24h trong trại giam (1)

Chuyện ghi trong ca trực

ANTĐ - Không hiểu sao mỗi khi nhắc đến trại giam tôi luôn bị ám ảnh bởi cái âm thanh rin rít lạnh lùng được phát ra từ những chiếc then cửa sắt. Tôi mường tượng ra tiếng loạch xoạch xủng xoảng của chùm chìa khóa được tra vào ổ khóa, rồi cái then sắt được rút ra, cánh cửa sắt nặng nề mở ra ken két. Có cảm giác như cái âm thanh ấy cào riết vào tận trong gan ruột, cào vào tận óc con người ta. Và cũng đã nhiều lần tôi tự hỏi đằng sau cánh cổng sắt im lìm của trại giam là gì. 

Chắc các bạn cũng như tôi đều có thể trả lời đó là tù nhân, là tội phạm, là hình phạt, là sự trả giá, sự sám hối hay  là những gì khắc nghiệt nhất theo cách hiểu và sự tưởng tượng của mỗi người. Tôi tò mò muốn biết phía sau cánh cổng sắt và bức tường trại giam là gì, tôi đã đến một trong những trại tạm giam lớn nhất của cả nước để lý giải những ám ảnh của mình.

Vượt qua những trình tự thủ tục hết sức ngặt nghèo của nội quy một trại giam, tôi đã bước chân vào nơi sâu nhất của trại tạm giam số 1 -­ nơi giam giữ khoảng hơn 500 phạm nhân nữ. Để đến được khu giam giữ phải đi qua khu vực hành chính phía bên ngoài. Sau khi làm đầy đủ các thủ tục, qua cửa kiểm tra, và  để điện thoại ở ngoài, tôi mới được phép đi vào khu giam giữ. Một cảm giác hoàn toàn khác hẳn với khi tôi ở khu hành chính bên ngoài. Xa lạ và riêng biệt, có điều gì đó rờn rợn làm tôi sởn gai ốc. Tôi đưa mắt quan sát xung quanh, im ắng đến lạ thường, đi qua dãy hành lang dài, thỉnh thoảng lại có những chiến sĩ mặc sắc phục đứng nghiêm trang, hai bên dãy hành lang là những dãy nhà cao kín mít chỉ hở ra những khe cửa sắt nơi giam giữ các phạm nhân nam. Thấy có người lạ, những tù nhân bám mắt qua khe cửa sắt nhìn dõi theo từng bước đi của tôi như thể với họ sự có mặt của tôi là rất hiếm thấy. Tôi hiểu cuộc sống đằng đẵng quanh 4 bức tường kia khiến họ khao khát cuộc sống đời thường.

Đưa tôi vào khu giam giữ phạm nhân nữ, Trung tá Phan Đức Tiến - Đội Trưởng đội 3 nói với tôi rằng: Nếu phóng viên muốn biết đằng sau cánh cửa sắt im lìm của trại giam là những gì và công việc của những người nữ quản giáo ở đây là như thế nào thì phóng viên phải trực cùng anh em. Tôi quyết định ở lại một đêm trong trại giam. Ca trực đêm của các cán bộ quản giáo được bắt đầu từ 17 h chiều hàng ngày.

17h:

Ngoài 2 chỉ huy là nam thì đội quản giáo nữ gồm hơn 20 cán bộ nữ. Họ thường xuyên phải quản lý khoảng 500- 700 can phạm, phạm nhân. Có những khi cao điểm thì con số đó còn tăng lên đến cả 1.000. Cả nghìn con người phạm tội là một xã hội thu nhỏ trong 3 dãy nhà giam với muôn vàn những mặt trái của xã hội. Đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi và cũng đủ mọi con đường dẫn đến tội lỗi. Theo quy trình, toàn thể đội làm việc cả ngày. Ca trực gồm có 3 người và 1 chỉ huy. 17h chiều kíp trực nhận trực với những thông tin đầy đủ về từng buồng giam và tất cả những biến động trong từng buồng giam dù là nhỏ nhất. Sau khi bàn giao, kíp trực đi tuần tra một vòng tại tất cả các buồng giam. Đến từng phòng, các cán bộ đều hỏi han can phạm về mọi vấn đề trong sinh hoạt. Không có biến động gì. Vì các đối tượng cũng vừa điểm danh 1h trước khi bàn giao ca trực.

