Chị đã từng sống những tháng ngày khinh bỉ nhất

ANTĐ - Chị đã từng sống dưới đáy xã hội, nghiện ma túy, làm gái bán hoa, ra trại rồi vào trại, đã bỏ ngoài tai bao nhiêu lời động viên, khuyên răn để lún sâu vào những việc làm tội lỗi, đáng khinh bỉ nhất, sống không cần biết ngày mai. Tất cả, mà chính bản thân chị cũng cho rằng mình là kẻ bỏ đi, sống không bằng chết. Ấy thế mà hôm nay, chị đã sống, dường như sống bằng tất cả những khao khát sống thiện mà tuổi trẻ chị chưa làm được. Chị là Tâm si đa (Trương Thị Hồng Tâm), người phụ nữ “bỗng dưng nổi tiếng” khi bước ra từ cuốn hồi ký của mình: Tâm si đa vượt lên cái chết.

Hận thù và gục ngã

Cuộc đời chị là một hành trình dài lê thê những nỗi thống khổ, nhục nhã, nó cuốn lăn tất cả những ước mơ sống thiện thỉnh thoảng le lói trong chị. Mẹ chị là vợ lẽ, nhưng rồi cha chị lại bỏ mẹ đi tìm người đàn bà khác, mẹ chị cũng bỏ đi ngay sau đó, để lại bốn đứa con nheo nhóc nơi nhà trọ khi đứa út vẫn còn đang ẵm ngửa. Bé Tâm chỉ còn cách đi ăn cắp cơm nguội, đi xin sữa về nuôi các em, sẵn sàng hứng chịu những lời sỉ vả cay nghiệt. May nhờ chủ nhà tốt bụng, đánh điện tín kêu người cha về đón con. Nhưng cuộc sống với cha cũng không khá hơn: “Nhìn cảnh các con riêng của ba được ẵm bồng chăm sóc, nghĩ đến mình, đến các em, tôi thật uất ức. Cớ sao tôi phải đi ở đợ hết nhà này đến nhà kia, bị dụ dỗ, sàm sỡ, suýt nữa bị hãm hiếp…” - chị viết về tuổi thơ của mình như thế. Hết “lưu lạc theo cha” rồi lại “trốn nhà tìm má”, rồi cũng đến lúc chị không còn tìm thấy đường về khi sợi dây tình cảm mong manh kia cũng dần bị cắt đứt, chị bắt đầu bị dòng đời xô ngã. “Tôi xin ba tiền đóng đủ loại học phí. Ba còn mua chiếc xe Honda để tôi đi học vì tôi nói muốn học hết tú tài. Thật ra tôi không đi học mà lấy tiền đó để ăn chơi thỏa thích, để trả thù đời… Tương lai ư? Làm gì có! Ba tôi có quá nhiều vợ, má cũng nhiều chồng, có ai quan tâm chăm sóc chúng tôi đâu. Tôi sống với băng nhóm, cùng chia sẻ làn khói trắng đê mê, sống vội vã để quên đi tuổi thơ mất mát, khổ đau…

Tôi tự do sống trong nỗi dày vò của lòng căm phẫn và ý nghĩ trả thù. Nhưng sâu thẳm trong lòng tôi vẫn luôn âm ỉ một khát khao là có một mái ấm gia đình, nơi có ba má, chị em tôi sống cùng nhau, được quây quần quanh mâm cơn, ba gắp cho món này, má gắp cho món kia… Tôi ước được nghe một lời khen ngợi, vỗ về từ ba, từ má, thậm chí còn mơ được ba má bắt nằm xuống, nhịp roi vào mông đánh đòn mỗi khi làm điều sai quấy”.

