Cơn ác mộng của kiều nữ giết người tình giàu có

ANTĐ - Xinh đẹp nên Quế được nhiều thanh niên tán tỉnh, trong đó có một chàng trai rất giàu có. Thế nhưng lối sống không định hướng đã biến cô thành kẻ giết người.

Những ngày trong trại giam, Quế luôn mơ thấy nạn nhân, mơ thấy những lời nhắn nhủ trước khi ra pháp trường của người yêu để rồi khóc trong sợ hãi.

Tự làm mình thành kẻ bạc phận

Người ta hay nói “hồng nhan bạc phận”, ám chỉ những cô gái xinh đẹp số phận thường đa đoan, vất vả. Song với Nguyễn Thị Quế, sinh năm 1990, phạm nhân đang cải tạo án chung thân tại Trại giam Ninh Khánh về tội giết người thì chẳng có hoàn cảnh nào xô đẩy mà chính do tay cô tự gây ra. Thế nên giờ đây, không những phải trả giá bằng năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời, đêm đêm, Quế lại phải đối diện với sự cật vấn của lương tâm. Từ ngày vào trại giam tới giờ, nước mắt của Quế chưa đêm nào ngừng rơi. Cô khóc cho thân phận mình thì ít mà tiếc thương hai người đàn ông vì cô mà thiệt mạng, để lại bao hoài bão, ước mơ chưa thực hiện được.

Xét về hình thức, Quế khá toàn diện với dáng người dong dỏng, khuôn mặt thanh tú, đường nét xinh xắn và làn da trắng trẻo. Thượng đế đã quá ưu ái khi cho Quế một nhan sắc nhưng lại lấy đi của cô sự đoan trang đáng có của một cô gái thôn quê. Nếu như giữ được nếp sống bình dị, có lẽ giờ này Quế đã có một việc làm ổn định mà biết đâu đấy, với nhan sắc của mình, cô đã dễ dàng tìm được một bến đậu vững chắc và an bình. Bố mẹ cô đã từng mong như vậy, đã từng nhủ thầm rằng con gái xinh của mình sẽ được một “đại gia” giàu có nhìn tới và cuộc sống sẽ không phải chân lấm tay bùn như thế hệ trước.

Chẳng ai ngờ rằng, chính sự hy sinh tất cả vì con của gia đình nông dân này, chính mong muốn con gái bằng bạn bằng bè, có việc làm nơi thành phố đã là cơ hội đẩy Quế đến với những ham muốn tầm thường. Lao theo vòng quay của cuộc sống thực dụng, chỉ biết hưởng thụ, Quế không ngờ có ngày mình trở thành kẻ giết người mà bi kịch thay nạn nhân là một người yêu Quế tha thiết còn kẻ đồng phạm với cô trong vụ giết chết chàng trai kia cũng là một chàng trai trẻ, vì mê gái đẹp mà trở thành công cụ để Quế sai khiến.

Theo hồ sơ phạm nhân, sau khi học xong cấp ba, Quế ra thành phố Nam Định học trường cao đẳng nghề. Thời gian trọ học, cô ta được nhiều chàng trai tới tán tỉnh trong đó có anh Triệu Quốc Việt, SN 1984, ở Đồng Phù, Nam Mỹ, Nam Trực (Nam Định). Anh Việt là con trai độc nhất một gia đình khá giả nên lần nào đến tán Quế cũng mang theo chiếc ví “nặng” tiền. Vì muốn chiếm đoạt số tiền lớn của anh Việt và cũng là để “xù” món nợ mà Quế đã một vài lần vay của người đàn ông này, chiều ngày 25/11/2008, cô ta gọi Đoàn Văn Duy, người yêu thời phổ thông, tới bàn chuyện. Theo đó, chúng đi mua rượu, bỏ thuốc ngủ vào rồi dàn dựng lý do để Quế mời anh Việt uống.

