Chuyện của kẻ “lỡ chuyến đò về âm phủ”

ANTĐ - “Đã có lúc, tôi từng nắm trong tay hàng nghìn tỉ đồng. Nhưng khi vụ án Tamexco nổ ra, tôi lĩnh án tử hình, rồi lúc được tha chết, trở về với cuộc đời, tôi ngẫm ra rằng sống thế nào cho đáng sống mới là chuyện quan trọng nhất”. Đó là lời tâm sự của ông Lê Minh Hải, từng bị kết án tử hình rồi sau đó được ân xá, giảm xuống còn tù chung thân, 10 năm cải tạo tốt, ông lại được đặc xá và trở thành một doanh nhân.
Chuyện của kẻ “lỡ chuyến đò về âm phủ” ảnh 1


Cuộc đời không yên lặng

Với tôi, Lê Minh Hải là người từng ở tù “lắm chuyện” nhất mà tôi từng biết. Sóng to gió cả đã thổi đến cuộc đời ông, một con người đặc biệt, từng được gọi là “kẻ lỡ chuyến đò về... âm phủ!” Phải khẳng định, ông là người có tài, tháo vát và một nghị lực phi thường. Ông mang ơn người cha mình, vì người thêm một lần nữa sinh ra ông.

Lê Minh Hải sinh năm 1953 trong một căn chòi lá giữa rừng U Minh, xã Quách Văn Phẩm, huyện Ngọc Hiển. Là con trai duy nhất của Anh hùng Lao động Lê Minh Đức -  một trong những người đầu tiên được Nhà nước cách mạng Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng, và vẫn còn sống đến bây giờ. Năm 1954 Minh Hải theo gia đình tập kết ra Bắc học tập. Từ nhỏ đi học đã nổi tiếng, là một trong hai mươi học sinh miền Bắc được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Tạ Quang Bửu lúc đó gặp gỡ. Từ năm 1970- 1976, Lê Minh Hải sang Liên Xô (cũ) học ngành hàng hải. Về nước ông được lên ngay tàu viễn dương làm máy trưởng trên tàu hơn 10 năm trời. Quãng thời gian đó, hai lần ông bị bắt giam. Lần thứ nhất vào năm 1978, ông bị bắt vì... nhầm người. Lần thứ hai là đầu năm 1982 ông bị bắt tạm giam vì bị nghi đốt tàu, giết người. 6 tháng sau, ông được minh oan. Ra tù, năm 1989 Lê Minh Hải trở thành Giám đốc Nhà máy sửa chữa tàu biển Sài Gòn. 

Tưởng cuộc đời ông sẽ yên ổn, nào ngờ vào ngày 13-10-1995, Lê Minh Hải thêm một lần nữa bị bắt về tội “Tham ô tài sản Xã hội chủ nghĩa” với mức hình phạt cao nhất: tử hình. Những ngày bị giam ở trại Xuân Lộc (Đồng Nai) ông Hải bị cái chết ám ảnh. Ông tâm sự: “3 năm đầu tiên khi tôi bị bắt và bị án tử hình là 3 năm tôi nhớ nhất. 3 năm không được nhìn thấy ánh sáng, đặc biệt là năm thứ 3 khi tôi bị kết án tử hình thì không đi đâu được. Nếu chẳng may đột ngột qua đời do bệnh tật hay tai nạn thì còn dễ chịu, chứ khi mình bị kết án tử hình và chờ ngày chết thì khó chịu vô cùng. Mỗi buổi sáng ai không bị giám thị gọi tên thì coi như mình vẫn được sống thêm một ngày nữa. Còn không, hễ thấy giám thị loảng xoảng mở cửa thì tất cả đều nín thở vì biết rằng có một người trong số họ sẽ ra đi mãi mãi. Chỉ qua mấy đêm bị giam cầm như thế, nhiều người bạc trắng đầu”. 

