“Hạnh phúc lắm khi cầm trên tay phất lá cờ giải phóng!”

ANTĐ - Chiếc xe Jeep chở đồng chí Phạm Xuân Thệ tiến vào Dinh Độc Lập, cũng là chiếc xe áp tải Tổng thống Dương Văn Minh đi đầu hàng quân giải phóng vào ngày 30-4-1975. Người lái chiếc xe đặc biệt ấy đồng thời cũng là chiến sĩ giải phóng quân Đào Ngọc Vân đã nhớ lại những giờ phút không thể nào quên...

“Hạnh phúc lắm khi cầm trên tay phất lá cờ giải phóng!” ảnh 1Chiếc xe Jeep mang biển số 15778 do ông Đào Ngọc Vân lái được phục dựng lại
(Ảnh nhân vật cung cấp)

Ngày không thể quên

Trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ ở phố Ngô Văn Sở, phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa, một người đàn ông nhỏ nhắn, mái tóc đã điểm bạc đang cần mẫn dọn đồ bán hàng ăn sáng cùng với vợ con. “Thấy chúng tôi đến, ông Vân tay bắt mặt mừng mời khách vào nhà, rồi nói: “Nhìn tôi nhỏ con thế này thôi, nhưng cách đây 40 năm về trước, đã từng chinh chiến khắp các chiến trường Trung - Tây - Nam đấy”. Và cứ thế những hồi ức hào hùng về Ngày giải phóng miền Nam lại ùa về trong hừng hực một khí thế chiến đấu như mới ngày hôm qua. 

Chỉ tay vào vào tấm ảnh có hình của ông cùng đồng đội bên chiếc xe, ông Vân bảo: “Không ngờ, việc biết lái xe lại là cái duyên số mà sau này tôi đã trở thành người lính lái xe Jeep có biển số đặc biệt 15778 mà quân ta thu chiến lợi phẩm và dùng nó chở Tổng thống Dương Văn Minh đi tuyên bố đầu hàng”.

Rạng sáng ngày 30-4-1975, tại căn cứ Nước Trong, Long Thành (Đồng Nai) đơn vị ông được lệnh chuẩn bị xe phối hợp với các đơn vị như pháo mặt đất, xe tăng cùng các bộ binh tấn công mở mũi chọc sâu vào Sài Gòn. Trên chiếc Jeep mà ông Đào Ngọc Vân cầm lái, còn có Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chỉ huy chính, Bàng Nguyên Thất chiến sĩ  thông tin Trung đoàn; Nguyễn Văn Nhu, Trợ lý trinh sát Trung đoàn; Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng tiểu Ban cán bộ Trung đoàn Phùng Bá Đam. 

Nhận được lệnh, từ Long Thành, Đồng Nai, đơn vị ông hành quân qua ngã ba Vũng Tàu đến xa lộ Biên Hòa đi vào Thủ Đức. Đến trưa ngày 30-4-1975, đơn vị ông đã tiến sát vào cửa ngõ Sài Gòn. Quân địch thì hoảng loạn, đang tháo chạy quân giải phóng. Trên đường tiến vào Dinh Độc lập, đi đến đâu thì được người dân chỉ đường cho đến đấy. “Khi đi đến đến Thảo Cầm Viên, cách Dinh Độc lập khoảng 500m có một người đàn ông mặc sơmi trắng, tầm trên 40 tuổi, tay ôm lá cờ quân giải phóng màu xanh đỏ sao vàng lớn nhất chạy ra tình nguyện dẫn đường cho đơn vị chúng tôi”, ông Vân cho biết. Đến cổng Dinh Độc Lập, hai chiếc xe tăng  làm nhiệm vụ phá cổng Dinh. Khi chiếc xe tăng thứ nhất bị mắc kẹt, không thể nhúc nhích, chiếc thứ hai đã nhanh chóng húc đổ cổng chính tiến thẳng. Ông Vân đã nhanh chóng lái chiếc xe Jeep theo sau xe tăng thứ hai qua cánh cổng chính và vòng cua bên phải. Còn chiếc xe tăng sau vòng cua bên trái, tạo thành thế khép kín vòng vây. 

