Chuyện kể của chiến sỹ lái xe tải đầu tiên vào Dinh Độc Lập

ANTĐ - 40 năm qua, mỗi khi nhắc tới những chiến sĩ đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, người ta hay nghĩ tới những thành viên của kíp xe tăng 843, 390, hay hình ảnh người cắm cờ trên nóc dinh… Ít ai biết rằng, có một chiến sĩ lái xe tải đã vượt qua bao hiểm nguy, ác liệt, đưa các chiến sĩ đặc công góp mặt tại đó vào đúng những thời khắc đặc biệt của cuộc đời. Người đó là lái xe Dương Quang Lựa và chiếc xe tải mang biển số CE 1283.

Chuyện kể của chiến sỹ lái xe tải đầu tiên vào Dinh Độc Lập ảnh 1Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 sau khi quân giải phóng tiến vào
Ảnh: ĐẬU NGỌC ĐẢN

Người của lịch sử

Trong một lần về thăm Lữ đoàn vận tải ô tô chiến lược 971 (Cục Vận tải), tôi được các cán bộ, chỉ huy lữ đoàn kể về Thượng úy Dương Quang Lựa, người lái chiếc xe tải đầu tiên chở các chiến sĩ bộ đội đặc công tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. May mắn thay, không lâu sau đó, tôi đã được gặp ông Lựa tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội (Tổng cục Hậu cần), khi ông đến dự lễ hiến tặng kỷ vật kháng chiến do bảo tàng tổ chức. Ông đã kể cho chúng tôi nghe về khoảnh khắc lịch sử của dân tộc và cuộc đời mình cách đây tròn 40 năm…

 Lúc đó ông Lựa đang là lái xe của Đại đội 5, Tiểu đoàn 964, Trung đoàn 512, Sư đoàn 571 thuộc Đoàn 559. Khoảng 15h chiều 29-4-1975, khi đơn vị đang tập kết ở một bìa rừng cao su thuộc căn cứ Nước Trong chuẩn bị cho những trận đánh cuối, Dương Quang Lựa được Trung đội trưởng Đinh Xuân Thêm gọi lên. Trung đội trưởng Thêm chỉ vào hai người trên chiếc xe Jeep vừa tới nói với Lựa: “Đây là hai cán bộ của đơn vị tăng thiết giáp. Các anh ấy đang cần lực lượng chi viện. Chỉ huy đơn vị cân nhắc kĩ và quyết định chọn cậu”.

Chưa rõ nhiệm vụ là gì, nhưng theo lệnh, Dương Quang Lựa đưa xe rời đơn vị đi theo chiếc xe Jeep. Đi chừng 5 km, hai xe dừng lại. Tất cả cùng đi đến một căn hầm. Trong hầm khá tối, Lựa quan sát thấy  chừng 10 người, trong đó có một cán bộ khoảng 50 tuổi ngồi ở đầu bàn. Giọng cán bộ này sang sảng: "Theo chỉ thị của cấp trên, đơn vị chúng ta có nhiệm vụ tiến công trên hướng chính, trong đó có tổ gồm 5 xe tăng và một xe hơi chở lực lượng đặc công đánh chiếm Dinh Độc Lập. Trên đường hành tiến, tổ này đánh lướt để nhanh chóng thọc sâu vào mục tiêu chủ yếu càng sớm càng tốt".

Sau cuộc họp khoảng 30 phút, một cán bộ chạy đến đưa cho Dương Quang Lựa chiếc băng để đeo vào tay trái và một lá cờ giải phóng cắm ở đầu xe. Đồng chí này nói ngắn gọn: "Xe của đồng chí chở 40 người, sẽ đi sau ba xe tăng, hai xe tăng còn lại sẽ đi cuối. Lưu ý xe không được bật đèn, phải tập trung để bám theo xe tăng đằng trước, dựa theo tín hiệu của đèn pin để đi hoặc dừng". 

Nghe xong lời quán triệt, Lựa và mọi người lên xe. Trong buồng lái khi đó đã có hai người, có vẻ là tổ chỉ huy. Đoàn xe rầm rầm chuyển động ra khỏi vị trí tập kết. Vừa ra khỏi bìa rừng khoảng 2km, anh thấy tiếng đạn pháo, xe cộ đủ loại rộ lên. Hai bên đường tiếng súng bắn xối xả, đạn đan chéo vào đội hình xe. Lựa dừng xe, nhanh chóng cùng anh em nhảy xuống hình thành đội hình chiến đấu. Chừng 30 phút tiếng súng thưa dần, mọi người lên xe tiếp tục hành tiến. Trong cuộc đấu súng đầu tiên này, một cán bộ ngồi trên ca bin đã hy sinh.

Chuyện kể của chiến sỹ lái xe tải đầu tiên vào Dinh Độc Lập ảnh 2Ông Lựa (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng đội xưa hàn huyên bên chiếc xe CE 1283 vừa được phục dựng

Suốt đêm ấy, đội hình thọc sâu của Lựa vừa hành quân, vừa chiến đấu. Dù là lái xe, nhưng khi gặp địch chặn đánh, anh cũng nhảy xuống chiến đấu cùng. Trong ánh sáng lập lòe của đạn pháo, anh quan sát thấy đồng đội hầu hết đều mặc quần đùi, áo lót hoặc cởi trần. Thấy Lựa nhìn bằng ánh mắt tò mò, các đồng đội cười: “Chúng tớ là dân đặc công, vào Dinh Độc Lập cậu sẽ biết”. 