Thoát án tử hình

Cả cuộc đời cụ Lê Minh Đức cống hiến cho đất nước. Trước án tử hình của con trai duy nhất, lòng người cha như cụ đau xót vô cùng. Cụ bắt đầu tìm cách cứu con. Ngày 4-4-1997, cụ Đức xin gặp Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Cùng với lá đơn của cụ Đức, hơn 300 chữ ký của cán bộ, công nhân viên Nhà máy sửa chữa tàu biển Sài Gòn (nơi ông Hải làm giám đốc từ năm 1989 - 1993) xin tha tội chết cho ông. Ngày 9-9-1997 Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ra quyết định giảm án xuống án chung thân cho Lê Minh Hải. Như từ cõi chết trở về, ông Hải quyết tâm cải tạo, lao động hết mình. Ông mạnh dạn đề xuất làm kinh tế trang trại trong trại giam. Ông nuôi đà điểu, nuôi cá, san ủi đất rừng trồng hàng trăm héc-ta bí đỏ... Đó là những việc trước đây chưa ai làm trong trại giam. Lê Minh Hải còn gây dựng được 50 con đà điểu, hàng chục tấn cá. Trong trại giam, ông Hải tự học tiếng Anh, trau dồi kiến thức chờ ngày làm lại cuộc đời. Mười năm phấn đấu, lao động không ngừng nghỉ cuối cùng công sức cũng được đền đáp. Ngày 2-9-2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký lệnh đặc xá, trả tự do cho Lê Minh Hải, từ đó  có thể hòa nhập và thực hiện khát vọng của mình. 

Khi Lê Minh Hải đi tù nhà bị tịch thu, đất đai bị bạn xấu lấy hết. Ra tù trong người chỉ có 27.000 đồng. Ông ôm cặp, ôm dự án đi vay tiền, nhiều người từ chối. Nhưng ông không nản chí. Ông đã gặp lại những người bạn tốt, giúp đỡ ông trở lại Vũng Tàu lập nghiệp. Ban đầu họ giúp ông làm một ngôi nhà bằng container để trú ngụ. Lê Minh Hải bảo rằng, trước khi đi tù, ông không có một ngày nghỉ phép. Quãng thời gian 10 năm ở tù coi như đi “nghỉ dưỡng”, giờ phải gắng sức làm những gì còn chưa làm được. Ông chia sẻ: “Khi còn ở tù, tôi đã nghĩ đến dự án nuôi cá tầm rồi, mà cái dự án này nhiều người cho là không tưởng. Khi có cơ hội, tôi đã gặp một số bạn bè ở Viện Hàn lâm Ucraina, tôi đã đưa được con cá tầm thành công ở Lâm Đồng, Kon Tum, Tam Đảo...”

Cá tầm là loại có giá trị thương mại cao và trứng cá tầm bán rất đắt, khoảng 1.000 USD/kg, vì nhiều giá trị đặc hữu, có thể sản xuất ra nhiều chế phẩm dược đặc biệt. Tháng 4-2010, ông còn triển khai nuôi cá tầm ở Myanmar. Trên bàn làm việc của ông, nhiều dự án lớn đang chờ thực thi với số vốn đầu tư nhiều tỷ đô la. Đó là những dự án: Căn cứ dịch vụ hàng hải và dầu khí, Dự án cảng Cái Mép, Bến du thuyền...

Đời còn đẹp

Cuộc đời Lê Minh Hải từng có nhiều cay đắng, nhưng ông có một người vợ giàu đức hy sinh, điều đó đã giúp ông có chí hướng cải tạo tốt, làm lại cuộc đời. Bà đã làm tốt nhiệm vụ chăm sóc gia đình khi ông ở tù. Cả hai người con trai của ông đều đang du học tại Mỹ, một đang làm tiến sĩ. Trước kia, ở trong tù ông đã hay hát. Sau đó ra tù, ông vẫn thường cất lên tiếng hát, bằng giọng hào sảng và yêu đời. 

Trở lại với đời, Lê Minh Hải luôn nhiệt tình tham gia các quỹ từ thiện xã hội. Ông cũng là thành viên xây dựng nên Quỹ Hoàn lương, giúp những người đã chấp hành xong hình phạt tù có cơ hội làm lại cuộc đời. Lê Minh Hải diện đồ bò như thời trai trẻ, lúc nào cũng đội mũ phớt trên đầu, nụ cười luôn nở trên môi. Ông là con người của công việc, của dự án táo bạo, của tương lai, của cái gì đó rất bao dung mặc dù cuộc đời ông quá nhiều cay đắng và thăng trầm.