nhiều “người bạn núi” của Pi Năng Hà đã vào thăm và động viên gã tận tình. Chính sự chân tình khuyên nhủ từ những “người bạn núi” từ miền Ma Nới nắng gió của mình đã khiến cho Pi Năng Hà dần thức tỉnh. Các giám thị trại giam cũng phân tích cận kẽ về những hành động tội ác của mình nên gã đã lờ mờ hiểu ra từ xưa đến nay cái bụng của mình đã không tốt, đã gây ra nhiều tội lỗi với người khác, với xã hội. 

Pi Năng Hà hỏi những người bạn ở quê của mình rằng: tao còn quay lại làm người tốt ở miền rừng núi Ninh Sơn nữa được không, mọi người có thù gét và đuổi đi không? Những người bạn của Hà đã chân tình khuyên gã hay nhanh chóng quay về. Những người ở miền nắng gió ấy vẫn sẵn lòng chào đón gã. Không còn băn khoăn gì nữa, giám thị nói gì, gã nghe theo răm rắp đến đó chỉ mong có ngày nhanh trở về với cộng đồng Rắk Lây của mình. “Những sự động viên của bạn bè từ quê hương ra đó tiếp cho tôi thêm rất nhiều sức mạnh nếu không thì chẳng biết làm gì cả. Nhưng cứ băn khoăn mãi không biết rồi về quê sẽ sống thế nào. Vùng sâu Ma Nới ấy xưa nay lạc hậu lắm. Làm ăn không mấy khi được mùa”. 

Sự lấn cấn của Hà đã được chính các cán bộ trại giam giải đáp. Một số ngành nghề được hướng dẫn cho các phạm nhân trong trại đã như một nguồn khơi mở cho sự lấn bấn trong suy nghĩ của Pi Năng Hà. “Nhiều nghề được các cán bộ giới thiệu để nếu ai có nhu cầu và cảm thấy bản thân mình phù hợp với nghề nào thì đăng kí học ngay. Lâu đã quen với chăn nuôi và trồng trọt nên tôi chọn ngay nghề làm kinh tế kiểu VAC. Lạ lắm, xưa nay chưa nghe bao giờ. Cứ chọn thế thôi. Nhưng rồi các cán bộ vừa dạy vừa cho thực hành nuôi trồng trong khuôn viên trại giam nên thạo nghề nhanh lắm” Gã tâm sự. 

Vượt lên làm giàu

Sau khi ra trại, quay về quê cũ. Ít rẫy của gia đình, cha mẹ đã cho người em hết nhưng Pi Năng Hà cũng không tức giận hay buồn bã ganh tỵ như trước đây. Gã âm thầm đi vỡ đất hoang. Những quả đồi xưa nay không ai đụng tới, nhiều người dân chê, Hà đến đó vỡ vạc. Thấy tính anh chăm chỉ, dù đã có tì vết nhưng cô thôn nữ Đạo Thị Huệ vẫn ưng bụng và lấy làm chồng. Hà tâm sự: “Mình còn có sức khỏe mà không phải lo lắng lắm. Hơn nữa mình cũng hư, gia đình tưởng bỏ đi biệt xứ nên mới mang hết đất rẫy cho người em. Mà làm lại thì cũng không sao, chẳng mấy chốc lại có cơm ăn đủ rồi không còn phải chạy gạo nữa”.

Vợ chồng Hà khai hoang được 2 ha đất đồi. Lúc đầu, khu vực này chỉ toàn cây tạp um tùm, lại đồi dốc không có nước. Hà phải vay vốn của bạn bè, đầu tư công sức làm đường vào trang trại, kéo đường dây điện để phục vụ sản xuất. Mấy mùa liên tiếp sau đó, vợ chồng Hà vừa nuôi heo vừa trồng thêm nhiều loại cây khác cũng cho thu nhập rất khá. Có thêm tiền, vợ chồng Hà đầu tư hệ thống dẫn nước tự chảy trên núi xuống trang trại với chiều dài 3,5km. Sau khi đã ổn định, Hà bắt đầu quy hoạch trồng cây, lập vườn, chăn nuôi. Vài năm nay, Hà đã đầu tư hàng trăm triệu đồng đào ao xây dựng chuồng trại, mua con giống, cây giống để sản xuất. Đó là một điều lạ và đầy mới mẻ ở Ninh Sơn. 

Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, xung quanh chồng trại nuôi heo và gà, Hà trồng cây ăn quả và trồng xen các loại cây chuối, dứa, riềng, sả, đu đủ, rau, bí, cải, khoai lang là những cây nhanh cho thu hoạch, đủ thực phẩm phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Đến nay, trong chuồng của gia đình Hà thường xuyên nuôi 15 con heo. Ngoài ra, Hà còn chăn nuôi 100 gà thả vườn. Nhờ miệt mài tiếp thu những kiến thức từ khi còn trong trại giam, Hà đã làm hệ thống nước rửa chuồng trại khá quy cũ. Cạnh đó, là sự động viên, giúp đỡ của gia đình, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là hội cựu chiến binh, hội nông dân đã tạo điều kiện cho anh được tiếp cận với các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Được trồng và chăm bón theo phương thức nông nghiệp hữu cơ nên các loại quả mà gia đình Hà sản xuất có chất lượng cao, an toàn với người sử dụng. Sản phẩm được tiêu thụ rất nhanh. Năm 2013, trừ các chi phí, gia đình Hà  thu nhập được gần 70 triệu đồng tiền lời. Hà bộc bạch “khi còn ở trong trại đúng là có nằm mơ cũng không nghĩ một ngày lại có được trang trại và biết cách làm ăn như thế này”.