Điều may mắn nhất, kỳ diệu nhất đã đến với gia đình tôi

ANTĐ - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2015. Ngoài đường hoa đào đã nở rộ, người người hối hả hoàn thành nốt những công việc cuối năm để chuẩn bị đón năm mới. Nhưng Thượng úy Đinh Văn Dương, chiến sĩ duy nhất còn sống sót trong vụ rơi trực thăng Mi 171, số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, thuộc Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân vẫn đang phải điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia. Anh cho biết Tết đến cũng mong lắm được về nhà đón Tết với gia đình, tuy nhiên được về hay ở lại còn phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của bác sĩ.

Điều may mắn nhất, kỳ diệu nhất đã đến với gia đình tôi ảnh 1Chủ tịch Trương Tấn Sang ân cần thăm hỏi động viên Thượng úy Đinh Văn Dương
chiều 31-12

Tận cùng của nỗi đau, cũng là tột cùng của hạnh phúc 

Khi chúng tôi đến thăm anh Dương, bác sĩ nào cũng nói rằng việc anh tỉnh lại sau 4 tháng hôn mê thực sự là điều kỳ diệu. Sau hơn 4 tháng nằm tại khoa Hồi sức cấp cứu, anh đã được chuyển xuống khoa Liền vết thương hơn 2 tháng nay. Anh cũng vừa được phẫu thuật tạo hình lại mi mắt vì sẹo co kéo khiến 2 mắt không nhắm được. Đến bây giờ kết quả phẫu thuật tương đối tốt. Nằm lọt thỏm trên giường, sụt từ 70kg xuống còn hơn 40 kg nhưng anh Dương rất tỉnh táo. Hiện tại vẫn có một chiến sĩ hàng ngày túc trực chăm sóc anh Dương cùng với mẹ đẻ và chị gái của anh.

Bà Trịnh Thị Đông, 58 tuổi, mẹ anh Dương nghẹn ngào tâm sự: “Anh Dương vào bộ đội đến nay đã được 13 năm. Tiểu đoàn đặc công có 10 chiến sĩ mất trong vụ rơi máy bay thì anh nào cũng giỏi. Như anh Dương chỉ cần có sào 2 mét là có thể đi lên đến tầng 7. Do đặc thù công việc, mỗi tháng Dương chỉ có hai ngày chủ nhật để tranh thủ về thăm gia đình. Khoảng thời gian ấy quá ngắn ngủi để bù đắp cho thời gian xa nhà. Khi chị Hải sinh con gái đầu lòng, anh cũng không thể ở bên cạnh vợ. Bố qua đời, anh chỉ xin nghỉ phép được 3 ngày về chịu tang”. Từ ngày anh Dương gặp tai nạn đến nay đã 7 tháng bà Đông và con gái ở đây thay nhau trông nom anh. Chị Hải, vợ anh Dương vừa chăm con nhỏ, lại vẫn phải đi làm nên cứ buổi chiều mới lên thăm chồng. Việc anh Dương sống sót là điều kỳ diệu, bản thân bà quá vui mừng dù rằng giờ đây anh đã mất đi đôi chân và các ngón tay. Bà Đông bảo bà muốn gửi lời cảm ơn Chính phủ, Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô, tất cả các y bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia và các y bác sĩ đầu ngành ở các bệnh viện đã về đây cứu chữa cho anh Dương. 

Suốt 4 tháng đầu từ lúc anh Dương vào viện, lúc nào các y bác sĩ cũng túc trực 24/24h, người nhà chỉ được đứng ngoài cửa kính nhìn vào. Nghĩ lại những ngày đó bà Đông vẫn còn nguyên cảm giác sợ hãi. “Suốt 4 tháng đó tôi không ăn, ngủ được, chỉ biết khóc, chú bộ đội bảo chúng con không lo anh bằng lo bà, bà có chuyện gì thì chúng con chết. Mấy lần bác sĩ cho vào nhìn con là tôi bị tụt huyết áp, có lần các chú lại phải cõng xuống phòng cấp cứu. Chồng tôi đã chết, còn chưa sang mộ, giờ con cũng chết thì tôi biết sống sao đây. Tôi chỉ có một trai, một gái. Mẹ đã góa chồng, con dâu lại góa chồng, các cháu bơ vơ. Có ở trong hoàn cảnh mới hiểu, suốt đêm tôi cứ nghĩ luẩn quẩn như vậy”.

