Chuyện của người nghiên cứu... âm phủ

(ANTĐ) - Trong giới nghiên cứu lịch sử và khảo cổ, PGS-TS Đỗ Văn Ninh được ghi nhận là chuyên gia hàng đầu, đặc biệt là về Hoàng thành Thăng Long. Sau khi rời quân ngũ, ông đi học chuyên ngành khảo cổ ở Trung Quốc và suốt từ những năm 60 đến giờ, ông vẫn chưa dừng nghỉ những đam mê của mình…

Chuyện của người nghiên cứu... âm phủ

(ANTĐ) - Trong giới nghiên cứu lịch sử và khảo cổ, PGS-TS Đỗ Văn Ninh được ghi nhận là chuyên gia hàng đầu, đặc biệt là về Hoàng thành Thăng Long. Sau khi rời quân ngũ, ông đi học chuyên ngành khảo cổ ở Trung Quốc và suốt từ những năm 60 đến giờ, ông vẫn chưa dừng nghỉ những đam mê của mình…

Ông Ninh kể, những ngày chiến đấu gian khổ giành tự do, độc lập cho quê hương, đã cháy lên trong ông một tình yêu và khát vọng nghiên cứu về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển mảnh đất Âu Lạc, Đại Việt. Và thật may mắn, sau khi học tập trở về, ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu về Thành cổ Hà Nội. Những hố đào ở Cổ Loa, Sóc Sơn, những phát hiện ở Đại La, Kim Mã, hồ Tây, Ba Đình… giúp ông và đồng nghiệp thu thập những cứ liệu lịch sử rõ ràng hơn về nửa sau thế kỷ III trước Công nguyên, Thục Phán - một thủ lĩnh người Âu Việt ở miền núi dựng nước Âu Lạc và dời đô xuống Cổ Loa như thế nào; công trình quân sự độc đáo trên thế giới trên bến dưới thuyền tấp nập ra sao…

Tuy nhiên, những dấu vết của dòng Ngọc Hà chạy suốt từ Cầu Giấy vào trong Hoàng thành; dấu vết thành Đại La quy mô lớn nhất trên miền đất Hà Nội cổ nửa sau thế kỷ VIII mới cho thấy, đến năm 1010, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, kinh đô Đại Việt mới thực sự là trung tâm đô hội - một thành phố sông hồ được quy hoạch bởi sông Hồng, sông Tô, sông Kim Ngưu; và việc đi lại, được ghi nhận chủ yếu là thuyền bè. Đến thời Lê, thành được xây theo hình chữ nhật; thời Nguyễn và Pháp thuộc, thành được xây hình vuông... Nơi vòng thành bao bọc luôn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước.

Qua những di chỉ khảo cổ và những hiện vật được kiếm tìm trong gần 50 năm, PGS-TS Đỗ Văn Ninh cho biết: Từ thời vua Lý Thánh Tông, Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao của quốc gia phong kiến độc lập khi xuất hiện tiền cổ, gạch ngói cổ trang trí rất đẹp. Năm 1466, vua Lê Thánh Tông đã thực hiện việc chỉnh đốn quân sự, chia theo các phiên cấp rất quy củ như quân đội hiện nay. Đặc biệt, những dấu tích của phát hiện ở Hoàng thành chỉ ra rằng, ngày xưa vua Lý Thái Tổ xây dựng Thăng Long, ăn mặc khác.

PGS.TS Đỗ Văn Ninh và những công trình nghiên cứu về Hoàng thành
PGS.TS Đỗ Văn Ninh và những công trình nghiên cứu về Hoàng thành

Thời đó cũng chẳng thể xuất hiện một sự tích đền Cẩu nhi ở hồ Trúc Bạch. Bởi mãi đến triều Nguyễn, nơi đây mới có một bến cá và thời Pháp thuộc người ta dựng một “Thủy trung tiên” cho dân chài ven hồ cầu khấn làm ăn an lành, mua bán cá và nộp thuế cho chính quyền bảo hộ. Ông Ninh kể: Nếu ai được vào thăm quan di chỉ khảo cổ trong Hoàng thành, sẽ thấy một con sông đào quanh các cung điện. ở đây dấu vết chỉ khá thuyết phục về cung Trường Lạc; trước đó hơn 600 hiện vật cung tên, gươm giáo… được tìm thấy ở Giảng Võ cũng có thể khẳng định, toàn bộ vùng đất chạy từ Cát Linh, đến La Thành chính là Giảng Võ đường thời phong kiến. Phía Kim Mã có địa danh núi Bò, đây chính là một đoạn thành Đại La, khi người dân các tổng làm lễ thờ thành Hoàng thường khênh kiệu qua đây, người trước phải cúi khom người nên hầu như ai ai cũng phải… bò.

 Hay như những bộ xương tìm thấy trong di chỉ khảo cổ Hoàng thành. Đó không thể là xác yểm, do vị trí bộ xương nằm ở chân cột, qua đánh giá thì tuổi xương ước khoảng 200 năm trở lại. Rồi việc tìm thấy ủng thành, cổng xứ Đoài ở trên dòng Tô Lịch, cho thấy dòng sông đã thay đổi dòng nhiều lần do kết cấu địa tầng, không phải do quân xâm lược chôn của cải cướp được và nắn dòng, yểm bùa ở đây.

Bao năm nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long, PGS-TS Đỗ Văn Ninh đã cho ra hàng trăm cuốn sách nghiên cứu khảo cổ các loại. Hàng năm, ông vẫn xuất bản đều đều những cuốn sách ghi lại các cuộc tìm kiếm dưới... âm phủ của ông: “Thành cổ Hà Nội”, “Tìm kiếm dưới âm phủ”, “Tiền cổ Việt Nam”… và mới đây nhất là “Hoàng thành Thăng Long”. Ông bảo: “Tôi đơn thuần là người ghi chép sử và dám nói những điều mình nhìn nhận được. Sử là vậy, và chúng ta phải tôn trọng những giá trị mà nó để lại”.

 Trò chuyện cùng ông trong chiều mưa phùn giá rét, chợt thấy ông buồn. Gặng mãi, ông bộc bạch, Hà Nội đang từng ngày, từng giờ phát triển. Song nhiều di tích đang bị người đời lãng quên, bị lấn chiếm và xâm phạm. “Hà Nội là một vật báu của dân tộc. Thành cổ cũng không chỉ là dấu tích, mà là truyền thống, là nền tảng giá trị tinh thần hàng nghìn đời nối tiếp nhau chống giặc ngoại xâm, phát triển đất nước. Vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ Hà Nội. Và tôi, sẽ vẫn tiếp tục công việc của mình đến khi nào có thể, để làm rạng rỡ Hà Nội, khẳng định sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam trước mọi âm mưu đen tối của kẻ thù”.

Hải Phương