Hành trình “hiểu về con” của một người mẹ có con đồng tính

ANTĐ - Đã từng tiếp xúc với một số người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT), tôi cũng hiểu phần nào những đau khổ, những dằn vặt, đấu tranh… của họ với sự kỳ thị của xã hội để được sống là chính mình. Nhưng với những người làm cha, làm mẹ, thì việc họ chấp nhận con mình thuộc cộng đồng LGBT là một sự hy sinh vô cùng lớn lao mà chỉ tình yêu thương vô bờ bến của người làm cha làm mẹ mới đủ sức giúp họ vượt qua. 

Hành trình “hiểu về con” của một người mẹ có con đồng tính ảnh 1

Chuỗi ngày “chạy chữa” cho con

Tôi được biết có khoảng 20 người mẹ có con là LGBT ở Việt Nam đã công khai chấp nhận con và cùng con vượt qua định kiến của xã hội, họ gặp nhau trong một hành trình mang tên “Hiểu về con”. Mỗi người là một câu chuyện với đầy đủ cung bậc cảm xúc, hy vọng, sụp đổ, buồn đau, rồi chấp nhận, bao dung, đồng cảm…, những cảm xúc trái ngược nhưng đều bắt nguồn từ tình yêu thương. Nhưng có lẽ, câu chuyện của chị Đinh Thị Yến Ly (TP Hồ Chí Minh) trở đi trở lại trong đầu tôi nhiều nhất. Chị Ly trước đây là cán bộ của một Viện nghiên cứu tại TP Hồ Chí Minh. Vợ chồng chị có duy nhất một cậu con trai là Teddy Nguyễn, cậu bé cũng là cháu đích tôn của dòng họ nên cậu nhận được tình yêu, niềm hy vọng lớn lao thế nào từ bố mẹ. 

Tuy rất gần gũi với con từ bé, nhưng chị không ngờ con trai chị có một bí mật động trời mà phải đến khi cháu lên lớp 11 chị mới vô tình phát hiện ra. “Đó là năm cháu học lớp 11, hôm ấy có giờ thể dục nên cháu để cặp sách ở nhà. Tôi soạn lại sách vở cho cháu thì vô tình thấy cuốn nhật ký, trong đó cháu có bày tỏ cảm xúc, tình yêu với một bạn trai học dưới cháu 1 năm. Lúc đó, tôi như rơi xuống địa ngục, tôi vô cùng hoang mang và lo sợ. Từ xưa đến nay Teddy luôn tỏ ra bình thường, không bao giờ tôi nghĩ có lúc con bị như thế này” – chị Ly nhớ lại. 

Lúc đó, những cụm từ như “đồng tính”, “pê đê”, … là một cái gì đó xa lạ và ghê sợ đối với chị, là một sự ô nhục cho gia đình và dòng họ. Chị nghĩ có lẽ con mình chơi với những người bạn không tốt nên mới bị “nhiễm bệnh” như thế. Chị bắt con đốt cuốn nhật ký và bắt đầu quay cuồng với hành trình “chữa bệnh” cho con.

“Lúc đó tôi đã khóc rất nhiều, tôi khuyên con nên thay đổi lối sống và đưa con đến các phòng tư vấn tâm lý cho tuổi mới lớn, với hy vọng bác sĩ tâm lý sẽ chỉnh được những lệch lạc cho con mình. Nhưng tất cả câu trả lời đều là con tôi không có vấn đề gì về tâm lý. Được sự mách bảo của người quen, tôi đã bắt con phải ăn gạo lứt muối mè để cân bằng âm dương. Nhưng rồi tôi cũng nhận thấy con mình không có bất cứ sự thay đổi nào. 

Hóa ra con cũng đau khổ hằng đêm

Khi Teddy bước sang năm thứ ba đại học, không khí trong gia đình ngày càng trở nên căng thẳng khi chị Ly gây áp lực mạnh mẽ cho con bằng cách không quan tâm, chăm sóc và hai mẹ con như hai người dưng sống chung một nhà. Chị Ly chia sẻ: “Lần mẹ con căng thẳng nhất, tôi đã quyết định viết cho cháu một bức thư, đại ý rằng bố mẹ chỉ có một mình con, con còn là đích tôn của dòng họ, bố mẹ chỉ có một yêu cầu là con phải sống là một người đàn ông bình thường đừng có những biểu hiện kỳ cục như vậy. Tôi cũng đặt một điều kiện là nếu con cảm thấy quá khó với yêu cầu của bố mẹ thì con có thể tự quyết định cuộc đời con, nghĩa là cháu có thể ra đi nếu không chịu thay đổi. 

