Cuộc đời buồn của người đàn bà không có khuôn mặt

ANTĐ - Cứ mỗi lần xem lại những bức hình mà tôi chụp về chị, trong tôi lại dâng lên nỗi xót xa nghẹn ngào. Nhìn mặt chị, người ta bảo không phải là khuôn mặt của người bình thường. Nhưng sâu trong lòng người đàn bà có khuôn mặt bị biến dạng là một mối buồn xa xôi vương lại từ kiếp trước ấy, ít ai biết rằng, chị cũng có những tâm sự, những ước mơ nhỏ nhoi khiến người nghe phải ngậm ngùi, xót thương. 
Cuộc đời buồn của người đàn bà không có khuôn mặt ảnh 1

Tủi khổ phận người

Trong tiết trời se lạnh của Huế, tôi tìm đến nhà chị Lê Thị Kim Thoa (SN 1974 ở tại 221 Chi Lăng, thuộc phường Phú Cát, thành phố Huế). Mặc dù đã được chuẩn bị tinh thần trước nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy khuôn mặt của chị Thoa. Một khuôn mặt không còn định hình vì biến dạng, sự đau đớn đã hằn sâu trên nét mặt mà khi sinh ra trên cuộc đời chị đã gặp phải bất hạnh. Căn nhà của chị gọi cho “oai” vậy thôi, chứ nó chỉ là cái chái nhỏ bên cạnh ngôi chùa Tàu. Căn nhà nhỏ khoảng 10m2, vá víu và dột nát. Hai chiếc giường cũ nát đặt ngay giữa phòng trước một cái bàn thờ nhỏ nhắn. Căn phòng chẳng có đồ vật gì gọi là đáng giá cả, chỉ có một cái thùng sắt được kê trên cái giường mà chị Thoa cho biết là thùng gạo. Tôi thử lắc khẽ vào nó, một tiếng “coong coong”, cái thùng gạo rỗng không! Một không khí ẩm mốc và tạm bợ bao quanh căn nhà mà hình như chủ nhân của nó cũng không còn đủ sức hay chẳng có ý định muốn thay đổi diện mạo.

Chị kể về cuộc đời của mình cho tôi nghe, hai hàng nước mắt chảy dài trên đôi mắt ngơ ngác và đã chai sạn với nổi đau. “Từ khi lọt lòng, tôi đã không được như những đứa trẻ khác: cha mất khi còn trong bụng mẹ. Thế nên lúc sinh ra, thấy mặt tôi bị biến dạng, dữ dằn nên người mẹ cũng ngán ngẩm mà bỏ nhà đi biệt tích, để tôi lại cho người chị ruột của mình nuôi nấng, chăm sóc. Tôi sống bằng tình thương của dì. Năm lên năm, lên sáu dì tôi cũng cho tôi đi học, nhưng ngay hôm đầu tiên vừa mang cặp đặt chân đến trường, thấy mặt mũi tôi như thế nên mọi người la hét và nhìn tôi với ánh mắt đầy sợ hãi. Thấy vậy, tôi tủi thân. Khóc. Vứt cả cặp mà chạy một mạch về nhà. Từ đó tôi không đến trường nữa mà chỉ chơi quẩn quanh ở nhà!”, giọng chị nghẹn ngào. Chị thiếu hơi ấm tình thương của người cha và thiếu cả bàn tay âu yếm của người mẹ từ dạo đó. Hai dì cháu thui thủi và dựa vào nhau để sống qua ngày. Lớn lên một chút đủ tuổi đi học, sau nhiều lần gõ cửa ở các trường học nhưng chẳng nơi nào chấp nhận cho chị đến lớp vì hình thù dị dạng trên gương mặt của mình. Chị lại bị mù chữ.

