Cô bé tật nguyền vẽ tranh bằng chân

ANTĐ - Sinh ra trong một gia đình khó khăn, lúc mới lọt lòng mẹ thì cô gái bất hạnh này đã bị khuyết tật cả tứ chi. Cuộc sống của cô trong suốt 24 năm qua là một chuỗi ngày buồn tủi và chỉ bó hẹp trên chiếc giường tre ọp ẹp trong căn nhà vắng. Thế nhưng, với nghị lực sống và khát khao vươn lên, cô gái đã kiên trì tập luyện để dùng chính đôi chân của mình để vẽ tranh và viết chữ trước sự khâm phục của hàng vạn người. 
Cô bé tật nguyền vẽ tranh bằng chân ảnh 1

Đôi chân kỳ diệu

Trời miền Trung trở rét, những đợt gió mùa Đông Bắc cứ liên tiếp lùa về, kéo theo đó là những cơn mưa làm cho bầu trời càng thêm ảm đạm. Cô gái ấy là Huỳnh Thị Thảnh, năm nay tròn 24 tuổi, cư trú tại thôn Hải Tân, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Càng lên với vùng cao, trời càng rét và mưa càng nặng hạt hơn. Những cơn gió cứ đẩy những giọt nước mưa đâm thẳng vào mắt con người ta như muốn ngăn cản điều gì đó. Nhưng khi nghe chuyện về cô, tôi lại càng có thêm nghị lực để đương đầu với cái sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Sau 2 giờ đồng hồ leo dốc, vượt mưa gió tôi cũng đã đến được nơi.

Trước mặt tôi, một căn nhà bé nhỏ ọp ẹp, trống trước hở sau nằm nép mình bên đường tỉnh lộ. Căn nhà được mẹ em là bà Huỳnh Thị Liên dùng các bức tranh em vẽ được để trang trí. Những bức tranh đủ màu sắc, sặc sỡ được dán đầy trên bức tường quanh chỗ em nằm. Các bức tranh được em vẽ với nhiều thể loại khác nhau. Nội dung tranh cũng theo sở thích ước mơ của em. Khệ nệ bưng khay nước ra mời khách, bà Liên liền khoe: “Những bức tranh tôi dán trên tường nhà là của con bé vẽ bấy lâu ni đó chú. Nó vẽ nhiều lắm, hơn 10 năm ni. Thấy con có sở thích, với kiên trì rứa tui cũng vui. Tui chỉ sợ nó không có việc chi làm, nằm quằn quại giữa nhà quanh năm suốt tháng rứa thì tội hắn. Cũng may, nó biết lấy việc vẽ tranh để giải trí”.

Dứt lời, bà Liên liền chuyển câu chuyện, rồi bà kể cho tôi nghe về cuộc đời gia đình bà và sự bất hạnh của em Thảnh. Bà và chồng là người miền biển, sau khi lập gia đình, cuộc sống khó khăn, thấy người ta rủ nhau lên đây lập kinh tế mới nên bà và chồng cũng khăn gói từ biệt quê hương để đi. Tưởng rằng, với vùng đất mới sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc con cái đề huề. Thế nhưng, mọi chuyện lại không như những gam màu tươi sáng. Do định cư và sản xuất kinh tế ở một vùng đất trước đây quân giặc thải chất độc nhiều nên bà bị phơi nhiễm. Nghiệt ngã thay, bà bị phơi nhiễm đã đành, những đứa con của bà cũng bị ảnh hưởng theo. Trong trí nhớ của bà Liên, thì bà có 3 lần sinh nhưng có đến 4 đứa con. Trong 4 người con,  thì có 3 đứa chỉ ở với bà chưa tới hai tháng đã vội rời dương thế. Chỉ còn lại Thảnh là ở được với bà cho đến hôm nay, nhưng tứ chi lại không được lành lặn, suốt ngày chỉ nằm lăn lóc trên nền nhà, đi đâu cũng phải có người cõng hoặc ngồi xe lăn. 

Sinh con ra bị tàn tật, gia cảnh lại nghèo khó, chứng kiến con phải quằn quại lê lết không đi đứng được như bạn bè đồng trang lứa, nhiều lần bà cũng làm liều đưa con đi chữa trị, mặc dù trong túi không có một đồng. Chạy nhiều nơi để chữa trị cho con, nhưng cuối cùng bà phải ngậm ngùi đem con về nhà khi bệnh tình không thuyên giảm được bao nhiêu. Về nhà, thấy con người ta vui chơi chạy nhảy ngoài đường, bà lại thấy tủi và thương con. Nhiều lúc bà lén thấy con cứ hóng mắt ra ngoài đường mỗi khi lũ trẻ trong xóm nô đùa. Biết rằng con rất muốn được nô đùa như vậy, nhưng bà cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đứng nhìn. “Buồn lắm chú ơi! Sinh 4 đứa con mà có nhìn mặt con kỹ mô. Nó bị nhiễm chất độc nặng quá nên mất khi mới lọt lòng. Giờ chỉ còn lại con bé Thảnh, thì nó cũng tật nguyền, quằn quại giữa nhà hơn 20 năm nay. Cuộc sống đã khó khăn giờ chẳng biết làm gì để đắp đổi qua ngày. Tui thì già cả rồi, bệnh tật trong người cũng nhiều, biết làm chi được, giờ chỉ trong cậy vô mấy đồng trợ cấp của Nhà nước. Ăn trước, trả sau rứa đó. Khổ lắm chú à”.

