Con nuôi, những nỗi đau không tên

(ANTĐ) - Cuộc đời như một vòng xoay dài bất tận, nhiều gia đình hiếm muộn, hay không may mắn có được một đứa con đang phải vất vả tìm con nuôi để có thể được một lần trong đời đứng trên cương vị làm cha, làm mẹ, hay chỉ đơn giản được nghe tiếng gọi “bố”, gọi “mẹ” của những đứa con đó. Còn có những hoàn cảnh khác có được những đứa trẻ, họ để nó tự tìm lấy sự sống trong cuộc đời đầy những phức tạp…

Con nuôi, những nỗi đau không tên

(ANTĐ) - Cuộc đời như một vòng xoay dài bất tận, nhiều gia đình hiếm muộn, hay không may mắn có được một đứa con đang phải vất vả tìm con nuôi để có thể được một lần trong đời đứng trên cương vị làm cha, làm mẹ, hay chỉ đơn giản được nghe tiếng gọi “bố”, gọi “mẹ” của những đứa con đó. Còn có những hoàn cảnh khác có được những đứa trẻ, họ để nó tự tìm lấy sự sống trong cuộc đời đầy những phức tạp…

Câu chuyện thứ nhất

Những ngày đầu tiên của mùa hè khiến không khí trở nên oi bức, con người cũng cảm thấy mệt mỏi với thời tiết đó. Ai cũng tìm cho mình những chỗ trống, chỗ mát để tránh những ánh nắng mới gay gắt. Không khí làm việc, khám chữa bệnh tại một bệnh viện ở Hà Nội vẫn được duy trì đều đặn. Các bác sĩ, y tá tại đây luôn cố gắng hết mình cho công việc cao quý của người thầy thuốc. Mới vào đầu hè, nhưng thời tiết như không chiều lòng người, bệnh nhân tới đây điều trị cũng mong muốn được khám nhanh, điều trị tốt để có thể tránh được cái nóng nực.

Nhưng ở đâu đó trong không khí khẩn trương của bệnh nhân, vẫn có một người phụ nữ không hòa theo dòng chảy bệnh nhân vội vàng. Chị ta cứ bình thản, từ tốn, tìm những chỗ mát để ngồi tránh nắng. Chị ngồi quan sát các bệnh nhân khám chữa bệnh, trên tay bồng bế một đứa trẻ. Có lẽ ai gặp hình ảnh này đều thương chị ta, trời nắng nóng, mà một người mẹ phải bống bế con đến khám, chưa kể do bệnh nhân quá đông nên chị đành phải chờ đợi. Nhưng chờ như vậy thì biết đến bao giờ mới tới lượt?

Nhiều bậc cha mẹ đang tâm đẩy chính con cái mình vào cảnh “mồ côi”
Nhiều bậc cha mẹ đang tâm đẩy chính con cái mình vào cảnh “mồ côi” 

Nhiều bệnh nhân đã có ý nhường cho 2 mẹ con chị ta, nhưng chị đều từ chối và lại “lẩn” ra những khu vực khác để né tránh ánh nhìn cũng như sự quan tâm chú ý của các y bác sĩ. Phải đợi đến khi số lượng bệnh nhân đã giảm bớt, chị ta mới mạnh dạn mang đứa trẻ vào khám. Đứa trẻ trên tay chị có lẽ chỉ được vài tháng tuổi, nó còn quá nhỏ để có thể nhận biết những khó khăn của cuộc sống, những nỗi khổ cực của con người. Bước vào phòng khám với một thái độ hết sức thiếu tự tin, các y bác sĩ của bệnh viện thấy vậy cũng đã động viên thăm hỏi. Chị ngồi tâm sự với bác sĩ trực ban: Đây thật sự không phải con của tôi. Đứa trẻ này tôi vô tình nhặt được tại gần nơi ở.

Nếu như phán đoán của tôi không nhầm thì đây là “tác phẩm” của một cô sinh viên ở trọ gần đó. Vì sau khi cô ta sinh em bé, cô ta đột nhiên biến mất. Và trong xóm trọ xuất hiện tin đồn xôn xao đứa bé là của cô sinh viên nọ. Thương cho thân phận đứa bé, tôi mới quyết định mang về nuôi, và tôi thấy tình hình sức khỏe của nó không được tốt nên phải mang đi khám. Những lời tâm sự của chị không biết là thật hay giả, nhưng những người có mặt tại đó đều cảm thông và chia sẻ. Trông chị ta cũng đã luống tuổi, chị còn nói chị không chồng con gì hết khiến những người có mặt ở đó đều nghĩ rằng chị nhận đứa trẻ này làm con nuôi là đúng đắn.

Ngồi nghỉ một chút, chị chợt cất tiếng hỏi: Ở đây có xét nghiệm HIV không? Tôi muốn xét nghiệm cho đứa trẻ. Câu hỏi này khiến những người có mặt trong phòng phải giật mình, rồi sau đó các y bác sĩ đưa đứa trẻ vào khám. Sau một thời gian ngắn đứa trẻ được xác định là mù mắt trái do bị thủng giác mạc. Người phụ nữ đó nghe tin xong, thái độ vẫn không có gì thay đổi, cũng chẳng bất ngờ, thương xót hay ít ra cảm xúc cũng phải được biến đổi đôi chút, chị ta nhẹ nhàng nói nhỏ với bác sĩ trực ban: Cho tôi gửi đứa trẻ ở đây một chút, tôi ra mua hộp sữa cho cháu.