Cứ thế, 14 tuổi chị đã trở thành con nghiện có hạng, có thể làm mọi thứ nhơ bẩn để đáp ứng những cơn nghiện, từ trộm cắp, cướp giật, móc túi, lừa đảo, rồi lớn thêm một chút thì đi bán trinh, từ đó trở thành gái mại dâm đứng đường, bán dâm để hút chích, để có tiền nuôi các em. “Càng bước càng lún sâu”, chị bắt đầu sống cuộc sống không phải của con người. Không biết bao nhiêu lần vào trại, rồi lại ra trại, rồi lại trốn trại, lao động cải tạo, bỏ ngoài tai tất cả những lời động viên, những lời khuyên và cả sự giúp đỡ… chị cứ trượt dài trong nỗi ê chề của gái bán dâm và nghiện ma túy, tưởng như không thể thoát ra được. “Có nhiều người che chở tôi trên đường trốn trại, rồi căn dặn tôi cố gắng tìm việc gì đó để làm ăn, đừng sống cuộc sống cũ nữa. Nhưng cuộc đời đâu dễ dàng chấp nhận tôi, một con bé vừa nghiện ma túy, vừa làm mại dâm! Cứ về Sài Gòn tôi lại tới khu Lê Lai, lại đi ngay vào động chích ma túy. Tôi chích cho quên cuộc đời. Tôi hận nhiều người, hận chính bản thân tôi”.


“Nếu không, đời tôi đã thối hoắc ra rồi”

Đến nay, Trương Thị Hồng Tâm với cái biệt danh Tâm “si đa”, người phụ nữ 56 tuổi này đã quá quen thuộc với những kiếp đời cơ nhỡ ở TP Hồ Chí Minh. Chị và các thành viên nhóm giáo dục viên đồng đẳng đã có mặt ở từng ngõ phố, để “tìm lại cuộc đời” cho những con người đang bị xã hội quay lưng, giống như chị mấy chục năm trước. 

Đó là năm mà chị Tâm ngoài 30 tuổi. Một hôm đang “ngáp ruồi vì ế khách” một nhóm thanh niên tới, tưởng khách, hóa ra họ “toàn đến nói chuyện trên trời dưới đất, si đa si điếc gì đó”. Bực mình vì không có tiền, chị trút cơn giận vào họ. Nhưng không nản, họ cứ chào ra về rồi mấy hôm lại đến, Tâm cứ tưởng khách tìm thì mừng thầm, nhưng hóa ra lại mấy người nói chuyện si đa. Rồi họ rủ chị đoạn tuyệt quá khứ đi làm công tác xã hội như họ, vì thấy chị cũng có khiếu ăn nói.

Đêm ấy, Tâm thấy thời làm gái của mình đã hết. Chị đi ngủ đêm với khách, bị mười mấy thằng làm hội đồng, còn bị lột sạch quần áo. “Liên tục một tuần lễ tôi ế khách, nợ chồng nợ chất, không còn cách để xoay xở. Tôi lại nghĩ đến chái chết. Có lẽ chết là sướng nhất. Chết là thoát nợ đời…” Nhưng rồi “đám si đa” lại đến, lại thuyết phục, và thế là chị gật đầu để “thử thời vận”… Vượt qua tất cả những cười nhạo, chế giễu của bạn bè giang hồ, chị đã trở thành nhân viên công tác xã hội, chuyên tiếp cận gái mại dâm, đối tượng nghiện hút để tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Nhận những đồng lương đầu tiên sạch sẽ, do chính công sức mình làm ra, chị đã khóc: “Nhớ lại lần đầu ký tên lãnh lương, tôi cầm cây viết mà run run xúc động không biết viết tên mình như thế nào. Ký tên xong bước ra khỏi phòng kế toán, tôi cứ đếm đi đếm lại ba trăm ngàn đồng trên tay. Đếm hoài không biết mỏi. Nước mắt chảy dài. Lần đầu tiên trong đời cầm số tiền do chính mồ hôi nước mắt của mình tạo ra, tôi cảm thấy sung sướng và tự hào với đồng tiền rất ư là trong sạch…”

Nhưng làm người tốt thật khó. Đã có lúc chị muốn quay lại đường cũ, có lần đã mua ma túy về chơi lại… Hạnh phúc nhỏ nhoi chị có được với người đàn ông cùng cảnh ngộ cũng ngắn ngủi vì anh sớm ra đi do căn bệnh thế kỷ. Nhưng nghĩ đến cảnh những người sống bụi đời, vô sản đến mức đi thuê từ cái bàn chải đánh răng, khi được tặng bàn chải riêng cũng không nhận, vì chẳng biết cất chúng ở đâu, chị thấy cuộc sống hiện tại của mình vẫn tốt đẹp hơn. Và chị đã vượt lên tất cả: “Xã hội giúp mình một tay, thì tay kia cũng phải ráng gượng nương theo để đứng dậy. Còn nếu không thì đời tôi đã thối hoắc ra rồi” - chị cười và nói với tôi như vậy.

