24h trong trại giam (kỳ cuối)

Chuyện ghi ngoài ca trực

ANTĐ - Sau một đêm trực cùng các nữ quản giáo của Trại tạm giam số 1, tôi đã nhận ra rằng, đằng sau cánh cửa im lìm kia, không phải chỉ có hình phạt và tội phạm mà nó còn có  sự thức tỉnh của lương tri, sự hy sinh  và  nỗi niềm của người quản giáo.

Trong hạnh phúc đoàn tụ của mỗi phạm nhân, có công lao âm thầm của các quản giáo

Ở nơi không có “đèn”

Đại tá Bùi Ngọc Bình là Giám thị Trại tạm giam số 1 và cũng là người lâu năm làm cán bộ quản giáo.  Anh tâm sự với tôi rất nhiều về nghề, những nỗi niềm khó nói ra, và cả những cái nhìn sai lệch, áp đặt, thiếu thiện cảm về những người quản giáo.  Anh gọi công việc của những người quản giáo là công việc thầm lặng. Tôi nghĩ anh nói đúng. Bởi việc quản lý tốt can phạm, phạm nhân, giáo dục họ, thức tỉnh họ thường không phải là những chiến công dễ nhận thấy, dễ được nhiều người biết đến.

 Khi tôi hỏi về lính của anh - những cán bộ quản giáo nữ, bằng cách nói dân dã chân tình như một người anh cả trong nhà, anh bảo: “Ừ, mấy đứa nó lăn lộn vất vả lắm đấy. Thú thực là nhìn chị em làm việc mà mình xót lắm. Toàn đàn bà con gái cả, trách nhiệm cả hai vai, thế mà cứ ngày đêm trực thế này, nhiều lúc mình cũng không biết phải làm thế nào. Chỉ biết động viên chị em. Mà đơn vị có gì ưu tiên nhất là mình dành cả cho cái đám nữ ấy đấy. Phải đặt mình vào vị trí của họ thì mới thấy hết được sự hy sinh và thông cảm cho họ”. Rồi anh có vẻ trầm ngâm, tư lự. Tôi nhận thấy người chỉ huy này còn lo cả những nỗi lo riêng khác ngoài công việc. Anh nói: “Có điều này tế nhị,  mình chưa dám nói ra, nhưng mình cũng đang lo vì làm sao mà  nhiều chị em trong cái đội ấy có phải vì áp lực công việc, vì môi trường khắc nghiệt mà gần đây không thấy sinh con nữa”.

Cảm động khi nghe anh nói về những người lính của mình. Anh hiểu, cảm thông với chiến sĩ nhưng cũng cho thấy một thực tế là những gì mà nữ quản giáo ở đây phải gánh vác là quá nặng nề. Sự nặng nề ấy không phải chỉ đến từ sự vất vả về thể chất, về thời gian, về áp lực công việc, môi trường độc hại, điều kiện làm việc khắt khe mà nó đến từ những điều vô hình, không nhìn thấy. Cái sự “ô nhiễm” không có trong danh mục được hỗ trợ tiền “độc hại” đó mới là nguy hiểm.

Một môi trường hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Bước chân vào khu giam giữ là những bức tường nhà giam kín mít, những song cửa sắt lạnh lùng. Không sử dụng điện thoại, không sử dụng internet đã là một nguyên tắc. Ngoài chỉ huy, không bất cứ một cán bộ chiến sĩ nào được mang điện thoại di động vào khu giam giữ. Rõ ràng sự hạn chế về mặt thông tin là một thiệt thòi lớn đối với các chị, thiếu thông tin cũng đồng nghĩa với việc con người ta mất đi nhiều cơ hội. Chưa nói đến việc các chị còn ít có điều kiện được đi học tập nâng cao kiến thức xã hội. Không những thế, những con người mà các chị phải gặp gỡ, tiếp xúc hàng ngày là tội phạm, đủ mọi thành phần, giang hồ có, lưu manh có, trộm cắp, đĩ điếm, đâm thuê chém mướn, quậy phá đánh nhau có cả. Nhiều chị vẫn nói vui rằng: Cứ bảo gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Ở đây làm gì có “đèn” mà rạng. Các chị nói vui mà nghe thật là chua xót.