Mang khuôn mặt lạ, người không ra người, quỷ không ra quỷ, cha mẹ lại sớm bỏ rơi, chị mặc cảm không dám chơi đùa với ai, suốt ngày chỉ lủi thủi ở nhà với dì. Chị thường hay khóc một mình dưới bếp, nhiều lần chị có ý định đi nhảy sông, nhảy cầu cho khuất mắt, dì ôm chị khóc và bảo chị rằng: “Con cố gắng sống với dì cho vui, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, đừng dại dột nghĩ quẩn nghe con. Nghe dì nói vậy tôi cũng khóc, nhưng nước mắt chỉ chảy được một bên. Bởi vì khi sinh ra tôi vốn chỉ có một con mắt bên phải mà thôi... Sau nhiều lần hai dì cháu ôm nhau khóc, dần dần tôi không còn ý định tự tử nữa mà chấp nhận lấy số phận đắng cay của mình. Năm lên mười bốn tuổi, tôi thường cùng với dì tôi đi gánh nước thuê cho người dân trong làng, kiếm tiền sống qua ngày. Một ngày kia, trong lúc gánh nước không may tôi bị ngã, mặt va vào vách đá nhọn, phải lấy thịt ở mang tai đắp vào. Khuôn mặt tôi vốn đã khó coi nay lại càng khó coi hơn bởi những vết sẹo lớn chạy dài trên má”.

Mặc dù, hằng ngày gánh nước đến gò cả lưng, nhưng hai dì cháu vẫn đứt bữa liên miên. Những ngày không ai thuê làm, hai dì cháu chỉ biết uống nước lã, ăn củ chuối cho qua ngày. Rồi việc gánh nước dần ít có người thuê, hai dì cháu đi ở đợ cho nhà người làm thuê làm mướn dựa vào nhau mà sống. Mới đó giờ đã mấy chục năm đi ăn ké, ở mướn rồi...

Hai mảnh đời đặc biệt níu nhau sống qua ngày

Giờ đây, chị Thoa đang cùng với dì ruột là Mệ Mưu (tên là Nguyễn Thị Ngu, năm nay đã ngót nghét 90 tuổi) vẫn ở nhờ nhà của một người cháu họ hàng xa. Thường ngày, ngoài công việc nội trợ cho cả gia đình, chị Thoa còn phải chăm lo đến việc ăn uống, vệ sinh cho người dì già yếu của mình. Hai dì cháu cùng nhau ở trong một căn phòng chật chội, tù túng. Chị Thoa than thở: “Dì tôi bây giờ đã yếu lắm rồi. Bây giờ, mọi chuyện từ ăn uống đến vệ sinh tôi phải giúp cho dì chứ dì không còn lo cho bản thân mình được nữa. Cứ những ngày trái gió trở trời, khuôn mặt tôi đau nhức không thể chịu nổi. Với lại, ở cánh tay trái của tôi lại có một khối u lớn rất đau nên không thể làm việc nặng nhọc được nữa. Những người hàng xóm thấy vậy thường khuyên tôi đi bệnh viện khám, nhưng tôi không có tiền để khám và chữa trị!”.

Hiện, ngoài khoản tiền 450 nghìn đồng tiền trợ cấp của Nhà nước dành cho hai dì cháu, chị Thoa chẳng có khoản thu nhập nào hơn. Bởi như chị nói, mặt mũi mình thế này, người ta cho ở lại nuôi cơm ngày hai bữa là hạnh phúc lắm rồi. Trong đời chị chỉ mong thế thôi chứ chưa dám ước mơ gì hơn. Bà Nguyễn Thị Ngu tuy bây giờ hơi yếu, nhưng tinh thần bà vẫn còn minh mẫn. Bà kể về người cháu sớm phải chịu bất hạnh của mình bằng những tiếng ngắc ngứ yếu ớt: “Tôi bây giờ già yếu lắm rồi, không còn làm việc gì được nữa cũng chẳng có mong ước gì hơn cho mình. Chỉ thương cho cháu Thoa, sớm bất hạnh, côi cút từ nhỏ. Tuy mặt mũi nó như thế nhưng hiếu thảo lắm, việc gì cũng dành làm thay cho tôi. Không biết sau ni tôi mất đi, nó không biết nương tựa vào đâu...”. Dứt lời, một dòng nước mắt chợt rơi trên gò má gầy hóp của mệ Mưu. Chúng tôi hiểu nỗi lòng ấy của bà, tuy chị Thoa là cháu nhưng từ lâu bà đã xem Thoa như người con ruột của mình và đau nỗi đau của người mẹ khi thấy Thoa bất hạnh như vậy. Ở tuổi gần đất xa trời nhưng bà có ao ước gì cho bản thân mình đâu, bà cũng chẳng cần “mồ yên, mả đẹp” chỉ đau đáu nỗi lo chị Thoa sau này sẽ đi về đâu? Ở với ai trong đoạn đời sau này khi bà nhắm mắt.

