“Hết học trò thì tôi nghỉ dạy”

(ANTĐ) - Ở thành phố Ninh Bình có một con phố nhỏ mang tên ông tổ của ngành Y - phố Hải Thượng Lãn Ông. Trước đây khi còn chiến tranh, con phố này là một dãy nhà bao bọc lấy Bệnh viện Quân y như một chiến lũy bảo vệ bệnh viện, còn bây giờ nó đã lên thành phố với những ngôi nhà cao tầng mới khang trang. Nhưng không phải tôi đang muốn nói đến con phố này, mà tôi muốn nói đến một ngôi nhà nhỏ thấp, rất thấp, nằm lọt thỏm trong con phố đó. Ngôi nhà rêu phong, có cánh cổng bằng tre cũ kỹ nhưng lúc nào cũng treo lá cờ đỏ sao vàng...

“Hết học trò thì tôi nghỉ dạy”

(ANTĐ) - Ở thành phố Ninh Bình có một con phố nhỏ mang tên ông tổ của ngành Y - phố Hải Thượng Lãn Ông. Trước đây khi còn chiến tranh, con phố này là một dãy nhà bao bọc lấy Bệnh viện Quân y như một chiến lũy bảo vệ bệnh viện, còn bây giờ nó đã lên thành phố với những ngôi nhà cao tầng mới khang trang. Nhưng không phải tôi đang muốn nói đến con phố này, mà tôi muốn nói đến một ngôi nhà nhỏ thấp, rất thấp, nằm lọt thỏm trong con phố đó. Ngôi nhà rêu phong, có cánh cổng bằng tre cũ kỹ nhưng lúc nào cũng treo lá cờ đỏ sao vàng...

Người thầy đặc biệt
Người thầy đặc biệt

Điều phi thường trong những sự bình thường

Có điều gì đó rất lạ là ngôi nhà rất quê giữa lòng thành phố lại trở nên nổi bật, ngôi nhà đó dường như cứ ám ảnh, bám dính và níu kéo bước chân những người khách qua đường khiến cho bất kỳ ai mỗi lần đi qua này đều phải ngoái nhìn, tò mò muốn bước vào trong để gặp chủ nhân của nó. Một lần có hai mẹ con  người Canada du lịch về Ninh Bình đã đi qua con phố này.

Bà mẹ dừng lại rất lâu trước ngôi nhà có lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, rồi bà lấy máy ảnh ra chụp. Có lẽ  bà thấy lạ là ở giữa chốn phố xá ồn ào lại có một ngôi nhà cũ, tường gạch rêu phong, cây cỏ bò lan quanh nhà như vậy. Thấy có người chụp ảnh trước cửa nhà mình, một ông già tóc bạc, đĩnh đạc bước ra và nói chuyện với người nước ngoài.

Ban đầu ông hỏi chuyện bằng tiếng Anh, rồi sau lại thấy hai mẹ con người Canada bảo họ nói được tiếng Pháp tốt hơn, thế là ông già lại chuyển sang trò chuyện với khách bằng tiếng Pháp, rồi họ trò chuyện với nhau rất lâu như thể không có khoảng cách nào về ngôn ngữ. Ông cụ hỏi, họ từ đâu tới, họ đến đây làm gì?...

Rồi họ nói rằng họ từ Canada, đến Việt Nam du lịch, họ cảm thấy thành phố Ninh Bình rất sạch, người Việt Nam hiếu khách và vô cùng ngạc nhiên là người Việt Nam lại giỏi nhiều thứ tiếng thế. Hóa ra trong ngôi nhà tuềnh toàng kia, lại có một khối kiến thức sâu sắc; trong cái bề ngoài giản dị khiến cho người ta cứ ngỡ là sự bình thường - sự bình thường của những điều phi thường.