Một ngày, hai ngày, một năm, hai năm đã đành, đằng này có chị làm việc tới 20 năm trong môi trường như thế. Thật đáng để khâm phục. Bất giác tôi nghĩ đến những người phụ nữ ở bên ngoài bức tường trại giam kia. Tất nhiên cũng có những người lam lũ, nhưng cũng có những người váy áo xúng xính, nước hoa thơm nức cùng chồng con đi xem phim, xem kịch mà thấy ái ngại thay cho các chị. Không hiểu sao lúc ấy tôi buột miệng hỏi các chị một câu mà sau đó tôi mới thấy thừa: Các chị có hay đi xem ca nhạc buổi tối không? Họ nói với tôi rằng, “đến đêm 30 Tết mà có khi còn ở trong trại nữa là”. 

Sự hy sinh không đếm được

Quản giáo Nguyễn Thị Hương Lan sinh năm 1976, nhưng đến nay con chị mới chưa đầy 2 tuổi. Cũng lận đận mãi về đường con cái, chồng lại thường xuyên phải đi công tác xa. Hôm Lan trực cũng là hôm chị phải gửi con cho bà họ hàng trông nom. Lan kể đêm 30 Tết năm vừa rồi, con em mới hơn 1 tuổi mà em phải dứt ra để đi trực, 30 Tết mà có hai bố con ở nhà, buồn quá đành bế nhau lang thang ra đường chơi. Chả thể nào khác được, không thể gán cho người khác trực, mà mình trực ở đây cũng có cả những đồng đội khác. Ai cũng như mình cả, ai cũng muốn sum vầy đêm 30 Tết thì ai sẽ trực đây, nghĩ vậy em lại đỡ tủi phần nào. Tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ với Lan bởi những day dứt, đấu tranh của tất cả những người phụ nữ luôn mang nặng hai vai, một bên là con cái, một bên là nhiệm vụ.

Chị Trần Thị Minh Thư - người đã gắn bó hơn hai chục năm với công việc quản giáo nói với tôi, chuyện chị em quản giáo  gửi con hàng xóm là chuyện bình thường vì không phải ai cũng có tiền thuê người giúp việc, nhiều chị còn đang phải thuê nhà. Chị nói nhiều khi  con ốm phải đi trực mà không biết làm thế nào. Đến cơ quan nhìn thấy ai cũng chỉ chực khóc. Chị Thư nhớ lại hồi con chị còn nhỏ, chồng lại công tác tại Công an tỉnh Lạng Sơn. Trước giờ đi trực khoảng 1 tiếng, con chị lên cơn sốt đùng đùng, ở nhà còn mỗi ông cụ đã già yếu. Nghe con khóc mà như đứt từng khúc ruột, nhưng rồi lại nghĩ đến ca trực, không trực thì ai thay. Đành cho con uống thuốc hạ sốt rồi để ông cháu trông nhau. Chị đạp xe từ nhà ở Trung Tự đến trại, vừa đi vừa tự dặn mình không được khóc. Vậy mà đến nơi chỉ huy vừa hỏi khẽ một câu chị đã khóc òa lên không thể kìm nén được. Đấy chẳng phải là sự hy sinh đó sao?

