Doanh thu “khủng” từ “Bí mật ngọt ngào”

ANTĐ - Trong văn hóa Á Đông, đặc biệt tại các quốc gia Nam Á, đồ chơi tình dục luôn là một chủ đề  “nóng” gây tranh cãi. Tuy nhiên ở nơi mà tình dục luôn là vấn đề nhạy cảm như Nepal bỗng “mọc” ra một cửa hàng bán đồ chơi tình dục đầu tiên có giấy phép kinh doanh đã thu hút một lượng khách “khổng lồ”.
Doanh thu “khủng” từ “Bí mật ngọt ngào” ảnh 1

Hợp pháp hóa “Bí mật ngọt ngào”
Nằm khuất sâu trong một con ngõ nhỏ của khu phố nhộn nhịp nhất Thủ đô Kathmandu, cửa hàng Sweet Secret (Bí mật ngọt ngào) của Manjeet Poudel và Praveen Dhakal khai trương từ năm 2010 và được phép kinh doanh nhưng không được bày bán công khai. “Bí mật ngọt ngào” hiện ra nổi bật với ánh đèn sáng trưng, bức tường màu hồng và những tủ trưng bày sản phẩm xếp ngồn ngộn hàng hóa. “Câu hỏi đầu tiên khi khách hàng đến cửa hàng chúng tôi là: Việc này có hợp pháp không? Sau khi chúng tôi đưa giấy phép kinh doanh ra, họ mới yên tâm”, anh Manish - chủ cửa hàng cho biết. Theo anh Praveen, người chủ thứ hai của “Bí mật ngọt ngào”, mỗi ngày có khoảng 100 khách hàng, trong đó có 10% là nữ giới. Việc kinh doanh của cửa hàng này nhanh chóng phát đạt. Làm ăn thuận lợi, chỉ vài tháng sau khi mở cửa hàng, hai “ông chủ trẻ” mở thêm 3 chi nhánh khác trên khắp Nepal và hiện doanh thu của “Bí mật ngọt ngào” lên đến 3.789-5.053 USD/tháng. Cửa hàng bày bán hơn 150 sản phẩm, chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Bao cao su vẫn là mặt hàng bán chạy nhất. Mặc dù bao cao su được bày bán khắp các siêu thị trên toàn quốc nhưng mọi người thường ngại ngùng khi mua “đồ tế nhị” này ở những nơi đông người, Manish cho biết. “Bí mật ngọt ngào” còn mở thêm dịch vụ bán hàng trực tuyến, kinh doanh qua mạng, giao hàng tận nơi và tuyển một đội ngũ nhân viên nữ phục vụ riêng các khách hàng nữ. Phương pháp này đã thu về 1/3 tổng doanh thu. “Khi mở hàng, chúng tôi rất lo lắng, không biết có cuộc biểu tình nào xảy ra không, nhưng thật may mắn, không có ai phản đối cả”, chủ cửa hàng “Bí mật ngọt ngào” chia sẻ. Và cuối cùng họ đã thuyết phục được chính quyền cho phép kinh doanh, kèm theo điều kiện phải mở “gian trưng bày thích hợp” cho mặt hàng nhạy cảm này. Tiêu chí chính thức được thông qua trong quá trình đăng ký là “phải nhập khẩu và bán các sản phẩm, dụng cụ tình dục qua các gian trưng bày mà không ảnh hưởng đến lợi ích xã hội và các chuẩn mực văn hóa, nhân phẩm, đạo đức.Nhận thức đúng và an toàn cho cộng đồng
Doanh thu “khủng” từ “Bí mật ngọt ngào” ảnh 2
Các gian hàng trưng bày sản phẩm

Khi được hỏi lý do tại sao hai chủ cửa hàng “Bí mật ngọt ngào” nảy ra ý tưởng này, anh Manish chia sẻ do từng khởi nghiệp từ thành viên của một tổ chức phi chính phủ ở Nepal và thường xuyên đi phân phát bao cao su và tuyên truyền tình dục an toàn tại các khu vực nông thôn ở nước này nên Manish nhận thấy việc ra đời của “Bí mật ngọt ngào” sẽ có ích cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cũng theo Manish, nhiều khách hàng của anh bị lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục nên tìm đến cửa hàng để được tư vấn các phương pháp an toàn trong sinh hoạt tình dục. Trong khi đó, theo một báo cáo mới đây của Trung tâm quốc gia về Kiểm soát AIDS và STD Nepal, năm 2011 số lượng người nhiễm HIV và giang mai đã ổn định. Khách hàng tới “Bí mật ngọt ngào” cũng cởi mở hơn trong “chuyện ấy”, họ thẳng thắn đặt ra những câu hỏi. Cửa hàng này cũng đã mở một diễn đàn trên trang web của mình để khách hàng có thể gửi câu hỏi và mỗi ngày họ nhận được trung bình 200 câu hỏi liên quan đến “chuyện ấy”. “Chúng tôi đã mời một bác sỹ chuyên khoa đến cửa hàng mỗi tuần 1 lần để tư vấn cho khách hàng”, anh Manish cho biết. Theo các nhà xã hội học, sự thiếu hụt lớn về số nam giới trẻ tuổi tại Nepal cũng gây ra những hậu quả về mặt xã hội ở nước này, trong đó có việc ngoại tình. Hơn 2 triệu nhân công trẻ người Nepal đang làm việc ở nước ngoài, hầu hết là nam giới. “Khi các cặp vợ chồng trẻ phải sống xa nhau thì việc ngoại tình gia tăng cũng là điều tự nhiên”, ông Mukunda Raj Aryal, một chuyên gia văn hóa Nepal cho hay. Vì vậy việc mở cửa hàng bán đồ tình dục có thể giúp giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, ông Jala Krishna Shrestha, một cựu Bộ trưởng Văn hóa kiêm chuyên gia văn hóa Nepal, đang xem xét đề xuất ý tưởng mở một bảo tàng tình dục ngay giữa Thủ đô Kathmandu. Ông Shrestha cho biết, ông muốn bảo tàng trở thành nơi mọi người có thể nhận thức đúng đắn hơn về vấn đề tình dục.