Chưa phải dấu chấm hết

ANTĐ - Anh Lê Hùng Duyệt có trang trại nhỏ bên rìa làng Cẩm Du, xã Thanh Lưu (Thanh Liêm - Hà Nam), hoa màu thu hái được hàng năm cũng tạm đủ ăn. Nỗi vất vả vẫn đeo bám, quá khứ tù tội thi thoảng khiến anh tiếc nuối, song anh đã cố gắng để cuộc đời mình tươi sáng và có ích hơn.

Chưa phải dấu chấm hết ảnh 1Anh Duyệt (bên trái) tâm sự về kế hoạch thả cá cho năm sau

Tai họa từ đâu giáng xuống

Anh chẳng phải phường trộm cướp, cũng chẳng phải kẻ ăn chơi trác táng. Anh là một người nông dân làm trang trại kiếm cái ăn. Thế rồi chính công việc của người nông dân ấy lại hại anh, đẩy anh vào tình thế khổ sở. Anh Duyệt kể rằng, độ đó gia đình anh quá túng bấn, bao nhiêu vốn liếng dồn vào cải tạo đất nên muốn kéo điện về chỉ đủ tiền mua một dây. Với số dây điện đó, anh đấu nối kéo pha nóng (dây nóng) về, còn pha lạnh (dây lạnh), anh lấy luôn từ dưới ao. Tuy bóng điện có sáng nhưng chập chờn, lúc yếu lúc khỏe. “Nhưng nếu chuyện chỉ có thế thì đã chẳng gây cho tôi bao nhiêu rắc rối các anh ạ. Tôi vừa mắc được chưa lâu thì một đêm, có một người mất trí, chẳng hiểu đi lang thang vấp vào pha lạnh nên bị điện giật chết. Sáng hôm sau tôi ngủ dậy ra vườn rau thì phát hiện người này đã nằm bất động. Tôi đi báo công an ngay tức khắc, nhưng rồi đến trưa thì tôi bị bắt. Người đàn ông chết vì điện giật đó chẳng hiểu người địa phương nào, vì không ai đến nhận. Gia đình tôi đã chôn cất rất tử tế, hương khói đầy đủ”, anh Duyệt nghẹn ngào.

Năm 2004, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam kết án anh Duyệt 7 năm tù về tội giết người. Anh đã làm đơn kháng án, Tòa án Nhân dân tối cao về, xử y án, cải tạo tại trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình). Ở trại giam, anh Duyệt luôn day dứt về sai lầm của mình, chỉ vì thiếu hiểu biết, từ một người nông dân, anh đã trở thành kẻ mang án giết người, lúc nào anh cũng tự nhắc mình phải cải tạo tốt, hướng đến ngày trả xong án, trở về với vợ con. Vì là người hiền lành, chất phác, lại cải tạo tốt nên anh được đặc xá trước 2 năm. Ngày ra trại, anh em họ hàng, vợ con đến tận cổng trại đón, lúc anh bước ra phải chống nạng vì bị thần kinh tọa. Ấy vậy, những ngày đầu trở lại làm người dân bình thường của anh cũng đầy khó khăn và ngỡ ngàng. Nào là có phần bị kỳ thị, rồi nỗi mặc cảm day dứt. Ngay cả chuyện bắt tay vào làm nông nghiệp cũng khó khăn, vì như lời anh nói “người dân đã tiến rất xa về kỹ thuật, còn mình như… ngố rừng!”. Nhớ lại ngày đó, chị Vinh vợ anh bày tỏ: “Anh ấy xác định trả nợ xong thì phải cố mà làm ăn. Nhưng cuộc sống trầy trật quá. Khi ra tù anh ấy khá mặc cảm. Muốn làm ăn thì vay vốn không được. Nhiều người dè chừng chẳng dám đưa cho người vừa ra tù một đồng!”.

Quyết định quay lại trại giam

Anh Duyệt kể rằng, lúc anh về quê, trang trại gần như bị bỏ hoang cho cỏ mọc vì vợ anh không đủ sức chăm sóc. Tất cả 7 người phải trú ngụ trong chiếc lều thông thống gió ngoài rìa làng và sát cánh đồng mênh mông. Sáu tháng đầu tiên tái hòa nhập cộng đồng, việc đầu tiên anh Duyệt làm là cùng vợ con làm cỏ, cải tạo lại mảnh đất bị bỏ hoang mấy năm. Do bí vốn, chẳng có cách nào đầu tư làm ăn, anh quyết định quay trở lại... trại giam. Làm gì vậy? Anh Duyệt bảo, vào đó nhờ các giám thị giúp đỡ. Anh vào trại nhờ các giám thị cho kết hợp trồng dưa vàng. Công việc ở đó cũng chỉ gói gọn trong 6 tháng, đủ thời gian để thu hoạch dưa. Nói chung, công việc khá thuận lợi, đồng thời được giúp đỡ nên anh đã có một số vốn nho nhỏ để về mua cá giống, gà, vịt giống, làm trang trại… có sức sống.