18h: 

Hiện đội 3 có một đối tượng mới vào tên là Yên, đối tượng này có 3 tiền án về  hành vi gây rối trật tự công cộng. Từ khi vào trại, đối tượng này luôn kêu gào thảm thiết, đập phá, rồi đái cả ra quần để đòi cán bộ quản giáo cho về vì nại ra tuổi già, sức khỏe yếu và… không có tội. Hôm nay, không thấy đối tượng này kêu gào nữa, Thiếu tá Hà Tiến Chung - đội phó và cũng là chỉ huy kíp trực hôm đó, nhắc 2 quản giáo trẻ lên buồng giam kiểm tra lại tình hình sức khỏe của đối tượng này cũng như diễn biến của buồng giam. Tôi theo 2 cán bộ tới buồng giam thì đối tượng lại tiếp diễn màn trình bày hoàn cảnh và liên tiếp đòi được thả ra. Tuy nhiên, sau khi cán bộ quản giáo nhắc nhở và khuyên giải, đối tượng đã trật tự trở lại.

19h: 

Các cán bộ quản giáo tranh thủ ăn cơm tối. Chỉ có điều họ không ăn cùng nhau vì phải thay phiên nhau túc trực. Tôi cùng ăn cơm trước với một cán bộ quản giáo nữ. Đang ăn, bỗng thấy đồng chí đứng bật dậy, rồi chạy xộc lên tầng. Lúc đó, từ các hướng khác, mấy nữ quản giáo còn lại cùng lúc chạy về phía buồng giam có tiếng hô: “báo cáo cán bộ”. Mọi động tác hết sức nhanh chóng. Có lẽ đây là phản xạ có điều kiện đối với những người quản giáo. Cùng ngồi một chỗ mà tôi không hề nghe thấy gì hết, trong khi tất cả những người trong kíp trực đều nghe thấy và lao nhanh lên buồng giam. Hóa ra sự việc chẳng có gì. Can phạm kêu hết nước dùng sinh hoạt, máy bơm không bơm. Kíp trực thở phào. Lúc ấy tôi mới thấy, lời đồng chí đội trưởng nói là đúng: là quản giáo, chỉ cần nghe tiếng “báo cáo cán bộ” là phải biết là phạm định báo cáo gì.

20h:

Các cán bộ quản giáo cho biết, tình hình tội phạm nữ hết sức phức tạp, chỉ cần một va chạm nhỏ là các đối tượng cũng có thể đánh nhau, cãi nhau. Đánh răng rửa mặt, vẩy một tý nước vào người nhau cũng cãi nhau, thậm chí có phạm bị đi táo bón, ngồi mãi mà không xong, các phạm khác kêu thối thế là cũng cãi nhau, xử nhau. Nếu cán bộ quản giáo chỉ chậm can thiệp, thì chỉ cần trong vài giây là hậu quả có thể xảy ra. Chính vì thế người trực lúc nào cũng phải căng hết sức. Thế nên mọi diễn biến trong buồng giam dù là nhỏ nhất thì cán bộ quản giáo đều phải nắm được. Thậm chí một can phạm bỏ ăn, hay ít ngủ quản giáo đều phải biết. Trong trại lúc này cũng có một phạm nhân tên là Oanh đã bỏ ăn 2 ngày vì lý do vụ án chậm đưa ra xét xử. Sau khi được phép viết đơn, đối tượng này cũng đã ăn trở lại. Thiếu tá Hà Tiến Chung cũng yêu cầu quản giáo qua buồng giam nắm tình hình đối tượng xem có vấn đề gì không?

21h:

Theo giờ quy định, các can phạm, phạm nhân phải đi ngủ. Tuy nhiên họ thường không thực hiện đúng các quy định này. Trước lúc đi ngủ, các phạm nhân thường làm vệ sinh cá nhân. Do trong buồng giam đông đúc nên dễ xảy ra lộn xộn tranh giành nhau. Các cán bộ lại đi tuần một vòng tất cả các phòng giam nhắc nhở phạm nhân đi ngủ và kiểm tra tình hình từng phòng giam. Các phạm nhân trật tự tuân theo mệnh lệnh của quản giáo. 