Ngoài trời những cơn mưa vẫn không ngớt, trời vẫn một màu đen tối, ảm đạm như chính cuộc đời của mẹ con Bà Liên.

Tay, chân đều bị khiếm khuyết, gia đình ở quê lại làm ruộng, làm thuê nên mãi đến năm 12 tuổi Thảnh mới được gia đình cho đi học. Thảnh kể: “Khi em xin đi học cho biết mặt chữ thì ba lắc đầu, thầy giáo cũng ái ngại. Thương em nên mẹ ở nhà tập viết cho em. Mỗi ngày chỉ là một chữ thôi nhưng em không nản. Ban ngày tôi nhờ mọi người chỉ lại bài và tập viết bằng chân đến khuya. Sáng tôi lại dạy từ 3h để tập viết. Mãi đến hơn một năm sau em mới đã có thể viết chữ được bằng chân. Nhưng còn nguệch ngoạc lắm!”.

Cô bé tật nguyền vẽ tranh bằng chân ảnh 2

24 năm dùng chân vẽ tranh 

Mặc dù tứ chi tật nguyền, quanh năm suốt tháng chỉ quằn quại dưới nền nhà, nhưng cô gái này đã tạo nên một điều kỳ diệu mà ít ai làm được. Nằm ở nhà, chẳng biết vui chơi cùng ai nên Thảnh đã dùng chính đôi chân tật nguyền của mình để vẽ tranh. Ban đầu những bức tranh của em chỉ là những nét vẽ lung tung chưa có hình hài gì. Nhưng sau một thời gian miệt mài tập luyện thì cô cũng đã điều khiển được đôi chân của mình để vẽ nên những bức tranh đẹp, với nhiều thể loại, nhiều màu sắc khiến ai cũng phải trầm trồ ngạc nhiên.

Theo như trí nhớ của bà Liên, thì chính bà cũng không biết con mình vẽ tranh được từ lúc nào. Và bà cũng không nhớ rõ những bức tranh đầu tiên mà Thảnh vẽ là về chủ đề gì. Chỉ đến khi tranh em vẽ ngày càng một nhiều thì bà mới đóng lại thành tập để cất cho con. “Em không có năng khiếu vẽ tranh, nhưng tôi nghĩ mình sẽ làm tốt và quyết tâm thì sẽ được. Cậy cọ nhỏ hơn cây bút, vẽ lại nhiều đường nét hơn nên em rất khó thực hiện bằng chân. Ban đầu, em chỉ tập vẽ hình đơn giản. Gần 2 năm sau tôi mới vẽ được một bức tranh hoàn thiện!”, Thảnh kể lại. Thảnh lấy đồ nghề vẽ để trên xe lăn của cô một cách dễ dàng bằng bàn chân phải. Việc vẽ tranh của Thảnh khó khăn hơn nhiều người bạn khuyết tật khác. Phải nằm để vẽ bằng chân trên nền nhà, không có giá vẽ nên mau mệt. Việc pha màu vẽ cũng phải nhờ người phụ. 

Thấy tôi ngắm  nghĩa những bức tranh, cô gái nở một nụ cười thân thiện rồi quằn mình dưới nền nhà, đưa chân kẹp giấy bút rồi bắt đầu vẽ tranh cho tôi xem. Những bức tranh được Thảnh vẽ trên chính đôi chân tật nguyền của mình, cũng chính là ước mơ về một cuộc sống bình thường mà cô hằng mong ước. Nhìn Thảnh vẽ ước mơ của mình lên trang giấy, tôi mới thấy hết được nghị lực và niềm đam mê của một cô gái tật nguyền nhưng rất đỗi thông minh này. Những bức tranh được Thảnh vẽ đều tập trung vào chủ đề bạn bè, gia đình, và cũng được em gọi bằng những cái tên rất riêng của mình. Tôi lật xem những bức tranh có hình ảnh người mẹ bế con. Thản vui vẻ giải thích cho tôi về bức tranh, tôi thấy mẹ em đang cố kìm chế nhưng giọt nước mắt của mình vào lòng trước những lời nói ngây thơ của em.

Nghị lực của Thảnh, ước mơ của Thảnh, cũng chính là niềm an ủi, động viên tinh thần thêm cho người mẹ mỗi ngày. “Em sẽ cố gắng vẽ thật nhiều tranh rồi đem bán để lấy tiền sửa nhà, mua thuốc cho mẹ, rồi cho em nữa!”, Thảnh nói rất hồn nhiên, ngô nghê nhưng đó lại là cả một ước mơ của em. 

Hai mươi bốn năm qua, khoảng không gian mà em biết và tiếp xúc chỉ là nền nhà, mẹ và bút chì, sáp màu. Một điều ở em làm tôi ngạc nhiên hơn nữa, là Thảnh chưa qua học một trường lớp nào, vậy mà em đã tự viết lên tên của mình, tên của mẹ, rồi em tự tô màu cho những nét chữ đó. “Dù sao nó cũng có cái để làm niềm vui khi số phận nó bất hạnh thế!” - mẹ của em đã tâm sự với tôi như thế!