Chuyện đời của một ông Tây lai mưu sinh bằng nghề bới rác ở Việt Nam

ANTĐ - Nước da đen cháy đặc trưng của người mang dòng máu gốc Phi, cùng vóc dáng cao lớn kềnh càng khiến anh nổi bật hơn so với mọi người, nhưng đó lại chính là điều khiến anh đến bây giờ vẫn đau buồn nhất. Chỉ vì mang tiếng là con rơi của một lính lê dương thời chiến tranh loạn lạc khi những quân đoàn Mỹ đóng chân trên mảnh đất khói lửa Khe Sanh nên anh được sinh ra. Anh lấy vợ rồi sinh được 9 đứa con. Nhưng tất cả đều thất học, ngày ngày bám vào bãi rác nơi cửa khẩu quốc tế Lao Bảo mưu sinh bằng nghề bới rác. Chuyện đời buồn của anh được kể lại bằng chính những lời nói rời rạc buồn bã khiến không ít người cảm thương cho số phận một con người.

Những thứ mà người tiêu dùng bỏ đi trở thành vật phẩm bán kiếm cơm của đại gia đình anh Kum

Tại sao tôi lại như thế?

Cho đến tận bây giờ anh Hồ Văn Kum (45 tuổi, ở thôn Ta Ri 1, xã Húc, Hướng Hóa, Quảng Trị) vẫn không lý giải được tại sao cuộc đời mình lại buồn như vậy. Mới tầm 9 giờ sáng, nhưng cái nắng ở rẻo cao Hướng Hóa đã bỏng rát như lửa chàm vào mặt. Suốt quãng đường vào bãi rác tìm gia đình anh Kum, chúng tôi không khỏi ái ngại vì cảnh sống quá khốn khổ của đại gia đình 11 con người ngày ngày bám víu vào bãi rác này. Nhưng như anh Kum bảo cuộc đời anh từ lúc sinh ra đến tận bây giờ có được công việc và gia đình như thế này cũng đã khiến anh mãn nguyện lắm rồi.

Khi mới sinh ra anh đã mang màu da khác lạ, cộng thêm lời dị nghị là một đứa con lai, có lẽ chính vì điều đó nên người mẹ anh đã không vượt qua nổi dư luận mà đau đớn không thừa nhận anh là con mà đem anh cho một gia đình người dân tộc Vân Kiều ở rẻo cao huyện Hướng Hóa làm con nuôi khi mới lên ba tập tọe nói cười. Thế là, đời anh bắt đầu ngã rẽ từ đó, một cuộc đời đầy mặc cảm, lắm nhọc nhằn giữa dòng đời xa lạ. Anh Kum kể lại, ngày anh biết tự suy nghĩ, anh đã vô cùng mặc cảm khi thấy mình khác biệt với những đứa trẻ cùng trang lứa quá. Dù anh nói tiếng Pako tốt hơn cả người Pako, dù anh làm rẫy giỏi hơn cả người Pako, nhưng chỉ thân phận của anh nên bao nhiêu áp lực dư luận đều trút lên anh cả. 

Anh Kum tâm sự: “Tôi nghe ba mẹ nuôi của tôi kể lại lúc họ nhận nuôi tôi, tôi còn nhỏ lắm. Trên hai tay tôi lúc đó còn nắm hai củ khoai lang, khóc thê thiết, thương tôi quá nên họ nhận về nuôi. Cho đến cuối cuộc đời ba mẹ nuôi tôi cũng không cho tôi hay ba mẹ ruột tôi ở nơi đâu, để tôi tìm về, nên giờ muốn lắm nhưng tôi cũng chẳng biết phương hướng nào để tìm được nữa. Mà có khi bây giờ sau gần nửa thế kỷ họ cũng đã nhắm mắt xuôi tay cả rồi! Từ nhỏ tôi đã không được học hành như chúng bạn trang lứa, nên rất tủi. Buồn đời tôi theo mấy đứa bạn đi lang thang đây đó, hết sang Lào rồi lại ra Bắc làm thuê, cực không thể tả nổi nhưng vẫn cố gắng sống từng ngày chỉ để một lúc nào đó hy vọng gặp lại người đã sinh ra mình và hỏi một câu tại sao, thế thôi!”, anh Kum ngậm ngùi. 