Làm sao mà một ông già 83 tuổi lại biết nhiều ngoại ngữ đến vậy không chỉ tiếng Anh, tiếng Pháp, mà ông còn biết cả tiếng Nga nữa, thậm chí tiếng Đức. Ông già đó là bác sĩ Nguyễn Văn Quyên (SN 1925), nguyên là cán bộ Bệnh viện Quân y về nghỉ hưu từ năm 1987. Ngay từ khi còn bé ông đã học tiếng Pháp từ lớp 1 đến lớp 10. Sang cấp 2, cấp 3, ông cũng có  học thêm chút tiếng Anh.

Sau đó chủ yếu là học trên đài, hoặc mua sách về tự học. Đặc biệt là tiếng Nga là do công việc của ông thường đọc các tên thuốc, ông mua sách y học tiếng Nga về đọc và tự học. Ham học hỏi, ông không chỉ biết ngoại ngữ mà còn am hiểu văn hóa, hiểu lịch sử, nguồn gốc của những ngôn ngữ mà ông học.

Lớp học nhỏ bé
Lớp học nhỏ bé

“Tôi là người cổ mà!”

Hôm chúng tôi tìm đến nhà ông, mới đến đầu phố hỏi thăm mà ai cũng biết, họ bảo cứ đến ngôi nhà nào thấp nhất mà có treo cờ là đúng nhà thầy giáo Quyên. Bàn tiếp khách của ông là một chiếc chiếu trải trên nóc bể ở ngoài sân. Bể xây rất thấp, chỉ cách mặt sân chừng 30cm, xung quanh là trời, là cây, là thiên nhiên. Ông bảo nhà tôi thấp, các nhà khác cao hơn che hết nắng nên mát lắm, tôi ở một nửa, còn một nửa trồng cây cối, bước một chân ra cửa là đến trời, tôi sống phần lớn là ở ngoài trời nên quen rồi.

Nghe ông nói, nhìn quanh nhà mới thấy quả thật không có bất cứ cái gì được coi là “bằng chứng” của thời hiện đại. Trên tường ông treo những tấm ảnh, bằng khen, bằng tốt nghiệp từ cái thời Chính phủ Đại Nam, Bộ Quốc dân giáo dục cấp cho ông, rồi bằng Diplome do Toàn quyền Đông Dương ký... Trên giá sách những cuốn sách tiếng Nga, tiếng Đức dày cộp đã ố vàng, sờn góc, long gáy, nhưng được ông dán lại và giữ gìn rất cẩn thận.

Rồi còn cả cái thùng đựng gạo cổ lỗ sĩ, ông kê ở góc nhà, nó gỉ mòn gỉ quẹt, bong tróc hết cả sơn, chắc bây giờ may ra chỉ tìm thấy trong các cuộc “trưng bày hiện vật thời bao cấp”, ông lại còn hào hứng giới thiệu “nó là thùng đựng sữa của Liên Xô ngày xưa, cái thùng này hay lắm, đóng sập nắp vào, chuột chỉ có khóc”... Cánh cổng nhà ông thì chỉ sơ sài mấy thanh tre già ghép lại, còn “khóa chống trộm” bằng... dây thừng.

Ông ở trong căn nhà này một mình, trong khi con cháu, dâu rể của ông, đều đã thành đạt, trưởng thành, người là tiến sĩ, người là giảng viên đại học, người làm kinh tế, người đang học ở Hàn Quốc, người đang làm việc ở Anh. Đã nhiều lần các con ông mời ông về ở với họ, nhưng ông không chịu, thỉnh thoảng ông có sang nước ngoài, hoặc đến thăm con cháu dăm bữa nửa tháng thì được chứ đi ở hẳn thì ông không chịu.

Chị Hạnh, con gái thứ hai của ông ở ngay Tam Điệp, Ninh Bình mà ông vẫn gọi là “con gái rượu” đã mấy lần mời ông về, nể con, ông cứ hứa xong lại để đấy. Ông khất lần: “Để cha đun hết chỗ củi này đã”. Trong sân nhà ông có một đống gỗ, gốc cây chất kín chật cả sân, đấy là của hàng xóm cho, ông đun hết, họ lại mang đến. Thế chẳng hóa ra rằng “đống củi Thạch Sanh”.