Viết sách để... nuôi các con

Cuốn hồi ký chị được giới thiệu, nhiều người đọc phải khóc. “Đúng ra tôi không dám viết cuốn hồi ký này, bởi cuộc đời tôi không lấy gì tốt đẹp. Những khó khăn và tồi tệ nhất trên đời, tôi đã trải qua. Hận thù và nông nổi đã giết chết tuổi trẻ của tôi”. Nhưng rồi chị đã viết, viết vì cái mục đích trước tiên rất là bình dị, “để có tiền mua một mảnh đất cho các con, đỡ phải đi thuê”, rồi sau đó là ước vọng giúp ai đó tránh được những va vấp như mình. “Hồi khoảng năm 2000, khi tôi làm cho Ủy ban phòng chống AIDS TP Hồ Chí Minh, chị Petra người Đức nghe được câu chuyện của tôi, khuyến khích tôi viết một cuốn hồi ký, in thành sách để lấy tiền trang trải. Sẵn sự động viên của mọi người, tôi cũng muốn viết một cuốn, biết đâu nhờ đó có được cái nhà, tờ giấy CMND lận lưng. Tôi cũng muốn nhìn lại quá khứ”. Chị cũng bảo: “Biết đâu, nhờ cái tôi viết và trăn trở cho chính những người cùng cảnh ngộ, họ sẽ thay đổi, không còn sợ hãi nữa mà biết chống tay đứng lên…”.

Thế là chị bắt tay vào viết, từ năm 2001, bằng máy vi tính. Chị cứ viết, mỗi ngày viết được vài dòng, vài trang, nhớ cái gì thì viết cái đó, có câu chuyện thoáng qua, nhưng cũng có tới câu chuyện chị kể đi kể lại đến mấy lần vì nó quá ám ảnh. Cuối cùng sau chục năm thì cuốn hồi ký mới hoàn thành, và đến hôm nay thì nó được biên tập lại và giới thiệu ra công chúng. 

Hiện tại chị và 4 đứa con nuôi (trong đó có 3 đứa nhiễm HIV) vẫn phải thuê nhà,  buổi sáng, chị đưa bọn trẻ đi học, rồi về cơm nước, đón chúng về. Thời gian còn lại chị đi làm tuyên truyền, làm giúp việc theo giờ để kiếm thêm tiền phụ việc thuê nhà và nuôi con. Chị làm tốt nên cứ người này giới thiệu người kia, thế nên thu nhập ấy cộng với khoản tiền được một cha sứ hảo tâm người Nhật giúp đỡ chị lo tạm đủ cho các con. Chị bảo, chỉ sợ một ngày gục xuống vì bệnh tật, khi ấy ai sẽ lo tiền thuê nhà, cơm nước cho các con của chị. Thế nên ước mơ của chị là mua được một mảnh đất, chỉ cần ở ngoại thành xa xôi cũng được, để đỡ được khoản tiền thuê nhà. Chị còn cười: Tiền các nhà hảo tâm quyên góp, rồi tiền viết sách, tôi cũng chưa dám lấy về, vì sợ lấy rồi tiêu mất, không để dành được mà mua đất.

Chị cũng tâm sự một ước mơ mà 20 năm sống thiện vẫn chưa làm được, đó là làm một tấm chứng minh thư nhân dân. Chưa có nhà, chưa có hộ khẩu nên chính quyền địa phương không thể làm chứng minh cho chị. Không có chứng minh, chị  không thể xin được một công việc đàng hoàng cho mình…