Vài tuần sau, chị nhận được lá thư của con trai. Giờ đây khi nhắc lại lá thư đó, cảm xúc của chị như vẫn vẹn nguyên, và những dòng nước mắt lại chực trào ra. Trong lá thư dài 4 trang giấy lúc nào cũng thường trực câu con là gay, xin lỗi mẹ. Cháu viết đại ý rằng con xin lỗi mẹ, con biết là con làm cho mẹ khổ nhiều lắm. Con biết nếu mẹ sinh ra con là một đứa khuyết tật như câm, điếc hay bại liệt thì mẹ vẫn cứ thương yêu con, ôm con vào lòng, che chở, bảo vệ cho con. Nhưng khi mẹ sinh ra con là một thằng gay, thì con lại là một đứa con bất hiếu, là một tội đồ, là sự sỉ nhục của dòng họ. Hằng đêm con đã khóc, con hận chính bản thân mình, tại sao con sinh ra lại là một đứa như vậy để làm khổ cho mẹ. Teddy cũng xin tôi cho cháu thêm một năm nữa, khi tốt nghiệp đại học sẽ đi rất xa để không còn là nỗi nhục cho mẹ nữa…

Đọc xong lá thư, tôi đã khóc rất nhiều và mới hiểu rằng suốt những năm qua  không phải chỉ mình tôi đau khổ, mà chính con mình cũng đã phải dằn vặt, đau đớn như thế nào. Từ đó tôi không gây áp lực cho con nữa mà trở lại gần gũi, lắng nghe con chia sẻ nhiều hơn

“Hiểu về con”

Chị Ly cũng bắt đầu quan tâm về cộng đồng LGBT, chị muốn tìm hiểu xem những người như con mình họ sống ra sao, có đóng góp gì cho xã hội hay không? Chị bắt đầu cùng con tham dự các buổi hội thảo về người đồng tính do Trung tâm ICS tổ chức. Chị kể: “Những ngày đầu tham dự, người mẹ nào cũng đầy tâm trạng và đẫm nước mắt. Nhưng khi được cung cấp nhiều tài liệu về cộng đồng LGBT, tiếp xúc với những người LGBT, chúng tôi mới thấy hóa ra họ không như những gì mình vẫn hình dung. Họ không có gì  là bất bình thường mà vẫn đang tích cực học tập, lao động và đóng góp cho xã hội. Từ đó, chị tham gia Hội phụ huynh, người thân của những người đồng tính, song tính, chuyển giới Việt Nam (PFLAG) và tích cực hoạt động để thay đổi nhận thức của xã hội, nhất là cha mẹ, người thân của những người LGBT.

Chị Ly bảo rằng, hầu hết cha mẹ của những người LGBT đều cho rằng con mình bị lệch lạc về giới tính, ăn chơi đua đòi và cũng như chị ngày xưa, họ tìm mọi cách “chữa” cho con, từ khuyên bảo, gây áp lực đến ép lấy vợ, lấy chồng dẫn đến không ít bi kịch. Vì thế chị đã cùng những người mẹ trong Hội PFLAG đi đến các tỉnh, thành, gặp gỡ những phụ huynh đồng cảnh ngộ để trò chuyện, chia sẻ chính câu chuyện của mình để giúp bố mẹ hiểu hơn về con mình, làm vơi bớt những bi kịch của cộng đồng LGBT. Đó là một hành trình không mệt mỏi, hành trình “Hiểu về con”.

Thừa nhận con nên giờ đây cuộc sống gia đình chị Đinh Thị Yến Ly đã nhẹ nhàng, vui vẻ hơn rất nhiều. Từ chỗ giấu giếm nay chị đã thoải mái công khai câu chuyện của con trai mình và tích cực tuyên truyền, đấu tranh cho quyền bình đẳng của cộng đồng LGBT.

Hành trình của chị Ly và các bố mẹ trong Hội PFLAG vẫn còn rất dài một khi còn rất nhiều bạn chưa được gia đình thừa nhận và xã hội vẫn còn nhiều định kiến chưa đúng về cộng đồng LGBT.