22h:

Các phạm nhân bắt đầu đi ngủ. Thì cũng là lúc các quản giáo đi tuần. Trung tá Trần Thị Minh Thư - người có 22 năm làm công tác quản giáo cho biết. Lúc các phạm nhân ngủ cũng là lúc những đối tượng có biểu hiện tiêu cực tìm cách để thực hiện hành vi tự sát. Các đối tượng tạm giam là những đối tượng đang trong quá trình điều tra truy tố xét xử nên họ thường có tâm lý lo lắng thất thường. Họ xác định khi vào tù là mất hết tất cả nên không thiết sống, nhiều đối tượng còn có ý định tự sát. Trong lúc đông người, thì họ không dám thực hiện những hành động vì sợ bị lộ, nên thường chờ lúc mọi người ngủ say để dễ hành động, chính vì thế lúc này là lúc quản giáo phải kiểm soát kỹ. Qua kiểm soát quản giáo cũng nắm được xem can phạm nào bất an, khó ngủ để từ đó nắm bắt tâm lý của họ.

23h:

Các can phạm đã ngủ. Trời bắt đầu đổ mưa rả rích, làm cho cái hoang vắng tại trại tạm giam càng thêm não nề. Thỉnh thoảng bên dãy nhà biệt giam khu phạm nhân nam vẳng sang tiếng hát thê lương. Họ hát những câu hát về mẹ nỉ non, eo óc. Thiếu tá Hà Tiến Chung giải thích: đó những phạm nhân phạm trọng án, bị biệt giam, họ buồn nên họ hát. Biết như thế là vi phạm quy tắc, nhưng đó cũng là nỗi lòng là tâm trạng của phạm, nhiều khi ngăn cấm họ sẽ phản tác dụng. Bởi nơi đây không chỉ giam giữ con người mà còn phải giáo dục họ để phục vụ cho công tác điều tra. Tùy từng tình huống cụ thể mà quản giáo phải có cách đối xử linh hoạt đối với các phạm nhân.

0h: 

Ca trực có vẻ diễn ra bình yên, không có biến động gì lớn. Thiếu tá Nguyễn Thị Hương Lan, trực ban ca trực  tuần tra một vòng các buồng giam về nói với tôi: ca trực hôm nay “bon” chị ạ. Không có biến động gì. Có nhiều ca chúng em chạy thở chẳng ra hơi. Có những khi phạm nhân bị bệnh hen lên cơn khó thở, hoặc lên cơn co giật động kinh chẳng hạn, phải chạy lên ngay và đồng thời báo cho bệnh xá cấp cứu kịp thời. Người nhà mình ốm chưa chắc đã lo bằng can phạm bị ốm. Cả đội có mỗi cái điện thoại bàn, có hôm trục trặc, thì chỉ có cách quản giáo chạy bộ ra bệnh xá gọi y tế… Nếu can phạm có mệnh hệ gì thì trách nhiệm lại đổ dồn lên cả tập thể và không thể nào thanh minh được. Chúng em như những người thổi cơm ấy. Nhiều bữa cơm ngon thì không ai biết nhưng chỉ một bữa cơm khê thì cả làng đều biết.  Chỉ mong ca trực nào cũng bình yên.

1h sáng:

Mưa cũng đã ngớt, chỉ còn lác đác vài hột rơi rả rích. Nhưng thời tiết mùa này, dường như về sáng thì gió có phần lạnh. Tôi hỏi các nữ quản giáo thế bình thường các ca trực các chị thức trắng đêm à. Họ nói rằng thức trắng đêm là chuyện thường bởi có những ngày có nhiều phạm mới vào hoặc phạm đi cung về thì phức tạp vô cùng. Nhưng cũng có thể thay phiên nhau ngả lưng một chút. Gọi là đi ngủ nhưng cũng chỉ chập chờn, thấp thỏm, không bao giờ có giấc ngủ sâu được, hình như đó là bệnh nghề nghiệp. Ngày trực ngủ chập chờn, thành quen, đến ngày không trực chỉ mong được một đêm ngon giấc vậy mà không bao giờ có được.