Khi công việc ở trang trại đã tạm ổn, anh giao cho vợ quán xuyến chính, còn mình “chạy đi chạy lại”, nhận thêm các công trình xây dựng và tổ chức thợ xây cất. Tuy nhiên, do bị đọng vốn nên anh quyết định đầu tư sâu cho trang trại. Nuôi nào cá, lợn, gà, nào chim bồ câu, rồi thả sen, thả cá, xin thêm đất bỏ không vụ đông để trồng đậu tương. Rồi anh lại nhận trông nhà văn hóa, trường mầm non của làng để có thêm thu nhập. Hỏi chuyện, anh vui vẻ nói: “Đói thì phải bốc bằng nhiều tay chứ!”.

Trước câu hỏi, lúc ra trại giam, khó khăn lớn nhất là gì, anh Duyệt nói ngay: “Lúc tôi ra cũng lạc lõng lắm, cứ như người rừng về, nhận thấy mọi thứ đã thay đổi. Tôi cũng mặc cảm và cũng thấy mình bị xa cách. Khi không vay được ai thì đành phải dựa tất cả vào sức lực của mình. Tôi phải nói là, người từ trại giam thường tự ti mặc cảm vì nghĩ mình đã trở thành con người khác, dễ bị nổi nóng, kích động. Nếu không có sự động viên thì dễ lệch lạc, nghĩ tiêu cực, sa đà rồi dễ tái phạm tội lắm! Cũng may tôi đã chẳng phạm sai lầm gì thêm”.

Năm nay anh Duyệt bước sang tuổi 59. Cũng phải nói thêm rằng, anh sinh ra trong gia đình đông anh em là một nhẽ, nhưng anh Duyệt luôn biết nhường nhịn mọi người. Lớn lên, anh đi học cơ khí và làm công nhân tại Xí nghiệp đá vôi số 1 (Bộ Xây dựng), rồi năm 1983 đi bộ đội, năm 1985 thì xuất ngũ. “Tôi đã kịp cưới vợ từ năm 1984 và lúc xuất ngũ thì cũng đã có con. Tôi lại tiếp tục trở lại cơ quan cũ để làm việc. Xét thấy công việc cũng vất vả, mà đồng lương thì chẳng tương xứng, vợ con vẫn khổ nên năm 2003 tôi về quê thuê ruộng, thuê đầm cải tạo làm trang trại. Và đó cũng là nơi xảy ra sự việc”, anh Duyệt tâm sự.

Chưa phải dấu chấm hết ảnh 2Anh Duyệt chặt chuối cho cá ăn

Đời đang mở ra những cơ hội

Anh Duyệt có 5 người con thì 2 người đã trưởng thành, người con út còn đi học. Giờ trên trang trại 1,5 ha của gia đình, anh cày sâu cuốc bẫm, chịu thương chịu khó, cố vực dậy kinh tế và chăm lo cho vợ con. “Hoa màu đang sinh sôi, tôi nghĩ là vợ chồng chúng tôi sẽ sống được. Để tận dụng quãng thời gian còn khỏe, tôi đã cố gắng làm bằng hai người bình thường. Đời đang mở ra cho tôi cơ hội mà”, anh Duyệt khẳng định.

Cơ hội mà anh Duyệt nói không chỉ là hoa màu trên trang trại gia đình đang cho thu hoạch. Cá dưới ao cũng đến kỳ tát bán, mà vợ anh, chị Nguyễn Thị Vinh rất ủng hộ công việc của chồng. 

Nói về anh Duyệt, ông Lê Quang Vinh, Trưởng công an xã Thanh Lưu, tâm sự: Anh Duyệt trở về được chính quyền địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện nên tiếp tục làm trang trại, làm bảo vệ trường học. Về cơ bản anh ấy là người tốt, giờ chỉ quan tâm đến chuyện làm ăn.

Những tháng cuối năm, mùa đông gió bấc, vợ chồng anh không phải sống trong căn lều ọp ẹp nữa. Họ đã làm được căn nhà cấp bốn đủ để chống chọi với gió mưa và làm lụng trên trang trại của mình. Bản thân anh Duyệt, những lúc khó khăn nhất thì đã luôn chọn cách đối mặt, dựa vào sức mình, thay vì ngồi một chỗ than vãn thì anh hành động. Dù trang trại, như anhnói vẫn thuộc dạng… nông dân thôi, nhưng cũng đã được cải thiện nhờ những  mày mò sáng kiến của anh. Nhờ học cơ khí, có kiến thức nền nên anh Duyệt đã cải tiến được máy cắt cỏ, chế tạo máy thái thân chuối, máy bơm để đỡ phải dùng sức người. Nếu trước đây để băm một cây chuối anh phải mất cả giờ đồng hồ, thì nay với chiếc máy thái có thể làm xong trong 2 phút. Do đó, vợ chồng anh cũng đỡ vất vả.