Thời thanh niên của anh là những chuỗi ngày lang bạt khắp nơi từ Nam chí Bắc. Hết đi lang thang làm mướn cho nhà người, anh Kum trở về xã Húc và kết hôn với chị PLeng rồi tá túc ở bên nhà bố mẹ vợ. Căn nhà gia đình anh đang ở bây giờ nằm chơ vơ, đơn độc ở cuối thôn Ta Ri 1. Nói về đời mình, anh Kum ngán ngẩm: “Đời người có gì buồn hơn bằng không biết được gốc gác, cội nguồn của mình phải không anh?”. Ba mẹ nuôi của anh Kum ở thôn Cheng, xã Tân Liên (Hướng Hóa) đã qua đời gần chục năm nay, nên giờ anh không về nhà nữa mà chọn bãi rác ngay cửa khẩu Lao Bảo này làm chốn nương thân cùng đại gia đình gồm vợ và 9 đứa con của mình. 

Từ khi bãi rác ở thị trấn Khe Sanh đi vào hoạt động, đại gia đình gồm 11 người của anh Hồ Văn Kum lại có thêm một nơi mưu sinh mới. Đưa tay về phía ngọn đồi đằng xa, anh Kum bảo: “Nhà mình ở dưới con đồi kia, từ đó ra đến bãi rác này cũng gần 8 km. Từ khi đổ rác ngoài này, mình rủ vợ đi nhặt nhựa, nhặt lon bán, nhặt hoài quen nên ở lại đây cho làm tiện luôn. Dù cực khổ nhưng cũng có thu nhập hơn làm nương rẫy!”. Cứ vài ba ngày nhặt nhạnh, chị PLeng lại gom ve chai lại chở ra ngoài thị trấn bán một lần. Bán được bao nhiêu, chị dành dụm tiền để mua gạo, thức ăn mang vào cho các con của mình ở nhà. Cả ngày nhặt nhạnh ve chai tại bãi rác này, anh chị kiếm được từ 70.000-150.000 đồng, còn khi có các con làm cùng thì cũng có dôi ra thêm đôi chút.

Sống nhờ… bãi rác để tìm gốc gác 

Chị vợ anh Kum thấy chồng và khách lạ trò chuyện, cũng bắt đầu cởi mở hơn: “Nhà mình vốn ở thôn Ta Ri 1, xã Húc nhưng vì đất đai sản xuất không có, chẳng làm gì ra tiền mà lại đông con nên rất cực khổ. Giữa lúc túng bấn đó, mình và chồng bắt đầu đi nhặt ve chai tại bãi rác này bán cho các chủ vựa kiếm tiền đong gạo. Mới đó mà vợ chồng mình cũng đã theo nghề ni được hơn 6 năm nay. Ngày nào mệt lắm thì vợ chồng con cái ngủ lại ở cái chòi cất tạm này, còn khỏe thì chạy xe vào, chạy ra. Làm ở đây cũng có đồng vào đồng ra nhưng cực lắm. Chắc cả gia đình mình rồi cũng sinh bệnh tật mà chết sớm mất thôi. Nhưng thú thật là vợ chồng mình không có lựa chọn nào khác tốt hơn khi trong tay chẳng có tí của cải nào!”. Anh Kum cho biết bất đắc dĩ lắm gia đình anh mới chọn cái nghề tận vất vả và lắm lầm than này để mưu sinh. Bởi theo anh không làm việc này thì anh cũng chẳng biết làm nghề gì để nuôi cả đàn con nheo nhóc, đứa lớn đứa bé san sát tuổi nhau, trong khi đó, bản làng của anh còn nghèo lắm nên rất ít người thuê mướn làm việc. Mà cũng chẳng có ai lại muốn bỏ tiền ra thuê một người thường xuyên đau ốm như anh.