Đúng như kịch bản đã định, khoảng 18h chiều 25/11, Quế nhắn tin cho anh Việt là đang ở nhà một mình, rất buồn, cần người nói chuyện. Tưởng “người đẹp” có tư tình với mình, anh Việt vội vàng phóng đến nhà trọ của Quế tại đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Năng Tĩnh trong tâm trạng mừng khấp khởi. Tại đây, Quế vừa trò chuyện với anh Việt vừa mở rượu ra để uống và người đàn ông này đã tỏ ra nghĩa hiệp, uống hết cả phần rượu của Quế. Đến khoảng 20h, thấy anh Việt nói chuyện rời rạc, Quế biết thuốc ngủ đã có tác dụng liền rủ anh ra khu vực đoạn cống vắng gần nhà để “tâm sự” và trong lúc 2 người đang có vẻ rất tình tứ thì ở đằng sau, Duy cầm tuýp sắt đập mạnh vào đầu “đối phương”.

Cú đánh mạnh khiến anh Việt choàng tỉnh và trong giây phút ngắn ngủi vì dứt ra khỏi cơn mê man vì thuốc ngủ, người đàn ông vô tội hiểu ra cơ sự liền cất tiếng van xin nhưng 2 kẻ giết người không mủi lòng. Chúng bóp cổ rồi dìm anh Việt xuống mương nước gần đó đến khi thấy không cử động nữa mới dừng tay. Sau đó, Quế móc túi nạn nhân lấy chìa khóa xe còn Duy tháo dây chuyền, lắc, nhẫn vàng, điện thoại di động của nạn nhân, ngay trong đêm đó, chúng bê xác anh Việt lên xe máy rồi đem vứt xuống sông Đào (thuộc địa phận xã Tân Thành, huyện Vụ Bản). Điện thoại và đồ trang sức của nạn nhân được chúng bán tại thành phố Nam Định còn những tài sản có giá trị lớn như xe máy, lắc vàng, chúng đem lên Hà Nội tiêu thụ để tránh bị phát hiện. Cứ tưởng hành vi tàn ác chỉ có trời hay, đất biết ấy sẽ không bị phát hiện nhưng cả Quế và Duy không ngờ chỉ 2 ngày sau thì bị bắt.

Và nước mắt vẫn rơi hàng đêm

Không còn mái tóc tém lấc cấc ngày mới bị bắt, Quế giờ đẹp nền nã hơn với mái tóc đen dài quá ngang lưng. Vẫn khuôn mặt ấy, nước da ấy nhưng ánh mắt Quế đã không còn những tia nhìn sắc lạnh thuở 19 mà chứa đựng nhiều suy tư, u uẩn. Quế dè dặt khi nói chuyện, đôi tay lóng ngóng khi gấp những cánh hoa giấy. Đã 3 năm nay kể từ khi vào trại Ninh Khánh thụ án, cô từ chối tất cả các cuộc thăm gặp cho dù trong số họ có cả những người ruột thịt. Quế sợ phải đối diện với sự thật, sợ phải đối diện với chính mình nên cứ im lặng một mình chịu đựng. Cô rất ít tâm sự về chuyện của mình với các bạn cùng buồng giam nhưng đêm đêm trong khi các bạn say giấc thì Quế lại thao thức để rồi nước mắt lại ướt đẫm gối.

Nước mắt của sự ân hận, nhớ thương người yêu và cả sự sám hối. Theo lời cán bộ quản giáo thì từ ngày vào trại cải tạo, Quế chấp hành tốt nội quy nhưng luôn u sầu, chẳng bao giờ bộc lộ suy nghĩ của mình. Quế không gặp gỡ bất cứ một ai cho tới mãi gần đây, được cán bộ động viên, phân tích, bạn cùng đội, cùng buồng khuyên giải, Quế mới ra gặp mẹ. Từ ngày gặp mẹ, Quế đã có nhiều biểu hiện tâm lý tốt hơn, tâm trạng cũng bớt âu sầu nhưng vẫn chưa tự tin lắm. Một cô gái mới lớn, 19 tuổi bàn tay đã dính máu người, mang án chung thân chẳng biết ngày trở về như Quế, đúng là trải qua nhiều biến cố quá sốc, không phải ai cũng chịu đựng được.

Nguyễn Thị Quế đang làm công việc gấp hoa (ảnh lớn) và ngày bị bắt (ảnh nhỏ).

“Em hận mình lắm, những dòng gửi gắm của Duy như hàng ngàn lưỡi dao đâm vào tim em. Nếu hôm đó em biết dừng lại thì người đàn ông kia sẽ không chết, em không phải vào đây và Duy không phải đền mạng. Chỉ vì những toan tính tầm thường mà em đã đẩy Duy vào chỗ chết” - Quế chậm rãi nói như thể đang tâm sự với chính mình.