Nói về chị Thoa, tuy mặt mũi chị biến dạng, xấu xí như vậy nhưng cũng giống như những người phụ nữ khác, bao đêm chị vẫn hằng ao ước mình có đứa con nhỏ để khỏi phải cô đơn, hiu quạnh khi một mình. Nhưng điều ao ước nhỏ nhoi đó, ông trời vẫn không ban cho chị. Chị Thoa bùi ngùi tâm sự: “Thấy người ta ai cũng có con cái, vui vầy cùng chúng mà mình phát thèm. Những lúc ra đường gặp mấy đứa con nít đùa vui với nhau vui vẻ, tôi lại muốn khóc, nghĩ về bản thân mình không có nỗi một mụn con lại tủi thân hơn. Nhưng buồn hơn nữa là những lúc mấy cháu nhỏ thấy mặt tôi là sợ hãi, la hét, những lúc đó tôi chỉ biết ngậm ngùi mà bước đi nhanh thật nhanh cho khuất mắt...”.

 Chao ơi, ước mơ giản đơn là được làm mẹ, ngày ngày được nghe tiếng bi bô của con nhỏ bên mình sao đối với chị lại khó khăn đến như vậy? Chạnh lòng, chúng tôi ao ước giá mình có một phép màu để gạt đi những nỗi lòng, ước mơ sâu kín mà thiết tha, dễ dàng mà lại hóa khó khăn bội phần trong lòng người đàn bà bất hạnh, tủi khổ này... 

Mệ Mưu cho biết mệ và chị Thoa phải vay trả góp hàng ngày được 550.000 đồng buôn bán lặt vặt, thì mỗi ngày phải trả góp 20.000 đồng rồi, còn lại cũng đắp đổi qua ngày, chứ nói chi đến chuyện lời lãi!” Chị Thoa cũng cho biết thêm, hàng tháng, ngoài số tiền trợ cấp 450.000 đồng mà phường Phú Cát hỗ trợ cho hộ nghèo khó, chị không có thêm được một sự giúp đỡ nào. Ngay cả việc vay tiền từ nguồn quỹ của các chương trình hỗ trợ phân bổ xuống phường với lãi suất ưu đãi, chị cũng không được giải quyết. Mà cũng đúng thôi! Một mệ già 90 tuổi, nay đau mai ốm, sống nay chết mai; một người cháu tàn tật, không có khả năng lao động thì có vay cũng biết lấy gì mà trả... 

Tìm gặp anh Văn Công Tuyên, cán bộ văn hóa phụ trách khu vực III, nơi chị Thoa sống. Khi tôi hỏi về chị Thoa, anh cho tôi biết: “Hai dì cháu mệ Mưu sống đơn chiếc, mệ Mưu thì già yếu và chị Thoa thì bị tật nguyền nên họ thuộc hộ nghèo và cực nhất của phường Phú Cát. Phải chi có tổ chức hay cá nhân nào giúp đỡ ít nhiều để họ vơi bớt gánh nặng cuộc sống đang đè nặng trên đôi vai hai con người này.