Buổi sáng 30-4, đội hình mũi thọc sâu đến cầu Sài Gòn. Tại đây địch bố trí ổ đề kháng mạnh, hỏa lực từ xe tăng và súng pháo các loại ở bên kia cầu và từ tàu chiến dưới sông bắn lên xối xả. Quan sát thấy hai chiếc xe tăng của ta ở cuối đội hình còn cách nhau một khoảng trống, Lựa đưa xe nhích dần vào đó để tránh đạn của địch và nhảy xuống để chiến đấu tiếp. Bỗng có một tiếng nổ lớn ngay trước đầu xe của Lựa. Chiếc lốp trước của xe đã bị xẹp hơi vì mảnh đạn. Không còn lốp dự phòng, anh đành phải kích xe, đưa một chiếc lốp sau thay lên bánh trước, cho xe chạy 5 bánh. 

Vượt qua ổ đề kháng của địch, đến trưa, Dinh Độc Lập đã hiện ra trước mắt. Sau khi xe tăng của ta húc đổ cổng sắt, Lựa cho xe vận tải thẳng tiến vào Dinh. Vừa dừng xe, anh cùng đồng đội nhảy phắt xuống lao vào căn nhà lớn trước mặt. Vừa lên đến tầng hai, một đồng chí có mặt ở đó ngăn lại: “Các cậu không phải lên nữa. Tất cả xuống dưới để ổn định trật tự”. 

Anh hơi hụt hẫng, đi xuống dưới sân. Nhìn ra các hướng, Lựa thấy các lực lượng của ta đang dồn dập tiến về Dinh Độc Lập. Đông đảo người dân và các phóng viên báo chí cũng có mặt ngoài khu vực dinh. Sau khi cùng đồng đội tận hưởng niềm vui chiến thắng, đến khoảng 12h, Lựa và anh em mới tổ chức nấu cơm. Lúc này, anh mới ngỡ ngàng khi nhẩm đếm lực lượng đi cùng còn không đầy chục người…


Chuyện kể của chiến sỹ lái xe tải đầu tiên vào Dinh Độc Lập ảnh 3Ông Lựa (ngoài cùng bên trái) nhận hoa và tặng thưởng của Thủ trưởng 
Cục Chính trị- Tổng cục Hậu cần tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội

Vẫn nặng suy tư

Quá trình tìm hiểu về câu chuyện của người lái xe Dương Quang Lựa, chúng tôi khá ngạc nhiên khi không thấy nhiều tài liệu đề cập. Có lẽ do Dương Quang Lựa là quân số phối thuộc cho mũi thọc sâu, hoàn cảnh chiến đấu căng thẳng và ác liệt lại diễn ra trong thời gian ngắn nên anh và mọi người chưa kịp biết đến nhau. Chỉ thấy Báo “Chiến sĩ Hậu cần” của Tổng cục Hậu cần có bài viết về ông với tựa đề "Người lái xe đầu tiên vào Dinh Độc Lập-Sài Gòn” ra ngày 10-11-1976 kể lại câu chuyện trên (số báo này hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia).

Ông Lựa kể : "Sau ngày 30-4, tôi về đơn vị cũ. Vài tháng sau, có các anh ở Đoàn 559 đến đại đội tìm tôi và đưa lên cơ quan chính trị để phỏng vấn. Lúc đó có cả một số đồng chí phóng viên báo chí. Sau đó, tôi được lệnh đưa chiếc xe CE 1283 của mình cùng một số vật dụng như chiếc bạt còn dính máu, khẩu AK đã theo tôi suốt chặng đường hành quân và chiến đấu đến Dinh Độc Lập… để tham gia triển lãm ở Giảng Võ, Hà Nội".

Sau khi triển lãm kết thúc, Dương Quang Lựa đã bàn giao chiếc xe lịch sử ấy cho ban tổ chức và tiếp tục trở lại đơn vị công tác. Một thời gian dài sau, số phận của chiếc xe lịch sử cùng những vật dụng đi kèm và ngay cả người từng gắn bó với chúng cũng gần như bị lịch sử lãng quên. Cho đến tận năm 2009, sau nhiều lần xác minh kỹ lưỡng, Tổng cục Hậu cần đã giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương phục chế lại chiếc xe CE 1283 để đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần phục vụ cho công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống.

Như vậy, qua lời kể của ông Dương Quang Lựa, cùng với một số tài liệu, lời kể của một số nhân chứng, có thể khẳng định: Ông Dương Quang Lựa là người lái chiếc xe vận tải đầu tiên vào Dinh Độc Lập. Ông vừa là người góp công, đồng thời cũng là chứng nhân lịch sử. Việc Tổng cục Hậu cần cho phục chế chiếc xe CE 1283 là quyết định đúng đắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, còn một điều mà trước khi kết thúc câu chuyện với chúng tôi, ông Lựa vẫn tâm tư mãi, đó là: Chiếc xe ông lái ban đầu chở tổng cộng 40 cán bộ, chiến sĩ đặc công. Suốt chặng đường vừa hành tiến, vừa chiến đấu cho tới khi đến Dinh Độc Lập chỉ còn lại chưa đầy 10 người. Như vậy, trên 30 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng. Vậy mà đến nay, sự hy sinh của họ vẫn là thầm lặng! Nếu các cơ quan chức năng thu thập tư liệu để vinh danh xứng đáng cho những chiến sĩ đặc công ấy thì đó là sự tri ân to lớn...