Con cái mua cho ông bếp điện để ông đun nấu cho sạch sẽ thì ông cho vào tủ khóa lại, hàng chục năm chả dùng đến, ông lại đem cho; mua bếp gas, ông bảo không an toàn, ông đem cho nốt. Cứ nhóm tý củi lên, trong nhà có hơi lửa, hơi khói nó mới ấm cúng, mà ông lại thấy cơm thổi bằng bếp củi ngon hơn bếp điện, thế mới lạ!

Nhân cách người thầy

Và ông còn một lý do rất “chính đáng” để từ chối lời mời của con cái là vì những đứa trẻ, những học trò hiếu học của ông. ông không muốn rời xa nơi này vì chúng. Về nghỉ hưu từ năm 1987, đã hơn hai chục năm nay, 83 tuổi nhưng ông vẫn ngày ngày đều đặn “đứng lớp”. Gọi là lớp nhưng có khi là “cái nóc bể” bốn mùa chan hòa ánh nắng, có khi là trong phòng hẹp, chỉ chừng chục mét vuông.

Lớp học ấy cũng bảng đen phấn trắng, cũng bàn cũng ghế, cũng sách cũng vở, nhưng đó là một lớp học đặc biệt của một người thầy đặc biệt. Học trò gọi thầy bằng... “ông giáo”, còn thầy gọi trò là “các cháu”. Ông dạy ngoại ngữ, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga cho những đứa trẻ quanh vùng. Và đã có rất nhiều học sinh trưởng thành từ lớp học nhỏ bé này.

Đến bây giờ, ông cũng không biết mình đã dạy bao nhiêu lớp, và đã dạy bao nhiêu học trò, ông chỉ biết học trò của ông ở đủ mọi lứa tuổi, mọi trình độ. Đứa thì lớp 6, đứa lớp 10, có người học với ông dăm bảy tháng, có người học đến dăm bảy năm, có học trò là trẻ em, nhưng cũng có học trò là “cô giáo”.

Biết ông dạy ngoại ngữ có kinh nghiệm, nên nhiều thầy cô giáo mới ra trường cũng đến nhờ ông phụ đạo thêm, rồi các cô giáo ở trường chuyên cũng dắt con đến nhờ ông giúp, cũng có học trò bị mất gốc, học vẹt, viết chữ mà “đến nó cũng không đọc được”, ông lại giúp cho học lại từ đầu.

Trong số học sinh của ông có nhiều em đã thi đỗ vào trường chuyên Lương Văn Tụy của tỉnh Ninh Bình, có nhiều em đi thi học sinh giỏi tiếng Anh của thành phố, của tỉnh Ninh Bình, cũng có nhiều em đã đỗ vào đại học.

Tâm sự với chúng tôi, các học trò của ông đều bày tỏ sự khâm phục trước tinh thần học tập của ông - ông đã già nhưng không lúc nào trên tay rời quyển sách. Khi giảng bài ông còn mở rộng kiến thức, nâng tầm hiểu biết về lịch sử, văn hóa các nước trên thế giới, nên mỗi tiết học cứ trôi qua nhẹ nhàng như là “đi du lịch”.

Các em còn nói rằng, tuy ông tuổi đã cao nhưng ông dạy rất say sưa và cẩn thận, đặc biệt là không bao giờ ông dạy thiếu giờ, lúc nào cũng dạy thừa giờ. Buổi học có 2 tiếng, nhưng ông thường dạy quá thành 3 tiếng, chừng nào còn có bạn chưa hiểu là chưa được nghỉ.

Em Phượng là học sinh lớp 11 trường chuyên Lương Văn Tụy đã rớm nước mắt, đầy vẻ ân hận khi kể lại câu chuyện của mình: “Hồi ấy mới học lớp bảy, em được ông tặng cho một quyển sách và một quyển vở mà ông chép tay những bài khóa tiếng Anh.