Trong thời gian Thượng úy Đinh Văn Dương nằm ở viện đã 3 lần các bác sĩ báo về Bộ Quốc phòng, gia đình để chuẩn bị tang lễ. Có lần 3 ngày liền tim anh không đập bác sĩ cũng không dám rút ống thở. Kỳ diệu là sau đó thì tim anh lại đập lại. Bốn tháng anh cùng các chiến sĩ nằm viện là quãng thời gian căng thẳng của cả gia đình, các bác sĩ. Chứng kiến 4 người đồng đội của anh lần lượt ra đi, mọi người dần mất hết hy vọng cho đến khi anh Dương tỉnh lại thì tất cả như vỡ òa.  Đối với bà Đông, đó là tận cùng của nỗi đau và cũng là tột cùng của hạnh phúc. 

Hiện tại sức khỏe của Thượng úy Đinh Văn Dương cũng đã ổn định nhưng cứ từ 7h tối đến sáng là anh không ngủ được bởi 2 ống chân và các ngón tay bị cắt vẫn còn đau nhức. Đêm nào bà Đông và người chị gái cũng thay nhau thức xoa cho anh. Có những hôm trời lạnh 9-10 độ C, bà Đông quấn chăn bông vào cổ nhưng anh vẫn phải bật quạt suốt đêm vì nóng trong người bốc ra. “Nó còn đau lắm, chưa biết bao giờ mới hết đau.

Bác sĩ Lê Năm, nguyên Giám đốc Bệnh viện bảo với tôi, nó còn phải đau ít nhất 2 năm. Các vết bỏng giờ cứ nổ lung tung vì bị bỏng sâu quá. Khi được đưa vào đây là thịt bị cháy hết, phải róc hết thịt chỉ còn 2 cái ống đồng, mông cũng bị nạo đến tận xương. Bác sĩ cho uống thuốc sinh thịt và sinh cơ nên tự nó đùn ra đấy. Bây giờ thịt đùn ra thành cái đùi rồi” - vừa nói bà Đông vừa lau nước mắt. Từ khi tỉnh lại, nhiều lúc cứ nhắm mắt vào là anh Dương lại giật mình về vụ rơi máy bay, mơ thấy các đồng đội của mình. Ngày nào các bác sĩ cũng thay băng cho anh, mà mỗi lần thay đau lắm. Nhiều lúc đau đớn quá anh bảo mẹ chẳng muốn sống nữa, chỉ muốn chết đi cho xong. Những lúc như vậy bà Đông lại phải động viên anh, 21 người đã hi sinh vì Tổ quốc, chỉ còn mình anh may mắn sống sót. Anh phải sống thì vợ con mới có chỗ nương tựa. Các con được hãnh diện vì bố là một người thương binh vì đi làm nhiệm vụ mà bị như vậy. Còn bác sĩ trưởng khoa cấp cứu thì bảo vợ anh bế con lên đây, để anh nhìn thấy cho có thêm nghị lực sống. Bây giờ thì anh ấy lạc quan hơn nhiều rồi. 

Điều kỳ diệu 

Nhập viện trong tình trạng bỏng hô hấp kết hợp đa chấn thương, độ bỏng sâu gần 60%, anh Dương được nhận định nhẹ nhất trong số 5 chiến sĩ được cấp cứu sau tai nạn. Để cứu các anh, các bác sĩ đầu ngành của 7 bệnh viện lớn ở Hà Nội đã cử kíp trực đến cùng bác sĩ Viện Bỏng quốc gia, túc trực điều trị suốt hai tháng. Nhưng ngay tối hôm đó, một chiến sĩ bị bỏng quá nặng đã qua đời, còn anh Dương hôn mê sâu, tình trạng nguy kịch kéo dài. Hai ngày đầu tiên, dù điều trị theo đúng phác đồ nhưng huyết áp anh vẫn tụt, tim ngừng đập 2 lần.