Đến nơi, ông Vân cùng các đồng đội trên xe Jeep tay cầm súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu tiến vào tầng trệt của Dinh Độc Lập theo con đường cầu thang. Ông được chỉ huy Phạm Xuân Thệ giao nhiệm vụ cầm theo lá cờ của người dân hướng dẫn đường cắm lên xe cùng đồng đội chạy vào Dinh. 

Khi chỉ huy Phạm Xuân Thệ cùng các anh em đi vào phòng của Tổng thống Dương Văn Minh. Còn riêng ông vác lá cờ giải phóng chạy lên Ban công sảnh tầng 2 của Dinh Độc Lập cùng với một chiến sĩ liên tục phất cờ báo hiệu quân ta đã chiếm giữ được Dinh. Cùng thời này, đồng chí Bùi Quang Thận cũng đang mang một lá cờ lên nóc Dinh. Nhớ lại giây phút đó, ông Đào Ngọc Vân chia sẻ: “Hạnh phúc lắm, khi cầm trên tay phất lá cờ giải phóng báo hiệu cho anh em, đồng đội ta đã tiếp quản được Dinh Độc Lập. Từ trên cao nhìn xuống, ngoài sân Dinh và ở đường phố nghe tiếng hoan hô của bà con nhân dân,  tiếng súng AK của bộ đội nổ vang cả bầu trời Sài Gòn chào mừng chiến thắng”.

“Hạnh phúc lắm khi cầm trên tay phất lá cờ giải phóng!” ảnh 2Ông Đào Ngọc Vân - người lái xe trở Tổng thống Dương Văn Minh đi đầu hàng

Thời khắc lịch sử

Ngay sau đó, ông Vân chạy xuống tầng 1, chỉ huy Phạm Xuân Thệ nói với Dương Văn Minh: Các ông đã đầu hàng quân giải phóng không điều kiện nhưng không có bằng chứng thì không ai công nhận. Chúng tôi đề nghị các ông ra Đài Phát thanh để công bố đầu hàng. 

Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chỉ thị cho ông Vân chuẩn bị xe đưa các Tổng thống Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh. Xuống đến cửa sảnh, Dương Văn Minh giơ tay về phía trái của Dinh Độc Lập chỉ vào chiếc xe sang trọng và nói: Mời cấp chỉ huy lên xe của chúng tôi để đến đài phát thanh. Đồng chí Thệ nghiêm nghị chỉ vào chiếc xe Jeep bám đầy bụi đất và nói: Chúng tôi đã có xe để đưa các ông đi. 

Đến đài phát thanh, nhân viên đài hoảng sợ đã bỏ chạy hết chỉ còn một người bảo vệ, máy móc còn nguyên nhưng điện bị cắt. Lúc đó, có nhà báo nước ngoài đã đưa máy ghi âm cho quân giải phóng mượn để ghi lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh và lời chấp nhận của quân giải phóng miền Nam đối với lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh. Đồng thời lúc đó nhân viên nhà đài cũng thông báo hệ thống máy móc của đài phát đã vận hành tốt. 

Đúng 11h30’ cùng ngày, nhà báo nước ngoài mở máy ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Ngay sau đó, đồng chí Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ đoàn 203 vinh dự thay mặt các đơn vị quân giải phóng đọc lời chấp nhận sự đầu hàng: Tôi đại diện lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố: Thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”.

Sau một tuần sống cùng với không khí ăn mừng với nhân dân Sài Gòn, đơn vị ông lên Đà Lạt (Lâm Đồng) truy quét tàn binh của quân địch thua trận chạy từ Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Năm 1977, ông phục viên trở về đơn vị cũ công tác thầm lặng tại địa phương. Không ai biết đến ông Đào Ngọc Vân - nhân chứng sống lịch sử, người lái chiếc xe Jeep mang biển số 15778 áp giải tướng Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đi đầu hàng. Và câu chuyện về người lái xe Jeep bắt đầu được kể từ năm 2006 khi đồng đội đi tìm và gặp lại được ông. “Không có gì hạnh phúc hơn sau bao nhiêu năm mới gặp lại đồng chí, đồng đội xưa. Và chiếc xe Jeep mang biển số 15778 mà tôi lái đã được phục dựng lại, trưng bày tại Dinh Độc Lập vào năm 2008 và ở Bảo tàng Quân đội Việt Nam vào năm 2009, ông Đào Ngọc Vân hạnh phúc nói.