Ông nói em về hãy đọc và dịch. Nhưng cả một tháng hè em mải chơi không dịch. Đến khi hỏi lại biết em chưa dịch, ông ngồi lặng đi. Thà ông mắng em còn đỡ sợ hơn, nhưng ông không nói gì cả. Đến tối hôm ấy ông đã tìm đến tận nhà em, bắt em mang cuốn sách đó xuống để ông dạy... Sau lần đấy em thấy mình học được ở ông những điều còn lớn lao hơn cả những kiến thức trong quyển sách kia, đó là một nhân cách sống”.

Câu chuyện của Phượng làm tôi nhớ đến câu nói của nhà sư phạm Nga - Usinxki: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất cứ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”.

“Khi nào hết học trò thì tôi nghỉ dạy”

Không phải là người được đào tạo trong ngành giáo dục, ông là một bác sĩ quân y, nhưng ngay từ khi còn đi học, ông đã biết dạy học. ở cái thời mà 95% dân số mù chữ, làm gì có nhiều thầy giáo như bây giờ, đứa học lớp 7 thì dạy cho đứa học lớp 5. Khi ấy, ông một mình đã dạy hai ba lớp, lớp dạy tiếng Pháp, lớp dạy chính tả, lớp dạy cộng trừ nhân chia.

Lớn lên khi lên Hà Nội làm việc, ông đã làm gia sư dạy cho con của Giáo sư Trương Văn Vĩnh - Dược sĩ của trường Đại học Y khoa. Sau này, khi ông học ở trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, Chi bộ cũng chọn cho ông một gia đình để đi dạy. Ngay đến khi ông làm Trưởng khoa Mắt của Bệnh viện Quân y, ông cũng mua sách bút, dạy nhân viên học.

Bà Nguyễn Thị Thang - một nhân viên cũ của ông, người đã từng bị ông “bắt học” cho đến bây giờ cũng chưa quên được hình ảnh một người chỉ huy mẫn cán, có trách nhiệm với bệnh nhân và cả những cán bộ dưới quyền - bà nói rằng ở ông đã hội đủ nhân cách của 2 người thầy: Thầy thuốc và thầy giáo.

Dạy học từ khi còn đi học, cho đến suốt những năm công tác, ông tự thấy mình cũng có kinh nghiệm trong việc dạy trẻ nên ngay khi về nghỉ hưu ông đã mở lớp “chiêu sinh”. Không ngày nào ở nhà ông không có bóng học trò.

Ngay cả những hôm được nghỉ học, các trò cũng qua lại thăm ông, rồi cùng ông thổi cơm nấu nước, ông trò cùng ăn. Hôm chúng tôi đến nhà ông cũng có học sinh lớp 11 trường chuyên Lương Văn Tụy đang học tiếng Anh, ông dạy theo giáo trình sách cơ bản, bài học số 5. Tôi nghe thấy một học trò của ông đã đọc và dịch lưu loát:

“Vào tháng 7-2000, 61 tỉnh, thành phố trên khắp Việt Nam đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục và xóa nạn mù chữ, tuy nhiên vào thời điểm đó thì chỉ có 94% dân số có thể đọc và viết, điều này có nghĩa là có nhiều việc phải làm để xóa nạn mù chữ trên toàn quốc...”. Đúng là ngành giáo dục của chúng ta đang còn quá nhiều việc phải làm.

Bài học trong sách có điều gì trùng hợp với công việc của thầy giáo Nguyễn Văn Quyên đang làm. Lại cũng có nhiều người sợ ông yếu rồi, dạy nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thì ông lại lấy lý do: “Cứ tưởng tượng một ngày mà không có học trò thì buồn lắm. Tôi sẽ dạy cho đến khi nào không còn học trò học nữa”. Mà như thế thì chẳng khác nào “đống củi Thạch Sanh” ở sân nhà ông!

Đinh Hương Bình