2h sáng:

Ca trực cũng dần trôi qua. Thức lâu mới biết đêm dài. Với dân ngoại đạo như tôi thì một ca trực bình yên của các chị cũng quá là căng thẳng. Bỗng bên phòng can phạm vị thành niên có tiếng khóc. Không phải tiếng khóc của một người mà của nhiều người. Một cán bộ quản giáo bảo: Lại khóc phụ họa đây. Các chị đến buồng giam ổn định trật tự, rồi gọi một can phạm ra ngoài. Lúc này tôi mới nhìn kỹ gương mặt của cháu bé. Ngây thơ và trong sáng, nếu cháu không ngồi ở đây thì không ai có thể tưởng tượng được cháu là một kẻ giết người. Cháu sinh năm 1997, học sinh trường Đồng Tâm - Mỹ Đức - Hà Nội, vì bị bạn đánh nhiều lần đánh, và trong một khoảnh khắc không kiềm chế được, cháu cầm dao đâm chết một bạn học. Ranh giới giữa con người và tội phạm quả thật là mong manh quá. Khi cán bộ quản giáo hỏi vì sao cháu khóc, cháu lí nhí trả lời trong cổ họng. Vì cháu thương bạn, hôm nay bạn vừa đi cung về, không hiểu vì sao bạn khóc nên chúng cháu cũng khóc theo. Rồi tôi thấy nữ quản giáo quản lý buồng giam kia ngồi với cháu bé rất lâu. Lúc này vẻ nghiêm nghị của người quản giáo hình như biến mất. Đó là điều mà tôi đã tìm thấy trong trại giam khác với suy nghĩ của tôi lúc ban đầu. Người nữ quản giáo kia an ủi, động viên, và nói với cô bé như cô giáo nói chuyện với học sinh. Họ nói với nhau những gì tôi không rõ lắm nhưng sau đó thì cháu bé đã bình tĩnh trở lại đi về phòng. Rồi cả phòng cũng không còn tiếng khóc nữa.

3h sáng:

Cả khu trại giam phạm nhân nữ im phăng phắc, tại khu giam riêng những phạm nhân tử hình cũng không có một tiếng động. Chắc là giờ này họ đã ngủ rồi?- tôi hỏi Trung tá Trần Thị Minh Thư - người chịu trách nhiệm buồng giam phạm nhân tử hình. Chị bảo rằng im ắng vậy thôi, nhưng giờ này họ đang thức cả đấy. Những phạm nhân tử hình là như thế. Người ta vẫn gọi là những con ma sống là vì vậy. Hiện nay, do chưa chính thức áp dụng biện pháp tử hình mới nên tâm lý của họ còn đỡ bất an. Chứ trước đây với họ, khoảng thời gian gần sáng là giờ thao thức nhất, tỉnh táo nhất. Mỗi một đêm qua đi là họ được sống thêm một ngày. Vì họ biết rằng việc trả án diễn ra trước khi mặt trời mọc. Họ thao thức, họ đếm từng ngày vì lo lắng vì không biết đến một ngày nào cửa phòng của họ sẽ được mở ra vào 3h sáng và họ phải đi trả án. Chỉ cần có 1 phạm nhân đi trả án là cả khu giam không ngủ, nhiều phạm nhân cũng nảy sinh suy nghĩ tiêu cực khi thấy bạn tù đi trả án. Mỗi khi như vậy thì cán bộ quản giáo lại vất vả hơn nhiều. Tuy họ im ắng vậy thôi, nhưng đây cũng là thời gian cân não đối với quản giáo. 

4h sáng:

Không có chuyện gì xảy ra. Nhiều phạm nhân khó ngủ cũng bắt đầu lục tục dậy sớm.

5h sáng:

Thời gian trôi qua thật nặng nề.

6h sáng:

Có tiếng kẻng báo sáng, phạm nhân kéo nhau dậy, mọi sự lại ồn ào. 

7h sáng:

Mọi cán bộ ngoài kíp trực đã đến, quản giáo đến từng buồng giam kiểm danh kiểm diện.

8h sáng:

Ca trực kết thúc bằng một cuộc họp giao ban của toàn đội. Mọi tình hình trong ca trực đều được báo cáo lại một cách chi tiết, tường tận. Một ngày làm việc mới lại bắt đầu. Như dòng sông cứ mải miết chảy mãi, chảy mãi. Bất tận.

Kỳ sau: Chuyện ghi ngoài ca trực