Còn đó một “cuộc đời đẹp sao”

ANTĐ - Tin nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã trút hơi thở cuối cùng lúc 10h15’ sáng qua (29-6) đã khiến nhiều người yêu nhạc cảm thấy sững sờ. Không chỉ có trên các báo điện tử mà tràn ngập trên các mạng xã hội là những lời tiễn biệt, nhớ thương người nhạc sĩ của nhiều ca khúc được nhiều khán giả yêu thích như: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm… 

Nó đột ngột đến mức, ngay cả những người thân của nhạc sĩ cũng cảm thấy bàng hoàng. Ông Phan Hoàng Hà, con trai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thẫn thờ cho biết, vì cái chết đến với nhạc sĩ của “Những ánh sao đêm” quá đột ngột, đến nay gia đình vẫn chưa định ngày khâm liệm và an táng. Nhưng thông tin ban đầu cho biết, linh cữu của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã được đưa về Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, TP.HCM (Tuy nhiên đến 16h chiều 29-6, BTC lễ tang vẫn chưa quyết định lễ viếng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sẽ được tổ chức tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng hay Nhà Tang lễ Thành phố Hồ Chí Minh).

 

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu

Vẫn biết mấy năm nay tuổi cao, sức khỏe của nhạc sĩ đã yếu đi nhiều. Cũng đã có thời điểm ông phải nhập viện vì nghi viêm phổi cấp. Nhưng sau đó, lại thấy ông xuất hiện trong vai trò giám khảo ở cuộc thi Tiếng hát mãi xanh (chương trình năm 2015 hiện vẫn đang tiếp tục), rồi hiện diện ở một vài chương trình âm nhạc khác, tiếng ông dù nhỏ nhưng vẫn còn nống ấm, và quan trọng, không bị lẫn do tuổi già… Vì thế, người yêu nhạc và mến mộ tài năng, nhân cách ông vẫn còn nghĩ ông vẫn… chưa chịu già.

Thế mà hôm nay… Đại diện gia đình nhạc sĩ cho biết, tối 28-6, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rơi vào hôn mê sâu sau khi được đưa vào Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) trị bệnh trước đó 2 ngày. Ông nhập viện vì bị xuất huyết và ngất xỉu tại nhà. Bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh bạch cầu cấp (một dạng ung thư máu). Đó là một triệu chứng bệnh lý mới, mà gia đình nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều khi nghe đều giật mình. Bởi trước đây gia đình không biết ông bị mắc bệnh này. Và cũng càng không ngờ, bệnh tật cộng tuổi già đã bất ngờ quật ngã một “Bóng cây Kơnia” Phan Huỳnh Điểu.

Công việc cho tôi cơ hội gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhiều lần. Ấn tượng với tôi đó là một nhạc sĩ luôn thân tình, ấm áp. “Cháu có hỏi thêm câu gì nữa không?”, giọng ông nhẹ nhàng khi dẫn tôi ra tận cửa khách sạn nơi ông ở. Dù hẹn gặp ở đâu, bao giờ tôi cũng thấy ông ăn vận thật chỉn chu, đầu chải mượt. Ông sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc, bằng cái giọng còn nhiều âm sắc xứ Quảng Nam.

 Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu làm giám khảo tại một số cuộc thi âm nhạc

Nhạc sĩ  Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11-11-1924 tại Đà Nẵng, nguyên quán gốc ở Điện Bàn, Quảng Nam. Ông là con thứ 11 trong một gia đình có cha làm thợ may. Năm 1940, Phan Huỳnh Điểu bắt đầu hoạt động âm nhạc trong nhóm tân nhạc. Bài hát đầu tiên của ông được nhiều người biết đến đó là “Trầu cau”. Sau đó, cuối 1945, ông viết “Đoàn giải phóng quân” và được lan truyền rộng rãi. Giai đoạn này, ông còn có bài “Mùa đông binh sĩ” được nhiều người yêu thích…

Nhưng “trữ lượng” âm nhạc trong con người Phan Huỳnh Điểu như một vỉa quặng lớn. Ông sáng tác nhiều, và đa dạng. Và ở đề tài nào cũng có những bài hát để lại dấu ấn. Công chúng yêu nhạc ngày nay vẫn có thể nhắc đến những sáng tác tiêu biểu của ông, từ những ca khúc viết trong kháng chiến chống thực dân Pháp, như: Nhớ ơn Hồ Chủ tịch, Quê tôi ở miền Nam...; cho tới những ca khúc được viết ra sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải như: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia.... Bên cạnh mảng ca khúc đó, Phan Huỳnh Điều cũng còn để lại nhiều ca khúc viết cho thiếu nhi, đến nay vẫn được các em yêu thích: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác...

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được ví là “Con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam”. Ông cũng còn được biết đến là nhạc sĩ có biệt tài phổ thơ, chấp cánh cho những bài thơ vốn ít người biết đến thành ca khúc có sức lan phổ mạnh mẽ. Trong gia tài âm nhạc ông để lại, có khoảng 100 ca khúc được phổ từ những áng thơ, như: Bóng cây Kơnia (thơ Ngọc Anh), Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc), Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh)…

Khi viết những dòng này về ông, ký ức tôi chợt ùa về hình ảnh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tóc bạc da mồi nhưng hễ xuất hiện là rất chỉn chu. Bữa đó, ông ra Hà Nội. Ông chọn một khách sạn nhỏ trên khu phố cổ sầm uất để ở, trên tường có nhiều khung ảnh Hà Nội xưa. Ông muốn nhìn ngắm phố cổ Hà Nội trong vòng 24h đồng hồ, với đủ âm và sắc của phố phường. Không rõ điều ấy có tạo cảm hứng cho ông viết thành một khúc ca “xanh” nào chưa, nhưng tôi thì nhớ lời ông tâm niệm: nghệ sĩ hay không thể hiện trong tâm hồn, bằng tác phẩm cụ thể chứ không chỉ là vẻ ngoài. Với Phan Huỳnh Điểu, ông không thích những nghệ sĩ lôi thôi, bù xù cho ra vẻ. Trong căn phòng ánh điện vàng, người đàn ông lịch thiệp, lối nói chậm rãi khiến người ta liên tưởng đến cái thời của những trí thức Tây học đã xa…