Vất vả, hy sinh, các chị không ngại. Đó là điều mà những chiến sĩ công an luôn xác định rõ. Trong tất cả những nữ quản giáo của đội, từ người nhiều tuổi nhất, đã công tác lâu năm cho đến những chiến sĩ trẻ măng vừa mới vào ngành, không có ai nói với tôi rằng họ sẽ rời bỏ nhiệm vụ, họ sẽ chọn công việc khác nhẹ nhàng hơn. Song, điều làm họ chạnh lòng là cái nhìn sai lệch, thiếu thiện cảm của mọi người về công tác quản giáo. Họ vẫn hiểu công việc người quản giáo chỉ là những người cai tù. Thế nên nhiều khi ai hỏi các chị ở đơn vị nào, thì chỉ nói chung chung là công an Hà Nội, chứ không muốn nói làm quản giáo. Có nhiều nghề người ta được tôn vinh, được tự hào nghề, còn nghề mình thì…

Quản lý con người vô cùng phức tạp. Một trăm con người là một trăm cá tính, một trăm con đường dẫn đến phạm tội khác nhau. Hơn thế, tâm lý tội phạm luôn diễn biến phức tạp, nếu không hiểu, không thức tỉnh phần người trong họ thì coi như thất bại. Vậy nên người quản giáo không phải là người coi kho chỉ biết mở khóa đóng khóa mà còn phải biết mở “khóa tâm hồn” của một con người.

Nữ quản giáo Hương Lan tâm sự nếu bây giờ nói quản giáo thương phạm nhân thì không ai tin, nhưng đó là sự thật. Nhiều đối tượng có hoàn cảnh rất đáng thương, phạm tội do bộc phát, hoặc do thiếu hiểu biết pháp luật. Khi vào tù gia đình lại chẳng hỏi han thăm nom. Nếu cứ để họ chán nản theo vết trượt dài thì chẳng khác nào để mất một con người. Ngay cả những phạm nhân dù ngày mai sẽ bị đi xử bắn nhưng phần thiện, phần người trong họ có lúc vẫn trỗi dậy. Người quản giáo phải biết đánh thức điều đó một cách đúng lúc. 

24h trong trại giam, 24h chứng kiến những công việc thường ngày của các chị, tôi đã tìm thấy nhiều điều khác với suy nghĩ của mình trước khi đặt chân tới đây. Chưa bao giờ tôi hình dung lại có phạm nhân sinh nở ngay trong trại. Vì tình người, những cán bộ quản giáo lại thay nhau chăm sóc. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng có chuyện cán bộ quản giáo mua dầu gội đầu, mua thuốc, xin thêm thức ăn cho phạm nhân. Nhưng chuyện đó là chuyện rất bình thường ở đây.

Trung tá Bùi Thị Hồng Hạnh - Đội phó Đội 3, sau mấy chục năm làm quản giáo vẫn chưa quên được một phạm nhân có tên là Lê Tuyết Ba. Phạm nhân bị mang án tử hình vì phạm tội về ma túy, không có người thăm nom. Một lần bị lên một cái nhọt đến phát sốt càng thêm chán nản, thậm chí Ba nghĩ đến cái chết. Chị Hạnh đã mua thuốc, mua đồ vệ sinh cá nhân, rồi chăm sóc, động viên phạm nhân. Mưa dầm thấm lâu, bằng những cử chỉ ân cần ấy, ngày qua ngày phạm nhân chỉ biết khóc, cảm ơn chị. Và điều làm chị Hạnh cảm thấy vui là sau đó phạm nhân được giảm xuống án chung thân. 

Trong công việc những người quản giáo có thể tìm thấy niềm vui gì? Tôi hỏi Thượng sĩ Chử Thanh Phương - sinh năm 1991, mới làm công việc này được 2 năm. Phương rớm nước mắt, nói với tôi, đó là khi nhận được lá thư cảm ơn của một can phạm. Tôi lại hỏi một nữ quản giáo nhiều tuổi nhất đội - Trung tá Trần Thị Minh Thư nếu bây giờ cho chị lựa chọn công việc khác, chị có thay đổi không?- “Không, vì tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn ở đây”. Thế niềm vui trong công việc của chị là gì? Chị trả lời: “Có phạm nhân đã từng nói với tôi: Cô là mùa xuân của cháu”.