"Dị nhân" có số làm ông chủ

ANTĐ - Mấy chục năm nay, người huyện Đông Anh - Hà Nội luôn chứng kiến hình ảnh người đàn ông đi bằng… tay. Lê lết khắp các ngõ ngách Hà thành để “mở cửa sống” cho những người đồng cảnh ngộ, người đi bằng tay ấy, giờ đã trở thành giám đốc của một trung tâm từ thiện lớn.

Ông Chính tỉ mỉ truyền nghề cho từng học viên


Tuổi thơ nghiệt ngã

Nghe tiếng đã lâu, vừa rồi chúng tôi mới có dịp diện kiến “đệ nhất dị nhân” thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh (Đông Anh - Hà Nội). Ông tên là Bùi Văn Chính, hiện đang là Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh.

Thấy có khách, ông Chính “quăng” người khỏi ghế, dùng tay lết ra cửa cười tươi: “Lâu lắm rồi trung tâm mới có khách đến”, ông Chính hồ hởi nhưng những vết nhăn trên khuôn mặt người đàn ông can trường, chịu đủ mọi sóng gió vẫn không giấu nổi những nỗi buồn tuổi thơ.

Lên 3 tuổi, cậu bé Chính mập mạp bị một cơn co giật dẫn đến bại liệt. Gia đình nghèo nên không thể chữa chạy cho con. “Còn nhỏ nên vô tư, tôi chẳng buồn hay suy nghĩ gì cả, chỉ biết nằm một chỗ khóc nheo nhéo”, ông Chính kể lại.

Năm 6 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách tới trường Chính cảm thấy nỗi buồn bắt đầu lớn dần. Mỗi buổi sáng, Chính dùng tay thay cho đôi chân “đi” ra đầu ngõ ngắm các bạn đi học. Lớn lên chút nữa, Chính nhiều lần òa khóc vì thiệt thòi. Nhưng cậu bé ham học ấy không cam chịu, Chính lết đến trường đứng ngoài cửa lớp nghe như nuốt từng lời thầy giáo giảng.

Một lần thấy đứa con bại liệt không có trong nhà, ông bố chạy khắp nơi tìm con. Nghe người ta mách “thằng không chân” đến trường nên ông chạy ra. “Bố tôi đã khóc, nhìn đứa con ngồi bên mép lớp mà nghẹn ngào không nói nên lời. Tôi nhìn bố ngơ ngác rồi trở về nhà trong câm lặng”.

Chính bắt đầu dùng gạch non vẽ nguệch ngoạc trên sân từng nét chữ như đánh vật với số phận. Thương con, gia đình Chính đã xin cho cậu đi học. Và hàng ngày người xã Xuân Canh chứng kiến cảnh cậu bé bại liệt “đi” bằng hai tay đến trường. Nhà cách trường 2 cây số nên Chính phải dậy từ sớm để chuẩn bị sách vở và lấy đùm cơm nắm cho vào ba lô.

“Ấy thế mà 6 năm trời ròng rã “thằng bé không chân” như tôi được đến lớp đều đặn không nghỉ buổi nào”, ông Chính nhớ lại. Ngồi đối diện với người đàn ông sắp bước sang tuổi 60 mà ngỡ như tôi đang chứng kiến quá khứ tuổi thơ đầy nghiệt ngã của một cậu bé không lành lặn.   

 

Ước mơ trở thành thầy… bói

Học hết lớp 6, gia đình Chính lâm vào cảnh đói nghèo buộc cậu bé ham học phải nghỉ để phụ giúp bố mẹ. 14 tuổi, Chính rời quê hương lên Lai Châu học Đông y một thời gian nhưng không thành.

Số phận dường như không chiều lòng cậu thiếu niên tật nguyền. Chính gặp một thầy địa lý tên Tấn - một cao thủ phong thủy người Trung Quốc đang lưu lạc tại Lai Châu tìm huyệt long mạch. Thấy Chính có khuôn mặt khôi ngô lại bất hạnh nên thầy Tấn đã nhận là đệ tử.

Chính bắt đầu theo thầy Tấn đi khắp vùng Tây Bắc. Ông thầy địa lý đã truyền cho Chính không ít những bí mật về phong thủy. Tuy nhiên, ước mơ của Chính chỉ đơn giản là học để về làm thầy… bói nên bao nhiêu kiến thức cao siêu bị cậu thiếu niên loại bỏ hết.

“Thầy Tấn đã dạy tôi phương pháp ngoại cảm, cảm xạ học, huyệt long mạch học, tướng học, pháp học và nhiều thứ khác nhưng mình chủ quan nên kiến thức rơi rụng mất”, ông Chính tiếc nuối. Một thời gian sau, thầy Tấn ốm nặng, trước khi qua đời ông đã bói cho Chính một quẻ và phán: “Đời con suốt đời làm ông chủ nhưng gian nan hơn người khác, phải đi nhiều hơn người khác và phải chịu khó “cạy cục” hơn những ông chủ khác”. 

