Chống tội phạm “ngoại” ngay từ cơ sở

(ANTĐ) - Đấu tranh chống tội phạm và tội phạm có yếu tố nước ngoài nói riêng là công việc thường xuyên, liên tục của lực lượng công an. Nhưng có thể nói, công tác này sẽ chỉ hiệu quả hơn, khi mà hành lang pháp lý được hoàn thiện chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất phục vụ công tác đấu tranh.

Phức tạp tội phạm người nước ngoài - kỳ cuối:

Chống tội phạm “ngoại” ngay từ cơ sở

(ANTĐ) - Đấu tranh chống tội phạm và tội phạm có yếu tố nước ngoài nói riêng là công việc thường xuyên, liên tục của lực lượng công an. Nhưng có thể nói, công tác này sẽ chỉ hiệu quả hơn, khi mà hành lang pháp lý được hoàn thiện chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất phục vụ công tác đấu tranh.

>>> Phức tạp tội phạm người nước ngoài

Kiểm tra cơ sở lưu trú có người nước ngoài là biện pháp tốt để phòng ngừa tội phạm
Kiểm tra cơ sở lưu trú có người nước ngoài là biện pháp tốt để phòng ngừa tội phạm

Thiếu thông tin

Đánh giá của cơ quan nghiệp vụ Bộ Công an cho thấy, công tác quản lý người nước ngoài và các hoạt động liên quan còn chưa chặt chẽ và nhiều bất cập, nhiều khi còn chồng chéo giữa các đơn vị chức năng. Không ít trường hợp cấp cơ sở không báo cáo kịp thời thông tin người nước ngoài tạm trú tại địa phương; nhiều trường hợp chủ cơ sở lưu trú tiếp nhận cả người nước ngoài không có hộ chiếu, giấy tờ hoặc quá hạn tạm trú.

Một “lỗ hổng” đã được nhìn thấy lâu nay, là sự phối hợp giữa các lực lượng trong quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú, quản lý đi lại đối với người nước ngoài còn chưa chặt chẽ, đặc biệt là phối hợp trao đổi thông tin, dẫn đến khi xét duyệt nhân sự, cấp, sửa đổi, bổ sung thị thực, tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú, hoạt động tại Việt Nam và xử lý khi họ vi phạm pháp luật bị thiếu thông tin. Dẫn chứng mới đây là vụ Nam Kuk Hyeon, đối tượng người Hàn Quốc bị Interpol Hàn Quốc ra lệnh truy nã “đỏ” vào tháng 2-2010 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi lừa chiếm được hàng trăm ngàn USD tại Hàn Quốc, biết bị truy bắt gắt gao, Hyeon đã trốn chạy sang Việt Nam. Tại Việt Nam, Hyeon ung dung xin vào làm tại một doanh nghiệp liên doanh, trụ sở tại Hà Nội. Chân tướng của kẻ trốn lệnh truy nã “đỏ” này sau đó đã bị CSHS CATP Hà Nội phát hiện; Hyeon bị bắt khi đang chơi bời tại một quán karaoke trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa. Vụ việc Nam Kuk Hyeon là một thực tế cho thấy, đã có không ít đối tượng phạm tội người nước ngoài lọt vào Việt Nam, hay đối tượng người Việt Nam phạm tội rồi bỏ trốn ra nước ngoài, sau nhiều năm đã tìm cách quay trở về Việt Nam, trong vỏ bọc của những doanh nhân thành đạt và phải rất lâu chúng mới bị phát hiện.

...Và vô số những khó khăn

Tại hội thảo về công tác đấu tranh chống tội phạm có yếu tố nước ngoài tổ chức đầu tháng 4 vừa qua, đại diện các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an có chung nhận định là hệ thống pháp luật trong nước chưa thực sự đồng bộ, chưa thay đổi kịp so với tình hình, chưa tạo được hành lang pháp lý thật sự thuận lợi cho các lực lượng thi hành pháp luật. Đối với các biện pháp điều tra quy định trong Luật Tố tụng hình sự, do sự phát triển nhanh chóng của các loại tội phạm xuyên quốc gia, nhiều biện pháp điều tra mới cần được bổ sung như biện pháp ngoại giao, vấn đề vật chứng, nhân chứng, nạn nhân…

Tuy nhiên, thực tế, trong các điều luật chưa có những quy định cụ thể về chế định, chế tài cụ thể để triển khai các biện pháp này. Bên cạnh đó, trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có nhiều các văn bản hướng dẫn thực hiện triển khai các bộ luật, Nghị định liên quan đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mới như rửa tiền, lừa đảo xuyên quốc gia, buôn người, tội phạm sử dụng công nghệ cao…

Khi bắt người nước ngoài phạm tội, ngoài việc tuân theo các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự còn phải tuân theo quy định của các văn bản pháp luật khác. Đó là chưa kể những trường hợp phạm tội có địa vị pháp lý khác nhau thì thẩm quyền, thủ tục bắt họ cũng khác nhau. “Cũng là động thái bắt giữ tội phạm, nhưng thực tế, CQĐT “ngại” nhất khi “đụng” phải án có yếu tố nước ngoài”, một điều tra viên cơ quan CSĐT CATP Hà Nội tâm sự. Khi tiến hành bắt khẩn cấp hoặc bắt bị can để tạm giam thường phải có người phiên dịch. Nhưng người phiên dịch của ta còn ít, còn khả năng ngoại ngữ của lực lượng tiến hành bắt lại hạn chế. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, người tham gia tố tụng được quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, vì thế một số đối tượng người nước ngoài đã lợi dụng điểm này, dù biết tiếng Anh nhưng họ vẫn cứ dùng ngôn ngữ bản địa giao dịch với cơ quan điều tra.

Được biết, trong lĩnh vực hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm, hiện nay Chính phủ Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định Tương trợ tư pháp về vấn đề hình sự và dân sự, 1 Hiệp định dẫn độ tội phạm với 16 quốc gia. Tuy nhiên, do những thay đổi về kinh tế, chính trị của những nước này nên các hiệp định trên, một số không còn hiệu lực. Trong khi đó, một số nước Việt Nam cần tăng cường hợp tác như các nước ASEAN, các nước trong khu vực châu Á, một số nước có đông cộng đồng người Việt sinh sống như Mỹ, Australia, Canada… cho đến nay lại chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ tội phạm.

Đại diện Văn phòng Interpol Việt Nam nhấn mạnh: “Từ cuối năm 2007, Chính phủ Việt Nam đã miễn thị thực cho những người Việt Nam sống ở nước ngoài nên việc ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm với các nước liên quan nêu trên là cấp bách, rất cần thiết nhằm giúp cho các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam có cơ sở pháp lý trong hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia”.

Một mấu chốt quan trọng còn thiếu hiện nay, là việc xây dựng lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Tại các địa phương chưa có lực lượng chuyên trách điều tra phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, dẫn đến kết quả điều tra khám phá các loại tội phạm này còn bị động.

Hơn nữa trình độ ngoại ngữ, kiến thức, kinh nghiệm trong đối ngoại, hiểu biết về pháp luật quốc tế, kỹ năng sử dụng các loại phương tiện máy móc cùng với việc trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ việc giải quyết các vấn đề về tội phạm mới của cán bộ thực thi pháp luật nói chung còn rất hạn chế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ điều tra ở cơ sở. Vấn đề này đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng xử lý những vụ án do các đối tượng là người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam, khiến loại tội phạm này có thêm điều kiện để trở nên phức tạp.                 

Hoàng Quân