Căn chòi cất tạm của gia đình anh Kum, chị PLeng nằm theo hướng bãi rác nên mùa này ruồi, muỗi bâu đen kịt. Dù đã cố “trốn chạy” để tìm một nơi cao ráo nhưng cả chủ lẫn khách vẫn phải vừa trò chuyện, vừa xua tay đuổi ruồi liên hồi. Cái cảnh ngổn ngang rác rưởi cùng mùi xú uế từ bãi rác bốc lên phả vào mặt, vào mũi chúng tôi đến chừng ngộp thở. Thường thì vợ chồng Hồ Văn Kum thức dậy làm việc từ lúc trời còn mờ sương, bởi theo anh thời điểm ấy ruồi, nhặng rất ít, mà mùi hôi cũng chưa nồng nặc lắm. Còn nếu làm muộn một chút là ruồi muỗi bâu kín cả mặt mũi, chỉ cần quệt nhẹ tay thôi cũng có thể vốc được từng đám. Anh Kum tâm sự trong chua chát: “Những ngày đầu nhặt rác ở đây, mình với vợ con chịu không nổi mùi hôi hám, ruồi, muỗi bâu đầy người. Nhưng vì kế mưu sinh nên cũng gắng. Làm miết rồi cũng quen và thành thạo. Bây giờ, chỉ cần một tuần mà nghỉ việc, không ngửi thấy mùi hôi ở bãi rác là gia đình mình chết đói như chơi thôi mà!”. 

Trong căn chòi của gia đình anh Kum mắc rất nhiều áo quần cũ, chiếu chăn rách nát. Anh Kum khoe: “Mình vừa nhặt được một cái áo ấm cũ và một cái ba lô nâu. Cái áo ấm này chỉ cần giặt giũ cho sạch, khâu vá lại một số nơi là con mình có thể mặc ấm vào mùa mưa lạnh sắp tới. Cái ba lô thì cho thằng con út bỏ sách vở đi học, cũng đỡ tốn tiền mua!”. Hóa ra cái mà người khác đã sử dụng và quyết định vứt bỏ đi lại trở thành những vật dụng tối cần thiết cho gia đình anh Kum. Từ chiếc áo, đôi dép hay một mảnh kính vỡ làm gương soi... cũng được anh lượm lặt sử dụng triệt để. Những câu chuyện của anh Kum hồn nhiên kể khiến tôi cảm thấy nhói lòng.

Vợ chồng anh Kum - chị PLeng có tất cả 9 đứa con (gồm 7 trai, 2 gái) nhưng không có ai học hành đến nơi đến chốn. Ngay cả hai đứa con trai học lớp 6, lớp 7 của anh chị cũng vừa mới bỏ học ở nhà giữ em cho ba mẹ có thời gian “bám” bãi rác mưu sinh. Anh Kum ngậm ngùi: “Hai đứa con của vợ chồng mình học hành cũng khá, nhưng mình không đủ tiền cho nó đóng học phí, mua sách vở đi học. Vì vậy đành nuốt nghẹn mà bảo con ở nhà, đừng đến lớp tìm cái chữ nữa. Thấy chúng nó buồn tụi mình cũng thương lắm nhưng vì đông con quá nên cái chữ của đứa trước đành phải ưu tiên cho những đứa sau. Làm ở đây thu nhập cũng ổn định, nhưng khổ nỗi hôi hám, ô nhiễm quá. Vợ chồng, con cái mình đau ốm, ho hen liên miên. Căn chòi của mình cũng phải mắc màn suốt ngày. Muốn sống ở đây thì phải khâu hai cái màn lại với nhau mới trốn tránh được ruồi muỗi, bịt khẩu trang mà ngủ để tránh mùi hôi. Nhưng cho dù khổ vậy, mình cũng không thể bỏ nghề này, bãi rác này. Làm ở đây con cái mình mới được no cái bụng, mới hy vọng sau này mình có tiền để đi tìm mẹ như lời người ta chỉ!”. 

Giờ đây, dù trên đầu mình đã hai thứ tóc, nhưng anh Hồ Văn Kum vẫn không biết được cha mẹ ruột của mình là ai. Có người thì nói dứt khoát mẹ ruột của anh hiện đang ở làng Hữu Niên, xã Triệu Hòa (Quảng Trị), người thì mơ hồ bảo mẹ và em út ruột thịt của anh đang ở huyện Triệu Phong. Anh chẳng biết đường nào mà lần đường tìm về quê hương, về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Anh bảo, dù thế nào đi nữa anh cũng muốn đi tìm một lần. Anh tin rằng sau chừng ấy năm chắc mẹ anh cũng đã già lắm, nhưng hẳn bà vẫn nhớ tới anh, đứa con lạc loài từng bị chối bỏ ngày ấy.