Học kỹ năng sống: Không nên ép trẻ quá đà

ANTĐ - Hiện có nhiều cha mẹ học sinh lựa chọn cho con những khóa học tại chùa, trải nghiệm làm người nông dân hay học làm chiến sĩ với mong muốn rèn luyện vốn sống cho các em trong ngày hè rảnh rỗi. Tuy nhiên, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến tác dụng ngược

Tìm mọi cách khổ luyện cho con

Những trải nghiệm, kỹ năng sống từ các khóa học ngoại khóa rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ em

Anh Đoàn Ngọc Hà có con đang học ở một trường tiểu học tại Hà Nội chia sẻ: “Hiện tôi thấy có nhiều mô hình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong dịp hè nhưng tôi quan tâm nhiều nhất là mô hình đưa trẻ về nông thôn. Con tôi từ nhỏ chỉ biết từ nhà tới trường, nên không biết trồng rau, cấy lúa, tát nước, bắt cá… là như thế nào. Với khoá học này tôi mong cháu sẽ hiểu hơn về sự vất vả của người nông dân và giá trị của sức lao động, biết phân biệt con bò với con trâu, cây mía với cây ngô…”.

Cũng mong muốn giáo dục cho con hiểu giá trị của sức lao động, nhưng chị Nguyễn Thu Hương, ở quận Tây Hồ lại có vẻ hoài nghi về những lớp học này: “Cuối năm học vừa rồi cháu nhà tôi cũng được nhà trường tổ chức đi dã ngoại đến các nông trại ở ngoại thành, song các cháu cũng không học được gì nhiều. Để tham gia làm nông dân trong vòng một tuần cũng mất vài ba triệu đồng bao gồm tiền ăn, ở, sinh hoạt. Song, tôi vẫn chưa thực sự tin nó thiết thực trong cách giáo dục vốn sống cho trẻ”. 

Tại Cung Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội cũng tổ chức khóa học kỳ quân đội với chủ đề “Trải nghiệm làm chiến sỹ”. Chương trình đang thu hút rất đông phụ huynh đăng ký cho con em học. Theo các tư vấn viên của Cung Thiếu nhi Hà Nội, ngay ngày đầu tuyển sinh đã có hơn 1.000 đơn đăng ký. Chi phí toàn bộ khóa học là 3,5 triệu đồng/học viên, trong vòng 15 ngày.

Bên cạnh đó, nhiều trung tâm cũng tổ chức khoá học “Học kỳ quân đội” với chủ đề “Biển đảo là quê hương”. Học sinh tham gia có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa trên biển, đảo, các hoạt động rèn luyện, thực hành kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, các hoạt động giao lưu...

Chị Thu Hồng có con trai đang học lớp 9, một trường THCS trên địa bàn quận Tây Hồ cho biết: “Bọn trẻ bây giờ quen được bố mẹ đáp ứng mọi thứ nên chỉ biết hưởng thụ. Thứ mà chúng tiếp xúc nhiều nhất bây giờ là máy tính, ti vi và trò chơi điện tử. Vì muốn con cách ly hoàn toàn với những thứ vô bổ ấy nên tôi đã đăng ký cho cháu khoá học: “Trải nghiệm làm chiến sĩ” tại Cung Văn hoá thiếu nhi Hà Nội và khoá học tu tại một ngôi chùa tại quận Long Biên vào các ngày cuối tuần. Cháu có vẻ không thích nhưng chưa thấy phản ứng gì…”.

Theo một sư thầy trụ trì Thiền viện Sùng Phúc, quận Long Biên, Hà Nội, chùa vẫn mở khóa tu cho thanh thiếu niên vào các ngày nghỉ cuối tuần. Nội dung hướng dẫn cách tọa thiền, tu học Phật pháp, giải đáp những thắc mắc liên quan đến Phật pháp và tham gia các sinh hoạt thanh niên, văn nghệ lành mạnh vào sáng chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ 7h30 sáng đến 11h trưa. Riêng ngày chủ nhật cuối tháng âm lịch sinh hoạt cả ngày. Việc mở lớp tu mùa hè nhằm giúp các em tu dưỡng đạo đức, là cầu nối giữa các em với gia đình, giúp các em có thể sống tự lập. Trên cơ sở đó dạy cho các em lòng yêu thương, đạo đức và cách nhận thức đúng trước các vấn đề của đời sống.

Trẻ dễ sốc nếu không chuẩn bị tâm lý

Hiện nay nhiều phụ huynh cho rằng trẻ thiếu kỹ năng sống nên họ tìm mọi cách để cho con tham gia những lớp học kỹ năng. Việc cho con lên chùa học giáo pháp là một xu hướng có nhiều gia đình lựa chọn trong mấy năm gần đây. Cho trẻ lên chùa học hè đôi khi chỉ là do niềm tin ở các bậc phụ huynh vào giá trị giáo pháp của đạo Phật hướng đến con người. Họ tin tưởng vào sự thuyết giảng của các nhà sư sẽ tốt cho nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ cảm thấy thích, tự nguyện thì chúng sẽ tiếp thu nhanh, bằng không thích sẽ có tác dụng ngược. Điều này đã xảy ra với con chị Thu Hồng, sau 2 tuần lên chùa nghe sư thầy giảng đạo pháp, cậu con trai về nhăn nhó nói với mẹ: “Tại sao mẹ không hỏi ý kiến con mà cứ bắt con học, con chẳng hiểu sư thầy nói gì cả. Con không lên chùa nữa đâu…”. Bên cạnh đó, các trung tâm thực hiện các khoá học như “Học kỳ quân đội” cũng thừa nhận, dù được biết đến như một mô hình giáo dục kỹ năng sống hiệu quả, song sự thay đổi ở các học viên không hoàn toàn giống nhau. Có em thay đổi hoàn toàn, nhưng cũng có em chỉ thay đổi được được chút ít, thậm chí có em còn không tiến bộ...

Theo Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna - Trung tâm đào tạo và phát triển cộng đồng, trước khi cho con tham gia các khóa tu, các bậc cha mẹ nên hỏi ý kiến trẻ. Nếu đó là mong muốn và nguyện vọng thực sự của trẻ thì mới nên quyết định ghi danh. Nếu không, trẻ sẽ phản ứng và có những hành động gây khó khăn cho nơi tiếp nhận. Bản thân những trẻ có những biểu hiện cảm xúc tiêu cực hay những tiền “rối nhiễu” sẽ có nguy cơ bị trầm cảm và căng thẳng... Điều này, cần được các phụ huynh ý thức và thực sự tỉnh táo để có những ứng xử thích hợp khi chọn lựa môi trường giáo dục cho con em mình.

Trong dịp hè, nếu thực sự muốn con hiểu được giá trị lao động, hiểu được công việc của người nông dân thì tốt nhất nên cho con về quê với ông bà hoặc những người thân tin cậy, vừa đỡ tốn kém, lại thực tế và hiệu quả. Các khóa học kỹ năng mềm đều hữu ích, tuy nhiên, không thể có một sự thay đổi hay hình thành thói quen nào đó chỉ với vài ngày hay một tuần của khóa học. Chính sự hỗ trợ, tiếp sức của gia đình mới duy trì kết quả huấn luyện và tạo ra sự thay đổi. Bên cạnh đó, khi lựa chọn cho con một khóa học hè dù là học kiến thức hay kỹ năng sống cũng cần phải lưu tâm đến sức khỏe, không nên ép trẻ học quá sức. Cha mẹ tìm lớp học cho con cũng cần phải lựa chọn trung tâm dạy có chất lượng để tránh “tiền mất tật mang”.