Sinh ra trong một gia đình nông dân lại được cha mẹ cho ăn học đầy đủ nên ngày còn ở nhà Quế được mọi người đánh giá là cô gái tốt người, tốt nết. Cũng một vài người tán tỉnh song Quế chỉ chơi thân với Duy rồi tình yêu chợt đến sau khi hai người học hết phổ thông. Vì yêu nên khi Quế được cha mẹ cho ra thành phố học, Duy cũng theo ra, cả hai cùng học một trường. Dự định sau này có việc làm ổn định, cả hai sẽ lấy nhau đã không thành hiện thực khi cô gái làng thay đổi cách sống. Những bộ cánh giản dị dần bị cất vào góc tủ, thay vào đó là những bộ đồ hợp thời trang, sành điệu.

Từ một cô gái khiêm tốn trở thành kẻ đua đòi là một khoảng cách quá ngắn khiến nhiều người không nhận ra, nhất là với cô gái trẻ vừa bước qua thời áo trắng như Quế. Lao vào cuộc sống đua đòi, Quế liên tục nghĩ ra những khoản đóng góp để vòi tiền cha mẹ. Tiền hàng tháng không đủ chi, Quế nói dối chung vốn làm ăn với bạn bè để vay mẹ 5 chỉ vàng nhưng số tiền này cũng chỉ giúp cô chi tiêu một thời gian. Hết tiền, Quế đánh liều hỏi vay anh Việt và nhiều bạn bè khác, tới khi không có khả năng chi trả đã tìm cách giết anh Việt để khỏi phải trả nợ. Sau khi bị bắt, Quế bị kết án chung thân còn Duy bị tuyên án tử hình. Cô bặt tin Duy từ đó cho tới ngày nhận được lá thư Duy viết, trước khi ra pháp trường trả án.

Quế biết cái giá mà mình phải trả, so với Duy vẫn còn may mắn vì còn cơ hội sống, nhưng cô thấy phải sống đối diện với lương tâm thật là kinh khủng. Mỗi khi màn đêm buông xuống, Quế lại nhớ tới cảnh cô cùng Duy chở xác anh Việt đem đi phi tang. Cô không thể quên được hình ảnh người thanh niên vô tội ấy, trên đường đi đã tỉnh lại rồi khi nghe cô nói chở đến bệnh viện cứu chữa đã tin tưởng đắm chìm vào giấc ngủ để rồi mãi mãi không thể trở dậy. Đã rất nhiều đêm cô tự sỉ vả mình, tự hỏi bản thân rằng tại sao đến lúc đó rồi mà còn không cho anh ta cơ hội sống... rồi thấy sợ chính con người mình. Cô bảo hình như lúc đó trong cô chỉ là tâm hồn của một con quỷ, được sự khích lệ của Duy nên chẳng còn biết thế nào là tình người nữa. Quế sợ hãi khi nhớ lại đôi mắt người chết lúc khẩn khoản nhìn cô cầu cứu; sợ hãi khi mỗi đêm sau giấc ngủ mệt nhoài vì những khóc lóc, ân hận, là hình ảnh Duy nhìn cô đăm đắm. Cô lại giật mình thổn thức tới sáng.

“Trong thư Duy dặn em nếu có cơ hội trở về hãy sống để trở thành người tốt, sống cả cho phần của Duy những năm tháng sau này...”. Nói xong, cô không kìm được nước mắt. Một đóa hoa đẹp không phải bị cuộc đời vùi dập mà chính lối sống buông thả đã khiến Quế phải trả giá bằng những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời con gái. Nếu không vướng vào vòng lao lý, có lẽ giờ đây cô đã có cuộc sống yên bình trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Từ ngày vào trại Ninh Khánh cải tạo, công việc của Quế là gấp những bông hoa giấy. Đã ba năm nay, Quế không nhớ nổi mình đã gấp được bao nhiêu bông hoa, hoàn thành bao lẵng hoa. Những giỏ hoa do cô làm ra cứ mỗi ngày một nhiều như thông điệp chuyển lời sám hối của một tâm hôn tội lỗi. 22 tuổi với mức án chung thân, phải còn rất lâu nữa Quế mới được trở về và những cánh hoa như lời hối lỗi muộn màng của cô, cứ thế trải dài theo thời gian.