“Thầy tôi nói không sai tí nào. Đến nay đã bao nhiêu năm rồi tôi càng nghiệm thấy đúng. Số làm ông chủ nhưng không sướng, khổ nữa là đằng khác, thậm chí nhiều lúc rơi nước mắt”, ông Chính tâm sự bằng cái giọng khàn khàn, ngắc ngứ như có gì vướng trong cổ.

Chôn cất thầy Tấn xong, Chính bắt đầu lang bạt khắp nơi, làm đủ mọi thứ nghề kiếm sống. Từ rửa bát, nhặt rau, đến giao hàng và nhiều thứ nghề không tên khác với mong muốn khẳng định mình cũng có ích như bao người lành lặn.

Năm 1975, Chính trở về quê hương gia nhập Hợp tác xã Xuân Trạch. Anh thanh niên trẻ “bắt mùi thị trường” rất nhanh nên đã mời giáo viên về mở lớp thêu ren dạy cho bà con trong xã. Người thanh niên tật nguyền bắt đầu số kiếp ông chủ với 130 lao động chỉ có mình là nam giới. Chính đi tìm các mặt hàng đẹp cho lao động thêu theo mẫu rồi “cạy cục” tìm cửa xuất khẩu hàng ra nước ngoài.

Lúc đầu, hàng thêu ren của Chính bị khách nước ngoài chê ỏng chê eo. Chính bàn với các lao động “cải cách” mặt hàng thêu và đã thành công khi được Liên Xô chấp nhận. “Hàng làm ra đến đâu hết đến đấy. Lao động tôi phải tuyển thêm, giáo viên cũng phải tuyển để dạy cho hàng trăm người khác”, ông Chính hồi tưởng lại thời vinh quang của Hợp tác xã Xuân Trạch.

Đến 1985 thì hàng thêu ren không thể xuất khẩu, Hợp tác xã phá sản và Chính bắt đầu quay sang nghề mới. Ông lên Bắc Ninh mở xưởng gạch và tạo nhiều việc làm cho các lao động vùng Đa Hội. Hơn 20 năm làm chủ lò gạch đã cho ông Chính biết bao cay đắng vì những lần phá sản.

Năm 2005, ông Chính thành lập một công ty chuyên về thiết bị khoa học nhưng không thành công. Năm 2007, ông lại mở công ty tư vấn tài chính nhưng rồi sụp đổ. “Số mình đúng là làm ông chủ thật nhưng toàn thất bại”, ông Chính nhăn nhó.

Niềm hạnh phúc được học nghề

Kết nối những “vầng trăng khuyết”

“Sau những thất bại tôi mới nghiệm ra mình là người của xã hội, bại liệt cũng phải cố gắng cống hiến cho xã hội”, ông Chính chiêm nghiệm. Năm 2006, hưởng ứng chương trình “Vì người nghèo” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, “người đàn ông không chân” đã đứng ra thành lập Trung tâm Nhân đạo của huyện Đông Anh.

Lúc mới thành lập trung tâm khó khăn chồng chất. Ông Chính lại phải dùng đến đôi tay thay cho đôi chân bại liệt lết đi “gõ cửa” từng cơ quan xin hỗ trợ cho các học viên. Khóa đầu trung tâm đã thu hút 65 em khuyết tật về học nghề tại đây.

Đến nay đã được 4 khóa với trên 500 em khuyết tật, mồ côi đến với trung tâm. Các em được học hành, ăn ở miễn phí và có việc làm ổn định sau khi kết thúc khóa học. Tuy nhiên theo ông Chính, dạy nghề cho các em khuyết tật không đơn giản: “Mình phải biết truyền nhiệt huyết, nói bằng con tim để các em cảm nhận và hành động”.

Học viên của trung tâm đến từ khắp nơi, từ Điện Biên, Cao Bằng đến Nghệ An, Hà Tĩnh… với đủ mọi số phận thiệt thòi khác nhau. Nhưng mừng nhất, khi họ đến chung một mái nhà để học cho mình một thứ nghề kiếm sống, để thành người có ích cho xã hội.

Không chỉ tạo cho các em khuyết tật việc làm, trung tâm còn “kết nối” cho nhiều học viên thành vợ thành chồng. Ở trung tâm này, những “vầng trăng khuyết” đã tìm được một nửa của mình và ai cũng biết rằng, xã hội sẽ chấm điểm cho họ không phải bằng tháng bằng năm mà bằng những nỗ lực và sự trưởng thành khi có một “người cha” đi bằng… tay và biết hướng những “đứa con” của mình tới một chân trời mới