Trong thời kỳ nhiễm khuẩn nặng, các bác sĩ phải tháo khớp gối và 10 đầu ngón tay hoại tử.

Bước sang ngày thứ 77 của đợt điều trị, anh Dương bị suy đa tạng: suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, suy cơ quan tạo máu, tiên lượng tử vong cao. Một cuộc hội chẩn kéo dài diễn ra ngay sau đó. Với phương châm “còn nước còn tát”, phải cứu cho được bệnh nhân này, các bác sĩ tiếp tục cho anh dùng thuốc trợ tim, vận mạch, duy trì huyết áp, lọc máu liên tục kết hợp với các loại kháng sinh tốt nhất. Khoảng 15 ngày sau, các cơ quan mới bắt đầu hồi phục nhưng anh vẫn phải dùng máy thở cùng thuốc an thần. Bị bỏng quá nặng, những đồng đội của anh lần lượt ra đi. Đến ngày chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh qua đời (2/9), anh Dương vẫn ở trong tình trạng hôn mê sâu, trở lại chế độ chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ Trần Ngọc Diệp, Phó Chủ nhiệm khoa Liền vết thương cho biết: Trường hợp của Thượng úy Đinh Văn Dương thực sự là một điều kỳ diệu. Hiện tại anh Dương đã tỉnh táo, ăn uống tốt, các sinh hoạt đã bình thường, anh có thể ngồi dậy nói chuyện. Anh đang được phục hồi chức năng để các khớp vận động tốt, sau này có thể lắp cácchi giả.

Đối với người vợ của anh, chị Nguyễn Thị Hải đã thực sự phải trải qua những ngày tháng sợ hãi, lo lắng tột cùng. Anh Đinh Văn Dương và chị Nguyễn Thị Hải có với nhau 2 người con, cháu đầu tên là Đinh Thị Hải Yến 4 tuổi, cháu thứ hai là Đinh Hải Anh được 7 tháng tuổi. Khi biết tin máy bay chở 21 cán bộ chiến sĩ, trong đó có anh Đinh Văn Dương, rơi ở Hòa Lạc, Hà Nội, chị Hải đang mang thai cháu Hải Anh, chỉ chờ vài ngày nữa sinh, chị ngã quỵ vì nhận được hung tin. Chị đã ở trạng thái tột cùng đau đớn. Rồi sau đó mấy ngày chị cũng chuyển dạ sinh đứa con thứ hai. Nghĩ đến con, đến chồng chị ứa nước mắt nhưng trong đau đớn chị tự nhủ mình phải mạnh mẽ vượt qua để làm chỗ dựa cho con, cho chồng.

Chị Hải chia sẻ: Đã không ít lần mình tuyệt vọng bi quan khi nhìn các đồng đội khác ra đi, còn chồng mình cứ chìm trong hôn mê. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ nhất thời, mình và cả gia đình, mọi người chưa bao giờ tắt hi vọng anh ấy sẽ làm nên điều kỳ diệu. Vất vả là thế nhưng chị Hải lại luôn tự nhủ mình là một người may mắn. May mắn vì niềm hy vọng anh Dương sẽ trở về với gia đình đã thành hiện thực, may mắn vì có ông bà nội ngoại hai bên hết lòng thông cảm, giúp đỡ, yêu thương, may mắn vì có hai người con khỏe mạnh, ngoan ngoãn và may mắn vì các y bác sĩ, đồng đội của anh Dương luôn ở bên cạnh gia đình trong giai đoạn khó khăn vừa qua.

Vừa qua, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Trung tướng Phí Quốc Tuấn, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã trao quyết định của Bộ Quốc phòng về việc tặng căn hộ chung cư cho gia đình Thượng úy Đinh Văn Dương. Căn hộ có diện tích gần 70m2, tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Dự kiến quý 3 năm 2015 sẽ được nhận nhà. Đây thực sự là sự quan tâm, bù đắp lớn của Nhà nước cho sự hi sinh của anh Dương. Gia đình anh Dương có hoàn cảnh khá khó khăn, vẫn phải sống trong căn phòng thuê rộng 14m2.