Nhưng rồi, chờ đợi một thời gian, 10 phút, 20 phút… rồi đến gần cả tiếng, hình ảnh người mẹ nuôi đẹp đẽ vừa được vẽ vào lúc trước chẳng thấy xuất hiện trở lại. Mọi sự nghi ngờ về người phụ nữ đó đều đã trở thành hiện thực. Có thể chính chị ta là mẹ đẻ của đứa trẻ, nhưng chị ta đã nhẫn tâm vứt bỏ giọt máu của mình, để cuộc đời nó trôi dạt về về một nơi xa, mà ở nơi đó, không có bóng dáng của một người thân nào.

Cũng có một vài người có mặt tại đó có ý định nhận đứa trẻ về nuôi, nhưng suy đi tính lại họ cũng không muốn nhận một đứa trẻ mang trên mình khuyết tật như vậy. Cuối cùng đứa trẻ được các y bác sĩ của bệnh viện gửi đến một Trung tâm Bảo trợ xã hội, và ai cũng hy vọng rằng cuộc đời của bé sẽ bớt long đong, vất vả, vẫn biết rằng những khó khăn sẽ còn rất nhiều đối với cuộc đời của bé.

Câu chuyện thứ hai

Có những em bé mãi không tìm được gia đình cho chính mình. Và cũng có những người mãi không tìm được mảnh ghép còn lại cho gia đình. Tôi xin mượn câu chuyện về em H.T.L. Một đêm cuối đông năm 2006 những người bảo vệ tại một bệnh viện ở Vĩnh Phúc bỗng nghe tiếng kêu khe khẽ từ phía góc nhà để xe. Trong mảnh chăn mỏng manh quấn quanh người bé là một bức thư mẹ em để lại mong sự cứu giúp cho đứa trẻ tội nghiệp: “Tôi không mong nhận được sự thương hại và cảm thông của người đời cho bà mẹ độc ác này. Nhưng ông trời đã cho tôi được sinh ra đứa bé gái xinh đẹp mà lại tước đi quyền làm mẹ của tôi. Tôi chỉ mong sao, sẽ có một bàn tay nhân ái cứu giúp cho sinh linh bé bỏng. Chỉ mong sao cháu được giữ nguyên họ tên để tôi có thể tìm về với cháu. Tên cháu là H.T.L”.

May mắn thay một người lao công ở bệnh viện đã quyết định nhận bé về nuôi và để nguyên tên cho bé như mong ước của người mẹ tội lỗi. Ngày tháng tươi đẹp chẳng được bao lâu, ba năm sau bé T.L được chẩn đoán bị ung thư máu, cần phải ghép tủy của người thân để chữa bệnh. Người lao công nghèo không đủ tiền chạy chữa thuốc thang đã phải bán hết của cải gia đình để cứu vãn sự sống mỏng manh đó. Một mặt chị chạy vạy khắp nơi tìm được những nhà hảo tâm giúp đỡ, một mặt chị đăng tin tìm kiếm thân nhân của bé H.T.L. Trời không phụ lòng người, đầu năm 2010, người mẹ trẻ năm xưa đọc được mẩu tin nhắn trên báo đã vội vã trở về tìm lại đứa con mà chị từng một lần phải bỏ đi.

Hiện giờ chị đã có gia đình mới và người chồng cũng chấp nhận quá khứ của chị. Bấy lâu nay chị vẫn tìm kiếm con gái. Bé H.T.L được ghép tủy và ca phẫu thuật đã thành công mỹ mãn, một cuộc đời mới lại mở ra với em. Sau ca mổ chị lao công cũng chuyển về sống với gia đình mẹ ruột bé H.T.L. Câu chuyện thật mà như cổ tích có một kết thúc thật có hậu. Hiện nay, bé H.T.L đang sống cùng hai người mẹ, một người sinh em ra, một người đưa em trở lại cuộc sống một lần nữa.

Câu chuyện thứ…

Còn rất nhiều những câu chuyện về việc các gia đình tìm con nuôi mà trong khuôn khổ một bài báo không thể kể hết. Còn rất nhiều những số phận khó khăn, không được may mắn trong cuộc đời, những đứa trẻ đó rồi sẽ đi về đâu khi cuộc sống luôn quay lưng lại với chúng. Những khó khăn, mất mát về nhiều mặt có thể “giết” một tâm hồn trẻ thơ trong sáng. Nhiều gia đình vẫn hy vọng con nuôi sẽ trở thành nơi nương tựa khi về già của những người làm cha mẹ, nhưng sự thật lại không như họ mong muốn. Những đứa con nuôi phần nào nhận biết được thân phận của mình đều tìm những phương án như bỏ đi, hay phá phách… vì chúng cho rằng bố mẹ nuôi, không cùng giọt máu thì sẽ không có tình cảm.

Còn số ít những người làm cha mẹ nuôi cũng có suy nghĩ như vậy nên việc đầu tư, giáo dục cho con nuôi có phần hạn chế. Một sự việc xảy ra, cả hai phía đều phải gánh cho mình những trách nhiệm cần thiết. Nhưng chúng tôi chỉ hy vọng, một hy vọng rất giản đơn, con người khi đến với nhau, sống chung với nhau dưới một mái nhà, hãy đến với nhau bằng chính những tình cảm thật sự, bằng tấm lòng bao dung, nhân hậu… Có như vậy việc nuôi và nhận con nuôi mới phát huy được hết tác dụng của nó.

H.Trung - N.Đệ